TPHCM: Lập lại lực lượng quản lý trật tự đô thị
UBND TP vừa có quyết định lập lại 24 Đội Quản lý trật tự đô thị ở 24 quận – huyện từ lượng nhân sự dôi dư sau khi sắp xếp lại lực lượng Thanh tra xây dựng quận – huyện, phường – xã.
Từ năm 2007, TPHCM thí điểm xây dựng lực lượng Thanh tra xây dựng cấp quận – huyện, phường – xã trên cơ sở tổ chức lại Đội Quản lý trật tự đô thị quận – huyện và Tổ Quản lý trật tự đô thị phường – xã – thị trấn. Nhiệm vụ của lực lượng này là quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn.
Theo Sở Xây dựng, Thanh tra xây dựng quận – huyện, phường xã đã có đóng góp rất lớn trong việc quản lý trật tự xây dựng ở địa phương, hạn chế tình trạng xây dựng trái phép (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cuối tháng 3/2013, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định về Tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo chấm dứt thực hiện quyết định số 89/2007/QĐ-TTg về việc thí điểm xây dựng thành lập Thanh tra xây dựng cấp quận – huyện và Thanh tra xây dựng cấp phường – xã – thị trấn tại Hà Nội và TPHCM.
Video đang HOT
Theo Nghị định trên, thanh tra ngành xây dựng chỉ có 2 cấp là Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng. Riêng ở Hà Nội và TPHCM sẽ cho Thanh tra Sở Xây dựng tổ chức các Đội Thanh tra xây dựng tại địa bàn các quận, huyện. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5/2013.
Để thực hiện nghị định trên, TPHCM đã quyết định tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng bằng cách đưa phần lớn Thanh tra xây dựng quận – huyện, phường – xã trước đây về cơ cấu Thanh tra Sở Xây dựng. Do đó, Thanh tra Sở Xây dựng mở rộng ra thành nhiều đội gồm đội hành chính tổng hợp; đội tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; các đội thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; các đội thanh tra cơ động và 24 đội thanh tra địa bàn trực thuộc Sở đặt tại 24 quận, huyện.
Các cán bộ, công chức được đưa về Thanh tra Sở Xây dựng đều là những người có trình độ đại học (chuyên ngành xây dựng, kiến trúc quy hoạch, luật, kinh tế hoặc đất đai) hoặc là công chức đã được bổ nhiệm ngạch thanh tra viên, công chức đã hoàn tất hồ sơ bổ nhiệm ngạch thanh tra viên.
Nhân viên Thanh tra xây dựng quận – huyện không phù hợp trình độ, dôi dư sau khi chuyển giao một bộ phận về Thanh tra Sở Xây dựng sẽ được tổ chức lại thành Đội Quản lý trật tự đô thị. Do đó, TPHCM sẽ có 24 Đội Quản lý trật tự đô thị tại 24 quận – huyện. Theo quyết định trên, mỗi Đội Quản lý trật tự đô thị sẽ có 1 đội trưởng và 1 – 2 đội phó.
Như vậy, sau 6 năm thí điểm, Thanh tra xây dựng quận – huyện tại TPHCM nay chia tách thành 2 lực lượng là Đội Thanh tra địa bàn trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị trực thuộc Phòng Quản lý đô thị quận – huyện
Theo Dantri
Thí điểm một đầu mối quản lý đại lộ Đông Tây
Đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) chạy qua địa bàn 8 quận, huyện nên việc quản lý tuyến đường này hết sức phức tạp, chồng chéo. TPHCM dự kiến sẽ thí điểm mô hình thống nhất một đầu mối quản lý tuyến đường này.
Tình trạng quản lý chồng chéo trên 1 tuyến đường là thực tế diễn ra lâu nay tại các đô thị. Trên mỗi tuyến đường, phần vỉa hè thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương phần lòng đường thuộc trách nhiệm của các khu quản lý giao thông đô thị các công trình kỹ thuật như dây cáp điện, viễn thông, cấp thoát nước... thì thuộc các ngành điện lực, viễn thông, cấp nước quyền xử phạt vi phạm thuộc về thanh tra giao thông phòng chống mất cắp thiết bị hạ tầng lại thuộc công an địa phương...
Bởi tình trạng "cha chung không ai khóc" trên nên hiệu quả quản lý lẫn khắc phục sự cố xảy ra trên các tuyến đường đô thị đều không cao. Đặc biệt là tình trạng mất cắp thiết bị hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường liên tục xảy ra.
Tuyến đại lộ Đông Tây liên tục xảy ra tình trạng mất cắp thiết bị hạ tầng do không có cơ quan quản lý rõ ràng
Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn cần tạo sự đột phá trong công tác quản lý đô thị, UBND TP đã đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm việc giao cho lực lượng thanh niên xung phong thành phố (TNXP TP) tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì tuyến Đại lộ Đông Tây nhằm phát huy hiệu quả trong công tác quản lý đô thị.
Theo đó, UBND TP giao TNXP TP nghiên cứu đề án thí điểm tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì tuyến Đại lộ Đông Tây, xây dựng thành 1 mô hình tổ chức quản lý mới, đạt hiệu quả cao hơn so với hình thức quản lý hiện hành.
Trong mô hình này, thành phố giao nhiệm vụ phải xác định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi công việc và trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp tuyến đường hoàn chỉnh quy chế phối hợp và lộ trình triển khai thực hiện nhiệm vụ theo từng giai đoạn cụ thể.
Ngoài ra, TNXP TP sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải để thống nhất quy chế phối hợp hoạt động với các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật có liên quan, bảo đảm dự báo được các sự cố có thể xảy ra để có phương án ứng phó kịp thời trong quá trình quản lý khai thác tuyến đường.
Đồng thời phải làm rõ các khoản thu, chi trong quản lý, khai thác, bảo trì tuyến đường trước và sau khi chuyển sang hình thức quản lý tập trung đối với từng hạng mục công việc cụ thể.
Theo Dantri
Lương điều dưỡng viên tại Đức 55 triệu đồng/tháng Ngày 9-1, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, theo chương trình đã thỏa thuận, Cục sẽ tuyển chọn 120 ứng viên để đào tạo về tiếng Đức tại Hà Nội (trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 3-2013) để chọn ra 100 điều dưỡng viên đưa sang học chương trình chăm sóc...