TPHCM tái nở rộ “đinh tặc”
Sau tết, “đinh tặc” hoạt động dày đặc, rộng khắp trên các tuyến đường của tỉnh Bình Dương, gây bất an và xôn xao dư luận. Trong lúc lực lượng chức năng, các đội nghiệp vụ của tỉnh này đang vào cuộc quyết liệt mà tình hình vẫn chưa tạm lắng thì những ngày qua, đường dây nóng Báo SGGP lại liên tiếp nhận được phản ánh của bạn đọc: Tại TPHCM, nạn rải đinh trên đường, làm giá vá – sửa xe đang tái nở rộ, cả ngoại thành lẫn nội thành.
Những chiếc đinh như thế này được rải dày đặc trên đường.
200 chiếc đinh trên 30m đường
Theo anh Đinh Công Toản – người tự nguyện dùng nam châm hút đinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương và TPHCM, tuần qua trên quốc lộ 1A (quận Thủ Đức), xa lộ Hà Nội (quận 9), “đinh tặc” hoạt động rộ trở lại.
Sáng 24-2, trên quốc lộ 1A đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu vượt Sóng Thần, bẫy đinh xuất hiện như nấm trên mặt đường. Sau 2 giờ dùng nam châm hút, anh Toản thu nhặt hơn 1,5kg đinh dạng hình thoi và tam giác. Nhiều nhất là đoạn đường trước trạm xăng Nam Hưng (quận Thủ Đức), chỉ với chiều dài 30m nhưng có đến 200 chiếc đinh được hút lên.
“Tháng trước, khi kéo nam châm hút đinh ở đường vào Khu du lịch Đại Nam, Bình Dương, tình cờ tôi chạm mặt 4 “đinh tặc” đi trên 3 xe máy đang rải đinh. Chiều tối hôm kia, trên xa lộ Hà Nội (quận 9), tôi lại phát hiện 4 tên đó lén lút rải đinh ở khu vực Khu công nghệ cao. Hoạt động liên nhóm, địa bàn nên hễ Bình Dương làm rát là tụi nó tấn công lên đây” – anh Toản cho biết.
Ông T.T.Q., 69 tuổi, nhà gần trạm xăng Nam Hưng, cho hay trong các ngày từ 20 đến 26-2, sáng nào dậy tập thể dục ông cũng thấy đinh rải dày trên quốc lộ. “Nhiều phụ nữ chở trái cây, rau quả cồng kềnh lên chợ Tam Bình, qua đoạn này bị cán đinh phải hì hục đẩy xe tìm chỗ vá, có người bỏ xe đi kêu thợ đến thay ruột xe. Tốn thời gian, mất sức, họ còn bị tụi vá xe di động chặt chém với giá cao” – ông Q. bức xúc nói.
Video đang HOT
Cũng trong sáng 24-2, trên các tuyến quốc lộ 1A và 13 (quận Thủ Đức), xa lộ Hà Nội (quận 9, 2), đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)… chúng tôi chứng kiến có đến chục trường hợp người tham gia giao thông bị “dính” đinh, xuống xe dẫn bộ.
Những ngày qua, bẫy đinh còn xuất hiện trên nhiều tuyến đường, khu vực mới khác như đường Nguyễn Văn Linh (quận 7 và huyện Bình Chánh), đường dẫn vào cầu Phú Mỹ (phường Cát Lái, quận 2), quốc lộ 22 (quận 12, Hóc Môn)… Hầu hết các tuyến đường này ít nhà dân nên “đinh tặc” dễ hoạt động, ra tay làm giá.
Đủ kiểu làm giá vá xe
Giọng nói bức xúc, chị Nguyễn Kim Loan – bị dính đinh trên đường Nguyễn Văn Linh (Bình Hưng, Bình Chánh) điện đến đường dây nóng Báo SGGP vào trưa 26-2, kêu cứu: “Nhà báo giúp tôi với, ở đây vá xe cắt cổ quá!”.
Chị Loan cho biết, trên đoạn đường ngắn từ chợ đầu mối Bình Chánh đến giao lộ Nguyễn Văn Linh – Phạm Hùng nhưng chị phải trả gần 150.000 đồng cho 2 lần vá và thay ruột xe. “Lần thứ nhất, vừa thay ruột xong, lấy lý do ruột xịn, khách làm mất giờ nghỉ trưa, thanh niên vá xe “hét” giá 100.000 đồng. Chạy được 200m tiếp theo, chưa hết bức xúc chuyện bị “làm giá”, xe tôi lại bị cán đinh! Lần này cảnh giác nên tôi hỏi giá trước nhưng chủ tiệm vá xe lại ra giá vá 35.000 đồng, thay ruột 100.000 đồng. Do đường về còn xa nên tôi đành đồng ý vá” – chị Loan kể lại.
Tương tự, sáng 24-2, anh Lê Tấn Ninh vừa dẫn xe ra khỏi tiệm vá xe trước Khu du lịch Suối Tiên, quận 9, với khuôn mặt buồn rượi, anh kể: “Để bảng là vá xe nhưng các tiệm vá xe ở đây không tiệm nào chịu vá, chỉ thay ruột. Hỏi giá ruột xe thì tiệm nào cũng ra giá từ 75.000 – 83.000 đồng. Đã vậy, khi vá xong chủ tiệm còn đòi thêm 17.000 đồng tiền công, lại còn to tiếng khi tôi phản ứng”.
Dư luận đang rất bất an, người dân luôn canh cánh nỗi lo mỗi khi lưu thông trên đường, thiết nghĩ chính quyền, ngành chức năng cần có biện pháp căn cơ, quyết liệt hơn với nạn “đinh tặc” và làm giá vá – sửa xe hiện nay.
Thượng tá Đoàn Văn Phê, Phó Trưởng Công an quận Thủ Đức: Quyết liệt quản lý, kiểm tra và xử lý
Để ngăn chặn nạn “đinh tặc”, các chủ tiệm vá – sửa xe chặt chém đang hoạt động mạnh tại TPHCM, đặc biệt trên các tuyến quốc lộ, xa lộ của quận Thủ Đức, trong thời gian gần đây, Ban Chỉ huy công an quận đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm, công an các phường liên quan tăng cường tuần tra, lập danh sách kiểm tra, quản lý đối với các cơ sở hành nghề sửa xe, vá xe gắn máy.
Qua kiểm tra, hiện trên các tuyến quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13 có 95 điểm vá, sửa xe, trong đó có 80 điểm không có giấy phép kinh doanh. Công an quận đang chỉ đạo công an phường kết hợp với các đơn vị chức năng liên ngành tuyên truyền, yêu cầu các chủ tiệm vá – sửa xe làm cam kết không thực hiện hành vi rải đinh hoặc tiếp tay cho đối tượng rải đinh.
Đến thời điểm này, lực lượng công an quận, các phường liên quan đã phát hiện và tố giác đối tượng đối với 56 điểm; kiểm tra xử phạt hành chính 15 điểm; tạm giữ 1 giấy phép kinh doanh; 8 bộ đồ nghề sửa, vá xe; lập biên bản yêu cầu ngưng hoạt động 16 điểm; buộc di dời 2 điểm. Hiện công an quận đang triển khai các biện pháp quyết liệt, phối hợp với lực lượng chức năng, đội nghiệp vụ của các huyện Dĩ An, Thuận An (tỉnh Bình Dương), quận 9 (TPHCM) để kịp thời xử lý các đối tượng rải đinh, vá, sửa xe chặt chém.
Bên cạnh đó, công an quận chỉ đạo công an phường tham mưu, phối hợp trinh sát hình sự, bảo vệ dân phố, dân quân tăng cường quản lý địa bàn, đối tượng, xây dựng quần chúng tốt để kịp thời thông tin cho công an bắt, xử lý các đối tượng rải đinh. Khen thưởng cho các trường hợp phát hiện, tố giác kịp thời. Với các đối tượng rải đinh khi bị bắt sẽ tùy mức độ xử lý, từ phạt hành chính đến xử lý hình sự.
Lê Minh Đức, Quận ủy viên, Bí thư Quận đoàn TNCS Thủ Đức: Người dân cần mạnh dạn trong việc chống “đinh tặc”
Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Thủ Đức về các biện pháp ngăn chặn nạn rải đinh, làm giá vá – sửa xe, Quận đoàn đang tiến hành niêm yết công khai giá vá, sửa xe đối với các chủ tiệm trên địa bàn. Có nhiều thông tin cung cấp cho rằng các đối tượng rải đinh là dân vãng lai, do đó Quận đoàn cũng đã phối hợp với các phường kiểm soát chặt chẽ các trường hợp người dân đăng ký tạm trú, tạm vắng.
Quận đoàn cũng đang phát động “Phong trào tố giác đinh tặc”, người dân khi phát hiện cung cấp thông tin kịp thời về “đinh tặc” cho lực lượng chức năng sẽ được khen thưởng ít nhất là 5 triệu đồng.
Hiện nay, các đối tượng rải đinh có nhiều thủ đoạn, hành vi mới tinh vi hơn như rải đinh khi đi trên xe buýt; thay đổi thời gian hoạt động; thuê đối tượng lạ để rải đinh; khi phát hiện có người theo dõi, “đinh tặc” quay lại ném đinh tung tóe khiến việc ngăn chặn, truy bắt, xử lý của lực lượng chức năng khó khăn hơn. Để bắt, xử lý tận gốc “đinh tặc”, ngoài các biện pháp của lực lượng công an, đơn vị chức năng, người dân là nạn nhân hay đang phát hiện có đối tượng rải đinh cần mạnh dạn báo tin theo đường dây nóng (0917.456.469).
Bên cạnh đó, Quận đoàn vẫn luôn thực hiện các biện pháp cũ như dùng xe nam châm hút đinh để hạn chế đinh trên đường gây nguy hiểm cho người lưu thông; phối hợp với Công an phường Tam Bình vá xe miễn phí cho nạn nhân bị “dính” đinh.
Theo SGGP
"Đinh tặc": Không phải tấn công là đủ
Hơn 780 ý kiến đã gửi về Tuổi Trẻ trong mười ngày qua xung quanh chủ đề "đinh tặc". Bạn đọc đưa ra nhiều giải pháp cũng như lo lắng việc "đinh tặc" sẽ trở lại.
Ông Lê Dũng Trí khổ sở dắt xe bị cán đinh trên xa lộ Hà Nội đoạn gần cầu Rạch Chiếc (Q.9, TP.HCM) hôm 18-2. Trong một tuần xe ông đã bị cán đinh ba lần - Ảnh: Đình Dân
Trước cuộc tiến công rất quyết tâm của toàn xã hội vào nạn rải đinh, tôi chắc chắn tin mà không sợ quá chủ quan rằng trong một thời gian ngắn nữa "đinh tặc" sẽ hết đường hoạt động, người dân có thể yên tâm bon bon trên đường.
Trước một vấn nạn có ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của người dân, làm sao chính người dân có thể khoanh tay đứng nhìn. Thêm nữa, một hành vi không thể chấp nhận được như thế đang diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật làm sao được phép diễn ra thường xuyên suốt thời gian dài, chắc chắn chính quyền sẽ phải có biện pháp.
Nhưng tôi lo ngại rằng rồi cũng như nhiều nạn khác, "đinh tặc" như con yêu tinh bạch tuộc nhiều vòi, chặt cái này lại mọc cái kia. Trước một cuộc ra quân rầm rộ (cho dù đúng thực chất chứ không làm màu) như thế này, nạn rải đinh sợ rằng chỉ tạm lắng xuống một thời gian, bọn "đinh tặc" chỉ tạm cất đồ nghề vài ngày. Khi không khí sục sôi trong việc chống rải đinh của người người, nhà nhà qua đi, "đinh tặc" tiếp tục hành nghề, nạn rải đinh biết đâu lại tái xuất ở một hình thức tinh vi hơn.
Bởi cho dù đó là cái nghề có bị nguyền rủa là mất nhân tính, là đang gieo tội ác, thì sợ rằng không sinh nhai cũng phải sinh tồn, ngựa lại quen đường cũ. Tấn công "đinh tặc", phải rồi! Nhưng tấn công làm sao cho triệt để, cho nạn rải đinh không còn cơ hội quay lại... thì cơ hồ những cuộc ra quân, những đường dây nóng, những món tiền thưởng, những danh hiệu khen tặng... dường như vẫn chưa đủ, nếu như không muốn nói cũng chỉ là những biện pháp ban đầu mang tính đối phó.
Nên muốn triệt tận gốc, có khi không chỉ dừng lại ở việc phạt người có tội, thưởng người có công. Thiết nghĩ chính quyền địa phương phải nắm bắt được chính hoàn cảnh của những "đinh tặc", vận động và giúp họ có được những công ăn việc làm với mức thu nhập tốt hơn, dần dần ổn định cuộc sống... Có thế mới thật sự giúp họ tránh xa con đường sai phạm đang mắc phải. Ví dụ tại sao lúc này không đưa họ vào ngay đội rà đinh hoặc vá xe lưu động... để góp phần đẩy lùi vấn nạn do chính họ gây ra. Sau đó, tạo điều kiện cho họ học nghề, tìm một công việc làm khác ngay tại địa bàn...
Từng có câu chuyện nhiều thanh niên tham gia nhóm "hiệp sĩ" bắt cướp ở Bình Dương một thời là yêng hùng quái xế, hằng đêm tụ tập phá làng phá xóm. Nhưng rồi họ được cảm hóa và với niềm say mê tốc độ, họ đã được dùng vào việc có ích (Từ quái xế thành "hiệp sĩ" - Tuổi Trẻ ngày 18-11-2010) thì tại sao chúng ta không tin có những "đinh tặc" trở thành người có ích.
Theo Tuổi Trẻ
Khởi tố, tạm giam vợ chồng "đinh tặc" Cơ quan điều tra Công an huyện Bến Cát, Bình Dương vừa khởi tố, bắt tạm giam vợ chồng "đinh tặc" Phạm Văn Cảnh (32 tuổi) và Bùi Thị Nga (29 tuổi) cùng quê Thanh Hóa về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Phạm Văn Cảnh (bìa phải) cùng những mảnh đinh có thể giết người Trước đó, chiều ngày 13-2,...