TQ công bố nhiều vũ khí hiện đại mới ở duyệt binh 70 năm quốc khánh
Trung Quốc sẽ lần đầu giới thiệu hàng loạt vũ khí thế hệ mới như tên lửa đạn đạo DF-41, tàu ngầm không người lái, đầu đạn siêu vượt thanh DF-17 và nhiều vũ khí khác tại diễu binh.
Được sản xuất trong nước, quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị giới thiệu một số vũ khí tối tân mà thế giới chưa từng thấy, trong cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc vào ngày 1/10 tới.
Theo CNN, khoảng 15.000 binh sĩ, hơn 160 máy bay và 580 thiết bị quân sự các loại sẽ là phần chính trong cuộc diễu binh kéo dài 80 phút ở thủ đô Bắc Kinh. Nó sẽ làm nổi bật những tiến bộ quân sự của Trung Quốc trong 70 năm qua, kể từ khi nước này được thành lập năm 1949.
Điểm mấu chốt trong cuộc diễu binh lần này là công nghệ máy bay không người lái. Bắc Kinh cũng tự hào có một số hệ thống tên lửa tốt nhất thế giới. Thiếu tướng Tan Min, phó chỉ huy diễu hành quân sự, đồng thời là tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Quân khu trung tâm, cho biết trong các vũ khí được sản xuất tại Trung Quốc, nêu bật khả năng đổi mới trong nghiên cứu và phát triển quốc phòng.
CNN đã liệt kê một số vũ khí có thể lần đầu xuất hiện tại cuộc diễu binh vào ngày 1/10.
Phần lớn sự cường điệu của cuộc diễu binh tập trung vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41. Nó sẽ là trụ cột sức mạnh của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc (PLARF) trong nhiều năm tới và được quảng bá là tên lửa mạnh nhất hành tinh.
Hình ảnh tên lửa được cho là DF-41 chuẩn bị cho lễ diễu binh vào ngày 1/10. Ảnh: Twitter/Dafengcao.
DF-41 được phát triển từ năm 1997. Nó từng được đồn đoán sẽ xuất hiện trong các cuộc diễu binh vào năm 2015 và 2017, nhưng cuối cùng nó đã không xuất hiện.
Tin đồn về việc tên lửa DF-41 sẽ được công khai trong diễu binh năm nay, sau nhiều thông tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng tên lửa được phát hiện trong quá trình tập luyện cho diễu hành ở Bắc Kinh vào đầu tháng 9.
Dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế (CSIS), nói tên lửa DF-41 có tầm bắn trên 15.000 km, xa hơn bất kỳ ICBM nào trên Trái Đất. Tên lửa có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân nhắm mục tiêu độc lập. Kể từ khi được phóng đi từ Trung Quốc, về mặt lý thuyết, DF-41 có thể tấn công lục địa Mỹ trong vòng 30 phút.
Tên lửa DF-41 có thể phóng từ xe phóng di động chuyên dụng, hoặc tàu hỏa. Các ảnh chụp vệ tinh vào đầu năm cho thấy các bệ phóng di động của DF-41 trong khu vực huấn luyện Jilintal ở Nội Mông, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS).
Hans Kristensen, chuyên gia phân tích tại FAS, cho biết ảnh vệ tinh cũng cho thấy cái gì đó rất giống silo dành cho ICBM phóng từ trong lòng đất. Ông Kristensen nói rằng các silo có vẻ giống với các silo dành cho ICBM của Nga hơn là các silo cũ dành cho tên lửa nhiên liệu lỏng.
Tên lửa DF-41 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn như Topol và Yars của Nga. Trong khi đó, ICBM chủ lực của Mỹ là Minuteman III sử dụng nhiên liệu rắn. Tuy nhiên, nó chỉ có thể mang một đầu đạn hạt nhân, vì thiết kế 3 đầu đạn của tên lửa bị giới hạn theo hiệp ước với Nga.
Trung Quốc có thể đã đưa vào hoạt động một số tên lửa DF-41, ít nhất 18 tên lửa đã xuất hiện trong bức ảnh vệ tinh tại căn cứ ở Nội Mông vào đầu năm. Dù DF-41 có thể mang 10 đầu đạn, nhưng thực tế chỉ có 3 đầu đạn, còn lại là mồi nhữ, theo bản tin của các nhà khoa học nguyên tử (BAS).
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2
Đây là vũ khí chính trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094, lớp Jin. 4 tàu ngầm đang hoạt động, cùng 2 tàu khác đang được đóng mới. Mỗi tàu ngầm Type-094 có thể mang theo 12 tên lửa JL-2. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 7.200 km. Nó được đánh giá là vũ khí tầm khu vực chứ chưa phải là toàn cầu.
Video đang HOT
Hình ảnh được cho là của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2. Ảnh: Twitter/Oedo Soldier.
Tầm bắn của JL-2 có thể tấn công các mục tiêu ở Ấn Độ hoặc Alaska, nếu được phóng từ bờ biển Trung Quốc, theo BAS. Nhưng để tấn công lục địa Mỹ, tàu ngầm Type-094 phải vượt qua mạng lưới phát hiện tàu ngầm dưới nước mà Mỹ triển khai quanh Nhật Bản.
Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-3 có tầm bắn xa hơn. Tên lửa được cho là đã tiến hành thử nghiệm vào cuối năm 2018 và một lần nữa vào tháng 6, theo Jane’s Defence Weekly.
Tuy nhiên, lực lượng SLBM của Trung Quốc kém xa so với Mỹ. Hải quân Mỹ đang vận hành 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio, mỗi tàu mang theo tới 24 tên lửa Trident II. Mỗi tên lửa có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân.
Phương tiện bay siêu vượt thanh DF-17
Đây là một ví dụ điển hình về tàu lượn siêu vượt thanh, còn gọi là HGV. Nó được phóng lên không trung bằng tên lửa đạn đạo, khi đạt độ cao cần thiết, nó tách khỏi thân tên lửa và lướt trở lại bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ chóng mặt.
HGV có thể bay với tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh. Theo Liên minh ủng hộ phòng thủ tên lửa, DF-17 có thể cơ động để tránh bị đánh chặn. Trung Quốc đã thử nghiệm công nghệ HGV từ năm 2014, dự kiến triển khai hoạt động từ năm 2020.
Theo Dự án phòng thủ tên lửa, DF-17 có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu Quốc hội Mỹ vào ngày 17/9, Mỹ đang tụt hậu so với Nga và Trung Quốc trong việc phát triển các phương tiện bay siêu vượt thanh và không có vũ khí sẵn sàng hoạt động trước năm 2022.
Mỹ cũng không có HGV mang đầu đạn hạt nhân, do vũ khí siêu vượt thanh của Mỹ có thể đòi hỏi độ chính xác khi tấn công rất cao, dẫn đến khó khăn về mặt kỹ thuật so với các hệ thống vũ trang hạt nhân của Nga và Trung Quốc.
H-6 là máy bay ném bom chủ lực của không quân Trung Quốc trong nhiều năm. Tuy nhiên, những hình ảnh chụp buổi bay tập của H-6 cho thấy nó có thể là một phiên bản nâng cấp.
Máy bay ném bom H-6N trong quá trình bay tập luyện chuẩn bị cho diễu binh. Ảnh: Twitter/Rupprecht_A.
Phiên bản mới được gọi là H-6N. Dưới bụng máy bay được thiết kế một vùng bán lõm với các điểm treo cứng để mang vũ khí tải trọng lớn. Joseph Trevethick, nhà phân tích quân sự viết trên blog War Zone, rằng thiết kế mới của H-6N để mang tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D.
“Khả năng mang DF-21D sẽ đem lại cho H-6 khả năng tấn công ấn tượng nhắm vào các tàu chiến lớn của đối phương, đặc biệt là hàng không mẫu hạm”, Trevethick nói.
Jane’s Defence Weekly lưu ý một điểm khác biệt trên H-6N so với phiên bản H-6K là bổ sung thêm vòi tiếp nhiên liệu ở mũi để tiếp nhiên liệu trên không. Điều đó mang lại cho H-6N khả năng bay xa hơn vào Thái Bình Dương từ lục địa Trung Quốc.
Kết hợp 2 sự nâng cấp này có nghĩa là các tàu sân bay của Mỹ sẽ cần phải ở xa hơn ngoài biển trong một cuộc xung đột. Điều đó khiến tiêm kích trên hạm F/A-18 khó tiếp cận mục tiêu hơn.
Máy bay không người lái DR-8
Máy bay không người lái này thu hút sự chú ý của giới quan sát nhờ vào hình dáng khí động học dẹp, dài và tốc độ siêu thanh của nó. Theo China Daily, DR-8 có thể bay với tốc độ gần Mach 5, gần chạm ngưỡng tốc độ của phương tiện bay siêu vượt thanh.
Máy bay trinh sát không người lái DR-8. Ảnh: China Daily Mail.
Nhiệm vụ chính của nó là đến gần tàu sân bay nước ngoài trong xung đột và gửi thông tin nhắm mục tiêu trở lại các bệ phóng tên lửa. Một số nhà phân tích lưu ý rằng ảnh chụp vệ tinh về DR-8, cùng vật thể phủ bạt được nhìn thấy trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho diễu binh, rất giống với máy bay trinh sát siêu thanh không người lái D-21 của Mỹ.
D-21 được giới thiệu vào những năm 1960. Sau khi thu thập thông tin, nó thả camera độ phân giải cao cho quân đội, sau đó tự hủy. Chương trình bị hủy bỏ vào năm 1971 sau khi 4 máy bay bị mất trong các nhiệm vụ ở Trung Quốc.
Máy bay không người lái Sharp Sword
Những người theo dõi quân đội Trung Quốc đã tweet những hình ảnh về những gì mà họ suy đoán là máy bay không người lái tàng hình Sharp Sword. Nó là một mẫu UAV có thiết kế cánh dơi để sử dụng từ tàu sân bay.
Mẫu máy bay không người lái được cho là Sharp Sword. Ảnh: CNN.
Nhà phân tích Sam Roggeveen, viết trên blog của Viện nghiên cứu Lowy, có trụ sở tại Sydney, Australia, cho biết UAV này được cho là có 2 khoang bom bên trong thân. Thiết kế tàng hình của nó cho thấy nó được chế tạo để chuẩn bị cho loại hình chiến tranh không người lái mới.
“Điều làm cho Sharp Sword trở nên khác biệt là nó tàng hình, có nghĩa là nó không chế tạo để dành cho các loại hình chiến tranh như ở Afghanistan, nơi kẻ thù ít được trang bị súng trường, nhưng phải vượt qua hệ thống phòng không tinh vi”, Roggeveen nói.
Sharp Sword được thử nghiệm lần đầu vào năm 2013. Sự xuất hiện của nó trong cuộc diễu binh ngày 1/10 báo hiệu rằng nó sắp được triển khai hoạt động. Mỹ cũng đang phát triển máy bay không người lái để sử dụng trên tàu sân bay. MQ-25 Stingray của Mỹ đã bắt đầu các hoạt động thử nghiệm, dự kiến triển khai vào năm 2024.
Tàu ngầm không người lái
Hình ảnh trên mạng xã hội về một thiết bị giống như quả ngư lôi khổng lồ được đặt trên xe tải chuẩn bị cho diễu binh dẫn đến nhiều đồn đoán. Global Times đăng bài viết mô tả nó là một phương tiện tự động dưới nước và nhiệm vụ của nó vẫn chưa được biệt.
Đây có thể là tàu ngầm không người lái đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Twitter/Oedo Soldier.
Đây có thể là một trong những tàu ngầm không người lái đầu tiên của Trung Quốc. Theo một báo cáo của tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc) vào năm 2015, rằng Bắc Kinh đã tài trợ cho 15 nhóm nghiên cứu ở các trường đại học và viện nghiên cứu để phát triển công nghệ cho phương tiện không người lái dưới nước.
Xe tăng
Bên cạnh xe tăng chiến đấu chủ lực Type-99, cuộc diễu binh năm nay sẽ có sự xuất hiện lần đầu của xe tăng hạng nhẹ Type-15. Một sự thay đổi khác trong diễu binh năm nay là xe tăng Type-99 được sơn ngụy trang màu sa mạc, thay cho màu ngụy trang rừng rậm trước đây.
Không có dấu hiệu nào cho thấy tại sao màu sơn ngụy trang của Type-99 lại thay đổi, nhưng nó dẫn đến suy đoán Trung Quốc có thể đã nhìn thấy một nhiệm vụ mới cho lực lượng mặt đất.
Theo Zing.vn
Trung Quốc có thể giới thiệu hàng loạt vũ khí mới trong lễ duyệt binh
Nhiều loại vũ khí mới được thiết kế để tấn công các tàu sân bay và căn cứ mang tính biểu tượng cho sức mạnh quân sự Mỹ trong khu vực.
Tên lửa Dongfeng-21D của Trung Quốc. (Nguồn: The National Interest)
Reuters đưa tin, các lực lượng vũ trang Trung Quốc dự kiến sẽ giới thiệu hàng loạt vũ khí mới tại lễ duyệt binh ở Bắc Kinh vào tuần tới.
Các loại tên lửa tiên tiến sẽ là yếu tố thu hút sự quan tâm lớn nhất tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc. Nhiều loại trong số này được thiết kế để tấn công các tàu sân bay và căn cứ mang tính biểu tượng cho sức mạnh quân sự Mỹ trong khu vực.
Một số vũ khí có thể kể ra gồm "kẻ hủy diệt tàu sân bay Dongfeng-21D" (DF-21D) được Trung Quốc cho là có thể đánh trúng các loại tàu chiến hiện đại, và tên lửa tầm trung DF-26, được gọi là "kẻ hủy diệt Guam," ám chỉ căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Sự chú ý của của truyền thông nhà nước còn tập trung vào tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, đủ sức vươn tới Mỹ. Vũ khí này là một trong những phương tiện răn đe hạt nhân của Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đạt được bước tiến lớn trong hoạt động phát triển các tên lửa siêu vượt âm, có tên DF-17. Theo lý thuyết, loại tên lửa này có thể đạt tới tốc độ cao gấp nhiều lần vận tốc âm thanh, từ đó nâng cao hơn nữa khả năng tấn công tầm xa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Bên cạnh các loại tên lửa mới, giới phân tích còn đặc biệt chú ý tới khả năng Trung Quốc sẽ ra mắt hai mẫu máy bay không người lái tàng hình trong lễ duyệt binh.
Sau khi phân tích các bức ảnh và các nguyên mẫu bị rò rỉ, các chuyên gia tin rằng, một trong hai chiếc máy bay này là "Lijian" (Kiếm Sắc/Sharp Sword), tương tự mẫu X-47 của Mỹ.
Mẫu còn lại được cho là mang tên DR-8. Đây có thể là một máy bay do thám siêu âm hoặc siêu vượt âm. Hình dáng của DR-8 tương tự chiếc máy bay do thám không người lái D-21 của Mỹ trong những năm 1960, với tốc độ vượt hơn ba lần vận tốc âm thanh.
Trung Quốc cho biết, khoảng 15.000 binh sỹ và hơn 160 máy bay sẽ tham gia lễ duyệt binh vào ngày 1/10 tới.
Đây là con số lớn hơn so với lễ duyệt binh quy mô lớn năm 2015 tại Bắc Kinh, trong dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai./.
Theo (Vietnam )
Trung Quốc mở rộng danh sách lệnh cấm trước thềm Quốc khánh Thông qua việc thắt chặt kiểm soát, Bắc Kinh hy vọng sẽ tổ chức các sự kiện long trọng chào mừng 70 năm Quốc khánh một cách thuận lợi - theo The Guardian. Để làm tốt công tác chuẩn bị cho đợt lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, chính phủ Trung Quốc đang có sự cảnh giác cao độ - tờ The...