TQ: “Cánh tay phải” thân như anh em của ông Tập trong quân đội
Sau Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tướng Trương Hựu Hiệp được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch quân ủy trung ương, chỉ đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình. Tướng Trương là người có quan hệ thân thiết như anh em với ông Tập.
Tướng Trương Hựu Hiệp, “cánh tay phải” đắc lực của ông Tập Cận Bình trong quân đội Trung Quốc. Ảnh Reuters.
Theo South China Morning Post (SCMP), Tướng Trương Hựu Hiệp cùng lớn lên với ông Tập Cận Bình và bố của họ từng là đồng đội thân thiết, cùng nhau vào sinh ra tử.
Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 ngày 25.10 vừa bổ nhiệm Tướng Trương, 67 tuổi cùng Tướng Hứa Kỳ Lượng chức Phó Chủ tịch quân ủy trung ương (CMC) – cơ quan quyền lực tối cao của quân đội Trung Quốc.
Với quyết định bổ nhiệm trên, vị trí của Tướng Trương trong quân đội Trung Quốc chỉ đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình kiêm Chủ tịch CMC.
Trước đó, Tướng Trương giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục quân bị của quân đội Trung Quốc và là thành viên thứ 8 trong CMC vốn có 11 người.
Tướng Trương được đánh giá là một trong những người được ông Tập Cận Bình tin tưởng nhất. Hơn nữa, nhờ có nền tảng gia đình lừng lẫy, trước đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tướng Trương là một trong những người được kỳ vọng sẽ trở thành Phó Chủ tịch CMC và trở thành cánh tay phải đắc lực của ông Tập trong nhiệm kỳ thứ 5.
Cả ông Tập lẫn ông Trương đều người gốc Thiểm Tây và bố của họ từng là đồng chí, cùng chiến đấu vào sinh ra tử cùng nhau từ những năm 1940. Bố của ông Trương là Tướng Trương Tông Tốn, môt trong nhưng Thượng tướng đâu tiên của quân đội Trung Quốc.
“Ông Tập từng xem ông Trương, vốn hơn mình 3 tuổi như anh trai”, một Đại tá đã nghỉ hưu tiết lộ với SCMP.
Video đang HOT
Nhiều nhà quan sát nhận định, CMC là cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc và việc bổ nhiệm Tướng Trương là đòn bẩy cho kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm hiện đại hóa quân đội lên hàng đẳng cấp thế giới.
Liang Guoliang, một nhà quan sát quân đội Trung Quốc ở Hong Kong bình luận: “Tướng Trương nổi tiếng là người có nhân cách tốt và giao thiệp rộng. Uy tín của Tướng Trương sẽ giúp đoàn kết và thống nhất tướng lĩnh quân đội giúp ông Tập tiến hành các cải cách của mình”.
Tướng Trương gia nhập quân đội từ khi mới 18 tuổi và được bổ nhiệm tới quân đoàn 14 đóng ở Côn Minh, Vân Nam. Ông thăng tiến nhanh trong quân đội nhờ có kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường.
“Giống như bố mình, Tướng Trương sinh ra để làm một tư lệnh”, ông Liang nhấn mạnh.
Tướng Trương từng nổi tiếng với lần mặc quần áo bình thường âm thầm đi thị sát một doanh trại quân đội ở Đông Bắc Trung Quốc. Một nhóm binh sĩ trẻ không nhận ra ông đã có hành động không thích hợp.
“Ông ấy không thích phô trương và thích gần gũi với những binh sĩ bình thường để xem cuộc sống của họ như thế nào, họ sinh hoạt ra sao, được ăn gì…”, một nguồn tin trong quân đội Trung Quốc chia sẻ với yêu cầu giấu tên.
Tháng trước, báo quân đội Trung Quốc PLA Daily đưa tin, Tướng Li Shangfu, một chuyên gia không gian 59 tuổi vừa trở thành người kế nhiệm chức Chủ nhiệm Tổng cục quân bị của Tướng Trương. Tổng cục quân bị cũng là cơ quan thực hiện các dự án thăm dò không gian và Mặt trăng đầu tham vọng của Trung Quốc.
Tại Triển lãm Hàng không Bắc Kinh cách đây hai năm, Tướng Trương chính là người thị sát chiếc máy bay chở khách C919 do Trung Quốc thiết kế và chế tạo. Đây là máy bay thương mại nội địa đầu tiên của Trung Quốc.
“Trong khi Chủ tịch Tập đang nỗ lực phát triển quân đội, sự dày dặn kinh nghiệm của Tướng Trương sẽ giúp ông Tập thúc đẩy tham vọng này, đặc biệt là sau khi ông Trương nắm giữ vai trò then chốt thứ 2 trong quân đội”, ông Liang nói.
Theo Danviet
TQ: Người giúp ông Tập trừng phạt 1,3 triệu quan tham sẽ về đâu?
Người được mệnh danh là "cánh tay phải của ông Tập Cận Bình" được cho là sẽ không nghỉ ngơi sau khi Đại hội đảng kết thúc.
Ông Vương luôn ở cạnh ông Tập suốt 5 năm qua.
Thông báo ngày 24.10 của Đại hội đảng Trung Quốc lần thứ 19 cho biết, ông Vương Kỳ Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung Ương khoá cũ, không nằm trong danh sách uỷ viên trung ương mới. Ông Vương Kì Sơn từng được xem là nắm quyền lực lớn thứ hai tại Trung Quốc, chỉ sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vì giữ trọng trách chống tham nhũng trong chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" và "săn cáo" mà ông Tập phát động.
Chưa rõ ai sẽ thay thế trọng trách chống tham nhũng mà ông Vương để lại, nhưng báo chí Trung Quốc và nước ngoài cho rằng ông sẽ không nghỉ hưu hoàn toàn. Theo tờ The Post, ông Vương có thể sẽ đảm nhiệm vai trò xử lý khủng hoảng chính trị cho ông Tập.
Nhiều người ví ông Vương Kì Sơn với "cánh tay phải" của ông Tập Cận Bình.
Thông tin dự đoán về tương lai của ông Vương xuất hiện trên nhiều mặt báo Trung Quốc trong những ngày diễn ra Đại hội đảng cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng của ông. Sau 5 năm phát động chiến dịch diệt trừ quan tham, Trung Quốc đã trừng phạt khoảng 1,34 triệu quan chức.
Theo SCMP, ông Tập thường xuyên tham vấn và hỏi ý kiến của ông Vương. Lí do duy nhất ông Vương buộc phải về hưu là do ông đã quá tuổi. Hiện tại, ông Vương Kì Sơn đã 69 tuổi. Luật bất thành văn tại Trung Quốc quy định các thành viên trong Bộ Chính trị không được vượt quá số tuổi 68. Trước đó, nhiều nguồn tin cho rằng ông Vương sẽ tạo ra tiền lệ khi được tiếp tục giữ chức trong Bộ Chính trị. Tuy nhiên, ông Tập đã lựa chọn phương án giúp đảm bảo sự liên tục và ổn định về mặt chính trị.
"Vấn đề tuổi tác và uy tín vẫn rất quan trọng khi quyết định một ứng viên", một quan chức nói. "Điều quan trọng là củng cố sự đồng thuận và duy trì sự ổn định".
Trey McArver, nhà nghiên cứu Trung Quốc và là đồng sáng lập công ty Trivium tại Bắc Kinh, nói rằng Tập Cận Bình rất chú trọng các giá trị chính trị truyền thống. "Ông Tập là người của đảng và mục tiêu duy nhất của ông là làm đảng Cộng sản Trung Quốc vững mạnh", Trey nói. "Là một người con sinh ra trong Cách mạng Văn hóa, ông Tập hiểu tầm quan trọng của các quy định chính trị. Ông ấy rõ ràng không muốn làm hệ thống này bị suy yếu bằng việc tạo ra tiền lệ xấu khi tiếp tục cho ông Vương giữ vị trí chống tham nhũng".
Ông Vương được cho là có quyền lực thứ 2 tại Trung Quốc, chỉ sau ông Tập.
Một lí do khác khiến ông Vương không tiếp tục sự nghiệp là bởi ông cần được ghi nhận với sự tôn trọng cao nhất. Ở thời điểm này, ông Vương đang ở đỉnh cao sự nghiệp với nhiều thành công quan trọng. Ông được cho là đã hỏi nhiều người thân tín có nên tiếp tục và lời khuyên của họ là ông nên nghỉ ngơi. "Tôi không cho rằng ông Tập sẽ giữ một người muốn về hậu trường", Trey nói.
Với tầm ảnh hưởng chính trị và uy thế của mình, chắc chắn ông Vương sẽ khó lòng được nghỉ ngơi toàn phần. Ông Tập Cận Bình sẽ đưa ông Vương vào một nhiệm vụ mới, theo SCMP. Hiện tại, vai trò mới của ông Vương vẫn là ẩn số lớn. Một trong số những dự đoán là việc ông sẽ nắm vai trò trong Ủy ban An ninh Quốc gia (NSC).
Được thành lập từ năm 2014, NSC giúp đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất trong các cơ chế an ninh. Cơ quan này có quyền lực rất lớn và được ông Tập cai quản. Bức ảnh hiếm hoi chụp năm 2014 cho thấy NSC có 12 quan chức Bộ Chính trị và 8 nhân vật cấp cao từ chính phủ và quân đội.
Vương Kỳ Sơn lui khỏi chính trường khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp với nhiều thành công quan trọng
Trong số này có "ngôi sao chính trị" Tôn Chính Tài, người vừa bị cách chức vì tham nhũng. Một số người khác sẽ nghỉ hưu sau khi Đại hội đảng kết thúc, mở ra cơ hội mới cho những người mới.
Tháng trước, ông Vương đã gặp Thủ tướng Singapore Lí Hiển Long ở Bắc Kinh. Sau đó, ông gặp Steve Bannon, cựu cố vấn cấp cao cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Steve từng tham gia Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và từ chức tháng 4.2017.
Theo Danviet
4 cách ông Tập Cận Bình đưa quân đội TQ mạnh nhất thế giới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ đưa quân đội đạt đến đẳng cấp thế giới, vượt qua nhiều thách thức. Binh sĩ Trung Quốc trong lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội. Phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên...