TP.HCM, những ngày đầu nới lỏng cách ly xã hội
TP.HCM dỡ bỏ quy định cách ly xã hội đã được 3 ngày (tính từ ngày 23/4). Ngỡ rằng đô thị đông dân nhất cả nước sẽ đông vui sau gần 1 tháng “cấm cửa”, nhưng không phải vậy.
Trong khi các quận nội thành yên bình như ngày mùng 1 Tết, thì đường phố tại các quận ngoại thành lại tấp nập người xe.
Nội thành – Vắng như mùng 1 Tết
Bưu điện Trung tâm TP.HCM không một bóng người trong ngày đầu nới lỏng cách ly xã hội. Ảnh: Song Minh
Những chiếc bông dầu xoay tròn trong không gian tĩnh lặng, rơi xuống khẽ khàng trên mặt sân bằng đá hàng trăm năm tuổi của Bưu điện Trung tâm Sài Gòn. Những cánh bông màu vàng giờ đã ngả sang màu nâu. Hình như lâu lắm rồi nơi đây vắng dấu chân người… Hồi chưa có dịch Covid-19, khách du lịch, nhất là khách nước ngoài, hễ đến TP.HCM, trước hết là ghé nhà thờ Đức Bà, sau đến là Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, chỉ cách đó vài chục bước chân. Khách du lịch đông lắm, còn bây giờ lại không có lấy một bóng người.
Cổng chính của Saigon Central (đường Lê Lợi, quận 1) lác đác người ra vào, chủ yếu là nhân viên của các công ty. Còn trước cửa ra vào của trung tâm mua sắm Takashimaya với hàng trăm gian hàng thuê bán quần áo, mỹ phẩm, giày dép… chỉ có 6 khách hàng đang chờ giờ mở cửa. 3 nhân viên bảo vệ đứng bên trong lớp cửa kính, tay cầm sẵn máy đo thân nhiệt. Theo quy định mới của trung tâm này, giờ mở cửa trong mùa dịch Covid-19 là 11h.
Dù là một điểm mua sắm quen thuộc nhưng giờ đây, trung tâm thương mại Takashimaya vẫn vắng khách ngày dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội. Ảnh: Song Minh
“Chợ mở cửa từ sớm”, một nhân viên bảo vệ cửa Nam chợ Bến Thành vừa đo thân nhiệt khách vừa trả lời khách.
Bước vào trong chợ, mùi tanh nhè nhẹ của hai dãy bán tôm, cá bốc lên. Những tiểu thương im lặng, phe phẩy quạt, chẳng buồn mở lời mời khách. Vào giữa chợ, chỉ một vài gian hàng bán trái cây có khách và toàn là khách Việt. Còn khu ăn uống tắt đèn. Những chiếc xe bán thức ăn trùm bạt. Có chủ hàng ghi rõ: “1/5 mới bán trở lại”.
Lân la hỏi chuyện chủ một cửa hàng quần áo, bà chủ nói nhẹ qua lớp khẩu trang: “Mở cứ mở, nhưng tôi có bán buôn gì đâu, không có khách”.
Nhiều hàng quán trong chợ Bến Thành (quận 1) giờ vẫn nghỉ bán, hẹn mở cửa lại vào ngày 1/5. Ảnh: Song Minh
Gần 1 tháng “cấm cửa”, giờ đã được nới lỏng, lại là ngày thứ bảy, vậy mà những con đường chính của quận 1, quận 3… như: Cách Mạng Tháng Tám, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Đình Chiểu, vòng xoay Hồ Con Rùa, Hai Bà Trưng, Võ Văn Tần…, ít nhất là 40 – 50% cửa hàng vẫn còn khóa im ỉm. Không hiểu vì sao lại như vậy?
Video đang HOT
Đêm trước nới lỏng cách ly, ông Nguyên – chủ hệ thống bán lẻ hàng âm thanh Mai Nguyên chia sẻ: “Lúc này, mở cứ mở nhưng tôi dám chắc sẽ chẳng có ai đến mua hàng. Mối quan tâm của họ lúc này, kể cả người giàu, là bao giờ hết dịch, cuộc sống sắp tới ra sao… Nếu mọi chuyện tốt đẹp, ít nhất là đầu tháng 6, kinh doanh mới bắt nhịp vì lúc đó, khách mới cân đối chi tiêu”.
Quán cà phê và quán ăn ở các quận trung tâm đã bắt đầu mở cửa nhưng chưa đông khách. Những quy định về giãn cách xã hội trong nhiều dịch vụ vẫn nghiêm cẩn, khoảng cách tối thiểu là 1m. Nhiều trường hợp thanh tra phường kiểm tra đột xuất mà thấy khách ngồi gần nhau quá, chủ quán chỉ còn biết khóc rồi nộp tiền phạt. Nghe nhiều chủ quán nói: “Lần này làm nghiêm lắm vì dịch Covid-19 còn phức tạp”.
Ngày cuối tuần nhưng con đường Nguyễn Huệ lại vắng người qua lại. Ảnh: Song Minh
Chỉ thị 19 mới nhất của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ: Có việc cần mới ra khỏi nhà, nhân viên vẫn còn làm việc tại nhà, nhu cầu mua sắm thấp… là những lý do vì sao nhiều cửa hàng tại các quận trung tâm vẫn đóng cửa, lượng người dân chạy xe trên đường đã giảm ít nhất là 90% so với những ngày cuối tuần hồi chưa có dịch.
Ngoại thành – Quán nhậu nhộn nhịp
Tối 23/4, lúc UBND TP vừa ban hành quy định nới lỏng cách ly cũng là lúc một quán nhậu tên Quỳnh đã đông thực khách. Ảnh: Song Minh
18h ngày 23/4, lúc UBND TP vừa ban hành quy định nhóm dịch vụ nào được mở cửa, nhóm dịch vụ nào còn phải đóng cửa, quán ăn Quỳnh trên đường Trường Sa (đoạn quận Phú Nhuận) đã sáng trưng đèn, nhẩm đếm có chừng 100 thực khách. Người ngồi sát người. Bàn xếp sát bàn. Một con bê quay vàng ruộm khiến ai đi qua cũng khó mà cầm lòng.
Một ngày sau, nhiều quán nhậu trên đường Trường Sa, Hoàng Sa, Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận); Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh)… đồng loạt mở cửa vì trong thông báo không cấm quán nhậu.
Tối thứ 6, quán chuyên bán dê Tri Kỷ trên đường Lê Văn Sỹ đã có hàng trăm khách ngồi kín tầng trệt với bàn cách bàn chỉ chừng 1,5m. Gọi là đông nhưng lượng quán nhậu đóng cửa ở các quận ngoại thành như Tân Bình, Gò Vấp, Q.12… vẫn còn nhiều, nhiều hơn số đã mở cửa.
Đại lộ Phạm Văn Đồng nối liền hai quận Gò Vấp – Thủ Đức giờ đã đông xe hơn. Ảnh: Song Minh
Sau quán nhậu là đến quán ăn, quán cà phê, cửa hàng điện máy, cửa hàng vật liệu xây dựng… bắt đầu có khách đến, nhưng chưa đông. Còn chợ, tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện lợi… luôn “sáng đèn” từ tết đến nay nhưng sức mua từ từ giảm.
Bà Yến – chủ một tiệm tạp hóa lớn trên đường số 8 (Gò Vấp) cho biết: “Từ ngày có dịch, tôi bán chậm lắm. Tháng trước, mỗi ngày, tôi còn bán được chục thùng bia, mì tôm… Bây giờ, tôi chỉ còn bán được ít hộp sữa, bánh kẹo, vài chai nước ngọt”.
Cách đó chừng 200m là hai cửa hàng Bách hóa Xanh và Vinmart cũng lèo tèo vài người khách. Trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất, dăm ba tài xế Grab, GoViet… đã xuất hiện trở lại.
Nhưng so với các quận nội thành, người dân các quận ngoại thànhh chịu khó ra đường nên phố xá trông nhộn nhịp hơn. Cách kiếm tiền của họ là buôn bán vỉa hè, giao hàng online, chở hàng thuê… nên buộc phải “bám mặt đường nhựa”.
Tài xế GrabBike, GoViet đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất chờ đón khách sau khi nới lỏng cách ly. Ảnh: Song Minh
Nhịp sống TP.HCM từ ngày nới lỏng cách ly có phần sôi động hơn. Người dân mong chờ dịch sẽ hết nhanh, không còn đợt cách ly nào nữa. Ít nhất là đầu tháng 6, vùng đất này may ra mới trở lại nhịp sống vốn có của nó.
Nhiều doanh nghiệp than phiền, tích góp hàng chục năm, nhưng chỉ qua 3 tháng kể từ khi công bố dịch Covid-19, phần của để dành giờ đã mòn nhiều lắm. “Cứ bán buôn như thời cách ly, chừng 2 tháng nữa là xách bị ra đường”, chủ một cửa hàng bán lẻ điện thoại tại quận 1 tâm sự.
Song Minh
Chủ tịch Hà Nội: "Sẽ không gỡ hết lệnh cách ly xã hội sau 22/4"
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa thông tin về việc Hà Nội sẽ có Chỉ thị mới về việc "gỡ lệnh cách ly" trong ngày 22/4 tới đây.
Sẽ không gỡ hết lệnh cách ly
Phát biểu kết luận cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội (Chủ tịch Hà Nội) Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19. "Có những ổ dịch có những lúc tưởng như không vượt qua được, hoặc tiềm tàng lây nhiễm rất lớn nhưng TP vượt qua được, ngăn được".
"Từ tình hình này, nếu đến ngày 22/4, địa bàn "nóng bỏng" như Hà Nội nếu không phát hiện trường hợp ca nhiễm nào có thể sẽ hạ mức cảnh báo. Thành phố sẽ có Chỉ thị mới nhưng chắc chắn sẽ không dỡ hết tất cả những yêu cầu về phong tỏa, gỡ hết lệnh cách ly xã hội. Ví dụ như các hoạt động tập trung đông người, sinh hoạt tôn giáo, thể dục thể thao hay những vùng có nguy cơ cao như Mê Linh, Thường Tín...", Chủ tịch Hà Nội nói.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, chiều 20/4.
Đồng thời, ông Chung cũng lưu ý: "Chắc chắn chúng ta vẫn phải hạn chế một thời gian nữa chứ chưa thể quay lại hoạt động bình thường như trước khi dịch xảy ra. Chúng ta không thể chủ quan mà vẫn phải làm tốt công tác phòng, chống dịch, bởi việc ủ bệnh, lây nhiễm có thể kéo dài hơn 30 ngày...".
Tại cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của các đơn vị. Theo đó, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu triển khai test nhanh Covid -19 tại chợ đầu mối Minh Khai, chợ Phùng Khoang... và nêu rõ: "Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt việc xét nghiệm ở 5 chợ đầu mối. Qua kết quả này, có thể đánh giá ở các đầu mối với lượng giao dịch, đi lại nhiều nhưng vẫn chưa phát hiện ca nghi ngờ là phần nào giảm bớt nguy cơ".
Tuy nhiên, Chủ tịch Hà Nội cũng cảnh báo: "Không có ca nào dương tính không có nghĩa là chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng để phòng chống dịch tốt. Đây mới là con số phần nào cho biết về nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng. Chỉ khi có 60-70% dân số trở lên có kháng thể trong cơ thể thì miễn dịch cộng đồng mới tốt, mới phòng ngừa được dịch".
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để mọi người dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 31 của Thành ủy và Chỉ thị 05 của UBND TP; xử lý nghiêm với các cửa hàng không thiết yếu mở cửa trở lại; người dân không đeo khẩu trang khi ra đường.
Các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với các cửa hàng ăn uống, mát xa, karaoke; khuyến cáo người dân không đi tập thể dục... Trên tinh thần phải cấm triệt để, thực hiện nghiêm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để công cuộc phòng, chống dịch đạt hiệu quả.
Lập đoàn liên ngành kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế
Nêu việc các chuyên gia của Bỉ đã phân tích sự nguy hiểm của các giọt bắn ở nơi công cộng, ông Nguyễn Đức Chung cảnh báo người dân về nguy cơ lây nhiễm Covid -19 khi tập thể dục nơi công cộng và nhấn mạnh: "Chúng tôi hiểu, thực hiện giãn cách xã hội mọi người ở trong nhà cũng bí bách nhưng chúng ta cần khắc phục vì chính mình và xã hội".
Quang cảnh cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, chiều 20/4.
Đáng chú ý, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở Y tế cùng các quận, huyện rà soát toàn bộ công tác mua sắm trang thiết bị y tế thời gian vừa qua. Đồng thời tiếp tục triển khai mua sắm những trang thiết bị thiết yếu.
Đồng thời, giao Sở Công thương chủ trì, thành lập đoàn liên ngành phối hợp Sở Tài chính, Công an Hà Nội, rà soát, kiểm tra các đơn vị mua sắm, nhất là các bệnh viện và những đơn vị doanh nghiệp y tế cung cấp trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao cho các hoạt động phòng chống dịch.
"Việc kiểm tra này xem các đơn vị này có đủ năng lực hay không, trang thiết bị y tế có đảm bảo chất lượng hay không. Sở Công thương rà soát về giá trang thiết bị y tế, Sở Tài Chính tham gia kiểm tra về đơn giá, định mức để xem các đơn vị có thực hiện có hiệu quả hay không, mua bao nhiêu, còn bao nhiêu. Giám sát mua đúng, mua đủ không?", ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng lưu ý, rút kinh nghiệm dịch SARS năm 2003-2004, nhiều đơn vị thi nhau mua nhưng sau đó cũng thừa. "Dịch bệnh thì chúng ta không tiếc nhưng chúng ta mua phải đảm bảo tính hiệu quả".
"Đoàn liên ngành có thể mời HĐND TP vào cùng kiểm tra và báo cáo lại Ban chỉ đạo. Cuối tuần này Ban chỉ đạo sẽ có cuộc họp về công tác mua sắm, đảm bảo trang thiết bị y tế vật tư phòng, chống dịch để chúng ta chấn chỉnh, đảm bảo đúng đủ, tiết kiệm, tránh tình trạng lãng phí", ông Chung lưu ý.
Chữa trị xong phải được xe 115 đưa về nhà và cách ly thêm 14 ngày
Từ những thông tin trên thế giới và Việt Nam, Hà Nội phải rút ra một điều rằng tất cả các trường hợp âm tính khi ra viện cũng phải được xe 115 đưa về nhà và phải được cách ly tiếp 14 ngày. "Việc này phải bảo đảm 100%. Thành phố khuyến khích các trường hợp dương tính sau điều trị được về nhà nên cách ly trong 30 ngày cho an toàn", ông Chung yêu cầu.
Đối với các trường hợp từ nước ngoài về, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu, sau khi rời khỏi trung tâm cách ly tập trung, các địa phương tuyên truyền để các trường hợp này tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày, thậm chí khuyến khích thời gian cách ly lâu hơn nữa cách, bởi theo ông Chung, các trường hợp này đi ra ngoài vẫn có thể phát tán virus SARS-CoV-2 mà chính họ không biết.
Nói về trường hợp bệnh nhân 188 dương tính với Covid -19 trở lại sau khi ra viện, khi nhập viện trở lại xét nghiệm lại âm tính, Chủ tịch Hà Nội phân tích: Hiện tượng này không lạ, bởi đến giờ này chưa có vắc xin để chữa được virus này hoàn toàn, các nhà khoa học cũng xác định virus này có biến thể, việc dùng các loại thuốc mới chỉ tăng cường miễn dịch, kháng thể; virus này có thể vẫn nằm trong cơ thể và tăng trở lại...
Thành An
Thủ tướng: Dịch Covid-19 có chuyển biến, cần nới lỏng từng bước Theo Thủ tướng Chính phủ, diễn biến của dịch Covid-19 có chuyển biến tốt hơn so với phiên họp trước (phiên trước họp ngày 15/4), cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh VGP)....