TP.HCM: Nhiều hoạt động ý nghĩa mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
Mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), nhiều trường ĐH, CĐ tại TP.HCM đã tổ chức các hoạt động tri ân thầy cô, tặng học bổng khuyến khích, quyên góp hướng về đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 vừa qua…
Những cựu sinh viên “nổi tiếng nhất” Việt Nam được vinh danh tại ĐH KHXH&NV TP.HCM sáng 20.11
Sáng nay 20.11, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường. Về tham dự có các đại biểu được nhà trường bình chọn là “60 cựu sinh viên tiêu biểu” của nhà trường qua các giai đoạn phát triển ở các lĩnh vực như khoa học – giáo dục, chính trị- xã hội, kinh tế, văn hóa- nghệ thuật như: ông Trương Tấn Sang – nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Võ Văn Thưởng- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam…
Tuyên dương “những người nổi tiếng nhất” Việt Nam
Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập, nhiều hoạt động ý nghĩa như: Cuộc thi sáng tác biểu trưng kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển trường; Hội nghị cựu sinh viên; Cuộc thi Sáng tác văn, thơ, nhạc – Sưu tầm tài liệu, hiện vật “Ký ức 60 năm Văn khoa – Tổng hợp – Khoa học xã hội và nhân văn”… đã được Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tổ chức thu hút sự quan tâm của các sinh viên, cựu sinh viên nhà trường qua các thời kỳ.
Theo PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng nhà trường, qua 60 năm phát triển, trường đã có nhiều đóng góp cho quốc gia về các vấn đề lý luận, khoa học xã hội nhân văn, cũng như đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Trong đó, nổi bật là “60 cựu sinh viên tiêu biểu” của nhà trường qua các giai đoạn phát triển ở các lĩnh vực như khoa học – giáo dục, chính trị- xã hội, kinh tế, văn hóa- nghệ thuật… đã có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước.
Có thể kể đến danh sách những “cựu sinh viên” nổi tiếng của nhà trường như: bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội; ông Trương Tấn Sang – nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Võ Văn Thưởng- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Lê Thanh Hải – nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Trương Mỹ Hoa – nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; GS.TS Huỳnh Như Phương; nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã, các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Vũ Đức Sao Biển, Tôn Thất Lập…
Là 1 trong 60 cựu sinh viên tiêu biểu, phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã biểu dương và chúc mừng những thành tựu Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã đạt được trong 60 năm qua. Đồng thời, Phó chủ tịch nước cũng nhắn nhủ Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cần tiếp tục chuẩn hóa và đổi mới về quản trị đại học kết hợp nâng cao chất lượng đội ngũ để nhà trường sớm phát triển thành một đại học hàng đầu trong khu vực về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Cùng với đó, trường cần tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận phương thức quản lý hiện đại, nâng cao chất lượng dạy và học…
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng nhà trường bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 triệu đồng làm quỹ học bổng
Video đang HOT
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng của trường là phát triển các ngành học cơ bản mang bản sắc riêng của trường; đồng thời đẩy mạnh đánh giá và kiểm định chất lượng từ cấp chương trình đến cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế để khẳng định uy tín, chất lượng của nhà trường”, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhắn nhủ.
Tại buổi lễ, 60 cựu sinh viên tiêu biểu cũng được trường tuyên dương và thông tin của các cựu sinh viên tiêu biểu này cũng sẽ được xuất bản trong kỷ yếu trường, đặt ở phòng truyền thống.
Tặng học bổng, hướng đến đồng bào miền Trung lũ lụt
Tại nhiều trường ĐH, CĐ khác trên địa bàn TP.HCM, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, các trường cũng tổ chức các hoạt động ý nghĩa khác như trao học bổng cho học sinh nghèo, tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 vừa qua, ký kết hợp tác đảm bảo việc làm cho sinh viên… Tại ĐH Nguyễn Tất Thành, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và khai giảng năm học mới, nhà trường quyết định trích ngân quỹ khoảng 20 tỷ đồng làm học bổng khuyến khích cho sinh viên thủ khoa các khoa, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, sinh viên nghèo vượt khó và hỗ trợ học phí cho sinh viên nữ theo học khối ngành Kỹ thuật – Công nghệ.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành vui cùng sinh viên
Ngoài trách nhiệm đối với từng sinh viên trong trường, với tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đã phát động chương trình “Trái tim yêu thương” đến toàn thể cán bộ giảng viên, sinh viên, các nhà hảo tâm cùng hướng về đồng bào miền Trung và Tây Nguyên vừa chịu ảnh hưởng của con bão số 12, giúp đỡ bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Dịp này, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tiến hành ký kết hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp, bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí, Công ty CP Sài Gòn Food, Hội Thiết bị Y tế, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Hoa kỳ… Việc gắn kết với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người học có cơ hội cọ sát thực tế, trải nghiệm để tích lũy và có cơ hội tìm việc làm là điều mà các cơ sở đào tạo phải thực hiện.
“Chính nhờ chương trình đào tạo gắn liền với thực tế mà hàng năm 95% SV tốt nghiệp từ trường ĐH Nguyễn Tất Thành đều có việc làm. Thậm chí có nhiều đơn vị còn đến tận trường “đặt hàng” ngay khi các em còn đang là SV năm 3, năm 4″, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng nhà trường khẳng định.
ĐH Văn Hiến đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Trước đó, tại ĐH Văn Hiến, nhân kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ GDĐT đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 16 giảng viên có thâm niên công tác trong ngành giáo dục. Đặc biệt, nhà trường cũng vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND TP.HCM.
Dịp này, Đại học Văn Hiến cũng long trọng tổ chức lễ tốt nghiệp cho 29 tân thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh và hơn 500 tân cử nhân, kỹ sư.
Theo Danviet
Ngày Nhà giáo VN: Chuyện phi thường ở ngôi trường giữa rừng thẳm
Vượt núi cõng học sinh đến trường, đi xin quần áo cho các em, nhường phòng họp làm nhà nội trú, dạy thêm không biết đến thù lao... là những việc làm phi thường của các thầy cô giáo ở ngôi trường lọt thỏm giữa rừng già Krong.
Băng rừng, vượt thác cõng học sinh đến trường
Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai) là ngôi trường khó khăn bậc nhất ở mái đông dãy Trường Sơn - Tây Nguyên. Sau khi "vật lộn" với quãng đường 50km từ trung tâm huyện, chúng tôi mới đến được ngôi trường nằm giữa lòng chảo núi cao, quanh năm mây phủ. Trời đã xế chiều, các thầy cô giáo đang cặm cụi chuẩn bị đồ đạc để sáng hôm sau băng rừng, vượt thác vào bản... tìm học sinh.
Từ 4 giờ sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, tôi theo chân các thầy giáo tìm đường vào làng Pngăl. Nhìn từ xa, con đường vào ngôi làng đầy những vệt bánh xe máy ngoằn ngoèo, nhầy nhụa bùn đất, những tảng đá lớn chắn ngang, một bên rừng và một bên vực. Được khoảng 10km, các thầy phải bỏ xe máy lại, đi bộ theo đường rừng, vượt những dốc cao dựng ngược thêm khoảng 3km thì phải nghỉ lấy sức.
Thầy Chí, thầy Hải cùng học sinh chống gậy vượt núi đến trường. ảnh: Trần Hiền
Vừa thở hổn hển, thầy Phạm Minh Chí nói: "Phía trước còn nhiều dốc đá, vực sâu một bên nên mọi người cẩn thận. Hôm nay trời nắng còn đỡ, chứ gặp mưa to, nước trên núi đổ xuống phải trốn vào hốc đá, nếu không là mất mạng...".
Sau hơn 3 giờ băng rừng, chúng tôi tiếp cận những ngôi nhà đầu tiên của làng Pngăl. Thấy các thầy cô đến, em Đinh Thị Thách (học sinh lớp 4) vội nép bên khe cửa, có ý lẩn tránh. Thầy Trần Thanh Hải (37 tuổi) liền chạy đến cầm tay Thách, ân cần bảo: "Phải đi học thì mới biết con chữ, sau này mới giúp được gia đình chứ?". Vừa nói, thầy Hải vừa bước vào nhà lấy chiếc áo khoác duy nhất của Thách mặc cho em, rồi bước xuống nói với chị Đinh Quy (mẹ em Thách): "Nếu cháu về nhà, cô nhớ bảo cháu đi học nhé. Học biết cái chữ sau này mới có nghề nghiệp, gia đình mới có nhiều lúa gạo để ăn".
Tiếp cuộc hành trình, vượt hơn 15km nữa, chúng tôi mới đến được cụm bản thứ hai của làng Pngăl. Vừa đến cụm bản, thầy Chí nhanh chóng hỏi những người lớn: "Sao không thấy em Đinh Xuế đi học?". Một cụ già đáp: "Thằng Xuế đi làm với mẹ nó từ sớm rồi". Vừa nghe xong, thầy Chí vội vàng chạy lên rẫy tìm, lát sau "bắt" được Xuế đưa về.
Cũng với cách như vậy, ở cụm bản số 3, 4 nằm sâu trong rừng già, các thầy đã vận động thêm được 2 em học sinh là Đinh Thị Đoàn (lớp 5) và Đinh Thị Glei (lớp 4).
Lúc này, khi mặt trời đã đứng bóng, đoàn chúng tôi vội quay trở lại. Đường đi đã gian nan, đường về lại càng hiểm trở hơn. Nhiều đoạn đường trơn trượt, chân bám không chắc, các thầy giáo mỗi người cõng một em để đảm bảo an toàn cho các em.
Dạy thêm không thù lao
Ông Lê Thanh Hải - Trưởng phòng GĐĐT huyện Kbang - cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, Trường phổ thông Dân tộc bán trú và THCS Krong là trường khó khăn nhất huyện. Các thầy cô giáo phải vượt rừng đi vận động từng em học sinh, khi đưa được các em đến trường lại phải lo sắp xếp chỗ ăn ở cho các em. Hiện tại trường còn thiếu khoảng 19 phòng ở, các thầy cô phải bố trí cho các em ở lại ngay phòng học, phòng họp hội đồng của các thầy cô cũng phải nhường cho các em".
Trước kia, Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Krong là một điểm trường thuộc Trường tiểu học Krong. Đến năm 2015, trường đã xây dựng mô hình dạy học bán trú. Tuy là bán trú, nhưng vì đặc thù của xã vùng cao, các em học sinh lại ở xa nên nhà trường đã tổ chức cho các em ở nội trú.
Thầy Nguyễn Văn Thuấn - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Trường có 273 em học sinh, trong đó 149 em là học sinh nội trú, 100% các em đều là dân tộc Banah. Đa số các em đều sống trong rừng sâu, điều kiện giao tiếp bằng tiếng Việt còn nhiều hạn chế, phần lớn các em đều sử dụng tiếng mẹ đẻ. Chính vì vậy, việc truyền tải tiếng Việt đến với các em còn nhiều khó khăn. Khác với vùng đồng bằng, ở đây mỗi giáo viên "bám bản" phải có cái tâm, tình yêu nghề, yêu học sinh thì mới có thể kiên trì dạy chữ cho các em được...".
"Để khắc phục những khó khăn trong việc truyền tải tiếng Việt, nhà trường động viên thầy cô giáo dạy thêm vào buổi chiều, tối. Tuy việc dạy thêm không có thù lao, nhưng bằng tấm lòng, các thầy cô giáo vẫn kiên trì dạy chữ cho các em. Chính những nỗ lực của các thầy cô giáo đã giúp chất lượng giáo dục vùng cao như được "trỗi dậy", tất cả các em học sinh đều đã biết đọc, biết viết. Tỷ lệ duy trì sĩ số lên tới hơn 90%..."- thầy Thuấn tự hào nói.
Dù khó khăn đến đâu nhưng hàng tuần, hàng tháng, khi có học sinh trốn về nhà, các thày lại lặn lội rừng sâu, núi cao để đi "tìm bắt" từng em, vận động, thuyết phục các em trở lại trường. Và mỗi thày, lại cõng các em trên lưng trở lại trường. Mỗi bờ vai, tấm lưng của thầy giáo như đang cõng những hy vọng, những niềm vui, những ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn cho những đứa trẻ. /.
Theo Danviet
Vụ vợ chồng giáo viên chết trước ngày 20.11: Những lời kể đau lòng Người thân, đồng nghiệp và hàng xóm của hai vợ chồng giáo viên ở Thừa Thiên - Huế chết thảm trước ngày 20.11 cung cấp nhiều thông tin liên quan đến vụ án gây chấn động dư luận này. Theo người thân của bà N.T.K.L (50 tuổi, trú thôn Thuận Lộc, xã Hương Giang, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế), khoảng 1...