TP.HCM nới lỏng dịch vụ không thiết yếu từ ngày mai
Từ mai (23/4) TP.HCM sẽ từ nhóm nguy cơ cao chuyển xuống nhóm nguy cơ, thành phố sẽ nới lỏng các dịch vụ không thiết yếu.
Chiều 22/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế cho biết, theo đề xuất của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Thủ tướng Chính phủ vừa kết luận TP.HCM từ nhóm nguy cơ cao chuyển xuống nhóm nguy cơ.
Theo đó, TP.HCM thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng từ 0h00 ngày 23/4 – tức ngừng cách ly xã hội. Trong quá trình thực hiện, trên cơ sở diễn biến thực tế, thành phố sẽ có điều chỉnh phù hợp.
“ Một số dịch vụ không thiết yếu sẽ được nới lỏng từ 0h00 ngày 23/4. Thành phố sẽ hướng dẫn cho từng sở, ngành, có văn bản hướng dẫn cụ thể trong ngày mai. Ví dụ, Sở Công Thương sẽ nới lỏng dịch vụ nào, ngành GTVT, văn hóa – thể thảo, du lịch,… sẽ nới lỏng như thế nào“, ông Bỉnh cho hay.
Cũng theo ông Bỉnh, TP.HCM vẫn tiếp tục giám sát tại các khu vực có những đối tượng ở nhóm nguy cơ như trường học, cơ sở khám chữa bệnh, doanh nghiệp, xí nghiệp, khu lưu trú, nhà trọ công nhân,…
“ Nếu không có gì thay đổi thì theo Bộ GTVT, các chuyến bay sẽ tăng từ ngày 23/4. Qua khảo sát của Sở Y tế không phát hiện người có triệu chứng ở sân bay, nhà ga nên sẽ tập trung vào nhóm nguy cơ trong khu vực nội đô“, ông Bỉnh nhấn mạnh.
TP.HCM từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm nguy cơ từ 0h00 ngày 23/4.
Về việc đánh giá các doanh nghiệp, Sở Y tế TP.HCM sẽ phối hợp với các quận, huyện hoàn thành trước 25/4. Từ đó, các doanh nghiệp được hướng dẫn đi vào hoạt động sản xuất trong giai đoạn mới.
“ Cũng trong ngày mai, Sở Y tế sẽ có thẩm định cuối cùng đối với những Bộ tiêu chí đánh giá của các sở, ngành để trình UBND TP.HCM phê duyệt, phát hành. Hiện nay các sở, ngành đều hoàn thành rất nhanh các bộ tiêu chí này“, ông Bỉnh cho biết.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TP.HCM là một đô thị đặc biệt, bị tác động không ngừng nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp. Do đó, để giảm thiểu tác động của dịch, ngoài bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây COVID-19 tại doanh nghiệp triển khai ngày 6/4, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng 7 bộ chỉ số để kiểm soát tình hình dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện mới.
Các bộ chỉ số này sẽ ban hành trước ngày 30/4, trong đó quy định trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị, chủ doanh nghiệp trong điều kiện tình hình mới.
Video: Hà Nội ngày cuối thực hiện cách ly xã hội
NHẬT LINH
Thủ tướng: Giá lợn hơi tăng "quá đáng", giao 4 Bộ thực hiện bình ổn
Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra sáng nay (21/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ khả năng hoàn toàn kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay; yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá lợn hơi về khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam đang dao động quanh mức 86.000-88.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại miền Bắc đã tăng lên hơn 90.000 đồng/kg, trong khi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng ở mức cao, từ 88.000-90.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: T.L
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, đối với lĩnh vực chăn nuôi lợn hiện nay, tốc độ tái đàn chậm sau dịch tả lợn châu Phi là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng trong thời gian qua.
Với khả năng sản xuất dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 tương đương năm 2018, tính theo quý, thì quý II/2020 đạt hơn 900.000 tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn, quý IV gần 1,1 triệu tấn. Như vậy, đến quý III, IV sẽ cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu thịt lợn.
Trong khi đó, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến nay, chúng ta đã nhập khẩu hơn 45.000 tấn thịt lợn.
Còn theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ thịt lợn thành phẩm phụ thuộc vào giá lợn hơi. Giá lợn hơi càng cao, giá bán lẻ thịt lợn thành phẩm cũng tăng cao theo tỷ lệ tương ứng.
Giá lợn hơi giai đoạn đầu tháng 4/2020 ở mức 73.000-78.000 đồng/kg, giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 130.000-150.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hiện nay tăng lên mức 80.000-90.000 đồng/kg thì giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 145.000-165.000 đồng/kg.
Một nguyên nhân nữa đẩy giá thịt lợn tăng cao, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, là do chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn còn ở mức cao, chiếm từ 70-90%.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng cho rằng, chi phí trung gian hiện tại so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi khoảng 23.000 - 28.000 đồng/kg. Do đó, việc rà soát, tổ chức lại hệ thống thị trường theo hướng tinh gọn, giảm bớt các kênh trung gian, phân phối sẽ góp phần giảm giá thịt lợn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, phải quản lý Nhà nước tốt hơn về vấn đề giá cả theo đúng quy định pháp luật, kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường, làm giàu bất chính, "nếu buông lỏng là một sai lầm", đừng bao giờ nghĩ rằng theo kinh tế thị trường thì buông lỏng quản lý.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt lợn hơi về khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg. Bên cạnh đó là bình ổn giá gạo, giảm giá điện, giá nước, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân do tác động của dịch COVID-19.
Cho rằng giá thịt lợn hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng/kg là "quá đáng", Thủ tướng đặt vấn đề, "người dân chăn nuôi có hưởng không hay chỉ một bộ phận được hưởng?".
Theo đó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho 4 Bộ, gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu.
"Chúng ta động viên các doanh nghiệp, nhưng phải phân bổ lợi nhuận một cách hợp lý", Thủ tướng nói và khẳng định chi phí cho khâu trung gian hiện rất lớn, phải làm sao bảo đảm hài hoà lợi ích của các khâu chăn nuôi, chế biến, phân phối, lưu thông, tiêu dùng. Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật.
Đi liền với tăng nguồn cung ứng thịt lợn trong nước thì tăng nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn cả trước mắt và lâu dài. Thủ tướng cũng đề nghị tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.
Đối với vấn đề đưa thịt lợn vào danh mục hàng hoá dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành nghiên cứu kỹ, đánh giá rõ tác động, ảnh hưởng, có đề án cụ thể báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
Thủ tướng nêu rõ, "chúng ta có thể nói là hoàn toàn kiểm soát được mục tiêu lạm phát năm nay" và giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án điều hành giá từng sản phẩm, từng mặt hàng để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4% trong năm 2020.
Thiên Hương
Thủ tướng: Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội Thủ tướng nhìn nhận, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn so với phiên họp trước, cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu...