TP.HCM: Ông chủ tịch lội nước cứu đê bao
Ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND quận 12 trở thành tâm điểm chú ý của phóng viên các báo tại hiện trường vỡ bờ bao Rạch Trâm, phường An Phú Đông. Thường các vụ việc thế này tại TP.HCM, người ta không mấy khi thấy “ông chủ tịch”.
Sáng ngày 15/12, nhiều người dân tại phường An Phú Đông “mắt tròn, mắt dẹt” vì thấy một “ông mập mập” xắn quần, lội nước đi vào khu bờ bao Rạch Trâm bị vỡ và hô hào, chỉ đạo mọi người đóng cừ tràm cứu bờ bao, giúp dân khắc phục thiệt hại.
Hình ảnh của ông Hổ đã giúp “bộ máy” cứu đê bao gồm: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự phản ứng nhanh, công an phường, UBND phường, lực lượng dân quận tự vệ, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đơn vị thi công đều phải nhanh chóng có mặt, làm việc cật lực.
Vào “điểm nóng” triều cường
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Văn Thảo, sống tại KP5, phường An Phú Đông cho biết: “2h sáng, tôi bớt chợt tỉnh giấc vì nghe thấy tiếng nước xối xả bên ngoài. Nhìn kỹ thì thấy nước đang tràn vào nhà mình”.
Gương mặt lo âu sau một đêm chạy nước, ông Thảo cho biết khu vực nhà ông trong mấy năm trở lại đây không khác gì “hồ chứa” lũ vì có khi ngập đến 1,5 mét. Mỗi khi ngập, gia đình ông chỉ kịp chuyển tivi và máy tính lên cao, còn lại tất cả đồ đạc đều ngâm nước vì không di chuyển kịp.
Đang dở câu chuyện khó khăn về tình cảnh của mình, ông Thảo bất chợt chỉ tay về phía gần trăm người đang đóng cừ tràm gia cố bờ bao và nói: “Ông chủ tịch quận cũng xuống kìa. Chắc ổng biết dân ở đây khổ dữ lắm. Cứ triều cường là ngập”.
Theo lời ông Thảo thì ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND quận 12 có mặt từ sáng sớm. “Thấy anh Hổ xuống tụi tôi thấy yên tâm lắm. Bờ bao này vào rạng sáng hôm qua đã bị bể một lần, sau đó gia cố nhưng bể tiếp. Lần sau nặng hơn lần trước”, ông Thảo kể.
Video đang HOT
Giữa cái nắng gắt của ngoại thành lúc gần trưa, ông Hổ nhễ nhại hồ hôi bước vội trên những đoạn đường ngập bùn giáp bờ bao bị vỡ để chỉ đạo mọi người khẩn trương ứng cứu bờ bao.
“Trong ngày hôm nay, bằng mọi giá phải khắc phục xong vì triều cường đang diễn biến phức tạp. Sau khi gia cố xong bờ bao, anh Thắng (phó chủ tịch quận) Trưởng ban phòng chống lụt bão phải nhắc nhở anh em túc trực theo dõi tiếp”, ông Hổ yêu cầu.
Ông Trần Ngọc Hổ- Chủ tịch UBND quận 12
Sau đó ông động viên mọi người: “Nếu tình trạng ngập nước không giảm, quận sẽ điều động thêm máy bơm nước từ đội phòng cháy chữa cháy để hút nước ra ngoài, đảm bảo sinh hoạt của người dân chở lại bình thường”.
Niềm tin từ “bộ máy” cứu đê bao
Ông Nguyễn Thành Diệp, đội thi công khắc phục đoạn bờ kè kể: “Sau một ngày thi công vất vả, hơn 12 mét bờ kè đã tạm thời được khắc phục. Tuy nhiên do nước dâng quá cao, khiến các công nhân không thể đóng cừ nên khi gặp đợt triều cường quá lớn, đoạn bờ kè tiếp tục bị sập xuống khiến bao công sức của mọi người bị đổ bể”.
Đội mũ tai bèo, chân lấm lem bùn đất, ông Nguyễn Đoàn Thắng, Phó chủ tịch UBND – Trưởng ban phòng trống bão lụt quận 12 thẳng thắn nhìn vào sự việc: “Sau một ngày sự cố vỡ đê xảy ra tại khu phố 5, nước ngập toàn khu vực rộng hơn 15 hecta, nhà dân cùng nhiều dãy trọ bị nước tràn vào, chỗ sâu nhất lên tới hơn một mét. Tạm thời, người dân sẽ phải sống chung với nước ngập, đồ đạc, thiết bị trong nhà được gác lên cao, một số đã hư hỏng hoàn toàn”.
Đáng hoan nghênh trong lần ứng cứu bờ bao bị vỡ lần này, quận 12 đã huy động gần như tất cả nguồn lực để ứng cứu, giải quyết sự cố. Phía bên ngoài quốc lộ 1A đoạn giao với đường dẫn vào đoạn đê bao, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự phản ứng nhanh phải túc trực phân làn xe thông thoáng để các phương tiện vận chuyển máy bơm, cừ tràm ra vào thuận tiện.
Chính quyền quận 12 huy động gần 200 người nỗ lực gia cố bờ bao dù sự cố rơi vào ngày nghỉ cuối tuần
Nhìn hình ảnh cả bộ máy chính quyền quận 12 tất bật giải quyết sự số, ông Phạm Ngọc Bích, ngụ KP5 nói: “Thấy chính quyền địa phương vất vả đắp bờ bao như vậy, người dân tụi tôi cũng thấy như được chia sẻ khó khăn. Ông chủ tịch xuống tận nơi như vậy nên đâm ra cấp dưới ai cũng phải noi gương”. Trong lần vỡ bờ bao này, gia đình ông Bích bị ngập cả trăm gốc mai, cây kiểng chuẩn bị bán vào mùa Tết.
Tính đến gần trưa cùng ngày, gần 200 người đã được huy động, làm việc cật lực tại hiện trường. Chưa hết lo âu, ông Hổ nhắn nhủ thêm với chúng tôi: “Do địa hình khu vực và triều cường lên cao trong mấy năm qua nên chúng tôi đã lên kế hoạch gia cố 8 đoạn bờ bao khác. Phường An Phú Đông chỉ là 1 trong 9 đoạn bờ bao yếu có nguy cơ bị vỡ. Các đoạn bờ bao còn lại tập trung ở phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân”.
Không phải tại những nơi hội họp vô tội vạ hay lễ khởi công những dự án triệu đô đình đám nhưng đầu voi đuôi chuột, lãnh đạo quận 12 và các đơn vị trực thuộc đã có mặt tại nơi người dân khổ sở, hiểm nguy. Cách làm việc như vậy khiến người dân thấy cảm kích và thêm tin tưởng.
Theo 24h
Khổ sở chống ngập
TP.HCM có gần 50 điểm bị ngập thường xuyên. Thế nhưng, khi có điều kiện để nâng nhà chống ngập, người dân cũng bị làm khó.
Q.Bình Thạnh là nơi có nhiều điểm ngập trầm trọng lâu nay. Để khắc phục tình trạng này, một số tuyến đường chính đã được nâng lên nhưng cũng vì thế, người dân lại chịu cảnh ngập nặng nề hơn vì nền nhà thấp hơn mặt đường. Bà Đặng Phương Dung, nhà số 625/8 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, bức xúc kể lúc mới xây, nhà bà cao hơn mặt đường 40 cm. Sau đó, nhà nước dần nâng đường lên, đến nay, theo mốc xây dựng ban đầu thì mặt đường đã cao hơn nền cũ nhà bà Dung 1 m. Mỗi lần triều cường hoặc mưa lớn thì nhà bị ngập 40-50 cm. Căn nhà này trước đây vốn được cho thuê để làm khách sạn, nhưng vì ngập nước nên kinh doanh ế ẩm, người thuê trả lại cho chủ nhà. Đây là cảnh ngộ của nhiều hộ trong hẻm 625/8, có hộ phải xây bờ bao chống ngập.
Cuộc sống của người dân TP.HCM bị ảnh hưởng nặng bởi triều cường - Ảnh: Diệp Đức Minh
Tại Q.8, tình hình ngập nặng do nâng đường cũng tương tự. Ông Phạm Đình Sơn, ngụ nhà số 2800 Phạm Thế Hiển, P.7, than: "Cách đây 3 năm, đường Phạm Thế Hiển đã được nâng cao để chống chọi với các đợt triều cường nên nhiều nhà dân bên đường bị ngập nặng. Đặc biệt là tình trạng mất vệ sinh mỗi khi bị ngập do nằm sát kênh Đôi, kênh Tàu Hủ". Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục chuẩn bị nâng cao mặt đường Phạm Thế Hiển nên người dân ở đây đang lo lắng vì chắc chắn nhà dân hai bên tiếp tục ngập nặng hơn. Ông Sơn cho biết hiện nay mỗi lần triều cường, nhà ông bị nước tràn vô tới phòng ngủ. Nhiều người dân trên đường Phạm Thế Hiển đề nghị UBND TP sớm nạo vét rạch Bà Tàng, kênh Đôi... để thoát nước, hạn chế ngập thay vì cứ nâng đường nhưng không hết ngập.
Hầu hết người dân cho rằng không thể "đua" với nhà nước trong việc nâng đường - nâng nhà nên đành sống chung với nước ngập. Ở nhiều nơi, họ lại không thể nâng nhà chống ngập do bị trói bởi những quy định cứng nhắc, lạc hậu. Bà Đặng Phương Dung kể: "Cách nay hơn 2 tháng, tôi đã ký hợp đồng với một công ty để gia cố móng, cân chỉnh căn nhà cho ngay lại, đồng thời nâng toàn công trình lên cao để chống ngập. Hồ sơ gửi Phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh xin phép dịch chuyển công trình lên 1 m theo đúng quy trình nhưng không được duyệt. Lý do theo văn bản trả lời của bà Nguyễn Thị Châu Thi, Phó phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh, là vị trí này đã được Sở Xây dựng duyệt 1/500 kèm theo giấy phép xây dựng với chiều cao tối đa 13,2 m từ năm 1992. Đồng thời, phải đảm bảo hài hòa về hình thức, độ cao nền".
Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại căn nhà số 625/8 nói trên, tường nhà đã bị ẩm lâu ngày có hiện tượng mục nát rất mất vệ sinh, vật dụng trong nhà bị hư hỏng rất nhiều. Thế nhưng, căn nhà không thể nâng nền lên được nữa vì nếu nâng thêm sẽ đụng trần nhà và nhà bị lún nghiêng. Bà Dung nói: "Tôi chỉ muốn sửa nhà để sống sạch sẽ, bớt khổ vì triều cường, tăng vẻ mỹ quan đô thị. Tiền sửa nhà phải đi vay ngân hàng và trả lãi, hai tháng nay giấy phép chưa xin được". Về vấn đề này, một chuyên gia đô thị cho rằng giấy phép xây dựng khống chế chiều cao 13,2 m ban hành từ năm 1992, lúc đó nền đường chưa được nâng lên. Còn nay nền đường đã nâng cao thêm 1,5m, và có thể sắp tới còn nâng nữa nên quy định này đã lạc hậu. Vì vậy, chính quyền phải tạo điều kiện cho người dân sửa nhà chống ngập chứ không nên cứng nhắc.
Theo bà Dung, một điều hết sức khó hiểu là cũng với chiều cao ấy, nếu bà phá bỏ ngôi nhà hiện hữu để xây dựng mới thì được cấp phép, còn xin sửa chữa nâng nền thì không được.
Theo TNO
Người dân lại bì bõm lội trên đường Chiều 30/10, mực nước đỉnh triều tại các sông, kênh, rạch của TP.HCM đạt mức 1,46m đã khiến nhiều khu vực bị ngập nặng, người dân phải lội bì bõm trên đường. Tại đường Phú Định (Q.8), ngay từ 17 giờ cùng ngày mực nước tại kênh rạch trong khu vực đã tràn vào nhiều đoạn đường trũng thấp. Sau đó khoảng 20...