TP.HCM ra mắt đội shipper tình nguyện
Đội tình nguyện viên có vai trò hỗ trợ nhận, vận chuyển hàng hóa đến người dân khó khăn do dịch Covid-19 tại TP.HCM.
Ngày 26/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, Trung tâm An sinh TP tổ chức lễ ra mắt đội tình nguyện viên giao hàng ( shipper tình nguyện) với 700 thành viên.
Mỗi nhóm có 10-14 thành viên, phân công nhóm trưởng, trực thuộc đội theo quận, huyện, TP Thủ Đức. Mỗi phường, thị trấn có tối thiểu 2 và mỗi xã có 3 shipper tình nguyện.
Thành viên đội shipper đều được tiêm vaccine, cấp đồng phục nhận diện, dụng cụ bảo hộ phòng chống dịch, giấy đi đường và được tập huấn kỹ năng vận chuyển theo địa bàn. Mỗi shipper tình nguyện được hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng; cung cấp suất ăn trưa, tối và 500.000 đồng/người/tháng phụ cấp xăng xe, điện thoại.
Nhiệm vụ của đội shipper tình nguyện là giao lương thực, thực phẩm từ tổ an sinh các phường, xã, thị trấn trên địa bàn đến từng hộ dân.
Đội shipper tình nguyện được cấp giấy đi đường, đồng phục để giao lương thực, thực phẩm đến tay người dân khó khăn. Ảnh: Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM.
Đội tình nguyện có trách nhiệm chấp hành sự phân công giao việc của Tổ trưởng Tổ An sinh phường, xã, thị trấn trên cơ sở tuân thủ các quy định phòng chống dịch…
Từ 23/8 đến hết 6/9, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 11 về tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Phương châm là “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”.
Video đang HOT
TP.HCM tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển…). Thành phố chuẩn bị 2 triệu túi an sinh với mục tiêu đảm bảo không bỏ sót trường hợp khó khăn.
Thành phố trải qua 89 ngày giãn cách xã hội theo nhiều mức độ nâng dần kể từ 31/5. Từ 27/4 đến trưa 26/8, địa phương ghi nhận hơn 190.000 ca nhiễm.
Đà Nẵng gặp khó trong cung ứng thực phẩm
TP Đà Nẵng kéo dài thời gian cách ly khi chưa có phương án tối ưu về nguồn hàng và nhân lực khiến hàng hóa cung ứng đến người dân vừa chậm, vừa thiếu.
Chiều 24/8, chị Phan Thị Anh Thu, thành viên tổ Covid cộng đồng ở phường Mân Thái (quận Sơn Trà), đến điểm bán hàng lưu động của Hội doanh nhân trẻ để mua hàng giúp 42 hộ dân tổ mình. Chờ một tiếng, chị chỉ mua được một ít tôm, cá, trứng, sữa và "chỉ đủ đơn của một nhà".
Quận Sơn Trà phong tỏa cứng 5/7 phường, khi có hàng trăm ca Covid-19 liên quan đến cảng cá Thọ Quang, người dân không kịp mua dự trữ lương thực, thực phẩm. Chưa hết thời gian phong tỏa, thành phố lại quyết định "người dân ở yên trong nhà". "Người dân ở nhà hơn 3 tuần nay, nhiều hộ đã cạn kiệt lương thực, thực phẩm", chị Thu nói.
Chị Thu với đơn hàng của một hộ dân nhờ mua nhưng không thể đáp ứng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Chính quyền đang thí điểm một số điểm bán hàng lưu động thịt và rau xanh, nhưng theo chị Thu từ 5h đến 7h là hết hàng vì nhu cầu mua lớn, trong khi nguồn cung lại ít. "Nghe thành phố áp dụng người dân không ra khỏi nhà thêm 10 ngày nữa, nhiều người lo lắng những ngày tới sẽ thiếu đồ ăn", chị nói.
Tình trạng thực phẩm không đáp ứng nhu cầu, hoặc cung ứng chậm xảy ra ở 7 quận, huyện của thành phố, nhất là dịp cuối tuần vừa qua, lượng thực phẩm dự trữ của nhiều gia đình cho 7 ngày cách ly đã hết. Khi thành phố thực hiện thêm 3 ngày "ở yên trong nhà", nhiều người đặt hàng qua các siêu thị, cửa hàng, nhưng không được phục vụ kịp thời. Nhiều app đặt hàng bị lỗi vì quá tải.
Hàng hóa tại các siêu thị cũng dần khan hiếm. Sáng 25/8, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Tổ trưởng dân phố 15, phường Tân Chính (quận Thanh Khê) đến một siêu thị mini trên đường Hoàng Hoa Thám để mua thực phẩm giúp một vài hộ dân, nhưng không mua được thịt, cá, rau xanh, đành mang về ba thùng mì tôm, một thùng sữa và hai chai nước mắm, dầu ăn.
Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, cho biết hiện siêu thị đang hết thịt heo, thịt bò, thịt gà, do lò mổ Đà Sơn chưa hoạt động. Nhiều người dân đặt các loại thực phẩm này, nhưng khi nhận thông báo hết thịt đã hủy đơn.
Shipper mặc đồ bảo hộ đi giao hàng, ngày 24/8. Ảnh: Nguyễn Đông.
Đà Nẵng gặp thế khó về cung ứng lương thực, thực phẩm khi kéo dài thời gian cách ly từ 7 lên 20 ngày. Từ ngày 26/7, thành phố đóng cửa cảng cá Thọ Quang lớn nhất miền Trung vì chuỗi lây nhiễm Covid-19; đến 12/8 đóng cửa chợ đầu mối Hòa Cường sau khi ghi nhận 6 dương tính là tiểu thương.
Đến ngày 16/8, thành phố "tạm dừng mọi hoạt động", lò mổ gia súc Đà Sơn cung ứng bình quân mỗi ngày 60 con bò, 900 con heo và 3.500 con gà, đóng cửa. Nguồn thịt tươi sống cho hơn 1,1 triệu dân chỉ trông vào cơ sở Thanh Vinh (Liên Chiểu), mổ 300 con gà/ngày. Các chợ truyền thống đóng cửa. Shipper ngừng hoạt động. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được hoạt động nhưng không quá 30% lao động.
Việc nhận đơn, đi mua hàng, giao hàng đều phải thông qua Ban điều hành khu dân cư. Chỉ có thành viên ban điều hành được vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi mua hàng và đưa về nhà cho người dân. Ngoài việc mua hàng, các tổ dân phố còn phải trực chốt kiểm soát người ra vào, đến từng nhà phát phiếu đi xét nghiệm, giám sát F1, F2.
Trả lời VnExpress, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết trước đây các siêu thị chỉ cung ứng 25-30% nhu cầu về lương thực, thực phẩm. Việc mua nhu yếu phẩm lâu nay của người dân vẫn diễn ra ở các chợ truyền thống với lợi thế giá rẻ hơn, nhiều mặt hàng để lựa chọn.
Nay chợ đóng, áp lực dồn lên các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, trong khi họ còn bị cắt giảm 70% số lao động và phải đáp ứng 100% nhu cầu của người dân toàn thành phố là rất khó. Chưa kể một số siêu thị mini, cửa hàng chủ động đóng cửa vì không đáp ứng được yêu cầu "ba tại chỗ", cũng như tâm lý lo ngại bị lây nhiễm, dẫn đến hàng hóa bị chậm.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, tại buổi họp báo chiều 24/8. Ảnh: Nguyễn Đông.
Theo bà Phương, với 30% nhân lực được hoạt động, nhiều nhà cung cấp đang tồn hàng tấn thực phẩm trong kho, nhưng không có người để đưa hàng ra ngoài; nhiều siêu thị không đủ nhân lực để nhận hàng, sắp xếp lên kệ; nhận đơn theo combo đi giao. Từ ngày 23/8, thành phố đã cho 788 shipper của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động trở lại, nhưng chưa cải thiện được tình hình.
Ngày 25/8, TP Đà Nẵng quyết định áp dụng cách ly xã hội và người dân ở "vùng vàng" tiếp tục ở yên trong nhà đến ngày 5/9. Để cải thiện việc cung ứng lương thực, thực phẩm thời gian tới, thành phố cho phép các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại; siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện lợi (siêu thị mini) được bố trí 100% số người làm việc.
Sở Công Thương cũng tiếp tục đề xuất UBND thành phố cho phép mở lại hoạt động một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, cửa hàng tạp hóa và tăng cường thêm điểm bán hàng lưu động, chợ tạm trên nguyên tắc phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch. "Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị bổ sung lực lượng đi chợ giúp dân tại các khu dân cư", Giám đốc Sở Lê Thị Kim Phương nói.
Thành phố cũng đang xem xét cho lò mổ Đà Sơn hoạt động trở lại; kết nối với các đơn vị bán hàng lưu động; mua và phân phối 50.000 suất quà hàng thiết yếu đến các quận, huyện để hỗ trợ cho người dân khó khăn. Ngoài ra, danh sách 1.000 shipper công nghệ đã được Sở Y tế Đà Nẵng thống kê để tiêm vaccine, sau đó gửi công an thành phố cấp thẻ được phép hoạt động.
Hội doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng tổ chức bán hàng lưu động bình ổn giá cho người dân tại phường Mân Thái, chiều 24/8. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Phan Thống nhận định, với các phương án thành phố đưa ra, có thể nguồn hàng trong thời gian tới sẽ được cải thiện. Nhưng vấn đề quan trọng là phải đẩy nhanh việc giao hàng đến người dân. Hiện nay, các shipper của siêu thị đang gặp khó trong việc đi lại, khi một số chốt kiểm soát không cho qua.
"Đà Nẵng có thể tham khảo cách làm của TP HCM là kêu gọi lực lượng quân đội hỗ trợ. Quân đội sẽ đi cùng tổ dân phố để nhận hàng, dùng xe tải sẵn có rồi chở hàng số lượng lớn về phát cho dân. Việc này cũng giảm tải công việc cho các tổ dân phố, khi các bác tổ trưởng đa số đã lớn tuổi", ông Thống nói. Ngoài ra, có thể kêu gọi thêm các tài xế taxi hoặc grab car đã tiêm vaccine tham gia làm shipper, với điều kiện trang bị tốt đồ bảo hộ.
Từ ngày 4/5 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 3.399 ca Covid-19. Trong đó đợt dịch từ ngày 10/7 đến nay là 3.149. 1.820 bệnh nhân đang điều trị. Với quyết định mới về phòng chống dịch của chính quyền thành phố, người dân sẽ "ở yên trong nhà" tổng cộng 20 ngày.
Ngày 23/8, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng đã yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hai Thuyên dừng cung cấp thịt cho người dân tại khu dân cư, do một số người dân đặt hàng thịt tươi nhưng khi nhận thì thịt đã ôi, thiu, ngả màu xanh, bốc mùi. Đây là công ty giết mổ gia súc ở tỉnh Quảng Nam, được cung ứng cho Đà Nẵng từ ngày 16/8, khi các lò mổ ngừng hoạt động theo quyết định của lãnh đạo thành phố.
Phía doanh nghiệp giải thích thực phẩm ôi thiu là do quá trình vận chuyển kéo dài. Về đến Đà Nẵng, công ty ưu tiên cung ứng cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, khu cách ly... sau đó mới đến đơn hàng của các tổ dân phố. Riêng trong ngày 23/8, đơn hàng của tổ dân phố ở các phường tăng đột biến từ vài trăm đơn lên 3.500, số lượng công nhân lại có hạn nên công ty phân chia sản phẩm, vận chuyển và phân phối đến các phường đã vào buổi chiều, chất lượng thịt bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp đã xin lỗi và hoàn tiền cho người dân.
Sở Công thương Đà Nẵng đề xuất mở lại chợ, tạp hóa Ngày 25-8, Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết đã đề xuất UBND TP Đà Nẵng cho phép mở lại hoạt động một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, cửa hàng tạp hóa để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân. Một chợ tạm trên đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng bán hàng cho người dân...