TQ kiếm tiền từ du lịch trái phép ở Biển Đông thế nào?
Thay vì kinh tế bị ảnh hưởng vì tranh chấp khu vực, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang kiếm bộn tiền nhờ hoạt động du lịch trái phép ở Biển Đông.
Khách Trung Quốc chụp ảnh trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia đang cố lí giải phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết vụ kiện Biển Đông từ góc nhìn chính sách an ninh khu vực của Bắc Kinh. Tuy nhiên, một khía cạnh khác đang bị bỏ qua, đó là sự xuất hiện ngày một nhiều của những công ty du lịch quốc doanh Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoài công nghiệp quốc phòng hưởng lợi từ tranh chấp Biển Đông, những doanh nghiệp du lịch nhà nước khác ở Trung Quốc đang thu lời mỗi ngày từ vùng biển trù phú này.
Thông thường nếu một khu vực có tranh chấp, khả năng để ngành du lịch ở đó phát triển là rất thấp. Tuy nhiên với những công ty du lịch Trung Quốc cung cấp tour tới Biển Đông, điều này là không chính xác.
Video đang HOT
Một ngày sau khi tòa quốc tế The Hague đưa ra phán quyết lịch sử, hai máy bay của hãng hàng không Phương Nam và Hải Nam đã bay trái phép từ Hải Khẩu tới đáp ở đá Vành Khăn và đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Hai hãng hàng không này đều là những doanh nghiệp nhà nước.
Một đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Các học giả cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang lên kế hoạch khai thác đường bay và tuyến du lịch sau khi những đảo nhân tạo bồi lấp trái phép hoàn thành tại Biển Đông.
Trước đây, các công ty lữ hành Trung Quốc từng mở dịch vụ trái phép ở quần đảo Hoàng Sa. Năm 2012, doanh nghiệp địa phương mang tên Hainan Strait Shipping đã giới thiệu dịch vụ du lịch tàu biển trái phép Coconut Fragrance Princess tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ban đầu tàu du lịch này lỗ nặng và được chính quyền trợ cấp. Tuy nhiên sau khi cảng Tam Á hoạt động từ tháng 9.2014 và đài quan sát ven bờ được xây dựng, doanh thu đã cải thiện.
Tàu du lịch Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Những hoạt động du lịch ở Biển Đông gắn liền với chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc. Một trong những nghi thức bắt buộc của các chuyến du lịch này là lễ chào cờ và đọc lời cam kết. Trung Quốc tin rằng hoạt động thúc đẩy du lịch trái phép ở Biển Đông sẽ tăng cường cái gọi là “chủ quyền” của nước này trong khu vực.
Hiện đã có hơn 1 vạn khách du lịch Trung Quốc tới thăm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những tour lữ hành kiểu này càng được chính phủ Trung Quốc ủng hộ sau phán quyết Biển Đông.
Nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc khác cũng đang thể hiện sự quan tâm với tiềm năng du lịch ở Biển Đông. Tháng 4.2016, tập đoàn tàu thủy Cosco Trung Quốc thành lập công ty lữ hành tàu biển lớn với đối tác là Tập đoàn Dịch vụ Du lịch Trung Quốc và Tập đoàn Xây dựng và Viễn Thông Trung Quốc (CCCC).
Tập đoàn Cosco đang tìm kiếm cơ hội mở rộng du lịch trái phép từ quần đảo Hoàng Sa tới Đài Loan và những hòn đảo khác với các quốc gia láng giềng dưới tên gọi “Con đường tơ lụa trên biển”.
Trong một lần trưng bày tàu du lịch Nam Hải Trung Quốc, chủ tịch hội đồng quản trị và CEO tập đoàn Cosco Hứa Lập Vinh nhấn mạnh tour du lịch Biển Đông là một phần phát triển của công ty. Ông Hứa cũng nói hoạt động trên cái gọi là “một vành đai, một con đường” là trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Ý tưởng “Một vành đai, một con đường” được bắt nguồn từ lịch sử như là sự tồn tại một con đường tơ lụa trên bộ và một con đường tơ lụa trên biển kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu. Nhiều chuyên gia hoài nghi về ý định thực sự của ý tưởng này.
Show diễn trên tàu du lịch tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Sự tham gia của những doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở Biển Đông gắn tới hai nhiệm vụ của họ: kiếm tiền và giúp Trung Quốc đạt được những mục tiêu chính trị- xã hội quan trọng. Bằng việc đưa Biển Đông trở thành một phần trong chiến lược phát triển của Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước buộc phải tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch này.
Sau phán quyết của tòa quốc tế, Bắc Kinh liên tục kêu gọi các doanh nghiệp quốc doanh đầu tư vào Biển Đông để tăng vị thế và củng cố yêu sách chủ quyền trái phép. Tuy nhiên, sự mở rộng lợi ích của những doanh nghiệp nhà nước sẽ chỉ khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế lưỡng nan: tuyên bố không làm phức tạp tình hình khu vực nhưng ngày đêm rầm rộ đưa dân trái phép ra Biển Đông.
Theo Quang Minh – SCMP (Dân Việt)