TP.HCM tiếp tục nâng mức cảnh giác với dịch Covid-19
UBND TP.HCM nhận định dù chùm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đã được khống chế, nhưng nguy cơ lây lan, xâm nhập dịch từ bên ngoài vào luôn tiềm ẩn đối với địa bàn.
Tối 19/2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản khẩn gửi thủ trưởng các sở, ngành cùng chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
UBND TP.HCM nhận định hiện tại, chùm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, xâm nhập dịch bệnh. Đặc biệt thời điểm hiện tại, người dân, người lao động từ các địa phương quay trở lại thành phố sau Tết Tân Sửu.
UBND TP.HCM đề nghị tất cả đơn vị tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch Covid-19, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Ngay từ những ngày đầu năm mới, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần tất cả lực lượng tham gia và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiểm tra hoạt động hàng quán trên địa bàn. Ảnh: Duy Hiệu.
Tất cả đơn vị thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế) trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần đảm bảo khoảng cách an toàn chống dịch bệnh, không tụ tập đông người nhưng vẫn đảm bảo nhân lực phục vụ hoạt động.
UBND TP.HCM yêu cầu người tới từ vùng dịch cần nghiêm túc, tự giác khai báo y tế, liên hệ ngay chính quyền và y tế địa phương để được hướng dẫn giám sát y tế, xét nghiệm kiểm tra theo hướng dẫn cụ thể.
Các sở, ban, ngành chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở nghiêm túc thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 do UBND TP ban hành, triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo sổ tay “Hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới” của Bộ Y tế.
Đối với ngành y, UBND TP.HCM yêu cầu triển khai công tác dự phòng và điều trị trong toàn bộ hệ thống y tế TP, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn; huy động các nguồn lực hỗ trợ.
Video đang HOT
Ngành y tế cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, bệnh viện dã chiến, thuốc, trang thiết bị bảo hộ để đáp ứng điều trị cho tất cả ca bệnh Covid-19; tiếp tục triển khai hoạt động giám sát, tầm soát nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Từ đợt bùng phát dịch tại Hải Dương từ ngày 27/1 đến ngày 14/2, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 36 ca mắc Covid-19. Trong đó, 35 trường hợp là nhân viên bốc xếp, giám sát hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất và người tiếp xúc gần.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM nhận định chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất đã cơ bản được kiểm soát. Thành phố tiếp tục các biện pháp để cắt đứt hoàn toàn chuỗi lây nhiễm bên cạnh việc tiến hành hoạt động tầm soát rộng ở cộng đồng để đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại các khu vực có ca bệnh Covid-19
UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại khu vực có ca bệnh và áp dụng Chỉ thị 15 tại khu vực lân cận.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu, trong đó có khoảng 80% ca bệnh không có triệu chứng, do đó có thể còn lây nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới.
Triển khai, kích hoạt các biện pháp dập dịch
Để đảm bảo cho người dân Thành phố được an toàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các Sở - ban ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện, phường - xã - thị trấn phải thực hiện "Thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động", kiên trì nguyên tắc chống dịch "Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch".
Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp theo nguyên tắc 5K
Mới đây, UBND TPHCM mới đây đã có văn bản khẩn số 459/UBND - VX gửi các Sở - ban ngành và UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Trong văn bản nêu rõ đối với các khu vực có ca bệnh, áp dụng thực hiện giãn cách xã hội tại khu vực đó theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, đối với các khu vực lân cận xung quanh thì áp dụng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg.
Thành phố kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị của ngành Y tế; phối hợp tốt với các cơ quan y tế của Bộ ngành Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là phối hợp với Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch tại TP.HCM do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phụ trách.
Yêu cầu Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các ngành, các cấp không rời khỏi TP, tổ chức bộ phận trực chiến phòng, chống dịch, đảm bảo công tác báo cáo đột xuất và báo cáo hàng ngày cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố; vận động cán bộ, công chức không về quê ăn Tết để đảm bảo kịp thời ứng phó các tình huống dịch bệnh phát sinh cũng như đảm bảo an toàn cho gia đình và cộng đồng.
Khu vực cách ly Mả Lạng (quận 1), hiện 1.600 mẫu giám sát đã có kết quả âm tính
TP.HCM cũng yêu cầu ngành y xét nghiệm lại lần 2 đối với 1.600 nhân viên bốc xếp của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, xét nghiệm lại toàn bộ cán bộ, công nhân viên bệnh viện 175. Những khu vực có ca nhiễm cộng đồng tại quận 1, 12, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thành phố Thủ Đức cần khoang vùng, phong tỏa tạm thời.
Các trường hợp F1 trên địa bàn phải được lấy mẫu đơn, các hộ gia đình sinh sống tại khu vực có dịch thì áp dụng phương án lấy mẫu gộp.
Để chuẩn bị ứng phó cho các kịch bản TP có 50 ca nhiễm, ngành y tế cần đảm bảo năng lực xét nghiệm 30.000 đến 40.000 mẫu trong 24 giờ.
Tạm dừng nhiều hoạt động trước Tết Nguyên Đán 2021
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đã yêu cầu toàn bộ người dân Thành phố hạn chế tối đa việc đi lại, thăm hỏi, chúc Tết, liên hoan, họp mặt. Đề nghị khi ra khỏi nhà và đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang. Xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang hoặc không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 theo yêu cầu của Bộ Y tế và UBND TP. Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân viên tổ chức làm việc trong dịp tết, sinh hoạt tại chỗ...
Đối với các hoạt động lễ hội, sự kiện của TP đã được phê duyệt đề nghị giảm qui mô và đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch Covid - 19. Riêng đối với Đường hoa và Đường sách Tết Tân Sửu 2021, Hội Hoa Xuân Tao Đàn, Hội Hoa xuân Phú Mỹ Hưng (Quận 7): Chỉ thực hiện đón tiếp khách tham quan từ 08 giờ đến 17 giờ hàng ngày, không tổ chức Lễ khai mạc Đường hoa và Đường sách Tết.
Các lễ hội đường hoa, phố ông đồ phải đóng cửa để phòng dịch Covid-19
Ban Tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện nêu trên phải có biện pháp điều tiết để đảm bảo mật độ giãn cách theo đúng tiêu chí an toàn phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm các biện pháp theo nguyên tắc 5K, xử phạt nghiệm đối với các trường hợp khách tham quan không đeo khẩu trang, kể cả tháo khẩu trang để chụp ảnh.
Tạm dừng toàn bộ các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí và các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi, các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc - kịch, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga...).
Các quán bar trên phố Tây Bùi Viện đã đóng cửa từ trưa 9/2
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Các cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xăng dầu, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn được hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: Tăng cường hình thức giao hàng tại nhà, không phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc, bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người từ 1m trở lên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế. Khuyến khích lập vách ngăn trên bàn ăn giữa các khách hàng.
Thời gian áp dụng kể từ 12 giờ ngày 9/2/2021 cho tới khi có thông báo mới.
Bình Thuận yêu cầu ai từng đến 18 điểm này ở TP.HCM khai báo Tỉnh Bình Thuận yêu cầu người dân từng đến 18 địa điểm đang bị phong tỏa ở TP.HCM khai báo và cung cấp số điện thoại những người từng tiếp xúc với mình. Ngày 9-2, bác sĩ Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận đã ký thông báo khẩn liên quan đến các trường hợp mắc COVID-19 tại TP.HCM....