TPHCM: Then chốt của đột phá kinh tế là sử dụng cán bộ
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, không đổi mới về thể chế kinh tế thì thành phố không phát triển được. Đột phá về thể chế sẽ dẫn đến đột phá phương thức và huy động nguồn lực. Song, để làm được những việc đó thì phải có đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ.
Tại hội nghị triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân một lần nữa nhấn mạnh về vai trò đầu tàu kinh tế đất nước của thành phố.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng đại biểu bên lề hội nghị
Theo ông Nhân, trong những năm qua kinh tế thành phố vẫn phát triển tương đối tốt là nhờ những thuận lợi có tính “tự nhiên, lịch sử”. Theo đó, cơ cấu kinh tế thành phố không giống với cả nước. Từ năm 1976, trong cơ cấu kinh tế thành phố, ngành công nghiệp – dịch vụ của đã chiếm hơn 90% và duy trì trong mấy chục năm qua.
Bên cạnh đó, thành phố còn có lợi thế về quy mô lao động lớn, chất lượng cao, năng suất lao động cao; thành phố có lực lượng doanh nghiệp lớn nhất nước (chiếm 1/3); sức mạnh kinh tế tư nhân khá lớn (hiện đóng góp trên 65%); thành phố là trung tâm tài chính lớn nhất nước và có truyền thống sáng tạo.
Tuy nhiên, hiện nay thành phố đang đối diện nhiều thách thức mà nếu không có cơ chế đặc thù thì không thể giải quyết được. Cụ thể, hạ tầng không theo kịp và đang cản trở sự phát triển của thành phố; biến đổi khí khí hậu và ngập nước; tỷ lệ sinh thấp, người nghiện ma túy tăng, tội phạm cao (số vụ xét xử chiếm 16% cả nước và bằng các tỉnh miền Tây Nam bộ cộng lại…).
Ngoài ra, TPHCM đóng góp cho ngân sách nhiều nhất (27% ngân sách quốc gia, với hơn 80% nguồn thu) nên không đủ để tái đầu tư về kinh tế, hạ tầng…
“Phải làm sao để thành phố đóng góp nhiều nhất thì có khả năng phát triển bền vững về tài chính. Nhiều thách thức mà không có đổi mới thể chế, quan hệ Trung ương địa phương mà tự thành phố thì không thể giải quyết được. Không đổi mới thể chế kinh tế thì không phát triển được”, ông Nhân nhấn mạnh.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho rằng Nghị quyết 54 của Quốc hội được ban hành nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, thách thức để thành phố phát triển nhanh, bền vững và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
“Đột phá về thể chế dẫn đến đột phá về phương thức và huy động nguồn lực để phát triển thành phố. Để làm được những việc đó thì phải đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ. Nếu đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ không có chuyển biến, không có tính đột phá để tạo lực lượng con người thì không làm được những cái trên”, Bí thư Thành ủy đánh giá vai trò quan trọng của công tác cán bộ.
Video đang HOT
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, vấn đề con người, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính phải được khẩn trương thực hiện, từ đó mới có động lực thực hiện các nhiệm vụ khác, tạo được nguồn vốn đầu tư phát triển thành phố.
“Nguồn lực chúng ta tạo ra được thì HĐND TPHCM phải giám sát làm sao cho đúng mục tiêu đặt ra. Hiệu quả, hiệu lực đã đành nhưng phải tiết kiệm, nguồn lực huy động được phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.Ví dụ như đầu tư các tuyến đường vành đai như thế nào, chương trình chống ngập cần nghiên cứu ra sao, giảm ô nhiễm môi trường bắt đầu từ đâu để tạo ra sự lan tỏa…”, bà Tâm nói.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá vấn đề con người đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thực hiện các nhiệm vụ khác để phát triển kinh tế thành phố
Theo bà Quyết Tâm, nhiệm vụ của HĐND TP là làm sao phải huy động được sự đồng thuận của nhân dân, tạo nhiều kênh lắng nghe ý kiến của người dân, các chuyên gia, nhà khoa học để phát huy dân chủ trong xã hội.
“Các cơ chế, chính sách cho thành phố được thực hiện phải minh bạch, công khai để người dân vừa tham gia ý kiến vừa góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết 54″, bà Tâm nhấn mạnh.
UBND TPHCM xác định 21 đề án, nội dung thực hiện Nghị quyết 54, trong đó có 13 đề án, nội dung thực hiện thường xuyên theo nhiệm vụ được phân công, 8 đề án cần tổ chức nghiên cứu, đề xuất.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, để Nghị quyết 54 hiệu quả, cần khẩn trương và mọi công việc cơ bản kết thúc vào kỳ họp HĐND TPHCM vào giữa năm 2018 chứ không thể kéo dài hơn nữa, bởi càng kéo dài thì thành phố càng mất cơ hội, vì thời gian thí điểm chỉ có 5 năm.
Dự kiến, vào kỳ họp bất thường của HĐND TPHCM vào giữa tháng 3, UBND TPHCM sẽ trình một số đề án thực hiện Nghị quyết 54 gồm: thu phí đậu xe ở một số quận; thu phí xử lý nước thải công nghiệp; chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học; nâng thu nhập cho cán bộ, công chức đang hưởng lương từ nguồn ngân sách thành phố.
Quốc Anh
Theo Dantri
TPHCM: Lãnh đạo phường hy vọng cơ chế đặc thù sẽ giúp "giữ chân" cán bộ
Trình độ đại học nhưng khi công tác ở phường với đồng lương thấp, nhiều cán bộ xin nghỉ việc, nhất là cán bộ không chuyên trách. Nhiều lãnh đạo phường tại TPHCM hy vọng việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố sẽ tăng thu nhập, giúp "giữ chân" cán bộ.
Chủ tịch phường lo ngại cán bộ nghỉ việc vì thu nhập thấp
Chiều 22/2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng Thường trực UBND TPHCM đã có buổi gặp gỡ với 322 Chủ tịch xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Người dân chờ làm thủ tục hành chính tại UBND phường 8, quận 3 (TPHCM)
Tại đây, bà Ngô Hải Yến - Chủ tịch UBND phường Đa Kao (quận 1) - cho biết dù mới công tác tại phường hơn 1 năm nhưng đã cho nghỉ việc 5 cán bộ, trong đó có 4 cán bộ không chuyên trách.
Theo bà Yến, người có trình độ đại học được tuyển dụng vào phường làm nhưng thu nhập thấp. Do thu nhập không đảm bảo trang trải cuộc sống nên nhiều người xin nghỉ việc.
"Trong 10 sự kiện tiêu biểu của thành phố năm 2017 thì tôi tâm đắc nhất với sự kiện Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó cho phép thành phố tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Hy vọng thành phố triển khai Nghị quyết thì quan tâm tới cán bộ phường, xã, thị trấn, đặc biệt là cán bộ không chuyên trách", bà Yến mong mỏi.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Chủ tịch UBND phường 15 (quận Bình Thạnh) - cũng nhấn mạnh rằng cán bộ ở phường hân hoan với kế hoạch tăng thu nhập cho cán bộ, công chức thành phố. "Dù ít hay nhiều thì cũng động viên anh em", bà Linh nói.
Theo bà Linh, hiện nay mô hình Bí thư Đảng ủy đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND phường đang phát huy một số điểm tích cực vai trò người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành.
"Tuy nhiên, hiện nay phụ cấp chức vụ cấp có 20% trên hệ số lương, so với khối lượng công việc thì mức này còn thấp. Tôi đề nghị tăng thêm cho các đồng chí này có thể lên 30% hoặc 50% để khuyến khích, động viên", bà Linh kiến nghị.
Tinh gọn bộ máy chính quyền cơ sở
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết vào tháng 3 tới, tại hội nghị bất thường của HĐND TPHCM, UBND TP sẽ trình một số đề án quan trọng để triển khai Nghị quyết 54, trong đó có tờ trình về tăng thu nhập cho cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách thành phố.
"Đây là tăng thu nhập chứ không phải tăng lương. Tăng lương là thẩm quyền của Trung ương. Dự kiến trong năm 2018, thành phố sẽ tăng thêm 0,6 lần và đến năm 2020 là 1,8 lần thu nhập cho cán bộ, công chức. Thành phố dùng nguồn tiết kiệm, nguồn thu để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức", ông Tuyến nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị 322 Chủ tịch xã, phường, thị trấn đẩy mạng cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Chủ tịch phường, xã, thị trấn cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho nhân dân, doanh nghiệp. Xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức phường, xã có chuyên môn tốt, trách nhiệm với công việc, gần gũi, thân thiện với nhân dân.
"Thành phố đang triển khi xây dựng thành phố thông minh. Muốn xây dựng thành phố thông minh thì phải có những con người thông minh, có những chủ tịch phường thông minh. Ứng dụng công nghệ thông tin mà bản thân ông chủ tịch phường, xã, thị trấn không hiểu thì rất khó. Năm qua, cũng nhờ ứng dụng công nghệ mà Văn phòng UBND TP tiết kiệm được 23 tỷ đồng", ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, trong năm 2018, thành phố sẽ triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về việc này, ông Phong đã giao Sở Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu thực hiện. Trong đó, có nhiều chủ trương liên quan đến hệ thống chính trị ở cơ sở như từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
"Bên cạnh đó, khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Đồng thời, khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước", Chủ tịch UBND TPHCM cho biết.
Quốc Anh
Theo Dantri
Dân kêu, doanh nghiệp kêu mà tập thể vẫn xuất sắc "Trong khi người dân, các đơn vị, doanh nghiệp vẫn kêu than khó khăn, họ còn nói với tôi "các sở chậm lắm anh ơi". Thế mà cuối năm, các phòng ban, tập thể nào cũng đạt xuất sắc là sao?" - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong truy vấn tại cuộc họp sơ kết Tình hình kinh tế-xã hội TP.HCM tháng...