Tp.HCM: Phụ huynh học sinh muốn đổi giờ học, Sở GD&ĐT nói gì?
Trước việc nhiều trường trên địa bàn đang thay đổi giờ học cho phù hợp với tình hình thực tế, Sở GD&ĐT Tp.HCM đã chính thức thông tin về khung giờ học của các cấp.
Tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế Tp.HCM chiều tối 27/10, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, trước đây, Thành phố đã có dự thảo liên quan đến việc thực hiện ca lệch giờ. Đây là nội dung không phải của riêng ngành giáo dục mà là nội dung chung của các Sở ban ngành cùng thực hiện.
Năm 2017, Sở này xây dựng phương án thực hiện ca lệch giờ, trong đó có chương trình tiểu học là chương trình 1 buổi nên tất cả các trường bắt đầu vào học lúc 7h; trung học cơ sở là 7h30; trung học phổ thông là 7h.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số đơn vị do áp lực về cơ sở vật chất, vị trí của trường và sĩ số lớp nên một số trường đã thực hiện chưa đúng, khiến học sinh học quá sớm.
“Trong thời gian qua chúng tôi đã tiếp nhận và chấn chỉnh và rà soát lại để yêu cầu các đơn vị thực hiện theo đúng nội dung. Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM đã khẳng định đối với học sinh cấp mầm non, tiểu học sẽ bắt đầu giờ học đầu tiên vào lúc 7h30; đối với học sinh trung học cơ sở giờ học sớm nhất là 7h15; học sinh trung học phổ thông sẽ bắt đầu ca học vào lúc 7h”, ông Hồ Tấn Minh nói.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM cung cấp thông tin tại họp báo.
Đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết thêm, giờ học còn tùy thuộc vào vị trí các trường học. Nếu trên cùng một cung đường có nhiều trường học thì việc sắp xếp, bố trí giờ học sẽ được địa phương bố trí để đảm bảo giao thông. Tất cả các trường phải mở cửa đón học sinh từ 6 giờ 30 phút vì có nhiều phụ huynh vào ca làm sớm nên phải đưa con đến trường sớm.
Sở GD&ĐT Tp.HCM đã yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch đón học sinh từ 6 giờ 30 nhưng giờ bắt đầu vào học tiết đầu tiên sẽ phải tuân thủ theo hướng dẫn của sở. Tùy vào các cấp học, khối lớp học khác nhau để đảm bảo ca lệch giờ ra không cùng lúc để trước cổng trường không xảy ra tình trạng tập trung đông người, ùn tắc giao thông.
Nhà trường cần phải tự sắp xếp phương án dạy và học cho phù hợp với tình hình thực tế để vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh và đảm bảo các yếu tố thực hiện đúng quy định về giờ học của các cấp.
Trường mầm non cấm trẻ mang sữa đến lớp nhưng bán tại trường với giá cao
Phụ huynh học sinh phản ánh một trường mầm non ở TP.HCM không cho mang sữa vào trường nhưng lại triển khai bán những loại sữa khác với giá cao hơn thị trường.
Tin nhắn giáo viên trường mầm non gửi phụ huynh học sinh về việc nhà trường bán sữa. Ảnh PHỤ HUYNH CUNG CẤP
Theo phản ánh từ phụ huynh học sinh của Trường mầm non quận Tân Bình (TP.HCM), vào đầu tháng 10, giáo viên gửi tin nhắn đến phụ huynh và thông báo về việc "trường sẽ không nhận sữa của các con mang từ ngoài vào để uống vì nhà trường tránh trường hợp bị ngộ độc thực phẩm".
Trong tin nhắn của giáo viên gửi phụ huynh có nội dung: "Sữa nhà trường bán chỉ để hỗ trợ kịp thời theo nhu cầu phụ huynh cần cung cấp sữa thêm cho các con. Chứ khẩu phần ăn tại trường là đã cân đo đong đếm đủ dinh dưỡng và năng lượng cho các con hoạt động trong một ngày rồi".
Cũng theo thông báo phát đi: "Sữa trường nhờ công ty hỗ trợ có đầy đủ chứng nhận và nhiều loại để lựa chọn gần giống như sữa công thức phù hợp với các con. Trường không chọn nhiều công ty vì khó có thể quản lý hết được. Sữa nhà trường chỉ là để hỗ trợ cho nhu cầu cần mua của phụ huynh nên không bắt buộc mua".
Bên cạnh đó, phụ huynh trường này cung cấp thêm thông báo từ giáo viên với nội dung: "Hiện tại nhà trường đang bán 3 loại sữa và thành phần khác nhau, rất tốt cho sức khỏe của các con, ba mẹ tham khảo...".
Thông báo còn có nội dung: "Ba mẹ đăng ký theo tháng thì sẽ có lợi từ 1 đến 2 hộp/tháng. Các loại sữa trên được nhà trường xem xét và dùng thử rất tốt cho sức khỏe của các con và rất ngon. Ba mẹ nghiên cứu hỗ trợ nhà trường nha. Đăng ký sớm để cô cho các con dùng trong tháng 10 luôn nhé".
Trường mầm non quận Tân Bình, nơi phụ huynh phản ánh việc giới thiệu bán sữa. Ảnh MY NGUYỄN
Với những tin nhắn nói trên, phụ huynh đặt vấn đề: "Có khuất tất gì trong triển khai quy định trẻ không được mang sữa đến trường? Không cho mang sữa đến trường với lý do lo ngại chất lượng sản phẩm mang từ bên ngoài vào nhà trường và cho rằng khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng. Nhưng lại giới thiệu những loại sữa khác và cho rằng rất ngon, tốt cho sức khỏe và nghiên cứu hỗ trợ nhà trường, đăng ký sớm để cô cho con dùng ngay trong tháng 10".
Riêng về báo giá sữa mà nhà trường giới thiệu, một phụ huynh khác cho rằng: "Giá cả có vấn đề, cao hơn giá thị trường".
Trước những phản ánh trên, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết, đơn vị này đã nhận được thông tin sự việc và lãnh đạo phụ trách chuyên môn của bậc học đã có buổi làm việc với ban giám hiệu, phụ huynh nhà trường. Theo bà Xuân, hiệu trưởng đã thừa nhận sai sót vì quá nóng vội khi triển khai thực hiện tại đơn vị và phải khắc phục.
Phòng GD-ĐT đã có chỉ đạo nhà trường nhận trách nhiệm, thông tin với phụ huynh về sai sót của nhà trường và rút lại quyết định đã ban hành, tiếp tục nhận sữa mà phụ huynh có nhu cầu gửi cho con em, kèm theo những lưu ý cụ thể để đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học (như sữa phải có thương hiệu, nhiệt độ bảo quản, tình trạng, hình dáng bên ngoài của hộp sữa...). Nhà trường phải xem xét lại nội dung việc triển khai sữa và cách thức tổ chức trên tinh thần đáp ứng nhu cầu tự nguyện của phụ huynh (nếu có) đảm bảo 2 yếu tố cơ bản: có nhiều thương hiệu sữa mà trẻ hay sử dụng để phụ huynh có điều kiện lựa chọn và giá của từng loại sữa phù hợp với giá thị trường (như vậy mới đúng nghĩa là hỗ trợ cho phụ huynh)..
Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT sẽ báo cáo sự việc với UBND quận. Theo quan điểm của bà Thanh Xuân, trong sự việc này có 2 vấn đề: Thứ nhất là không nhận sữa, vấn đề thứ 2 là triển khai sữa trong nhà trường. "Trong đó, việc triển khai sữa trong nhà trường là sai, chưa phù hợp nhưng vấn đề thứ nhất có thể xem xét lại. Vì thực tế có trường hợp khi phụ huynh gửi sữa vào trường, có thể vì bất kỳ lý do gì đó như mang sữa đã được bảo quản lạnh trước đó hay để sữa quá hạn mà không để ý... có thể gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ", bà Xuân nói.
Vụ học sinh mầm non Hải Phòng nộp quỹ lớp 1,8 triệu/kỳ: Yêu cầu hoàn trả Những ngày qua, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại Trường Mẫu giáo Mầm non 1 (quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) bức xúc khi khoản thu quỹ lớp lên đến 1,8 triệu đồng/học sinh/kỳ. Theo phụ huynh phản ánh, vào cuối tháng 9 vừa qua, tại cuộc họp phụ huynh của Trường Mẫu giáo Mầm non 1, một số lớp...