TPHCM: “Ngộp, te tua, tơi tả” vì… bệnh tay chân miệng
Số ca mắc tay chân miệng nhập viện tăng dồn dập, bệnh nặng ngày càng nhiều khiến các bác sĩ phải căng mình ứng cứu. Nguy cơ đại dịch tay chân miệng bùng phát như thời điểm năm 2011 đang đe dọa cộng đồng.
Ngày 25/9, trên trang facebook cá nhân BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cảnh báo: “Ngộp – te tua – tơi tả – đàn em – học trò chuẩn bị biết thế nào là tay chân miệng năm 2011″.
Thực tế, tình trạng “tơi tả” đang diễn ra tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ phải liên tục tiếp nhận, cấp cứu cho nhiều trường hợp bệnh nặng phải nhập viện. Ngày 26/9, tại khoa Nhiễm Thần kinh đang phải điều trị cho 179 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có gần 30 ca nặng phải theo dõi, chăm sóc liên tục, nhiều trẻ phải thở máy. Tại bệnh viện đã có 1 ca tay chân miệng tử vong.
Bệnh tay chân miêng tăng dồn dập trong thời gian ngắn, nguy cơ bùng phát dịch
BS Trương Hữu Khanh cho biết, lúc cao điểm như tuần trước khoa tiếp nhận, điều trị tới 222 bệnh nhi. Trẻ mắc bệnh được chuyển đến từ các tỉnh phía Nam và TPHCM. Thực tế ghi nhận từ điều tra bệnh sử cho thấy, không chỉ những trẻ ở nhà nhiễm bệnh mà có những trẻ nhiễm tay chân miệng từ các nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ. Điều này cho thấy, bệnh đang lưu hành trên diện rộng, nguy cơ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Từ những phân tích chuyên môn, BS Hữu Khanh nhận định, hơn 50% các xét nghiệm cho thấy trở bị nhiễm chủng virus EV71. Đây là chủng gây bệnh tay chân miệng có độc tính cao, lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng. Trẻ mắc tay chân miệng do vi rút Ev71 có thể bị các biến chứng thần kinh, tim mạch, phù phổi, suy hô hấp, sốc, suy tim và tử vong nhanh.
Diễn tiến tay chân miệng gia tăng nhanh trong cộng đồng đã được Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố ghi nhận. Theo thống kê từ ngày 14/9 đến ngày 20/9 bệnh tay chân miệng đã tăng đột biến. Nếu trung bình 4 tuần trước đó, số ca nhiễm bệnh là 194 trường hợp thì tuần qua đã “vọt” lên 286 ca bệnh (tăng 47%). Tổng số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay là 3.195 ca.
Bệnh đông, các bác sĩ “tơi tả” khi nỗ lực ứng cứu cho các bé
Video đang HOT
BS Hữu Khanh cảnh báo, ngoài các biểu hiện nổi mẫn, bóng nước ở tay chân và trong niêm mạc miệng, trẻ mắc tay chân miệng thường giật mình trong lúc thiu thiu ngủ, nếu tần suất trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao khó hạ trên 2 ngày thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế. Ông cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, phác đồ điều trị tay chân miệng hiện đã được triển khai khắp các tuyến quận huyện nên không nhất thiết phải đưa trẻ đến bệnh viện tuyến cuối để tránh áp lực quá tải và nhiễm chéo trong bệnh viện.
Trước thực trạng bệnh tay chân miệng tăng nhanh, nguy cơ lây lan trên diện rộng, Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát tại những điểm như nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình, trường mẫu giáo. Các đơn vị y tế đang tập trung hướng dẫn giải pháp phòng bệnh, tăng cường vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo các bậc phụ huynh, trường hợp trẻ đi học mắc bệnh cần nhanh chóng thông báo cho nhà trường để thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn. Phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học (tối thiểu 10 ngày) cho đến khi hết bệnh, có giấy xác nhận của bác sĩ mới đưa trẻ đi học trở lại.
Tay chân miệng là bệnh nguy hiểm, chưa có vắc xin chủng ngừa nhưng có thể phòng bệnh hiểu quả bằng những giải pháp đơn giản như: Người trông giữ trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; thường xuyên vệ sinh nơi trẻ vui chơi, vệ sinh đồ chơi của trẻ bằng nước xà phòng hoặc nước khử khuẩn.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Trẻ mới đi học chắc chắn sẽ nhiễm bệnh!
"Trẻ mới đi học chắc chắn sẽ nhiễm bệnh, phụ huynh đừng mong bé của mình không mắc bất kỳ bệnh gì bởi điều đó là không thể. Chủ động giải quyết các bệnh vặt, hạn chế nguy cơ bệnh nặng cho trẻ là điều cần làm", BS Trương Hữu Khanh cho hay.
Cha mẹ bất an vì con nhiễm bệnh khi đi học
Con đi học được vài ngày thì đổ bệnh, sốt, ho, sổ mũi, mệt nhiều nên chị Kiều Ngân quyết định để bé ở nhà chăm sóc. Người mẹ trẻ lo lắng và bối rối vì thời gian tới con sẽ phải đi học trở lại, chị không biết phải làm cách nào để bảo vệ con trước nguy cơ bệnh liên tục tấn công.
Tương tự chị Ngân là trường hợp của chị Huyền Trang, do công việc cả 2 vợ chồng đều bận nhưng không có người chăm sóc con nên khi bé mới được 8 tháng tuổi, chị Huyền Trang phải cho đi nhà trẻ. Tuy nhiên, từ khi đi học, bé thường xuyên bị bệnh, gần như tháng nào cũng đi bác sĩ vài lần.
Chị tâm sự: "Mỗi khi trong lớp có 1 trẻ bị bệnh là bé nhà em nhiễm theo. Bệnh của bé hay kéo dài, các bé khác khỏi từ lâu, riêng con em thường phải mất một tuần sức khỏe mới bình phục. Vợ chồng em đi làm nhưng lúc nào cũng lo con đau bệnh trên lớp".
Tâm trạng của 2 người mẹ ở trên là nỗi lo chung của hầu hết các bậc phụ huynh khi con em họ bước vào tuổi đi học.
Trẻ nhiễm bệnh khi đến trường khiến hầu hết phụ huynh lo lắng
Đề cập đến những loại bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ trong mùa tựu trường, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng: "Trẻ mới đi học chắc chắn sẽ nhiễm bệnh, phụ huynh đừng mong bé của mình không mắc bất kỳ bệnh gì bởi điều đó là không thể. Tuy nhiên, cần chủ động giải quyết các bệnh vặt và hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng cho trẻ".
BS Hữu Khanh chỉ ra ở nhóm trẻ mầm non, các bệnh khiến trẻ rất dễ bị lây nhiễm gồm: hô hấp, tay chân miệng, cúm, bệnh sởi... Lý giải nguyên nhân trẻ dễ nhiễm bệnh, BS Hữu Khanh cho rằng: "Đối tượng dễ bị bệnh tấn công là những trẻ chưa có đủ miễn dịch trước khi đến trường. Tiếp xúc trong môi trường đông người sẽ có các tác nhân gây bệnh giao lưu với nhau, trẻ sẽ nhiễm bệnh bắt đầu với các biểu hiện, nóng, ho, sổ mũi, rối loạn tiêu hóa, đi cầu..."
Vào mùa bệnh, do tác nhân vi rút nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời thì vi rút sẽ lây lan dễ dàng với tốc độ nhanh hơn. Bệnh do vi rút thường gặp ở trẻ trong mùa tựu trường là tay chân miệng, hoặc cúm. Chỉ cần trong lớp có 1 trẻ mắc bệnh thì có thể lây cho cả lớp.
Đáng lưu ý, gần đây nhiều ca bệnh sởi đã xuất hiện, đang lưu hành ở một số khu vực, những trẻ trong vùng bệnh lưu hành nếu chưa được chủng ngừa đầy đủ thì chỉ cần 1 bé mắc bệnh có thể lây cho nhiều bé khác.
Cần chủ động phòng bệnh cho trẻ
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ở trẻ, BS Hữu Khanh cho rằng, trước khi đưa trẻ đến trường, phụ huynh phải chuẩn bị cho bé cả về tâm lý và bệnh lý. Cụ thể, phụ huynh cần đưa trẻ đi chích ngừa đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh; tập cho bé thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Chủng ngừa là một trong những giải pháp tăng cường miễn dịch cho trẻ
Người chăm sóc trẻ cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ nhà cửa thông thoáng, rửa tay dưới vòi nước sạch bằng xà bông trước khi tiếp xúc với trẻ.
Khi trẻ từ trường về nhà nếu có biểu hiện nhảy mũi, chảy nước mũi cần phải rửa mũi bằng nước muối sinh lý, thay quần áo, rửa tay chân, tắm cho trẻ bằng nước ấm, giữ ấm cơ thể bằng khăn khô ngay sau khi tắm để tránh trẻ bị nhiễm lạnh, đồ chơi và khu vực vui chơi của trẻ cần được khử khuẩn thường xuyên.
Chế độ ăn ngủ của trẻ là khâu đặc biệt quan trọng để duy trì nền tảng sức khỏe của trẻ. Phụ huynh và nhà trường cần đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, thay đổi món ăn theo bữa, tăng cường hàm lượng rau củ quả, đa dạng thức ăn sẽ tăng cảm giác ngon miệng giúp trẻ ăn được lượng nhiều hơn.
Trường hợp trẻ không may mắc phải những bệnh truyền nhiễm do vi rút như tay chân miệng, sởi... phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học ở nhà điều trị đến khi có xác nhận trẻ đã khỏi bệnh hoàn toàn của bác sĩ mới cho trẻ trở lại trường.
Khi phát hiện trẻ bị bệnh, phụ huynh cần thông báo cho nhà trường để có giải pháp vệ sinh khử trùng, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho các bé khác.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Còn 1 ca nặng và 4 ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 tại Chợ Rẫy Ít nhất 15 bệnh nhân được xác định dương tính với cúm A/H1N1 chuyển đến cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 1 ca tử vong, 1 ca bệnh nặng xin về, đến nay bệnh viện còn 1 trường hợp nặng phải thở máy và 4 ca nghi nhiễm. Các biện pháp cách ly, điều trị tích cực, dự phòng...