TPHCM: Tăng diện tích không gian mở để hạn chế ngập lụt
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đối với những nơi có địa hình thấp trũng (dưới đỉnh triều cường 1,5m), cần xây dựng với mật độ thấp, tăng diện tích không gian xanh và không gian mở (ít nhất 30% diện tích) để trữ nước mưa, hạn chế ngập lụt đô thị, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Đó là nội dung đáng chú ý trong tờ trình về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020 vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP gửi UBND TPHCM.
Kẹt xe, ngập lụt là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM
Đối với nhóm giải pháp về thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, các khu đô thị bắt buộc các nhà đầu tư phải xây dựng hồ điều tiết nước. Đồng thời, phát triển nhiều mảng xanh tại những vùng đất thấp và tận dụng tối đa những phần đất trống để tạo mảng xanh cho đô thị.
Sở cũng đề xuất phải bố trí các cơ sở kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo vệ sinh môi trường. Từng bước di dời các cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp tập trung. Đồng thời, chuyển đổi các khu đất đã di dời các cơ sở công nghiệp, thành đất nhà ở hoặc đất công trình công cộng để khai thác hiệu quả và bền vững về phương diện môi trường.
TP cần hoàn thiện quy hoạch đô thị để đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật – xã hội, hiện đại thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Video đang HOT
Ngoài ra, Sở cũng đưa ra giải pháp bố trí dân cư dọc các tuyến metro để tiếp cận giao thông nhanh và hiệu quả, giảm ùn tắc giao thông. TP cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm; sớm đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh của thành phố tại 4 hướng gồm trung tâm phía Đông (Thủ Đức, quận 9), trung tâm phía Tây (Bình Chánh), trung tâm phía Nam (quận 7, Nhà Bè) và trung tâm phía Tây Bắc.
“Đây là giải pháp rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay đến năm 2020 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cũng như kết hợp phân bố lại dân cư từ nội thành ra các đô thị vệ tinh góp phần giảm ùn tắc giao thông”, Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá.
Quốc Anh
Theo Dantri
Xây hồ điều tiết giảm ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (CHKQT TSN) phải hoàn tất công tác nghiên cứu, thiết kế việc bố trí hồ điều tiết giảm ngập trong khuôn viên sân bay và gửi các sở, ngành liên quan góp ý kiến, xong trước ngày 30/9.
Sau cuộc họp với Cảng vụ hàng không miền Nam, CHKQT TSN, nhà máy A41 (thuộc Cục Kỹ thuật - Quân chủng Phòng không Không quân) và một số đơn vị liên quan, Sở GTVT TPHCM đã có tờ trình gửi UBND TPHCM về giải quyết thoát nước chống ngập cho CHKQT TSN. Trong đó, Sở GTVT TP đề xuất hàng loạt giải pháp trước mắt và lâu dài để giảm ngập cho "điểm ngập" Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (TTCN) thực hiện việc khảo sát, sửa chữa 2 đoạn cống bị sụp băng ngang đường Phan Thúc Duyện (thuộc phạm vi Nhà máy A41, Sư đoàn 370), đồng thời thực hiện việc khảo sát vị trí lắp đặt máy bơm để tăng cường khả năng thoát nước của tuyến rạch A41.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đi kiểm tra tình trạng thoát nước tại rạch A41- phụ trách thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất
Hiện nay, đoạn cống sụp băng ngang đường Phan Thúc Duyện vẫn chưa được phân cấp quản lý. Do đó, trước mắt giao TTCN phối hợp với UBND quận Tân Bình xác định các vị trí lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy trên rạch A41 để thực hiện cưỡng chế. Sau đó, triển khai ngay công tác khảo sát, duy tu, nạo vét đoạn cống này nhằm đảm bảo thoát nước cho khu vực sân bay và nhà máy A41.
Về giải pháp lâu dài, UBND quận Tân Bình cần đẩy nhanh tiến độ lập dự án cải tạo rạch A41 (từ CHKQT TSN ra đường Cộng Hòa, quận Tân Bình) và bổ sung kế hoạch đăng ký sử dụng đất để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng.
TTCN cần đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành dự án cải tạo tuyến mương Nhật Bản nhằm bảo đảm thoát nước khu vực sân bay, khu dân cư lân cận cũng như kết nối đồng bộ với dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.
Đặc biệt, CHKQT TSN phải hoàn tất công tác nghiên cứu, thiết kế việc bố trí hồ điều tiết giảm ngập trong khuôn viên sân bay và gửi các sở, ngành liên quan góp ý kiến, xong trước ngày 30/9.
TTCN sẽ xây dựng kế hoạch điều hành tổng thể giải quyết thoát nước khu vực CHKQT TSN để điều hành chung. Ngoài ra, TTCN cũng chủ trì, phối hợp với CHKQT TSN xác định lưu vực thoát nước của khu vực sân bay ra 3 tuyến kênh, rạch (A41, Hy Vọng và Nhật Bản), đồng thời tính toán khẩu độ cống thoát nước thích hợp cho khu vực sân bay. Bên cạnh đó, giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 phối hợp với TTCN khảo sát hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên đường Trường Sơn để bảo đảm tiêu thoát nước cho tuyến đường này.
Lắp camera để giám sát việc xả rác trên kênh, rạch
Liên quan đến nhiệm vụ cấp bách giảm ngập cho những điểm nóng ở TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã chỉ đạo các phương án giảm ngập trên địa bàn quận Bình Thạnh. Theo đó, ông Lê Văn Khoa đã đồng ý với chủ trương nâng đường và làm hệ thống thoát nước cho đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ông Khoa cũng lưu ý, vì đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún và cống bị hư hỏng nên khi làm cống, nâng đường phải lấy ý kiến của người dân.
Ông Lê Văn Khoa thị sát các điểm lấn chiếm kênh rạch tại quận Bình Thạnh ngày 21/9
Ông Khoa giao quận Bình Thạnh lắp đặt trạm bơm để giải quyết ngập ở đường Bạch Đằng, giao TTCN tăng cường máy bơm để giảm ngập cho đường Ung Văn Khiêm. Song, ông Khoa lưu ý về lâu dài phải cải tạo toàn bộ hệ thống thoát nước trên đường Ung Văn Khiêm.
Ngoài ra, ông Lê Văn Khoa cũng chỉ đạo quận Bình Thạnh thường xuyên nạo vét, duy tu dòng chảy ở các vị trí kênh rạch, cửa xả bị lấn chiếm. UBND quận Bình Thạnh phải cử lực lượng vớt rác ở cửa xả, đồng thời lắp đặt hệ thống camera để phát hiện những hành vi xả rác trên kênh, rạch.
Quốc Anh
Theo Dantri
TP HCM xây trung tâm hội nghị hình cánh sen ở Thủ Thiêm Công trình tiếp giáp mặt tiền sông Sài Gòn tạo điểm nhấn quan trọng của Khu đô thị mới Thủ Thiêm - trung tâm mới của TP HCM. UBND TP HCM vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp Trung tâm hội nghị triển lãm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm....