TP.Hồ Chí Minh: Rầm rộ gỡ “nút thắt” giao thông
Sau Tết Nguyên đán, hàng loạt công trình giao thông tại TP.HCM đã được ồ ạt triển khai nhằm cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn đang ngày một bức bí. Trong đó, nhiều công trình được triển khai tại các điểm nóng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Nhộn nhịp thi công
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù mới khởi động lại sau dịp nghỉ tết kéo dài, nhưng tại nhiều công trình giao thông của thành phố, không khí làm việc đã nhộn nhịp. Tại khu vực đông bắc thành phố, nhiều công trình giao thông đang được triển khai ồ ạt, như: Đường nối cầu Thủ Thiêm đại lộ Mai Chí Thọ, các tuyến đường trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm, nút giao thông Mỹ Thủy… Các công nhân tại đây cho biết đã bắt đầu công việc từ mùng 6 Tết và hiện nay đang đẩy mạnh thi công.
Một công trình hạ tầng đang thi công tại khu vực cầu Thủ Thiêm (quân2). Ảnh: N.H
Ông Lê Nguyễn Minh Quang – Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, trong năm 2017 đơn vị tiếp tục triển khai các dự án đường sắt đô thị thành phố. Trong đó có các hạng mục nhà ga ngầm, xây dựng đường trên cao, mua sắm thiết bị của tuyến metro số 1. Còn tuyến metro 2 đang mời thầu các hạng mục hầm và các ga ngầm… Ngoài ra, các dự án xây dựng tuyến metro 5, tuyến nhánh sân bay Tân Sơn Nhất (tuyến 1B), các hạng mục của tuyến metro 2 cũng sẽ được triển khai trong năm.
Tại khu vực trung tâm, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1), thuộc Sở GTVT TP.HCM cũng vừa khởi công xây dựng hai cầu vượt thép tại nút giao Trường Sơn – Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài và tại nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm. Các dự án được triển khai với tổng số vốn trên 520 tỷ đồng nhằm kéo giảm ùn tắc tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Nguyễn Vĩnh Ninh – Giám đốc Khu 1 cho rằng, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang ngày càng quá tải, các tuyến đường kết nối sân bay thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông. Do đó, việc xây dựng các cầu vượt ở cửa ngõ sân bay là hết sức cấp bách. Dự kiến các hạng mục sẽ hoàn thành trong 6 tháng.
Video đang HOT
Trong khi đó, Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4) hiện đang tháo dỡ cầu Nhị Thiên Đường 1 (trên Quốc lộ 50) để xây cầu mới tại đây. Đại diện Khu 4 cho biết, dự án xây dựng cầu Nhị Thiên Đường 1 có tổng vốn đầu tư xây dựng 163 tỷ đồng. Các đơn vị thi công đang nỗ lực đẩy mạnh công việc để kịp hoàn thành dự án sau 360 ngày thi công.
Tương tự, hầm chui An Sương ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố cũng đang được đơn vị thi công thực hiện. Ông Võ Khánh Hưng – Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3 cho biết, trước mắt các đơn vị sẽ thi công nhánh N1 (hướng từ trung tâm thành phố đi Củ Chi) với chiều dài 320m. Còn nhánh N2 (chiều ngược lại) sẽ được thi công sau khi thực hiện xong công tác di dời, giải phóng mặt bằng.
Phải hoàn tất đúng tiến độ
Theo Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2017, có khoảng 80 dự án xây dựng các công trình giao thông tại thành phố. Trong đó, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài hai dự án xây dựng cầu vượt, còn có các hạng mục quan trọng như các dự án mở rộng đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, Phan Thúc Duyệt, Hoàng Minh Giám…
Bên cạnh đó, các dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy, hoàn thiện đường Vành đai phía đông, xây dựng đường kết nối cảng Cát Lái – Vành đai 2, nút giao An Phú cũng được triển khai để kéo giảm ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía đông bắc thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện ra vào cảng biển. Ngoài ra, trong năm nay các đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông tại khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc như: Cầu Nguyễn Tri Phương nối đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu Nguyễn Văn Cừ nối đại lộ Võ Văn Kiệt, hoàn thành cầu vượt ngã 6 Gò Vấp. Đại diện Sở GTVT cho biết, trong các công trình giao thông triển khai năm 2017, có nhiều công trình được triển khai cấp bách.
Mới đây, trong chuyến thị sát các công trình giao thông, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã yêu cầu các đơn vị thi công phải phối hợp chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án để hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó, cần tập trung vào các khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông như: Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đường ra vào Cảng Cát Lái…
Theo Danviet
Hà Nội đề xuất hạ đê sông Hồng phục vụ giao thông
Để thuận tiện cho hoạt động dân sinh và giao thông, Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp hạ cốt đê sông Hồng xuống cao độ dương 12,4 mét, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.
Với cách làm trên, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, thuận lợi cho người dân dọc tuyến đường tiếp cận ra vào an toàn. Phương án còn tạo điều kiện mở rộng mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe..., tạo cảnh quan đô thị cho tuyến phố.
Trước lo lắng khi mùa lũ về, UBND Hà Nội cho rằng thượng nguồn Sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... đều có chức năng điều tiết lưu lượng nước, hạn chế nguy cơ lũ lụt. Vì thế, tuyến đê hiện trạng có thể xem xét hạ cao trình để phục vụ giao thông thành phố.
"Đơn vị thiết kế đã tham khảo ý kiến giới khoa học để đưa ra giải pháp chống thấm, trượt, đảm bảo khả năng chống lũ và an toàn đê điều trong khai thác và sử dụng", văn bản của Hà Nội nêu.
Hà Nội đề xuất hạ cao trình để phục vụ dân sinh và giao thông. Ảnh: CTV.
Ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Quản lý đê điều (Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thực chất Hà Nội không muốn hạ đê mà là muốn thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê bê tông cốt thép. Trong văn bản gửi Bộ, Hà Nội cũng có nói đến việc này.
Đây là lần thứ 2 Hà Nội gửi văn bản liên quan phương án xây dựng cầu vượt tại núi giao An Dương - Thanh Niên tới Bộ Nông nghiệp. Lần thứ nhất vào cuối tháng 10/2016.
Tháng 12/2016, trong văn bản hồi âm, Bộ Nông nghiệp thống nhất với đề nghị của Hà Nội điều chỉnh kết cấu đoạn đê hữu sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, chiều dài khoảng 1.100 m. Trong đó thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L, đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị.
Khẳng định đây là tuyến đê cấp đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn lũ trong khu vực trung tâm Hà Nội, Bộ Nông nghiệp đã đề nghị Hà Nội chỉ đạo thực hiện phương án thiết kế phải đảm bảo cao trình mặt đê đất (đỉnh đê hiện là dương 15,6 mét) sau khi hạ không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình, tức là dương 13,5 mét.
Ngày 24/1/2017 Hà Nội lần thứ hai có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp cho hạ cao trình mặt đê đoạn từ khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cao độ dương 12,4 mét và muốn Bộ Nông nghiệp xem xét. "Về đề nghị này chúng tôi sẽ họp bàn với sự tham gia của nhiều chuyên gia và đưa ra ý kiến sau, trong đó an toàn đê điều phải đưa lên đầu tiên", ông Thành nói.
Đề xuất trên của Hà Nội nhận nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia. Theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, phương án Hà Nội đưa ra khả thi, bởi nó giống như đoạn đường Trần Quang Khả, Yên Phụ. Theo đề xuất Hà Nội chỉ thay đổi mặt cắt đê, vẫn đảm bảo cao trình đê, không phá hoại kết cấu hay cảnh quan. Trong khi đó một chuyên gia thủy lợi khác cho rằng, đê đoạn sông Hồng là điểm đê điểm trọng yếu, nếu hạ đê có thể gây ra hậu quả khi mùa lũ đến.
Hầu hết các nhà khoa học không đồng tính với lý giải thượng nguồn sông Hồng các hồ thủy điện có thể điều tiết lũ của Hà Nội, bởi thực tế các hệ thống đập thủy điện cắt lũ nhỏ chứ không thể ứng phó khi lũ lớn xảy ra. "Khi gặp sự cố nhà máy thủy điện còn phải xả lũ, lúc đó sẽ gây ra hậu quả khó lường", một chuyên gia kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực thủy lợi nói và đề nghị việc xây dựng của Hà Nội nên đảm bảo an toàn tiêu chuẩn chống và điều tiết lũ.
Phạm Hương
Theo VNE
Càng "cao cao" lại càng "kẹt kẹt" Có những tòa nhà cố ý "vượt phép" cho tham vọng "cao cao mãi" thuần túy nghĩa đen bất chấp và thách thức mọi sự phản đối của dư luận, yêu cầu cưỡng chế... Cứ mỗi lần nghe lại giai điệu "Những ánh sao đêm" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, lòng người viết lại lâng lâng những cảm xúc khó tả, một...