TP.HCM: Nỗi lo gia tăng bệnh dịch từ chuột cống
Tuần qua, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM điều trị cho một bệnh nhân 55 tuổi ở phường 9, quận 3 – trường hợp đầu tiên bị nhiễm virus Hanta – một loại virus ở chuột có khả năng gây suy gan, suy thận cấp.
Ngay sau đó, các bác sỹ Viện Pasteur TP.HCM đã khẩn trương xác minh, bệnh nhân bị chuột cống cắn, song không đi tiêm phòng, khu phố bệnh nhân sinh sống rất nhiều chuột, ban đêm chúng vào ra các khu đất trống, các điểm tập kết rác, thậm chí đêm, chuột còn nhảy lên giường ngủ chung với người cắn nát các đồ dùng gia đình…
Không ít trường hợp tử vong do lây virus từ chuột
Tiến sỹ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, virus Hanta có trong chuột và có thể truyền cho người khi người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu chuột, đã có không ít trường hợp nhiễm Hanta tử vong rất nhanh do chứng suy gan, suy thận cấp.
Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM thỉnh thoảng tiếp nhận bệnh nhân dương tính với virus này song may mắn chưa có ai tử vong. Khó khăn nhất của bệnh là dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác và chưa có thuốc đặc trị. Cũng theo Tiến sỹ Siêu, trước kia, chuột chủ yếu hoành hành ở những khu nhà lá, xóm nước đen dọc các bờ kênh thuộc quận 7, 8, Bình Tân, 11, Hóc Môn… thì nay chúng tấn công cả những khu phố cao tầng, sạch sẽ.
Nguyên nhân là TP.HCM rác thải sinh hoạt quá nhiều, 6.000 tấn rác/ngày trong khi 2 bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) và Đa Phước (huyện Bình Chánh) chỉ đáp ứng được 1/3, các HTX thu gom rác 2-3 ngày mới đi thu gom khiến rất nhiều người dân thiếu ý thức đã biến các khu đất trống xung quanh khu dân cư, các kênh mương thành nơi đổ rác. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt đổ thẳng ra hệ thống kênh, sông cũng gây ô nhiễm hầu hết các quận nội, ngoại thành, đặc biệt khi triều cường, chuột từ hệ thống cống tràn lên tụ tập kiếm ăn trong các bãi đất hoang, các điểm chứa rác thải sinh hoạt…
Tiến sỹ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur thông tin, viện đã phối hợp với Sở Y tế TP.HCM có kế hoạch diệt chuột và tuyên truyền cho người dân phòng bệnh nhưng chuột quá nhiều, khôn và sống dưới hệ thống cống, đặt thuốc nhiều nhưng không hiệu quả… Cũng do ý thức người dân kém, xả rác, vứt lung tung nên đã trở thành mầm dịch đáng lo ngại các loại ruồi, muỗi, côn trùng độc hại phát triển mạnh do cuối năm mưa to dồn dập, nước ngập. Nhiều khu vực trong thành phố, người dân vẫn dùng nước ngầm… do đó nguy cơ các loại bệnh tiêu chảy cấp, chân tay miệng, sốt xuất huyết… gia tăng mạnh.
Vì vậy, để phòng bệnh, ngày 19-11, Sở Y tế TP.HCM đã họp, khuyến cáo người dân phải có ý thức phòng bị chuột và các loại côn trùng cắn, đốt bằng cách ngủ màn, dọn dẹp vệ sinh môi trường thật tốt, tránh để rác trong nhà. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các ban, ngành chức năng siết chặt quản lý các quán hàng rong, xe đẩy, tăng cường thu gom rác thải, tránh để số lượng lớn rác sinh hoạt lưu cữu lâu ngày làm lây lan mầm bệnh…
Video đang HOT
Theo Bảo Hà (An ninh thủ đô)
Hiểm họa từ "giặc" chuột mang mầm bệnh suy thận cấp
Trong số 25 con chuột được Viện Pasteur mang đi xét nghiệm, có 3 mẫu dương tính với virus Hanta gây suy thận cấp, cả 3 đều là chuột cống. Nạn chuột đang lộng hành tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chu ột "đại náo" tại một khu dân cư phường 15, quận Tân Bình
Vào đầu tháng 10/2012, ông N.V.T (55 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TPHCM) bị chuột cắn ở chân, được đưa vào Bệnh viện quận Phú Nhuận cấp cứu trong tình trạng sốt cao, ho, giảm tiểu cầu và nổi mẩn đỏ qua da. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết, dù được điều trị thận trọng nhưng bệnh của ông T. vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Sau khi được chuyển qua Bệnh viện Nhiệt Đới và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy ông T. dương tính với virus Hanta - một loại virus ở chuột có khả năng gây suy gan, suy thận cấp.
Khi phát hiện bệnh, ông T. đã được các bác sĩ điều trị các triệu chứng viêm phổi và suy thận. Đến cuối tháng 10, tình trạng sức khỏe của ông T. ổn định và được xuất viện.
Trước căn bệnh mà ông T. mắc phải và nhằm đánh giá, truy tìm nguồn gốc của bệnh, các bác sĩ thuộc Viện Pasteur TPHCM đã xuống nơi ông T. cư ngụ và bắt ngẫu nhiên 25 con chuột (cả chuột cống và chuột nhắt sống trong nhà) đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy có 3 mẫu dương tính với virus Hanta gây suy thận cấp, cả 3 đều là chuột cống.
Hang chuột ngay dưới miệng cống
Một hang chuột khác được đào dưới gốc cây mục
Việc phát hiện chuột cống mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã được kiểm chứng bằng các xét nghiệm từ Viện Pasteur, nhưng khảo sát thực tế thì nạn chuột vẫn đang lộng hành tại một số khu vực thuộc quận PhúNhuận, quận 3, huyện Nhà Bè, quận 7, quận 12... (TPHCM). Tuy nhiên, nỗi kinh hoàng mà chuột gây ra phải kể đến khu vực phường 15 (quận Tân Bình). Dù nơi này luôn có người qua lại và nằm sát vách nhiều hộ dân khác nhưng không làm ảnh hưởng đến việc kiếm ăn của đàn chuột. Khi lượng thức ăn bên ngoài hết, đàn chuột bắt đầu đào lỗ tràn vào nhà dân, đục tung nền gạch, cắn xé bất kì thứ gì chúng gặp phải.
Lũ chuột tự do kiếm ăn trong khu dân cư như chỗ không người
Chị Phạm Thị Thúy (24 tuổi, thuê trọ tại khu vực gần kênh Tân Trụ, phường 15, quận Tân Bình) kể: "Mọi người đã quen với cảnh đào bới, tàn phá của lũ chuột dưới cống ngoi lên. Dù dùng nhiều biện pháp như đổ bê tông, lấy gạch đá chặn miệng lỗ nhưng vẫn không thể ngăn cản chuột. Thậm chí có những lần chuột còn cắn vào móng chân khi tôi đang ngủ".
Cũng theo lời chị Thúy, lũ chuột không chỉ từ các bờ kênh chui vào mà còn chui lên từ các lỗ cống. Thông thường các nắp cống luôn có các lỗ thông hơi to nên chuột có thể theo đường đó lên xuống và làm ổ dưới cống. "Những con chuột cống này nhìn rất ghê rợn, ghẻ lở trên người, hôi thối và đặc điểm là chúng không sợ người. Thấy đồ ăn vương vãi là lao vào lấy. Chúng tôi cũng dùng nhiều cách để bẫy chuột nhưng không ăn thua" - chị Thúy kể.
Người dân địa phương cho biết, nạn chuột bùng phát có thể do kênh Tân Trụ, Cống Lở và Hy Vọng bị ô nhiễm nặng vì một số cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường, tạo điều khiện thuận lợi cho đàn chuột sinh sôi. Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy, hàng trăm hộ dân nơi đây đều thải rác sinh hoạt hàng ngày trực tiếp xuống kênh. Vừa có nơi cư ngụ "lí tưởng" về địa hình, vừa được cung cấp nguồn thức ăn "thoải mái" cộng với việc thiếu các phương án diệt chuột nên việc đàn chuột "đại náo" khu dân cư là điều dễ hiểu.
Chuột cống có thể mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Hanta virus truyền qua người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu chuột. Hiện chưa có văcxin phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị. Bệnh này khi được điều trị kịp thời có thể khỏi sau 7 - 10 ngày.
Cũng theo bác sĩ Siêu, may mắn là không phải ai bị chuột cắn cũng nhiễm virus Hanta và không phải chuột cống nào cũng mang virus này. Cái khó khăn nhất của bệnh là dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác, biểu hiện ban đầu của người nhiễm virus Hanta là sốt cao kéo dài, giảm tiểu cầu nên các bác sĩ dễ nghĩ đến sốt xuất huyết. Đến khi vào cơn suy thận cấp thì việc cứu chữa sẽ rất khó khăn. Thỉnh thoảng Bệnh viện Nhiệt Đới, cũng tiếp nhận bệnh nhân dương tính với virus Hanta do tiếp xúc với chuột.
Vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn chuột lộng hành
Các ngành chức năng khuyến cáo, người dân ở những nơi bị chuột "đại náo" nên ngủ trong màn, tránh để chuột cắn. Để hạn chế "giặc" chuột, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các quận huyện đã nhiều lần ra quân và dùng đủ các biện pháp diệt chuột nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Trước khi nạn chuột chưa được chặn đứng, cơ quan chức năng kêu gọi người dân nên xử lí phế thải trong sinh hoạt, không nên đổ trực tiếp xuống kênh tạo nguồn thức ăn cho chuột. Bên cạnh đó nên tổ chức phát quang, đánh sập hang ổ để chuột hết chỗ cư ngụ. Việc không có nơi trú ẩn và không có nguồn thức ăn chắc chắn sẽ hạn chế được số lượng chuột. Trong trường hợp bị chuột cắn hay tiếp xúc với chuột, nếu thấy sốt cao phải lập tức đến bệnh viện và báo cho bác sĩ biết để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Trung Kiên - Vân Sơn
Theo Dân trí
Xua tan nỗi lo bé biếng ăn - viêm đường hô hấp Chiều nay sau giờ làm, tôi đến đón thiên thần nhỏ của mình tại trường Chim non. Vừa đến cổng trường, thấy tôi con gái đã chạy ra chào: "A, mẹ, Con chào mẹ ạ!" Tôi cười:" Mẹ chào con yêu, hôm nay con có ngoan không? Đi học vui không con?". Con gái nhanh nhẹn đáp: "Vui lắm mẹ ạ! Hôm nay...