TP.HCM tiêm hơn 9 triệu liều vắc xin AstraZeneca, chưa ghi nhận ca xuất hiện cục máu đông
Sáng 5-5, Sở Y tế TP.HCM cho biết toàn thành phố đã tiêm hơn 9 triệu liều vắc xin AstraZeneca và không ghi nhận trường hợp xuất hiện cục máu đông sau tiêm chủng.
Người dân được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại quận Gò Vấp – Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, từ lúc bắt đầu tiêm vắc xin AstraZeneca (tháng 3-2021) đến hết tháng 6-2023, toàn thành phố đã tiêm hơn 9 triệu liều vắc xin AstraZeneca và không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông sau tiêm chủng.
Sở Y tế cho biết TP.HCM đã triển khai nghiêm túc các quy định về an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế, nhất là giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Và thực tế, Sở Y tế cho rằng cần phải khẳng định giá trị mang lại của vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca trong giai đoạn bùng phát dịch vừa qua.
Điều này được thể hiện qua so sánh về nguy cơ của một trường hợp xuất hiện cục máu đông trong số một triệu trường hợp được tiêm phòng vắc xin thì có được lợi ích bảo vệ, tức không để mắc bệnh nặng phải nhập viện và nguy cơ tử vong cao do COVID-19 gây ra.
Theo đánh giá, tình trạng xuất hiện cục máu đông (huyết khối) sau tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca đã từng được ghi nhận từ nhiều nguồn dữ liệu và đều có tỉ lệ rất thấp.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vắc xin COVID-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu cục máu đông miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch, cục máu đông tĩnh mạch não.
Biểu hiện lâm sàng thường xảy ra 4 đến 42 ngày sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Tỉ lệ đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt lứa tuổi 20-29 tuổi.
Sau tiêm vắc xin AstraZeneca tỉ lệ đông máu dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu. Biến chứng đông máu sau vắc xin AstraZeneca phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng.
Không chỉ sau tiêm chủng, tình trạng xuất hiện cục máu đông có thể gặp ở nhiều tình huống lâm sàng khác. Cụ thể là, bệnh COVID-19 cũng gây rối loạn đông máu nặng, xuất hiện những cục máu đông; biến chứng thuyên tắc phổi nặng khi đi máy bay đường dài (trên 12 giờ) cũng có thể xảy ra với tỉ lệ 5 trường hợp trên 1 triệu người ngồi máy bay.
Lo lắng rối loạn máu đông là không có cơ sở
Căn cứ trên các khuyến cáo của các tổ chức y tế trên thế giới về khả năng có biến chứng rối loạn đông máu sau tiêm vắc xin COVID-19, ngày 22-4-2021, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, cục máu đông sau tiêm vắc xin COVID-19.
Như vậy tình trạng xuất hiện cục máu đông là một sự cố bất lợi hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin COVID-19, phần lớn xảy ra trong 42 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày (theo Bộ Y tế Australia). Tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị. Do đó, việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vắc xin COVID-19 là không có cơ sở.
Bé 8 tuổi bị chó cắn chi chít vết thương ở tay
Số người bị bệnh dại tử vong gia tăng, Chính phủ, các bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố cũng đã vào cuộc quyết liệt với các biện pháp quản lý nuôi chó mèo, tiêm vắc xin phòng ngừa.
Sáng 28.3, ghi nhận của PV Báo Thanh Niên tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), rất đông người với mọi lứa tuổi đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Chó nhà nuôi cắn
Bệnh nhân Hứa Võ Anh Kiệt (8 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiêm ngừa bệnh dại trong tình trạng bàn tay chi chít vết răng chó cắn, ở ngực cũng có vài vết nham nhở.
Theo cháu Kiệt, Kiệt bị cắn trong lúc chơi đùa với con chó vào chiều 27.3, ngay sau đó con chó được nhốt lại để theo dõi. Mặc dù, con chó đã được tiêm chủng đầy đủ trước tết, nhưng gia đình vẫn không khỏi lo lắng nên đưa con đi tiêm ngừa. Kiệt được tiêm mũi vắc xin thứ nhất và theo phác đồ, Kiệt còn 4 mũi tiêm phòng bệnh dại nữa.
Bàn tay của bé 8 tuổi bị chó nhà nuôi cắn. Ảnh DU YẾN
Còn anh Nguyễn Đồng Thưởng (24 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) bị chó nhà vô tình cắn trong lúc dọn chuồng cho nó. Anh Thưởng chia sẻ, vì chủ quan là chó nhà nuôi nên anh vẫn chưa đem chó đi tiêm phòng dại. Sau khi bị cắn anh lập tức đi đến bệnh viện để tiêm ngừa vì đã đọc nhiều thông tin về bệnh dại bùng phát trong thời gian qua.
Theo bác sĩ CK.2 Danh Thơm, Phó trưởng khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm 2024, số lượt tiêm vắc xin ngừa bệnh dại tại bệnh viện ghi nhận khoảng 5.300 lượt, tăng khoảng hơn 1.100 lượt so với 2 tháng đầu năm 2023. Hiện mỗi ngày đơn vị tiếp nhận trung bình 88 lượt, ngày cao điểm nhất khoảng 300 lượt/ngày.
Bác sĩ Thơm cho rằng, khi bị súc vật cắn nên rửa vết thương ngay dưới vòi nước sạch khoảng 15 phút và rửa bằng cồn 70 độ hoặc dung dịch i ốt (nếu có), rồi đến trung tâm y tế gần nhất để được khám, xử trí vết thương, tiêm ngừa dại và uốn ván... Hoặc đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để được khám, xử trí vết thương tiêm ngừa dại ngay mũi đầu tiên của uốn ván (nếu cần).
Xem nhanh 12h ngày 29.3: Không nên làm gì sau khi bị chó, mèo cắn?
Bác sĩ Thơm khuyến cáo cần tiêm ngừa bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn, cào... "Người bị bệnh dại sẽ có triệu chứng hồi hộp, khó chịu, rối loạn lo âu, chán ăn, buồn nôn, sợ gió, sợ nước hoặc bị liệt.... Tình trạng này sẽ kéo dài khoảng từ 1 - 14 ngày hoặc vài trường hợp kéo dài lâu hơn, rồi sau đó tử vong 100%", bác sĩ Thơm nói.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, cả nước có 82 ca tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022; có 500.000 người phải tiêm vắc xin ngừa bệnh dại với chi phí 600 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 người tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 người). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
TP.HCM giảm giá tiêm vắc xin cho chó, mèo ở 5 huyện ngoại thành
Còn theo báo cáo của Cục thú y, hiện nay TP.HCM là thành phố duy nhất đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại ở cấp tỉnh (toàn bộ TP.HCM).
Để đạt kết quả này, Chi cục chăn nuôi và thú y TP.HCM phối hợp với UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức đã tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn, trong đó tập trung tiêm phòng đại trà vào khoảng tháng 3 - 5 hằng năm và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi.
Kết quả nhiều năm liền trên địa bàn TP.HCM có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phòng, chống bệnh dại luôn đạt khoảng trên 90% tổng đàn chó, mèo.
Hiện cả nước có hơn 4,9 triệu hộ nuôi chó, mèo với tổng đàn chó, mèo là 7,6 triệu con. Riêng TP.HCM có hơn 184.100 con chó, mèo được nuôi tại 105.700 hộ.
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại là biện pháp phòng bệnh dại đơn giản, góp phần ổn định tình hình dịch tễ bệnh dại trên đàn chó, mèo. Năm 2022, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 1464 về chương trình phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030, trong đó, tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất.
Nhiều người dân nuôi chó, mèo nhưng chủ quan không đưa chúng đi tiêm phòng dại, đến khi bị cắn thì lo lắng. Ảnh DU YÊN
Để công tác tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo trên địa bàn TP.HCM đạt hiệu quả, ngoài việc thực hiện của các cơ quan, chính quyền địa phương, người dân cũng cần phối hợp để cùng thực hiện tốt. Người dân cần phối hợp thực hiện rà soát thống kê về tình hình tiêm vắc xin của chó mèo 2 lần/năm vào ngày 1.1 và 1.7. Kết quả thống kê sẽ là cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng kế hoạch triển khai công tác tiêm phòng như: chuẩn bị nguồn nhân lực, nguồn vắc-xin và các dụng cụ cần thiết khác.
Tuân thủ nghiêm quy định tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi tại hộ gia đình vì đây là bệnh bắt buộc phải tiêm phòng. Nếu người nuôi chó, mèo không tuân thủ sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và buộc phải chấp hành việc tiêm phòng.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần phối hợp với cơ quan thú y trong trường hợp có tiến hành khảo sát lấy mẫu xét nghiệm đánh giá mức độ đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng.
Tại TP.HCM, hiện nay UBND các quận, huyện đang tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó mèo, người dân nuôi chó, mèo. Người dân cần chi trả chi phí tiêm phòng là 23.000 đồng/liều. Riêng người dân tại 5 huyện ngoại thành, gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ khi tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo chỉ phải chi trả là 12.500 đồng/liều do được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí.
22 người chết vì bệnh dại, Thủ tướng yêu cầu xử lý lãnh đạo địa phương lơ là chống dịch Cả nước ghi nhận 22 người chết vì bệnh dại, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện khẩn, chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo. Trao đổi với Thanh Niên ngày 16.3, TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng văn phòng...