TPHCM loay hoay chống ùn tắc: Tăng thu phí thay vì lập trạm?
Đề án thu phí ô tô vào trung tâm được Sở GTVT TPHCM kỳ vọng sẽ kéo giảm lượng phương tiện, giảm ùn tắc giao thông nội đô. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đề án này chưa giải quyết được gốc của vấn đề kẹt xe, mà chỉ mang lại nguồn thu ngân sách.
Vành đai được Sở GTVT đề xuất xây 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS-TSKH Lê Huy Bá, chuyên gia về giao thông cho rằng, ông ủng hộ tăng cường phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, việc xây dựng vành đai thu phí ô tô vào trung tâm cần nghiên cứu, thí điểm một cách cẩn trọng để tránh gây kẹt xe càng nghiêm trọng ở những nơi có trạm thu phí.
Theo ông Bá, việc thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM là chưa hợp lý, người dân ở trong nội đô muốn về nhà mình cũng phải nộp phí là vô lý. Việc xây dựng các trạm thu phí sẽ chiếm một phần diện tích mặt đường, tạo vật cản khiến các phương tiện lưu thông qua các trạm này phải chạy với tốc độ chậm, dẫn đến nguy cơ kẹt xe. Thay vì thu phí, TPHCM nên chọn phương án đơn giản hơn như tăng phí đỗ xe ở các tuyến đường trung tâm.
Ông Bá cũng tỏ ra lo ngại việc lập vành đai thu phí sẽ gây ra tình trạng né trạm, lúc đó, các con hẻm sẽ trở thành điểm kẹt xe. Chưa kể hiện nay, các bãi đỗ xe ở ngoại thành chưa được đầu tư bài bản, nếu đặt trạm thu phí, người dân sẽ gửi ô tô ở đâu để vào trung tâm là vấn đề lớn. “Dù xây trạm thu phí thì khi có xe, có nhu cầu, người ta vẫn chấp nhận đóng tiền để vào trung tâm. Khi đó sẽ không giải quyết được vấn đề kẹt xe mà chỉ thu ngân sách. Ở một số nơi, muốn hạn chế xe cá nhân người ta tăng phí trông xe, phát triển xe buýt hay cho xe chạy ngày chẵn – lẻ… chứ không xây trạm thu phí”, GS Lê Huy Bá nói.
Video đang HOT
Cũng GS Lê Huy Bá cho biết, theo quy hoạch, diện tích bến bãi đậu xe của TPHCM đến năm 2020 là 1.145,8 ha. Tuy nhiên, diện tích bãi đậu mới chỉ đạt 20% tương đương 227,6 ha; TPHCM mới xây dựng được 35 vị trí trong khi theo quy hoạch có tới 126 vị trí bến bãi. Khi vành đai thu phí được xây dựng, phát triển giao thông công cộng, nhu cầu bãi đậu xe sẽ càng tăng, nếu không đáp ứng được nhu cầu đỗ xe của người dân thì nguy cơ kẹt xe sẽ càng tăng.
TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cũng cho rằng, muốn triển khai đề án này, Sở GTVT TPHCM cần nghiên cứu thật kỹ, lấy ý kiến người dân và công khai, minh bạch để người dân thấy được hiệu quả. Theo ông Cương, việc xây dựng trạm thu phí này Sở GTVT học theo kinh nghiệm một số nước.
Tuy nhiên, việc học hỏi cũng phải chọn lọc, tùy vào thực tế của mỗi nước. Diện tích mặt đường TPHCM đang thiếu, đặt ra các trạm thu phí chỉ làm giảm diện tích đường và gây ách tắc. “Dù là thu phí không dừng nhưng vẫn có trạm, có vật cản trên đường, nên phương tiện lưu thông qua đây phải giảm tốc độ, tăng nguy cơ kẹt xe”, TS. Võ Kim Cương nói.
Để hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm TPHCM, TS. Võ Kim Cương đề nghị TPHCM chọn phương án khả thi hơn như tăng phí đậu xe, cấm ô tô vào một số tuyến đường; tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông công cộng, tạo kết nối liên hoàn
để thu hút người dân sử dụng.
NGÔ BÌNH
Theo PLO
TPHCM thu phí ô tô lưu thông khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc?
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, đơn vị này vừa kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương giao Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư thực hiện "Dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông".
TPHCM tình trạng kẹt xe sẽ ngày càng trầm trọng nếu không có giải pháp hiệu quả. Ảnh T.D
Phạm vi thu phí thuộc khu vực quận 1 và quận 3. Tổng kinh phí dự kiến 250 tỷ đồng, lấy từ ngân sách thành phố. Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện các tuyến đường nội đô đang bị quá tải, trong 6 tháng đầu năm, lượng ôtô đăng ký mới trên địa bàn tăng hơn 15% (xe máy tăng 6%). Nếu thành phố không có giải pháp, tình hình kẹt xe ở trung tâm sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Theo đó, mục tiêu của đề án là hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời hạn chế lượng ôtô cá nhân, phát triển giao thông công cộng và hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, theo Sở GTVT TPHCM, mục đích giao dự án trên cho Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định là để sau khi thực hiện xong dự án sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu sẽ nộp về cho ngân sách thành phố.
Theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ thực hiện từ nay đến năm 2021, bao gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí.
Mô hình này phù hợp kinh nghiệm quốc tế đã triển khai ở một số nước như Singapore, Thụy Điển, Anh (việc thu phí do cơ quan nhà nước thực hiện và chỉ thuê doanh nghiệp vận hành hệ thống).
Thu Dịu
Theo HQ Online
TP.HCM xử phạt hơn 5 tỉ đồng xe chở quá tải Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết trong bảy ngày thực hiện công tác kiểm soát tải trọng tại các trạm cân đã xử phạt hơn 5 tỉ đồng xe chở quá tải. Cụ thể, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết công tác kiểm soát tải trọng xe là một trong những công việc thường xuyên của ngành. Trong kỳ, Thanh tra...