TP.HCM: “Thay máu” xe buýt, hành khách tăng trở lại
Sau nhiều năm sụt giảm, nay lượng khách đi lại bằng xe buýt tại TP.HCM đang tăng trở lại. Một trong những nguyên nhân níu kéo được hành khách là do thành phố đang dần “thay máu” các phương tiện cũ kỹ, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ.
Thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) cho thấy, sau 4 năm lượng hành khách liên tục giảm, đến năm 2017, lượng hành khách đi lại bằng VTHKCC đã tăng trở lại. Ước tính năm nay, lượng hành khách đạt khoảng 604 triệu lượt khách (trong đó xe buýt đạt khoảng 306 triệu), tăng 6% so với năm 2016 và vượt 1% so với kế hoạch đề ra.
Kết quả này do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thay mới hàng loạt xe buýt cũ kỹ (đã thay mới khoảng 60% xe buýt trên địa bàn thành phố), đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ là những yếu tố thu hút người dân.
Tuyến xe buýt mẫu số 18 vừa được đưa vào sử dụng từ tháng 12.2017.
Điển hình trong số các tuyến buýt được đầu tư mới có 3 tuyến xe buýt mẫu: Tuyến xe 03 (Bến Thành – Thạnh Lộc), 33 (bến xe An Sương – Suối Tiên – ĐH Quốc gia) và 18 (Bến Thành – chợ Hiệp Thành) được đưa vào sử dụng từ ngày 1.12.2017. Đây là những tuyến xe buýt mẫu đầu tiên tại thành phố đảm bảo các tiêu chí như: Chất lượng phương tiện, cung cách phục vụ trên xe, thời gian di chuyển cùng việc đảm bảo an ninh trật tự,…
Video đang HOT
Theo ghi nhận, sau một thời gian hoạt động các tuyến xe buýt mẫu thu hút được nhiều khách đi lại. “Tuyến này có xe mới đi rất êm, sạch sẽ, chỗ ngoài thoải mái, mùi máy lạnh dễ chịu, không còn mùi hôi như nhiều tuyến xe khách. Việc phục vụ trên xe cũng lịch sự và quan trọng là xe đi đảm bảo khá đúng giờ”, Lan Anh (sinh viên Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ.
Tương tự, nhiều người cũng cho biết đi các tuyến xe buýt mẫu an toàn, chưa thấy tình trạng chen lấn mất trật tự, móc túi. Đặc biệt từ khi đưa vào sử dụng, chưa thấy tình trạng bỏ bến hay phóng nhanh vượt ẩu trên đường.
Trong khi đó, đơn vị chủ quản 3 tuyến xe buýt (HTX Vận tải 19.5) cho biết tuyến số 03 có 26 xe (loại xe 47 chỗ); tuyến 18 có 24 xe (loại 60 chỗ ngồi và đứng) và tuyến 33 có 50 xe (loại xe 68 chỗ ngồi và đứng). Trong đó tuyến xe buýt 18 toàn bộ sử dụng khí CNG. Tổng kinh phí đầu tư 3 tuyến xe lên đến 235 tỷ đồng.
Các tuyến xe buýt mới đảm bảo di chuyển đúng giờ, đúng trạm. Thông tin về tình hình giao thông thực tế cũng như lộ trình các tuyến xe đều được cập nhật trên hệ thống điện tử và trên cơ sở đó, đơn vị sẽ chủ động điều phối phù hợp. Trên các tuyến đều có wifi miễn phí, camera và GPS giám sát hành trình. Một số phương tiện cũng được tổ chức chạy theo khung giờ cố định để phục vụ người khuyết tật.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC cho hay, qua hơn nửa tháng đưa vào sử dụng, các tuyến xe buýt mẫu đảm bảo các tiêu chí đề ra. Trung tâm chưa nhận được cuộc điện thoại hay ý kiến phản ánh về việc các xe buýt bỏ trạm, bỏ bến; thái độ ứng xử của nhân viên với hành khách, móc túi, quấy rối tình dục, không đảm bảo lộ trình. Đáng mừng hơn, lượng khách đi lại trên tuyến xe buýt mẫu đang tăng lên. Riêng tuyến 18. khách tăng thêm khoảng 900 lượt/ngày.
Đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TP.HCM cho biết, có nhiều đơn vị đã đăng ký muốn thực hiện thí điểm các tuyến xe buýt điểm. Sắp tới, trung tâm sẽ tiếp tục mở thêm các tuyến khác để phục vụ hành khách, thu hút người dân đi lại bằng VTHKCC.
Theo Danviet
Liệu xe điện sẽ phủ khắp trung tâm TP.HCM?
Nhiều nhà đầu tư xin thực hiện các tuyến xe điện chạy ở trung tâm TP.HCM để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Ngày 19.12, Sở GTVT TP.HCM cho biết, vừa kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho thí điểm dịch vụ cho thuê xe điện trong khu vực trung tâm (Q.1) theo đề xuất của Công ty TNHH Công nghệ IOT Thông minh Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn thí điểm, công ty trên đề xuất đầu tư 1.000 xe gắn máy điện bố trí tại 74 vị trí trên vỉa hè. Mỗi vị trí rộng khoảng 6-10m2, bố trí được từ 12-20 xe và cách nhau 200-300m. Sau khi triển khai thí điểm ở Q.1, Công ty IOT dự kiến mở rộng ra toàn thành phố với 50.000 xe sau 3 năm.
Để sử dụng dịch vụ này, người dùng sẽ cài đặt ứng dụng Vimotor trên thiết bị điện thoại thông minh, sau đó tìm và xác định vị trí điểm cung cấp xe gắn máy điện gần nhất, quét mã để mở khóa và sử dụng xe. Xe có chức năng khóa xe tạm thời trong trường hợp người dùng chưa muốn kết thúc chuyến đi. Kết thúc chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng chỗ quy định để khóa xe và hoàn tất việc thanh toán thông qua ứng dụng.
Một doanh nghiệp vừa đề xuất thành phố cho thuê xe điện đi lại ở khu vực trung tâm. (Ảnh minh họa)
Cước phí cho thuê dịch vụ khởi điểm là 3.000 đồng cho 10 phút đầu tiên, mỗi 5 phút tiếp theo là 1.500 đồng. Thời gian trung bình cho một lần sử dụng khoảng 15-20 phút, tương đương khoảng 4.500-6.000 đồng/lượt. Việc thanh toán được thực hiện theo hình thức nạp tiền vào tài khoản sau đó trừ dần. Tuy nhiên thời gian đầu nhà đầu tư miễn phí sử dụng từ 1-3 tháng để khuyến khích người dân sử dụng.
Ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đây mới là đề xuất của doanh nghiệp và đang chờ quyết định chính thức của lãnh đạo thành phố. Theo ông, đây là việc để đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, hỗ trợ tốt cho xe buýt. Các điểm bố trí xe điện được đặt gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, điểm đầu cuối tuyến xe buýt tạo điều kiện cho hành khách sử dụng xe buýt từ nhà đến điểm dừng xe buýt và từ điểm dừng xe buýt đến trường học, khu thương mại, du lịch...Trong tương lai loại hình này còn hỗ trợ tốt cho các loại hình vận tải công cộng khác như Metro, BRT.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, đây không phải lần đầu tiên có doanh nghiệp đề xuất thực hiện thí điểm xe điện tại trung tâm thành phố. Năm 2016, Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh bất động sản Phố Cảnh đã đề xuất đưa vào vận hành các tuyến xe buýt sử dụng xe 4 bánh gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện. Thành phố phê duyệt và được Mai Linh, Công ty Phố Cảnh đưa vào thí điểm trước Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017. Riêng Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn chưa tìm được nguồn vốn nên chưa triển khai thực hiện.
Cũng vào giữa năm 2016, UBND TP.HCM đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV ĐT Hồ Huy triển khai thí điểm đầu tư, khai thác 100 xe taxi hoạt động bằng năng lượng điện trên địa bàn thành phố.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã báo cáo UBND thành phố xem xét cho Công ty TNHH Thường Nhật về việc triển khai thực hiện thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ khách du lịch trong phạm vi hẹp kết nối với tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông). Ngoài ra, sở cũng kiến nghị thành phố xem xét chấp thuận cho phép xe điện hoạt động trong phạm vi hạn chế để vận chuyển bệnh nhân của Bệnh viện 115.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết vấn đề giao thông thành phố ngoài nhiệm vụ giảm ùn tắc còn vấn đề là giảm ô nhiễm môi trường. Việc đưa vào sử dụng các xe điện ở khu vực trung tâm sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường và trên thế giới có nhiều thành phố đã thực hiện.
Theo ông, hiện có nhiều doanh nghiệp đang xin triển khai thí điểm các tuyến xe điện chạy ở trung tâm thành phố, sở rất ủng hộ việc này. Tuy nhiên lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, sở sẽ cân nhắc khi triển khai vì còn liên quan nhiều thứ như chi phí đầu tư, vận hành, bố trí các địa điểm tiếp điện (sạc điện), xử lý khi phương tiện hết điện...
Theo Danviet
Đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố quá sơ sài! Nhiều đại biểu tại hội nghị phản biện về dự thảo Đề án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức ngày 12.12 đã có nhận định như vậy. Góp ý về đề án trên, LS Trương Thị Hòa nhận định, với đề...