TP.HCM sau 7 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16: Số ca cộng đồng đã giảm
Chiều nay 15-7, TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng.
TP.HCM đã trải qua 7 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 – Ảnh: MINH HÒA
Chủ trì hội nghị sơ kết tại điểm cầu UBND TP.HCM có ông Trương Hòa Bình – phó thủ tướng thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên – bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM.
Số ca cộng đồng có xu hướng giảm
Tại cuộc họp, ông Lâm Đình Thắng – giám đốc Sở Thông tin – truyền thông – cho biết từ ngày 9-7 đến nay TP phát sinh 9.736 ca nhiễm, trong đó có 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng, 7.942 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Mặc dù số ca phát sinh tăng từng ngày nhưng số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng và bệnh viện có xu hướng giảm.
Hiện nay, huyện Bình Chánh có số ca nhiễm phát sinh nhiều nhất, sau đó là quận Bình Tân, quận 8, TP Thủ Đức… Các phường có ca dương tính phát sinh nhiều nhất là phường 13, quận 10 (43 ca); phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (41 ca); phường 7, quận 8 (41 ca)…
Ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải TP – đề nghị UBND TP chỉ đạo hạn chế công nhân đi lại tại các công trình; đánh giá và có thể tạm dừng các công trình thi công trên địa bàn, trừ các chương trình trọng điểm trong thời gian ngắn thực hiện chỉ thị 16 còn lại. Việc này sẽ hạn chế được vấn đề đi lại và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, ông Trần Quang Lâm cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thống nhất cơ chế lưu thông với các tỉnh để tránh tắc nghẽn việc cung ứng hàng hóa.
Về vấn đề cung ứng hàng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng mặc dù thời gian qua ngành công thương đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Ông Phong yêu cầu cần tiếp tục huy động nguồn lực, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân.
Ông Phong cũng cho biết bộ trưởng Bộ Công thương có đưa ý kiến về mở lại chợ truyền thống, tuy nhiên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần cẩn trọng trong việc mở lại này.
Hiện nay một số địa phương có đưa ý kiến tổ chức bán hàng ở các quảng trường, đường lớn thay vì tổ chức bán trong chợ truyền thống; kẻ ô, kẻ vạch bán giữa lòng đường, lề đường, đảm bảo khoảng cách cho người dân đi mua hàng.
Ông Phong cho rằng cần xem xét, có tính toán cụ thể phương án này để phục vụ người dân khi hệ thống các cửa hàng tiện lợi đang vượt quá khả năng cung cứng. Phải tính toán trên từng địa bàn cụ thể, chưa thể áp dụng trên phạm vi toàn TP.
Có thể mua rau củ quả qua Tiki, Lazada
Người dân mua thực phẩm tại chợ Thảo Điền, TP Thủ Đức – Ảnh: NHẬT THỊNH
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết trước khi thực hiện chỉ thị 16, người dân TP cần 7.000 tấn lương thực thực phẩm/ngày. Khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động thì việc cung ứng gặp khó khăn, sản lượng sụt giảm 50%.
Hiện tại các siêu thị, doanh nghiệp bình ổn nâng quy mô, năng lực cung ứng, nhưng so với nhu cầu của người dân thì thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống…
Video đang HOT
Từ 1-7, TP huy động thêm các kênh khác như doanh nghiệp logistics, thương mại. So với lượng hàng trước khi thực hiện chỉ thị 16 vẫn có sự thiếu hụt nhất định do khó khăn về luân chuyển, giao thông, chi phí gia tăng, tâm lý do các tin đồn lan truyền tác động lên người dân…
Hôm qua (14-7) là ngày khó khăn khi người dân tập trung đông đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua, sau khi TP bác tin đồn thì số lượng này đã giảm.
Sở Công thương đã phối hợp TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn nhằm tìm ra giải pháp khai thác các khu vực gần chợ đầu mối để làm các địa điểm trung chuyển hàng hóa. Đến nay đã đưa vào hoạt động được 3 ngày, tiếp nhận 100 tấn rau củ quả ở các địa phương đổ về.
Thứ 2, phát huy vai trò của các thương lái ở chợ đầu mối, tiếp tục thực hiện thông qua giao hàng trực tuyến, giao hàng qua điện thoại để đưa hàng về TP.HCM. Thứ 3, huy động công ty bưu chính, giao hàng nhanh, các doanh nghiệp logistics… hỗ trợ 1.000 điểm bán bổ sung, ngày mai 16-7 chính thức khởi động, sử dụng hệ thống cửa hàng hiện có của đơn vị cung ứng đang hoạt động, huy động 7 công ty logistics hoạt động độc lập với các điểm bán này với công suất đặt ra là 1.000 tấn.
Sở Công thương cho biết đơn vị này sẽ làm việc với các quận, huyện để đánh giá việc mở lại chợ truyền thống đủ điều kiện phòng chống dịch.
“Hiện nay quận huyện rất khó về lực lượng, chúng tôi sẽ bàn bạc, nghiên cứu các chợ sẽ hoạt động theo mô hình tự quản, giảm thiểu tối đa số lượng sạp để thực hiện 5K, hướng dẫn tiểu thương bán hàng đồng giá, không giao dịch lâu, tiếp tục suy nghĩ ứng dụng công nghệ thông tin, đưa dần chợ có đủ điều kiện để giúp người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nguồn rau củ quả”, ông Vũ nói.
Lãnh đạo Sở Công thương cho biết đã làm việc với các đơn vị như Tiki, Lazada, Sendo để thống nhất bán rau củ quả trên sàn thương mại điện tử, bằng chính kho hàng của họ và các đơn vị này đã đồng ý.
Đồng thời lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường xử lý, xử phạt các đối tượng gom hàng, ghim hàng để bán lại trục lợi.
TIẾP TỤC CẬP NHẬT
Trước đó, từ 0h ngày 9-7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố đã vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại thành phố và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch.
UBND thành phố yêu cầu thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo chỉ thị số 16 trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 9-7, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, xã phường thị trấn cách ly với xã phường thị trấn, quận huyện cách ly với quận huyện.
Chuyên gia kinh tế: 'TP.HCM nên giãn cách triệt để hơn'
Trong khi nhiều người dân đã chuẩn bị tâm thế thắt chặt việc đi lại trong 15 ngày, những người khác vẫn chưa sẵn sàng dừng việc mưu sinh.
15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM đã đi qua được 1/3 thời gian. Chính quyền thành phố vẫn loay hoay trong việc hạn chế người dân ra đường.
Chuyên gia kinh tế cho rằng Chỉ thị 16 được kỳ vọng là biện pháp cứng rắn, trên tinh thần "thà đau một lần rồi thôi", nên mỗi người dân sẽ phải thực sự hy sinh, đồng lòng mới tạo ra hiệu quả dập dịch.
"Đói quá nên phải đối phó"
2ngày qua, anh H. (ngụ tại TP Thủ Đức) bắt đầu chạy xe máy đi giao hàng ở quận Tân Bình. Trên tay anh cầm một tờ giấy xác nhận là nhân viên của một công ty thực phẩm.
"Mình mua tờ giấy đó giá 80.000 đồng. Người bán nó còn bảo cứ yên tâm, bên Gò Vấp người ta mua nhiều lắm", H. kể.
Cầm tấm giấy "thông hành" trên tay, H. lần lượt vượt qua các chốt kiểm tra trên đường Nguyễn Xí, Lê Quang Định (Bình Thạnh) để đến nơi làm việc. Tại mỗi chốt, cảnh sát chỉ mất 3 giây liếc qua con dấu đỏ chót trên tờ giấy rồi vẫy tay cho qua.
Lực lượng đứng tại các chốt sẽ chia ra để kiểm soát toàn bộ tuyến đường xung quanh các chốt. Thượng tá Thái Thanh Xuân
H. tâm sự bản thân là người làm việc tại nhà hàng, quán ăn. Do việc làm cũ đã mất, anh phải mang xe máy ra đường kiếm việc để nuôi vợ và 2 con nhỏ. Tuy công việc giao hàng vẫn được phép hoạt động, nhưng H. vẫn phải dùng giấy tờ giả vì anh không có giao kết hợp đồng với hãng vận chuyển nào.
Mỗi ngày chở hàng cho một nhà kho ở Tân Bình, anh H. kiếm được 300.000 đồng, số tiền quý giá để trang trải cho cả gia đình trong những ngày giãn cách xã hội.
Khi được hỏi có biết hành vi của mình đang ảnh hưởng đến công tác chống dịch của thành phố, H. ái ngại nêu ra những khoản tiền đang vay nợ và cuộc sống khó khăn của vợ con ở nhà.
"Đói quá nên mình phải dùng giấy tờ giả để đối phó, nhưng có ai mua giấy giả vì mục đích không chính đáng thì chẳng thể biết được. Mình thấy nhiều người còn mượn áo GoJek, Baemin để có cớ ra đường", nam tài xế chia sẻ như để bào chữa cho hành vi sai trái của mình.
TP.HCM vẫn để phát sinh những đám đông ùn tắc trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: Chí Hùng.
Trong 4 ngày đầu triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM đã lập hơn 300 chốt giao thông để kiểm tra lý do đi lại của người dân. Người muốn qua chốt phải có giấy chứng minh đang làm việc cho các cơ quan, doanh nghiệp được phép hoạt động.
Đến sáng 12/7, cảnh tượng ùn tắc đã xảy ra tại chốt kiểm soát Nguyễn Kiệm thuộc quận Gò Vấp. Hàng trăm phương tiện đi qua nút giao thông này trong ngày làm việc đầu tuần đã phải dừng lại để cảnh sát xét giấy tờ thông hành.
Điều khiến nhiều người bất ngờ là đến sáng 13/7, các chốt kiểm soát bên trong TP.HCM trở nên thông thoáng, cảnh sát không còn chặn từng người lại để hỏi giấy tờ.
Trao đổi với Zing , thượng tá Thái Thanh Xuân, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho rằng không có việc các chốt kiểm soát dịch được dỡ bỏ.
"Lực lượng đứng tại các chốt sẽ chia ra để kiểm soát toàn bộ tuyến đường xung quanh các chốt, nhằm xử lý trường hợp vi phạm", thượng tá Xuân nói.
Trong trường hợp không tuần tra lưu động, ông Xuân cho biết các lực lượng trở về chốt và tiếp tục kiểm tra theo hình thức ngẫu nhiên, thay vì kiểm tra tất cả người dân như những ngày qua dẫn đến tình trạng ùn tắc ở quận Gò Vấp.
Dồn sức để qua "bạo bệnh"
Chia sẻ với Zing , bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế quận Gò Vấp, nhận định những ngày qua người dân vẫn đổ ra đường rất nhiều, khó đảm bảo giãn cách như Chỉ thị 16.
"Chỉ thị 16 nếu tuân thủ đúng thì chắc chắn dập được dịch. Chuyên gia nước ngoài nói thế. Bản thân tôi từng trải qua Chỉ thị 16 ở Gò Vấp cũng khẳng định thế. Nhưng nếu du di cho người dân thì chỉ một đốm lửa nhỏ là lại bùng phát. Phải siết Chỉ thị 16 cực kỳ mạnh, mạnh hơn cả hồi trước thì mới mang lại thành công", ông Hòa chia sẻ.
Phải siết Chỉ thị 16 cực kỳ mạnh, mạnh hơn cả hồi trước thì mới mang lại thành công. Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa
Đề cập đến tình trạng ùn tắc tại các chốt giao thông ở quận Gò Vấp, ông Hòa cho biết đặc điểm của quận 12 là mượn đường xuyên qua Gò Vấp để vào nội thành, nếu quận 12 thả cho người dân đi lại như những ngày qua thì chốt kiểm soát ở Gò Vấp sẽ vỡ.
"Trước đây áp dụng Chỉ thị 16 cho riêng Gò Vấp chúng tôi còn chặn được, giờ áp dụng chung cả thành phố, để dân đi qua Gò Vấp như thế này là thua", bác sĩ Hòa nói và cho rằng mỗi quận huyện phải hạn chế thông thương với nhau. Kịch bản buộc người dân ở yên trong nhà là điều kiện lý tưởng nhất cho việc dập dịch.
"Ai cũng muốn điều đó, nhưng người dân vì mưu sinh, lý do riêng tư mà đổ ra đường thì mình cũng không giải quyết được", ông nói.
Chuyên gia Lê Thành Nhân cho rằng người dân cần đồng lòng, chấp nhận ở nhà 15 ngày để đảm bảo hiệu quả dập dịch. Ảnh: Ngọc Tân.
Thạc sĩ Lê Thành Nhân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định tinh thần của Chỉ thị 16 là kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại, giãn cách một cách thực chất. Nhưng mấy ngày qua, các biện pháp kiểm soát đang nặng về hành chính như xét giấy tờ, lý do chính đáng...
Trong khi đó, thành phố vẫn cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất. Các doanh nghiệp không có lý do gì để ngừng làm việc khi đơn hàng đã chốt. Do đó, áp lực phải duy trì ngày công và đáp ứng yêu cầu hành chính đè nặng lên người lao động.
"Một số người gọi giấy phép thông hành tại các chốt kiểm soát giống như giấy phép con, gây khó khăn và ảnh hưởng đến tâm lý của họ", ông Nhân chia sẻ.
Chúng ta phải vừa nhận diện, vừa ứng phó nên không tránh khỏi những chuệch choạc, bất cập. Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi
Trước việc TP.HCM lập các chốt kiểm soát giấy tờ của người dân rồi lại "xả chốt" khi đám đông lớn dần, chuyên gia Lê Thành Nhân cho rằng thành phố vẫn đang "ném đá dò đường". Mục đích tạo điều kiện cho người dân ra đường để duy trì kinh tế là tốt, nhưng có thể gây ra những vết thương dai dẳng.
Chuyên gia kinh tế vi mô cho rằng thành phố nên giãn cách triệt để hơn, tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh, mọi người đóng chặt cửa trong khoảng 1-2 tuần để ưu tiên kiểm soát dịch bệnh. Khi tình hình dập dịch có kết quả thì sẽ nới dần các hoạt động kinh tế.
"TP có thể duy trì mục tiêu kép, kiểm soát dịch và phát triển kinh tế với điều kiện phải kiểm soát được dịch trước rồi phát triển kinh tế sau. Giờ 2 cái đều chạy song song và 2 cái đều yếu thì không hiệu quả", giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định.
Chuyên gia cho rằng trong thời hạn 15 ngày mà ta khép chặt đến mức không cho ai ra khỏi nhà trừ lực lượng cơ yếu chống dịch, tổn thất về kinh tế sẽ là rất lớn, ngân sách cũng sẽ bị bào mòn để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nếu có sự chia sẻ đồng lòng, thắt lưng buộc bụng của người dân và doanh nghiệp, TP.HCM có thể dồn sức vượt qua cơn bạo bệnh này. Còn nếu để một cơ thể mệt mỏi vẫn phải cố đi làm thì sẽ càng mệt thêm.
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều 13/7, Zing đặt câu hỏi về phương án đảm bảo sản xuất an toàn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua, TP.HCM vẫn luôn duy trì mục tiêu kép, đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất an toàn. Nhưng đến lúc này, ưu tiên phòng chống dịch được đặt lên số 1.
Ông Phan Văn Mãi chia sẻ đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát phức tạp, có những việc nằm ngoài sự hiểu biết, sự chuẩn bị nên nhiều vấn đề phát sinh.
"Chúng ta phải vừa nhận diện, vừa ứng phó nên không tránh khỏi những chuệch choạc, bất cập. Chúng tôi nhận ra hoặc được góp ý, vừa làm vừa điều chỉnh thì lại có cái mới phát sinh và phải tiếp tục giải quyết", Phó bí thư chia sẻ.
Tận dụng thực phẩm 'cây nhà lá vườn' trong dịch Covid-19 Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan ra các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, các bạn trẻ và gia đình tại vùng quê tận dụng những sản vật tự trồng, tự nuôi...để làm nguồn thực phẩm cho những ngày giãn cách xã hội. Người nhà quê ra vườn lượm trứng vịt để có cái ăn trong mùa dịch Covid-19. Ảnh NGUYỄN...