TP.HCM: Quản lý chung cư khó khăn, camera chưa phát huy hiệu quả
Đó là những vấn đề khó khăn, vướng mắc được Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn nêu tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo TP.HCM.
Sáng 18/1, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các phó chủ tịch, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã có cuộc gặp với 322 Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn của 23 quận, huyện trên địa bàn TP.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc gặp với các chủ tịch phường, xã để giải quyết những vướng mắc. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Băn khoăn của các chủ tịch phường, xã
Ông Nguyễn Đức Hiếu – Chủ tịch UBND phường 14, quận Tân Bình phản ánh, nhiều chung cư thiếu nơi giữ xe trầm trọng. Không ít nhà để xe sau một thời gian ngắn thì “biến tướng”. Tức là, người quản lý tự ý sử dụng nhà giữ xe vào mục đích khác. Cư dân nhiều lần đề nghị xử lý dứt khoát những trường hợp trên. Mặc dù cơ quan quản lý tại địa bàn đã kiến nghị lên HĐND, UBND quận, song tình trạng này vẫn diễn ra. Các ban, ngành chức năng cũng chưa có hướng xử lý.
Một khó khăn khác mà các địa phương nêu ra là quản lý người nước ngoài sinh sống trong chung cư. Bà Dương Thị Cẩm Hồng – Chủ tịch UBND phường Tân Phú, quận 7 cho biết, UBND phường đang quản lý 5.000 cư dân người nước ngoài sinh sống tại 26 chung cư, đa số là diện tạm trú tạm vắng.
Chủ tịch UBND phường Tân Phú, quận 7 Dương Thị Cẩm Hồng nêu kiến nghị tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Bà Hồng nhìn nhận bất đồng ngôn ngữ chính là rào cản lớn nhất khi cán bộ cơ sở tiếp cận cư dân nước ngoài. Hiện, phường ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công an có khả năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài.
Phản ánh với lãnh đạo TP, bà Bùi Thị Hồng Quế – Chủ tịch UBND phường 19, quận Bình Thạnh cho biết trên địa bàn, khi vận động người dân đóng góp kinh phí cùng Nhà nước lắp đặt camera giám sát an ninh, trật tự, bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Tuy nhiên sau khi lắp đặt, trong quá trình vận hành, camera bị hư hỏng, việc vận động kinh phí sửa chữa rất khó khăn.
“Chỉ khoảng 50% người dân đồng ý đóng tiền sửa chữa nên khi camera hư hỏng rất khó khắc phục”, bà Quế nói.
Cũng theo bà Quế, trước năm 2015, TP có thu quỹ an ninh quốc phòng, sau đó không thu nữa, do vậy kiến nghị UBND TP trình HĐND TP xem xét có hình thức phù hợp tạo nguồn thu để việc bảo trì, sửa chữa camera được thuận lợi.
Chung sức tháo gỡ khó khăn
Cuối buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự ghi nhận, chia sẻ với những áp lực, vất vả của đội ngũ cán bộ cơ sở trong giám sát ổn định địa bàn và nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
“Đội ngũ Chủ tịch xã, phường, thị trấn ngày càng trẻ hóa, đầy sức sống đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của thành phố”, Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Video đang HOT
Người đứng đầu TP kêu gọi các lãnh đạo phường, xã, thị trấn phát huy cao nhất ý thức trách nhiệm để lãnh đạo địa phương hoàn thành tốt nhất các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2020. Bởi theo ông Phong, từng cấp cơ sở có vững mạnh thì TP mới phát triển.
Trong năm 2020 phải là năm có những đột phá từ TP đến cơ sở, đặc biệt tập trung nâng cao đời sống tinh thần của người dân bằng cách nâng cấp các sự kiện văn hoá, ví dụ như lễ hội áo dài, lễ hội Nghinh Ông (Cần Giờ)…
Ông Phong cũng yêu cầu lãnh đạo cơ sở cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân bởi “ý kiến người dân là sức mạnh”; chủ động nắm bắt tình hình cán bộ, người dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; tiếp thu những kết quả đạt được, quyết tâm triển khai, tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân trong công tác cải cách hành chính.
“Cán bộ cần xem khó khăn của người dân như người thân của mình để giải quyết thấu tình đạt lý. Xem mình là công bộc của nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Muốn đổi mới, sáng tạo phải từ chính những người đứng đầu. Dù bận rộn cũng không quên học hỏi, trau dồi kiến thức. Sau hội nghị này, tôi giao nhiệm vụ cho Sở Nội vụ và Sở GDĐT lên kế hoạch chương trình học ngoại ngữ, để trong thời gian tới toàn bộ cán bộ xã, phường, thị trấn trong TP phải nghe, đọc hiểu được tiếng Anh”, ông Phong nói.
Theo danviet.vn
Cháy nhà cao tầng và những kỹ năng thoát hiểm phải biết
Kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn tại các khu chung cư hay cháy tòa nhà cao tầng là vô cùng cần thiết, quyết định đến tính mạng của chính mình.
Hậu quả nặng nề từ các vụ cháy
Mới đây, một vụ cháy dữ dội ở Thanh Hóa đã khiến 2 nạn nhân tử vong và 13 người đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể vào tối 16-1-2020 vụ cháy lớn đã xảy ra trong tòa nhà Dầu khí Thanh Hóa cao 14 tầng tại số 38A đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa khiến nhiều người mắc kẹt trên các tầng cao.
Tại hiện trường, các nhân chứng cho biết, vào cuối giờ làm việc chiều 16-1-2020, ngọn lửa bắt đầu bốc lên ở tầng 3 của tòa nhà, sau đó lan rộng. Nhiều người bị mắc kẹt trên các tầng cao của tòa nhà sử dụng đèn điện thoại để phát tín hiệu cầu cứu.
Tòa nhà Dầu khí Thanh Hóa bốc cháy dữ dội tối 16-1-2020
Sau nhiều giờ nỗ lực, lực lượng Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Thanh Hóa dập tắt được đám cháy và khẩn trương giải cứu những người bị mắc kẹt. Đến khoảng 22h30, vụ cháy được khống chế, dập tắt.
Trước đây, cũng đã có nhiều vụ cháy nghiêm trọng tại nhà cao tầng và chung cư, đơn cử như vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza (TP.HCM) đã khiến 13 người tử vong, hàng chục trường hợp phải nhập viện cấp cứu.
Trước tình trạng cháy nổ hiện nay, câu hỏi đặt ra là người dân sống ở các căn hộ cao tầng cần phải trang bị những gì phòng trường hợp cháy xảy ra, khi cháy cần phải làm gì và không được làm gì... để nâng cao tỷ lệ sống sót.
Bình tĩnh quan sát, phát hiện nguồn cháy, điểm cháy
Để đảm bảo tính mạng, kỹ năng đầu tiên cần nắm vững là quan sát xung quanh. Sau khi quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt, đồng thời tri hô để mọi người ứng cứu. Khi có cháy, tâm lý hoảng loạn sẽ khiến bạn khó bình tĩnh, chính vì vậy điều này càng rút ngắn khả năng sống sót.
Vì vậy, đòi hỏi phải bình tĩnh để tìm cách thoát khỏi hoặc tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, máy lạnh...tìm giải pháp dập lửa, thoát hiểm bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước...
Bên cạnh đó, hãy quan sát xem vị trí của ngọn lửa và khói, điều này giúp bạn có cách để thoát hiểm đúng đắn. Nếu nguồn khói từ trên cao, thì hãy nhanh chóng chạy ra cửa thoát hiểm và xuống tầng dưới. Nếu nguồn khói từ tầng dưới, hãy di chuyển lên tầng cao nhất có thể.
Lưu ý quan trọng, trong tòa nhà có đám cháy thì không được di chuyển bằng thang máy.
Nạn nhân vụ cháy tòa nhà Dầu khí Thanh Hóa nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Cẩn thận khi mở cửa
Tránh bị hít thở phải khói khi ra ngoài kiểm tra, thì việc nắm được kỹ năng xem bên ngoài cửa phòng có đám cháy hay không sẽ giúp bạn giữ an toàn hơn.
Hãy sử dụng các dụng cụ hay nhìn qua khe cửa xem khói có vào nhà hay không, nếu phát hiện có khói thì không được mở cửa.
Trường hợp không nhìn thấy khói, hãy ra cánh cửa phòng và đặt mu bàn tay vào cánh cửa, nếu cánh cửa ấm nghĩa là lửa đã rất gần. Hoặc đưa mu bàn tay nhẹ nhàng chạm vào quả đấm cửa, nếu thấy ấm hoặc nóng thì không được mở cửa, còn trường hợp không thấy nóng thì bạn có thể mở cửa rất chậm và cẩn thận.
Tránh bị nhiễm độc khói
Nếu xung quanh bạn là khói hay khi di chuyển qua vùng có khói độc thì hãy tìm bất cứ khăn hay vải và thấm nước để che kín miệng và mũi. Cách này sẽ giúp lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói nếu có. Rất nhiều trường hợp tử vong là do hít phải khí độc có trong khói đám cháy, chứ không phải bị lửa thiêu chết.
Trong trường hợp muốn thoát ra khỏi đám lửa thì nên dùng chăn, mền nhúng đẫm nước rồi trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào quần áo đang mặc.
Luôn giữ mũi ở vị trí thấp nhất có thể
Hạn chế ít nhất việc hít phải khói sẽ giúp bạn tỉnh táo và tránh ngất xỉu trước khi được cứu ra ngoài. Trong thực tế, khói và khó độc có tính thương vong cao hơn là lửa.
Vậy làm sao để hạn chế được hít khói độc?
Theo tự nhiên, khói bay lên cao vì vậy khi kỹ năng giữ cơ thể sát với nền nhà sẽ giúp bạn hít ít khói hơn. Bạn có thể cúi sát xuống sàn nhà, và bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói.
Thoát hiểm qua cửa dẫn ra ngoài nên là lựa chọn đầu tiên. Ngoài ra, nếu quan sát thấy cửa sổ có khả năng thoát hiểm thì cũng có thể sử dụng, hay đây cũng là vị trí thuận lợi để hô hào sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Xử lý khi bị bén lửa vào quần áo
Đây là kỹ năng rất quan trọng, nếu áp dụng đúng bạn sẽ giảm tối đa thương tích từ ngọn lửa.
Khi bị bén lửa vào quần áo đừng chạy vòng quanh vì hành động này chỉ giúp ngọn lửa cháy lớn hơn.
Vậy bạn nên làm gì? Hãy nằm xuống đất, sẽ giúp lửa không lan rộng và giảm tác động lên mặt và đầu. Để dập lửa, hãy bao trùm ngọn lửa bằng áo khoác hoặc chăn, sẽ giúp ngăn chặn oxi cung cấp cho lửa. Ngoài ra, hãy nằm xuống và lăn qua lăn lại để dập lửa nhanh hơn.
Nhanh chóng gọi cứu hỏa
Khi phát hiện có cháy, ngay lập tức ấn chuông báo động của tòa nhà; hô hào thông báo bằng vật dụng bắt mắt cho mọi người biết có cháy; gọi 114 thông báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC.
Khi gọi cho lực lượng chức năng hãy bình tĩnh để cung cấp thông tin chính xác về tình trạng thực tế của mình. Các thông tin như: Địa chỉ chính xác; số phòng số tầng của bạn.
Trường hợp thoát ra được khỏi vùng nguy hiểm của đám cháy, hãy cung cấp chính xác số người mặc kẹt còn lại, vị trí người mắc kẹt... bạn càng cung cấp được nhiều thông tin cho lực lượng chức năng, càng giúp nâng cao hiệu quả khắc phục hậu quả vụ cháy.
Hãy nắm chắc những kỹ năng thoát hiểm khi cháy chung cư, tòa nhà cao tầng để xử lý khi gặp nạn
Những việc tuyệt đối không làm
Không nên cố gắng mang theo tài sản khi thoát hiểm bởi lúc này tính mạng là quan trọng nhất.
Tuyệt đối không được chui dưới gầm giường hay tủ quần áo để tránh lửa dù có sợ hãi, vì khi đó, sẽ rất khó khăn để Cảnh sát PCCC hay lực lượng cứu hộ tìm ra bạn. Hãy nhớ rằng họ tìm thấy bạn càng sớm, bạn sẽ ra ngoài được càng nhanh.
Không quay lại khi đã thoát ra ngoài: việc quay lại sẽ làm bạn càng gặp nguy hiểm, làm quá trình cứu hộ của Cảnh sát PCCC chậm lại.
Theo anninhthudo.vn
Xác định nguyên nhân bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 25 chung cư xuống đất tử vong thương tâm Bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 25 chung cư trên đường Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) xuống đất tử vong. Mới đây vụ việc bé gái 4 tuổi tử vong do rơi từ tầng 25 chung cư Star Tower, nằm trên đường Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh...