TP.HCM lên phương án cho xe khách chạy liên tỉnh từ ngày 1/11
Từ ngày 1/11, tần suất khai thác tối đa từ 3 đến 5 chuyến/ngày; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 15 chuyến/ngày.
Nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách đường bộ phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương nơi đi và nơi đến; đáp ứng nhu cầu cấp thiết đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế – xã hội, Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự thảo phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố xem xét, góp ý hoàn chỉnh dự thảo phương án; đồng thời báo cáo UBND tỉnh, thành xem xét chỉ đạo về việc này.
Xe khách tại bến xe Miền Đông trước giãn cách xã hội ở TP.HCM
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đơn vị mong nhận được văn bản phản hồi của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trước ngày 15/10 và cùng phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
Về điều kiện, đối với hành khách đi từ TP.HCM , phải đáp ứng điều kiện đã tiêm ít nhất một mũi vaccine được 14 ngày hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh COVID-19 (dưới 6 tháng) của cơ quan có thẩm quyền và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) trước khi lên xe.
Đối với hành khách đến TP.HCM , phải đáp ứng điều kiện có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) trước khi lên xe.
Hành khách phải thực hiện khai báo y tế trước khi lên xe; không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng,…
Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vaccine theo quy định của Bộ Y tế đi cùng người thân trên chuyến xe phải đáp ứng các điều kiện nêu trên trừ yêu cầu tiêm đủ liều (2 mũi) vaccine phòng COVID-19. Trên xe phải thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc.
Hành khách đi xe phải được tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19 âm tính
Khi kết thúc chuyến xe, trong quá trình di chuyển từ bến xe về nơi cư trú, lưu trú, hành khách phải luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú.
Bên cạnh đó, hành khách cần tự theo dõi sức khoẻ tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày (theo quy định cụ thể của từng địa phương) kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện 5K; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.
Video đang HOT
Về điều kiện đối với người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ đi cùng , đã tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Những người này cũng phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe. Khi trên xe, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Sau chuyến xe (kết thúc hành trình), người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ đi cùng nếu thực hiện chuyến khứ hồi trong ngày thì không bắt buộc xét nghiệm khi quay lại điểm đi, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến xe tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Còn trường hợp người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ phải lưu trú tại địa phương của bến xe đến; nếu cư trú tại địa phương, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến xe tiếp theo, khi có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Nếu lưu trú tạm thời thì đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí nơi lưu trú đảm bảo phòng, chống dịch cho người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ đi cùng.
Trong trường hợp chuyến xe có người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ đi cùng, hành khách dương tính với SARS-CoV-2, thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế.
Về các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải , là các đơn vị vận tải đã đăng ký tham gia khai thác các tuyến vận tải hành khách cố định. Thực hiện các biện pháp, điều kiện và yêu cầu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải hoạt động trên địa bàn TP.HCM phải đảm bảo quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó mật độ người tập trung trên phương tiện vận tải (bao gồm nhân viên phục vụ và người điều khiển phương tiện) không quá 50% sức chứa của phương tiện (không áp dụng đối với xe giường nằm). Đồng thời có phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và vệ sinh, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến xe.
Ngoài ra đối với các bến xe khách cũng thực hiện các biện pháp, điều kiện và yêu cầu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch.
Về lộ trình khai thác:
Giai đoạn 1 , từ ngày 1/11 đến ngày 15/11: tần suất khai thác tối đa từ 3 đến 5 chuyến/ngày; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 15 chuyến/ngày.
Bến xe khách thông tin đến hành khách, bán vé trực tuyến hoặc trực tiếp khi hành khách đủ điều kiện;
Số lượng hành khách được chở trên phương tiện phải đảm bảo giãn cách, không quá 50% số ghế cho phép theo công suất thiết kế (không áp dụng đối với xe giường nằm).
Giai đoạn 2, từ ngày 15/11 đến 30/11: tần suất khai thác tối đa 10 chuyến/ngày theo nhu cầu đi lại của hành khách; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 30 chuyến/ngày.
Giai đoạn 3, sau ngày 30/11 đến hết tháng 12/2021: tổ chức khai thác vận tải hành khách không quá 50% tần suất khai thác của các tuyến (đã được chấp thuận khai thác trước thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg).
Giá vé hành khách được bán theo giá kê khai theo quy định.
'Nhiều tiêu chí kiểm soát dịch vẫn nghiêng về zero Covid'
Theo các hiệp hội, nhiều quy định trong dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" vẫn chưa hướng về sống chung với dịch và điều này có thể ảnh hưởng lớn tới kinh tế.
Quan điểm này được 8 hiệp hội doanh nghiệp nêu trong văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, các bộ, ngành ngày 25/9, góp ý dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19".
8 hiệp hội, gồm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch; Hội Lương thực, thực phẩm TP HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hội Mỹ nghệ, chế biến gỗ TP HCM, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP, Hiệp hội Nhựa Vệt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật bản tại Việt Nam (JCCI).
Theo dự thảo hướng dẫn đang được Bộ Y tế lấy ý kiến đưa ra ba chỉ số đánh giá thích ứng an toàn Covid-19. Dự thảo hướng dẫn cũng đưa ra 4 cấp độ nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp ứng phó tương ứng, gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Các hiệp hội cho rằng hướng dẫn tại dự thảo chưa tính tới sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước, nên thiếu tính linh hoạt. Nhiều quy định vẫn mang mục tiêu "zero Covid" chứ chưa hoàn toàn là "sống chung với Covid". Chỉ số đánh giá đưa ra thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vaccine.
Dự thảo đưa ra quy định trên 80% số người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine. Các hiệp hội cho rằng, với tình hình dịch bệnh tại TP HCM hiện nay, nếu áp dụng quy định này vào đánh giá nguy cơ dịch bệnh, TP HCM sẽ nằm ở nhóm nguy cơ cấp độ 4. Và như vậy phải rất lâu (2-3 tháng nữa) thành phố mới có thể mở cửa kinh tế.
Tài xế tại TP HCM lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trần
Ngoài ra, dự thảo hướng dẫn vẫn còn nhiều quy định chỉ phù hợp chủ trương "zero Covid", ảnh hưởng lớn tới kinh tế. Chẳng hạn, quy định cách ly tập trung với F0, F1; chỉ điều trị F0 tại nhà với trường hợp dịch ở cấp 3 và 4; hay ngừng hoạt động trung tâm thương mại và cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng ở vùng cấp 4...
Theo các hiệp hội, những quy định này chỉ nên áp dụng trong thời gian chuyển đổi. Khi đã sang giai đoạn sống chung với virus, đã tiêm đủ vaccine mà vẫn quy định cách ly tập trung F0, F1 , truy vết... sẽ rất tốn kém, gây quá tải hệ thống y tế.
"Nên bỏ hẳn việc đưa F0 đi cách ly tập trung khi chuyển sang bình thường mới, ngành y tế hướng dẫn cụ thể để F0 điều trị tại nhà, áp dụng thẻ xanh Covid-19", lãnh đạo 8 hiệp hội doanh nghiệp nêu.
Các hiệp hội đều nhấn mạnh quan điểm khi đã tiêm đủ vaccine thì việc hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ liều hoặc F0 đã khỏi bệnh, hạn chế các hoạt động kinh tế, giao thông công cộng "là không cần thiết". Nên cho phép những người tiêm đủ vaccine được đi làm, và căn cứ vào tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và phòng ICU để đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.
Mặt khác, nếu áp dụng ngay tiêu chí dịch cấp độ 1 (bình thường mới) cho các vùng đang kiểm soát tốt dịch bệnh khi chưa tiêm đủ vaccine, sẽ có nguy cơ vỡ trận.
Hiện 38 tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch nên chưa phải thực hiện hoặc đã gỡ bỏ Chỉ thị 16, gồm cả Hà Nội. Việc dự thảo đưa ra quy định dưới 20% ca mắc mới trên 100.000 dân một tuần là nhóm nguy cơ thấp khi tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp ở các tỉnh, thành phố này, là không phù hợp với tình hình và khả năng kiểm soát dịch hiện tại, sẽ dẫn tới nguy cơ cao vỡ trận như TP HCM.
Đại diện các doanh nghiệp tính toán, với ngưỡng 20 ca trên 100.000 dân một tuần, tương đương mỗi ngày Hà Nội có 230 ca mắc mới (ước tính trên dữ kiện Thủ đô có 8 triệu dân). Đợt dịch thứ tư, Hà Nội có khoảng 50-70 ca mắc mới một ngày, và đã phải mất gần 2 tháng phong toả theo Chỉ thị 16 mới cơ bản khống chế được dịch, đưa số ca nhiễm trong ngày xuống dưới 20. Thực tế này cho thấy nếu Hà Nội để tới 230 ca mắc mới một ngày mới phong toả thì sẽ có nguy cơ cao vỡ trận như TP HCM.
Vì thế, tại các tỉnh, thành phố, khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh thay vì thay đổi ngay trạng thái chống dịch, phải có chiến lược riêng trong giai đoạn chuyển tiếp (3-5 tháng). Trong giai đoạn chuyển tiếp, các địa phương nằm trong diện này áp dụng chống dịch theo điểm, không phong toả diện rộng, trước khi mở cửa hoàn toàn để sống chung với dịch khi đã tiêm đủ vaccine.
Để thích ứng "sống chung với Covid", các hiệp hội đề xuất Thủ tướng áp dụng linh hoạt chiến lược kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế.
Ở giai đoạn chuyển tiếp , dự kiến từ nay tới đầu quý I/2022, các đề xuất như sau:
Vùng nào vaccine phủ sớm thì mở cửa sớm. Để mở cửa sống chung với Covid-19 trong giai đoạn này thì tách 2 vùng theo tình hình dịch để có biện pháp quản lý phù hợp.
Vùng 1, các vùng đang bùng phát, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Điều chỉnh biện pháp áp dụng mức độ giãn cách phù hợp, tuỳ theo cấp độ dịch, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, mức độ tiêm vaccine. Nếu tỷ lệ lấp đầy giường bệnh trên 75% thì tăng các biện pháp phòng ngừa để giảm tỷ lệ tử vong; nếu trên 90% thì nâng hẳn lên một cấp độ dịch.
Bỏ các quy định hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh. Bỏ các quy định hạn chế các hoạt động kinh tế, cho phép F0 điều trị tại nhà. Cho phép người tiêm đủ 2 mũi vaccine, F0 đã khỏi bệnh được đi làm.
Ngành y tế có quy trình hướng dẫn doanh nghiệp xử lý F0 trong mỗi giai đoạn. Không đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu có F0. Người đi từ vùng cấp độ 4 xuống vùng cấp độ dịch thấp hơn thì phải có xét nghiệm âm tính.
Vùng 2, dịch lây lan chậm hoặc chưa có dịch, giai đoạn chuyển tiếp 3-5 tháng đến khi tiêm đủ vaccine. Phòng dịch theo điểm, không phong toả diện rộng.
Nếu mức lây nhiễm tăng lên hơn 0,7 ca mắc mới trên 100.000 dân một ngày trong một tuần liên tiếp thì nâng mức cảnh báo nhưng không phong toả diện rộng. Vùng nào tiêm đủ vaccine theo các tiêu chí thì sẽ chuyển thẳng sang bình thường mới, bỏ phong toả.
Ở giai đoạn sống chung với virus , dự kiến từ giữa quý I/2022 và có thể sớm hơn nếu độ phủ vaccine sớm hơn, các đề xuất là:
Mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm đủ vaccine cho hơn 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt chỉ số 1 trên 80% trên 50 tuổi tiêm đủ vaccine.
Giãn cách phù hợp theo cấp độ dịch, sản xuất kinh doanh, giao thông công cộng được mở lại 100% ở tất cả cấp độ dịch.
Bỏ toàn bộ các giới hạn đi lại giữa các vùng, gồm cả người và xe vận tải. Bỏ cách ly F1, bỏ cách ly người từ vùng khác đến. Bỏ xét nghiệm diện rộng, cho phép F0 điều trị ở nhà. Tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm liều tăng cường cho người lớn
Bài học phòng dịch từ chuỗi lây nhiễm viện Việt Đức Từ cụm dịch liên quan bệnh viện Việt Đức với 42 ca nhiễm, hơn 9.000 người cách ly; các chuyên gia cho rằng có thể rút ra nhiều bài học về chống dịch sau nới lỏng giãn cách. Hà Nội nới lỏng các biện pháp giãn cách từ ngày 21/9, cho phép bán hàng ăn mang về và một số dịch vụ khác,...