TPHCM mưa to, gió giật mạnh do bão số 9
Ảnh hưởng của bão số 9 (bão Usagi), khu vực huyện Cần Giờ, TPHCM có mưa to dần, gió giật mạnh khiến người dân không dám ra đường.
Sáng 25/11, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, huyện đảo Cần Giờ, đặc biệt là khu vực bờ biển có gió giật khá mạnh và mưa lớn dần. Từ đêm qua, mưa rả rích kéo dài đến thời điểm hiện tại.
Người dân thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM cho biết đang rất lo lắng vì không biết bão sẽ đổ bộ khi nào và khu vực nào vì hiện tại đường đi của cơn bão số 9 khá phức tạp.
Đang đối phó với cơn bão số 9 này, người dân Cần Giờ lại liên tưởng đến cơn bão số 9 năm 2006 và lo sợ thảm kịch lặp lại bởi năm 2006, bão vào bờ gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng về cả người và tài sản.
Một tấm bảng tuyên truyền bị gió quật ngã.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão cách Vũng Tàu khoảng 60km, cách Bến Tre 110km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Trong 12 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Mưa gió đang lớn dần ở huyện Cần Giờ.
Do ảnh hưởng của bão số 9, ngày và đêm nay (25/11) khu vực TPHCM có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Để đối phó với cơn bão số 9, lãnh đạo UBND TPHCM đã thị sát các điểm có nguy cơ ảnh hưởng như bến tàu, khu nhà dân để kiểm tra công tác chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn cho người dân. Toàn bộ người dân khu vực nguy hiểm ở Cần Giờ đã được sơ tán.
Sóng biển ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ cũng đang lớn dần.
UBND huyện Cần Giờ, TPHCM cho hay, đã chỉ đạo cho các xã, phối hợp với mặt trận đoàn thể chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm chăm lo cho đời sống người dân địa phương trong những ngày này.
Huyện cũng bố trí các lực lượng dân quân tự vệ, công an, bộ đội và nhân viên y tế túc trực để chăm sóc sức khỏe người dân. Riêng Bệnh viện huyện Cần Giờ bố trí 80% nhân viên bệnh viện trực 24/24 để đảm bảo công tác cứu chữa khi có sự cố do bão
NGÔ BÌNH
Theo TPO
Đêm trú bão số 9 của những em bé ở Cần Giờ
Đang quấn tã, nằm ngửa trong vòng tay mẹ nhưng nhiều em bé ở H.Cần Giờ (TP.HCM) đã phải sơ tán vào nơi trú bão. Những bé lớn hơn vô tư nô đùa cùng chúng bạn, mặc cho bão đang tiến sát TP.HCM.
Những đứa trẻ vài tháng tuổi đã phải theo cha mẹ đi trú bão ở các điểm tạm cư ẢNH: THANH HƯƠNG
Đêm trong nhà tạm cư trú bão của những trẻ em ở Cần Giờ
Trước tình hình phức tạp của bão số 9, ngày 24.11, UBND H.Cần Giờ (TP.HCM) đã di dời hơn 4.000 người dân từ những khu vực trũng thấp, ven biển đến cư ngụ tại các điểm trú bão kiên cố trên địa bàn.
Tại điểm trú bão trường THCS thị trấn Cần Thạnh, hàng trăm người được chia thành nhiều nhóm trải bạt nằm trên nền lớp học, nhiều người xếp bàn học sinh làm giường để ngả lưng khi mệt.
Từ người già, người trẻ đến trẻ em được bố trí chung vào các phòng học. Họ tận dụng tất cả những gì có thể mang theo để trải xuống nền nhà làm giường ngủ. Hàng chục người chen chúc trong phòng học mong qua cơn bão. Trong số hàng nghìn người phải sơ tán có những đứa trẻ mới hơn 3 tháng tuổi cũng phải theo mẹ vào nơi trú bão.
Các em nhỏ vẫn hồn nhiên vì gặp được bạn bè đồng lứa ở nơi trú bão ẢNH: THANH HƯƠNG
Ôm con mới hơn 3 tháng tuổi đi quanh 2 dãy nhà mới tìm được nơi cư ngụ, nhờ người cùng phòng trú bão mắc giùm chiếc võng để ru con ngủ, chị Khánh Ly - người dân TT.Cần Thạnh, H.Cần Giờ tâm sự: "Con em mới hơn 3 tháng à, hơi khó, ở nhà không ngủ trên giường, chỉ ngủ trên võng không à. Nên khi vào đây (nơi trú bão - PV) em rất cần võng cho con nó ngủ. Giờ này nó buồn ngủ rồi mà vẫn cứ ọ ọe vậy nè. Hồi bữa nghe nói bão là em rầu rồi, ai ngờ bão vào thiệt...".
Chị Ly cho biết, chị cùng 2 con đã vào nơi tạm trú tránh bão từ sáng. Tuy nhiên, lại ở phía ngoài. Càng về tối, Cần Giờ xuất hiện gió và mưa to, lại có con nhỏ nên mấy mẹ con phải chuyển vào bên trong để tránh gió.
Vừa ru con ngủ, chị Ly vừa kể: "Thật ra thì đi trú bão đã 2 lần. Lần đầu khi mang thai con đầu lòng, chị cũng vác bụng mang dạ chửa đi tránh bão. Đến nay, con đã 6 tuổi, giờ lại đi trú bão tiếp đứa sau. Nghĩ chỉ thấy tội cho các con".
Chị Ly bế con nhỏ 3 tháng tuổi đến nơi trú bão ẢNH: THANH HƯƠNG
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hân có 2 con trai, đứa đầu đã học tiểu học, đứa nhỏ mới 2 tuổi phải cùng mẹ vào trú bão. "Mình có 2 cháu vào đây trú bão. Có con nhỏ, vào đây đông quá thì cũng có khó khăn chút đỉnh. Ở đâu cũng không bằng ở nhà mà", chị Hân nói.
Còn chị Nguyễn Thị Phượng lo lắng cho ba con nhỏ của mình vì sợ vào nơi trú bão không ăn, ngủ được: "Mỗi lần nghe bão là sợ lắm, sợ lốc, ở nhà cũng lo lắm. Do nhà có 3 đứa nhỏ nên mình cũng phải lo, phải dắt mấy đứa đi trú bão", chị Phượng nói.
Hai em nhỏ ăn cháo tại hàng lang ẢNH: THANH HƯƠNG
Những người mẹ có con nhỏ vất vả lo lắng chỗ ăn, chỗ ngủ thì những đứa trẻ lớn hơn, hàng lang, hay chính phòng học - cũng là nơi trú bão trở thành điểm vui chơi, ăn uống. Những đứa trẻ theo cha mẹ vào trú bão còn quá nhỏ để hiểu tại sao mình lại vào đây. Không biết rằng cơn bão Usagi đang hướng vào đất liền.
Những đứa trẻ, như thói quen lúc đi học, nhanh nhảu lấy khăn lau bảng, cầm phấn viết chữ. Còn ngoài hành lang, hai bé trai ngồi trên 2 ghế gỗ, một tay cầm bịch cháo, một tay cầm muỗng liên tục múc cháo ăn một cách vô tư. "Cháo ngon lắm cô ạ, vào đây được chơi, được phát đồ ăn nữa", cậu bé 8 tuổi hồn nhiên nói.
Trong đêm trú bão, tấm bảng, viên phấn trong lớp học cũng trở thành đồ chơi ẢNH: THANH HƯƠNG
Những em nhỏ lại vô tư vui chơi dù trên gương mặt cha mẹ hằn nỗi lo lắng nếu cơn bão Usagi đổ bộ vào đất liền. Đang tuổi ăn, tuổi chơi, những đứa trẻ chưa thể hình dung được sự tàn phá của những cơn bão, chưa thấu được nỗi lo của người lớn. Nỗi lo sợ mang tên "mẹ thiên nhiên".
Theo TNO
CẬP NHẬT: Bão số 9 gây mưa to, gió giật ở Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM Sáng nay (25.11), bão số 9 đã bắt đầu gây mưa to kèm gió giật ở Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. 8h40: 10 tàu nhỏ bị chìm ở Phan Thiết Theo VNE: Bình Thuận từ đêm qua và sáng 25.11 cũng có mưa lớn. Tại khu vực Nam Bình Thuận gồm thị xã La Gi, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam được...