TP.HCM thi chức danh lãnh đạo, quản lý: Cần chuyên nghiệp để chọn đúng người
Thay vì bổ nhiệm, TP.HCM sẽ thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại Ban An toàn giao thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Công Thương, Viện Nghiên cứu phát triển và UBND huyện Hóc Môn vào tháng 11.
Thí sinh trong kỳ thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính các tỉnh thành phía Nam do Bộ Nội vụ tổ chức tại Học viện Hành chính quốc gia ở TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là kế hoạch theo đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị do UBND TP.HCM vừa ban hành.
Trao đổi về việc này, TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – cho rằng: “Muốn thi tuyển đạt kết quả tốt phải có một hội đồng thi cực kỳ chuyên nghiệp và phải hiểu rõ thế nào là năng lực, còn không hiểu sẽ rất dễ chọn sai người”.
Nếu không được giám sát chặt có thể xảy ra tiêu cực trong kỳ thi. Việc chạy chức, chạy quyền bấy lâu đã và đang phá hỏng môi trường công vụ.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Có thể hạn chế tham nhũng, tiêu cực
* Ông đánh giá chủ trương thi tuyển thay vì đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý của TP.HCM phù hợp với bối cảnh hiện nay?
- Ở các nước có nền hành chính chuyên nghiệp, hình thức thi chỉ để tuyển người vào làm công chức ban đầu. Sau khi đã làm công chức rồi họ sẽ đề bạt, bổ nhiệm bằng cách đo thành tích thực tế.
Bối cảnh nền hành chính ở nước ta thời gian qua có hiện tượng chạy chức, chạy quan hệ, thành ra nếu thi tuyển thực chất sẽ hạn chế được thực trạng đó, dù hình thức thi đôi lúc học tài thi phận, có thể không chọn chính xác được người giỏi.
Về lâu dài nên áp dụng các giải pháp tiên tiến như các nước để đánh giá đo được mức độ tài năng của công chức, viên chức bằng hiệu quả công việc để đề bạt, bổ nhiệm thay vì thi tuyển.
* Đối tượng được đăng ký dự tuyển gồm cán bộ, công chức, viên chức tại TP.HCM, không giới hạn đơn vị, nằm trong nguồn quy hoạch của chức danh cần thi tuyển hoặc tương đương. Ông đánh giá như thế nào về các đối tượng được dự thi?
- Việc tổ chức bộ máy của TP.HCM hiện bị ảnh hưởng bởi những quy định lớn hơn của quy chế cán bộ công chức của Trung ương và các luật cán bộ, công chức, viên chức. Người chưa nằm trong quy hoạch và không phải công chức, viên chức hiện sẽ không được thi.
Thi tuyển, bổ nhiệm hay đề bạt công chức, viên chức đều quan trọng, nhất là tìm được người tài, bổ sung được những kỹ năng điều hành sáng tạo cho lĩnh vực công.
Việc mở rộng đối tượng thi ra cho lĩnh vực tư rất quan trọng và cần thiết. Do vậy nếu có điều kiện, TP.HCM nên kiến nghị Trung ương cơ chế để mở rộng đối tượng thi tuyển ra cả những người chưa được quy hoạch, chưa phải là công chức, viên chức. Từ đó, TP có thể xem xét những lĩnh vực cần mở rộng đối tượng để thu hút người giỏi vào làm việc.
Thi đủ kiến thức, thái độ và kỹ năng
TS Nguyễn Sĩ Dũng
* Vậy để thực chất chọn được người có tài, có tâm vào bộ máy, việc thi nên tổ chức như thế nào để đạt hiệu quả?
- Cần nhìn nhận chúng ta chưa có kinh nghiệm cũng như năng lực trong việc tổ chức thi.
Việc tổ chức thi hiện nay thường chủ yếu thi về mặt kiến thức. Trong khi thi để chọn người tài quản trị công việc công phải có hệ thống đề thi khác, không chỉ thi kiến thức.
Để lựa chọn người có năng lực phải toàn diện trên ba tiêu chí là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Ngoài phần thi kiến thức phải có phỏng vấn để xem thái độ người dự thi như thế nào, có cống hiến, công tâm và sẵn sàng hy sinh cá nhân để thúc đẩy việc công không.
Phần thi kỹ năng xử lý tình huống cũng vô cùng quan trọng để đánh giá năng lực giải quyết công việc thực tế của người thi.
Để làm được việc này với hệ thống hành chính công là thách thức lớn nhưng muốn việc thi tuyển thực chất và đạt mục tiêu cao nhất là tuyển chọn được người có tài, có tâm chắc chắn phải làm.
Chúng ta nên học hỏi các công ty tư nhân khi tuyển người. Có nhiều công ty tổ chức thi tuyển với tỉ lệ chọi cao và trong phần thi luôn đầy đủ cả phần thi kiến thức, phỏng vấn thái độ và kỹ năng để làm công việc cụ thể.
* Ông nói về lâu dài nước ta nên áp dụng các giải pháp tiên tiến của các nước để đề bạt, bổ nhiệm công chức, viên chức bằng cách đo thành tích thực tế, thay vì thi tuyển. Việc đánh giá đó được thực hiện như thế nào?
- Tuyển công chức, viên chức quan trọng nhất là đầu vào nên ở các nước họ tuyển đầu vào bằng hình thức thi tuyển quốc gia. Những người thi đậu thực sự có tài năng và sẽ được tuyển dụng vào bộ máy hành chính.
Ví dụ TP.HCM thiếu công chức, viên chức sẽ tuyển những người đã thi đậu và có chứng chỉ đã đậu kỳ thi quốc gia để làm công chức, viên chức và không tuyển người ngoài.
Sau khi tuyển chọn vào làm công chức, người ta đo bằng thành tích thực tế để đề bạt thăng chức. Tức là người ta đưa chỉ số KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc), công chức hoàn thành được xuất sắc hơn mức đó sẽ được đề bạt.
Mô hình này đảm bảo người được đưa lên chắc chắn giỏi và làm được việc. Bởi vậy, có những người rất trẻ nhưng được đưa lên rất nhanh bởi họ xuất sắc hơn những người khác trong chỉ số đó.
Đó cũng là động lực để bản thân công chức cống hiến. Việc này cũng đồng thời áp đặt người đứng đầu phải có trách nhiệm chọn người tài. Ví dụ, giám đốc sở giao thông vận tải phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc hoàn thành các công việc liên quan đến lĩnh vực giao thông, vận tải. Khi đó, giám đốc sẽ công tâm chọn người tài, họ không thể đưa người không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu vào bộ máy.
* Tuyển chọn người tài, người giỏi thường đi đôi với việc phải có chế độ làm việc, lương bổng hợp lý. Theo ông, vấn đề này nên giải quyết thế nào?
Video đang HOT
- Thực chất muốn tuyển người tài quan trọng là lương, bởi nếu lương không đủ sống, nhiều người sẽ sử dụng quyền năng trưởng phòng, phó phòng để có thêm thu nhập, như vậy rất dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Với các chức danh TP.HCM đưa ra thi lần này gắn với quyền năng, lợi ích về sau có thể lớn hơn lương nên người thi có thể có động lực thi vào.
Nhưng những khuyến khích này có thể méo mó nếu lương không được cải cách tương ứng. Bởi vậy, để những người giỏi thật sự cống hiến tạo nên nền hành chính chuyên nghiệp, việc thi phải đi đôi với cải cách chế độ lương bổng.
Các chuyên viên Văn phòng UBND quận Bình Thạnh – bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – Ảnh: HỮU HẠNH
Sẽ tổng kết để xác định rõ ưu, nhược điểm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết bộ đang được giao tổng kết 5 năm thí điểm thi, tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng. Hiện bộ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương được giao làm thí điểm báo cáo và hiện đang tổng hợp các số liệu cụ thể.
Vị này cho hay việc thí điểm thi tuyển thời gian qua đã đạt được một số kết quả và chủ trương chung của Đảng, Nhà nước sẽ mở rộng triển khai thực hiện việc thi tuyển chọn lãnh đạo các cơ quan đơn vị.
Tuy nhiên cần chờ kết quả tổng kết sau 5 năm thí điểm để đánh giá những ưu điểm, hạn chế cũng như nguyên nhân. Từ đó bộ sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những hướng dẫn thêm cho các cơ quan, địa phương thực hiện nội dung này.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ):
Tạo sự công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ
Theo đúng cải cách chế độ công vụ thì việc tổ chức thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý, trước hết ở cấp vụ, cấp sở, phòng là phải có. Đây là bước đột phá trong công tác cán bộ, tạo sự công khai, minh bạch, khách quan trong quá trình đề bạt. Khi không tổ chức thi tuyển mà đề bạt, bổ nhiệm sẽ dễ có những thông tin, ý kiến khúc mắc.
Nhưng với các cán bộ trong quy hoạch khi tham gia thi tuyển tốt sẽ được đề bạt tạo ra sự công tâm. Thực tế nhiều địa phương, bộ, ngành đã tổ chức thi tuyển và với TP.HCM cũng đã tổ chức với kết quả đạt tốt. Do đó chúng ta cần khuyến khích.
Đối với việc tinh giản biên chế ở các cơ quan, đơn vị hiện nay cũng không ảnh hưởng tới việc thi tuyển. Bởi thực tế những người bị tinh giản đều là cán bộ, công chức không đảm bảo chất lượng, còn người ở lại đa số có chất lượng. Việc tổ chức thi tuyển khi đó sẽ tốt hơn, chọn được người xứng đáng, đủ điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Thời gian tới tôi cho rằng cần hoàn thiện thêm về quy trình tổ chức thi tuyển. Trong đó có thể mở rộng diện, số lượng cán bộ có thể tham gia thi tuyển. Hiện nay đa số cán bộ, công chức tham gia thi tuyển đều là người thuộc diện quy hoạch ở trong cơ quan, ngành đó. Do vậy nên xem xét có thể mở ra ở các đơn vị, cơ quan khác nhằm chọn được cán bộ lãnh đạo có chất lượng tốt hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Nhật Khanh (giảng viên khoa luật, Trường đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM):
Cần mở rộng đối tượng thi
Hình thức bổ nhiệm hay là thi tuyển đối với lãnh đạo, quản lý chỉ tốt khi làm thực chất. Nếu không làm thực chất, hình thức nào cũng dở. Bên cạnh đó, năng lực của thành viên tham gia hội đồng thi cũng vô cùng quan trọng.
Hiện tại việc thi tuyển công chức do UBND cấp tỉnh thông qua sở nội vụ thực hiện. Chúng ta có thể sử dụng hội đồng đó để thực hiện thi tuyển, miễn sao bảo đảm rằng các thành viên của hội đồng thi phải thực sự khách quan và phải có chuyên môn để đánh giá đúng năng lực của ứng cử viên.
Ở các nước trên thế giới, thành viên của hội đồng thi do cơ quan quản lý công chức quyết định thành lập nhưng hội đồng thi rất cần những người có chuyên môn bên ngoài, để họ có những đánh giá khách quan nhất, ít bị chi phối bởi các yếu tố như mối quan hệ, về tổ chức đảng.
Mặt khác, nếu chúng ta càng mở rộng đối tượng tham gia ứng tuyển càng tăng khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm sẽ càng tốt. Không nên bó buộc đối tượng là những người đang làm việc tại các đơn vị nhà nước.
Đưa Củ Chi lên thẳng thành phố
Huyện Củ Chi sẽ không lên quận mà phát triển thành TP trực thuộc TP.HCM. Bí thư Huyện ủy Củ Chi định hướng phát triển trung tâm logistics, xây dựng hồ phát triển cảnh quan, hình thành các khu dưỡng lão 5 sao.
Khu trung tâm huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: T.P.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng sau hội thảo về tầm nhìn phát triển huyện Củ Chi trong thời gian tới.
Phải nhanh chóng triển khai cao tốc An Sương đi Mộc Bài, đường vành đai 3 sớm kết nối Củ Chi, Hóc Môn với phía đông TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Đồng thời tập trung tháo gỡ những vướng mắc các dự án quy hoạch trên địa bàn huyện, đặc biệt là khu đô thị Tây Bắc, Thảo cầm viên Sài Gòn để sớm đi vào hoạt động...
Ông Võ Văn Hoan (phó chủ tịch UBND TP.HCM)
Không lên quận, phải là thành phố
* Nhiều chuyên gia đánh giá huyện Củ Chi là địa phương rất giàu tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng, theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Huyện Củ Chi nhìn bề ngoài có vẻ phát triển nhưng bên trong chủ yếu là đất nông nghiệp, hạ tầng giao thông kém phát triển. Các trục đường chính hiện nay như quốc lộ 22, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15... đã quá tải, kém an toàn. Quy hoạch giao thông của Củ Chi cần tính toán lại.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của huyện phát triển không đảm bảo, huyện dù có nhiều khu công nghiệp nhưng hạ tầng bên ngoài chật hẹp khiến việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn nhiều ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Dịch bệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế của các doanh nghiệp thâm dụng lao động này.
* Có ý kiến cho rằng nên giữ lại tỉ lệ đất nông nghiệp theo hướng "giữ làng trong phố" để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái... Định hướng phát triển sắp tới của Củ Chi là gì?
- Củ Chi sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, TP trực thuộc TP.HCM. Củ Chi sẽ không lên quận. Củ Chi sẽ đối trọng với Cần Giờ là hai đô thị sinh thái.
Lên TP, Củ Chi sẽ không bỏ đất nông nghiệp. Củ Chi có nguồn lực đất đai kết hợp với nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao.
Củ Chi phải thu hút được nguồn lực, nâng cao giá trị khai thác đất, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch. Củ Chi cũng phải có trách nhiệm giữ sạch nguồn nước đầu nguồn, không để ô nhiễm môi trường nên không khuyến khích các ngành thâm dụng lao động, gây ô nhiễm.
* Vậy việc phát triển cảnh quan, môi trường để phát triển đô thị sinh thái ra sao?
- Sắp tới trong xây dựng quy hoạch của huyện, tôi sẽ đề xuất xây dựng hồ cảnh quan với quy mô từ vài chục đến 100ha. Khi có hồ, xung quanh sẽ tạo cảnh quan môi trường, trồng cây, công viên giải trí, sinh hoạt văn hóa kèm theo các đường nhánh xung quanh phát triển các khu dịch vụ, thương mại, ẩm thực... để thu hút du khách.
Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng
Củ Chi phù hợp có một trung tâm logistics
* Chuyên gia cho rằng Củ Chi là địa phương thuận lợi để hình thành một trung tâm logistics. Ông nghĩ sao?
- Hiện TP.HCM đang thúc đẩy khép kín đường vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, khởi động đường ven sông Sài Gòn. Đây là những điểm nhấn về giao thông nếu được đầu tư sẽ giảm bớt ùn tắc các tuyến đường, tạo sự liên kết vùng.
Đồng thời, Củ Chi cũng cần có đường kết nối xuyên suốt từ đông sang tây, hình thành các cảng và trung tâm logistics. Trung tâm này sẽ kết nối các khu công nghiệp của Bình Dương, Tây Ninh, Long An... và tạo dịch vụ hậu cần cho TP.
Vừa qua có nhiều nhà đầu tư muốn xây dựng cảng tại Củ Chi. Đây cũng là mong muốn của tôi khi về Củ Chi.
Trung tâm logistics tại Củ Chi là định hướng rất phù hợp với địa bàn này. Cảng này phải từ 100ha trở lên, chứa các dịch vụ hậu cần logistics và xung quanh sẽ quy hoạch các kho lạnh dự trữ nông sản và thực phẩm để bình ổn giá cả thị trường TP.
* Có ý kiến cho rằng du lịch Củ Chi chỉ nghĩ đến địa đạo và hết. Ông nghĩ gì về ý tưởng huyện Củ Chi phải có một khu vui chơi tầm cỡ như Disneyland để thu hút du khách?
- Việc này trong quy hoạch sẽ tính tới, nếu có nhà đầu tư thì địa phương sẽ ủng hộ hình thành các khu vui chơi như vậy để tạo điểm nhấn. Đúng là hiện nay, huyện Củ Chi đang thiếu các dịch vụ giữ chân du khách. Du khách chỉ xuống địa đạo rồi về, không có điểm để mua sắm, vui chơi.
Củ Chi có vườn cây trái, làng nghề... sẽ tổ chức các chuỗi du lịch kết hợp với địa đạo. Ở đây có mắm chua, rau móp, bánh tráng Phú Hòa Đông, có những sản phẩm nhiều nơi có nhưng không đâu ngon như Củ Chi. Địa phương đang nghiên cứu các sản phẩm đặc thù để đăng ký xuất xứ hàng hóa, quảng bá thương hiệu Củ Chi.
Bên cạnh đó, sắp tới sẽ có nhà đầu tư đến Củ Chi để nghiên cứu hình thành trại dưỡng lão 5 sao. Khu dưỡng lão dành cho người lớn tuổi có nhu cầu sinh hoạt chung, có các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe.
Cụm trường học và trung cấp nghề Củ Chi trên đường DT8, huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Hạn chế thấp nhất việc phân lô bán nền
* Giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút nhà đầu tư để phát triển Củ Chi theo những định hướng trên là gì?
- Hiện nay, bên cạnh hạ tầng giao thông kém phát triển, công tác quản lý đất đai có một số vấn đề là một trong những điểm nghẽn trong thu hút nhà đầu tư. Huyện đang cố gắng khắc phục, phải hạn chế thấp nhất việc phân lô bán nền nhỏ lẻ, không kết nối với các hạ tầng kỹ thuật, tạo ra những khu dân cư nhếch nhác.
Quỹ đất nông nghiệp của huyện cũng sẽ chuyển đổi một phần vì sản xuất nông nghiệp truyền thống không có sản lượng cao. Phải chuyển đổi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.
Đồng thời, bài toán phát triển phải tính toán đầy đủ, hài hòa các mặt kinh tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự, quốc phòng an ninh... Bài toán này cần phải có sự quyết tâm, có trí tuệ của nhiều người, sự tiếp thu của địa phương, sự lãnh đạo của TP thì mới thực hiện được mục tiêu đề ra.
Tuyến đường trung tâm huyện Củ Chi (TP.HCM) kết nối tỉnh Bình Dương và Long An - Ảnh: TỰ TRUNG
Bà Nguyễn Thị Lệ (chủ tịch HĐND TP.HCM):
Củ Chi quyết tâm lên TP trực thuộc TP.HCM
Củ Chi đang là một huyện có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học nhanh. Nhiều tiêu chí về kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng đô thị đã dần đạt theo các tiêu chuẩn của TP trực thuộc.
Chính vì vậy, trong giai đoạn 2020 - 2030, huyện Củ Chi quyết tâm phát triển lên TP trực thuộc TP.HCM. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi chính quyền phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở.
Bên cạnh đó, huyện phải rà soát tất cả các dự án đầu tư công; đánh giá tính khả thi, xây dựng kế hoạch đăng ký công tác chuẩn bị đầu tư nhằm tạo thế chủ động trong việc thực hiện các dự án trên địa bàn huyện. Đồng thời phải đảm bảo kỹ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Du khách tham quan địa đạo Củ Chi - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ông Huỳnh Đăng Nhựt Tâm (giám đốc Công ty du lịch Thương Hiệu Việt):
Cần thu hút được nhà đầu tư lớn, có tầm
Muốn nâng cấp các sản phẩm du lịch, Củ Chi được đầu tư thêm và phát triển cơ sở hạ tầng, đường sá...
Dù cách trung tâm TP hơn 30km nhưng để đi đến Củ Chi du khách vẫn mất hơn 2,5 giờ đồng hồ. Thời gian đi lại này rất khó để doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch. Vì tour phải luôn đi quá buổi, rất khó triển khai hoạt động khác vì khách phải quay lại TP trong ngày.
Đây chính là lý do khiến lượng khách đổ về Củ Chi chưa nhiều và luồng khách quay trở lại lần 1, lần 2 cũng ít do cảm thấy không có nhiều thú vị.
Tiềm năng phát triển du lịch của Củ Chi là không còn phải bàn cãi. Hiện TP.HCM đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch đường thủy kết nối giữa trung tâm TP với huyện Củ Chi nhưng chưa phát huy hiệu quả vì hạ tầng còn hạn chế.
Củ Chi còn có thể phát triển du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái, tour đường thủy... đa dạng sản phẩm thì mới hút được du khách.
Mô hình dưỡng lão, du lịch nghỉ dưỡng hay trung tâm giải trí lớn đều rất phù hợp với Củ Chi... Nhưng trước hết phải cải thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, vì những trục đường chính đến Củ Chi đều luôn trong tình trạng kẹt xe, mà làm du lịch để kẹt xe thì xem như thua.
Quan trọng nữa là cần tìm được những nhà đầu tư lớn, có tầm nhìn để thay đổi thực sự mảnh đất này. Bởi Củ Chi đã từng có những dự án quy hoạch lớn nhưng vẫn chưa thể triển khai do năng lực của nhà đầu tư.
Ngoài hạ tầng, yếu tố lao động cũng cần được xem xét từ bây giờ. Dù là thuộc TP, nơi cung cấp hàng triệu lao động trong ngành dịch vụ, du lịch nhưng lao động có tay nghề ở Củ Chi thiếu rất trầm trọng.
Giải quyết bài toán hạ tầng, giúp việc đi lại dễ dàng hơn thì cũng sẽ tháo được nút thắt thu hút lao động có tay nghề về làm việc ở Củ Chi.
N.BÌNH ghi
Ông Đinh Vĩnh Cường (chủ tịch Tập đoàn 365):
Tận dụng đường sông phát triển logistics
Hơn hai năm trước, chúng tôi có đưa một số nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam để tìm nơi xây dựng trung tâm logistics lớn.
Khi đi ngang qua Củ Chi, nhà đầu tư thấy huyện này có lợi thế khi là cửa ngõ phía tây bắc kết nối với trung tâm TP.HCM và các tỉnh miền Tây, thậm chí đi qua Campuchia. Nhà đầu tư đánh giá rằng nếu được đầu tư đúng mức, Củ Chi sẽ là TP đáng sống trong thời gian tới.
Tuy nhiên một điểm nghẽn mà các nhà đầu tư nhận thấy ở đây là giao thông kém, họ đặt câu hỏi rằng liệu các container sẽ di chuyển như thế nào và chính quyền có nghĩ đến việc hình thành một trung tâm logistics ở đây không.
Chúng tôi xin phép chính quyền tạo điều kiện làm cảng logistics, kho bãi tại đây để phục vụ các khu công nghiệp. Hiện vấn đề logistics, kho bãi phục vụ các khu công nghiệp đang rất thiếu trong khi huyện Củ Chi có đến 54km hành lang sông Sài Gòn, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc hình thành trung tâm logistics thứ hai tại đây sau Cái Mép, Tân Cảng.
PGS.TS Trương Thị Hiền (chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM):
Phát triển du lịch sinh thái, thể thao dưới nước
Ý tưởng quy hoạch không gian huyện Củ Chi dựa trên các trục đường bộ cao tốc hiện đại và đường thủy.
Thứ nhất, trục quốc lộ 22 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài - Tây Ninh - Campuchia có các cụm dịch vụ giải trí như Disneyland Việt Nam. Đây là khu dịch vụ du lịch, sinh thái, thể thao dưới nước, các khu an dưỡng, sinh thái dọc kênh An Hạ đến sông Sài Gòn. Tuyến này cũng nên có thêm cụm các bệnh viện, trung tâm y tế đa khoa, chuyên khoa cao cấp, khu Đại học Quốc gia 2, Khu công nghệ cao 2.
Thứ hai là trục dọc đường vành đai 4, tỉnh lộ 7 và 8. Trung tâm là thị trấn Củ Chi lan tỏa theo trục này về Long An qua xã Tân An Hội, giao quốc lộ 22 về khu Đại học Quốc gia 2 và Khu công nghệ cao 2, Khu công viên phần mềm 2.
Các yếu tố này kết thành cụm khoa học - công nghệ cao như Thung lũng Silicon ở Mỹ. Từ thị trấn Củ Chi theo tỉnh lộ 8 về Bình Dương sẽ là khu du lịch, thể thao, sinh thái, nông nghiệp sinh thái.
Thứ ba là dọc ven sông Sài Gòn phát triển các khu du lịch cao cấp, ven sông như du lịch sinh thái, du lịch thể thao dưới nước, du lịch tâm linh. Cụm này cũng hình thành các khu nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, ngưng phát triển nông nghiệp truyền thống.
THẢO LÊ ghi
TS Nguyễn Ngọc Hiếu (giảng viên quản trị đô thị ĐH Việt Đức):
Sử dụng công cụ quy hoạch và thuế để hạn chế đầu cơ đất
Theo quy luật chung, giá bất động sản sẽ tăng sau khi hạ tầng, tiện ích của một khu vực được đầu tư. Tại các đô thị đang phát triển thì những dự án hạ tầng mang tính kết nối hoặc phục vụ cho một khu vực, hoặc thông tin về việc phát triển đô thị luôn là những thông tin được quan tâm. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Chính sách nhà nước cần cải thiện để hạn chế tác hại của hành vi và trào lưu đầu cơ đất đai bằng nhiều công cụ như: lập khu vực phát triển theo cơ chế khai thác tiềm năng tăng giá đất để chi trả đầu tư phát triển hạ tầng tại chỗ, sử dụng thuế gia tăng giá trị tài sản sau khi phát triển, hoặc quyền ưu tiên mua đất kề cận ở những nơi sẽ tăng giá nhờ dự án đầu tư công.
Về mặt kinh doanh, đầu cơ đất không vi phạm pháp luật, nhưng trong thị trường còn "hỗn mang", Nhà nước có trách nhiệm hạn chế và trừng phạt các "cá mập" trục lợi, lôi kéo những người ít kinh nghiệm vào cuộc chơi rủi ro cao.
D.N.HÀ ghi
43.000ha
Đó là diện tích huyện Củ Chi, chiếm 1/4 diện tích TP nhưng chủ yếu là đất nông nghiệp, còn nhiều quỹ đất để phát triển nông nghiệp - công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng giao thông...
TP.HCM không cho tàu thuyền xuất bến nếu thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm Cảnh sát đường thủy TP.HCM xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn như sử dụng phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Lực lượng Phòng PC08B tuyên truyền cho người dân sử dụng phương tiện đường thủy - Ảnh: PC08B Thực...