TPHCM làm gì với hơn 26.000ha đất nông nghiệp được phép chuyển đổi?
Sau khi được phép chuyển đổi hơn 26.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, TPHCM sẽ đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh; ưu tiên phân bổ đất đai cho các ngành dịch vụ, tài chính và công nghiệp trọng yếu; xây dựng với mật đô thấp, tăng diện tích không gian xanh để hạn chế ngập lụt đô thị ở những nơi có địa hình trũng thấp…
Ngày 11/8, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020).
TPHCM công bố điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
Tại đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết trong giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng đất đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về sử dụng đất không thực hiện được theo quy hoạch được duyệt, làm hạn chế hiệu quả sử dụng đất.
Nguyên nhân là thiếu các giải pháp có tính khả thi để thực hiện quy hoạch sử dụng đất, trong đó có 2 khâu yếu là không cân đối đủ nguồn vốn đầu tư và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định và trái thẩm quyền song chưa được kiểm tra ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Do năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư kém dẫn đến chậm tiến độ triển khai các dự án. Đến cuối năm 2015, thành phố còn 2.100ha đất ở đô thị chưa được chuyển mục đích theo kế hoạch được duyệt.
Về quy hoạch sử dụng đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020), diện tích nhóm đất nông nghiệp của thành phố là 88.005ha (năm 2010 là 118.052ha), trong đó, đất lúa là 3.000ha (giảm 15.675ha so với năm 2015). TPHCM được phép chuyển 26.246ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Nhóm đất phi nông nghiệp là 188.890ha, cao hơn 1.080ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ. Trong đó, đất phát triển hạ tầng là 34.921ha, cao hơn 3.244ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ, tăng 15.233ha so với năm 2015.
Sở Tài nguyên – Môi trường ký bàn giao điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để các quận, huyện triển khai thực hiện
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để thực hiện hiệu quả điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thành phố sẽ chú trọng đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh tại 4 hướng.
Cụ thể, phía Đông: phường Long Trường, quận 9 giáp với trục cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (khoảng 280ha); phía Tây: khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (200ha), trục Nguyễn Văn Linh; phía Nam: khu A đô thị mới Nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ (110ha); phía Bắc: thuộc khu Tây – Bắc (500ha), hướng Quốc lộ 22.
Thành phố sẽ ưu tiên phân bổ đất đai cho các ngành dịch vụ, tài chính và các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, thúc đẩy đầu tư các khu công nghiệp.
Để thích ứng biến đổi khí hậu, những nơi có địa hình thấp trũng (dưới đỉnh triều 1,5m), thành phố cần xây dựng với mật độ thấp, tăng diện tích không gian xanh và không gian mở (ít nhất 30%) để trữ nước mưa, hạn chế ngập lụt đô thị. Các khu đô thị bắt buộc các nhà đầu tư phải xây dựng hồ điều tiết nước.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến (trái) xem bản đồ điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của thành phố
Tại hội nghị, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết TPHCM là địa phương dẫn đầu trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai.
Theo ông, việc tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch là vấn đề khó khăn, phức tạp. Các quận, huyện phải tiến hành lập quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất để làm cơ sở triển khai.
“Nếu không làm kịp thì cũng là quy hoạch treo. Thành phố phải huy động các nguồn lực để quy hoạch đi vào thực tiễn. Trong quá trình làm cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra”, ông Phấn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố có đất nông nghiệp lớn (hơn 50%) nhưng đóng góp cho GDP thành phố chưa tới 1%. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất góp phần phát triển thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật…
Ông yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phải thống nhất, chặt chẽ, chống lãng phí, tăng nguồn thu cho ngân sách. Đối với các dự án thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng phải công khai thông tin cho người dân biết, giám sát, đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu xử lý kiên quyết các dự án chậm triển khai để nâng cao hiệu quả sử dụng đất
Người đứng đầu chính quyền thành phố giao Sở Tài nguyên – Môi trường rà soát lại tất cả các dự án chậm triển khai để có phương án xử lý. Những dự án nào sau 3 năm không triển khai thì công bố hủy bỏ và giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân.
“Giao đất cho doanh nghiệp triển khai dự án nhưng kéo dài như thế không thể chấp nhận được. Nếu không kiên quyết thì thực hiện Nghị quyết 80 không hiệu quả. Các dự án cho thuê đất, nếu chậm thực hiện cũng thu hồi theo quy định”, ông Phong nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Phong cũng giao Công ty Đầu tư tài chính TP phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất TP triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Quốc Anh
Theo Dantri
Nhà nước thu được bao nhiêu tiền từ nguồn lực đất đai?
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, người đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều nay, 4/6 cho biết, nguồn thu từ đất đai tăng mạnh qua các năm, đóng góp lớn cho ngân sách nhiều địa phương...
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà là vị tư lệnh ngành thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà là chủ thể chính của phiên chất vấn về các nhóm vấn đề: công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trương và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ưng pho vơi biên đôi khi hâu tai cac vung, đia phương, đăc biêt la đông băng sông Cưu Long.
Quản giá đất tại đô thị lớn luôn "khó và nóng"
Báo cáo về các nội dung chuẩn bị cho phiên chất vấn, về quản lý đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, giá đất và tài chính đất đai tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi có tốc độ phát triển kinh tế xã - hội nhanh, luôn là vấn đề khó và nóng.
Việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có liên quan trực tiếp đến giá đất, người sử dụng đất, tại các khu vực này là nơi có nhiều dự án có quy mô sử dụng đất lớn với vị trí thuận lợi, sinh lời cao; giá đất tại các đô thị luôn cao hơn gấp nhiều lần so với các tỉnh, thành phố khác...
Nguồn thu từ đất đai (không tính các khoản thu từ phí, lệ phí) tăng qua các năm đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, điển hình như thành phố Hà Nội, năm 2014 là 14.218 tỷ đồng, năm 2015 là 20.453 tỷ đồng, năm 2016 là 33.894 tỷ đồng. Thành phố Đà Nẵng, năm 2014 là 1.255 tỷ đồng, năm 2015 là 2.517 tỷ đồng, năm 2016 là 3.166 tỷ đồng. TPHCM, năm 2014 là 9.199 tỷ đồng, năm 2015 là 21.394 tỷ đồng, năm 2016 là 23.894 tỷ đồng.
Về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, trước năm 2013, mỗi năm Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được từ 6.000 đến 10.000 đơn. Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, đơn thư gửi đến Bộ giảm dần (năm 2017 chỉ còn 3.500 đơn), trong đó gần 2% số vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ (năm 2016 là 18 vụ, năm 2017 là 25 vụ), hơn 80% đơn đang thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, gần 18% đơn đã có quyết định giải quyết cuối cùng (hoặc lần 2).
Trong đó, từ năm 2013 đến nay, đơn khiếu nại chiếm 70% (đa số là đơn có nội dung khiếu nại liên quan đến việc áp dụng chính sách pháp luật đất đai trước năm 2013), đơn tranh chấp đất đai chiếm 12% (đa số tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân); đơn đòi lại đất cũ chiếm 7%; đơn tố cáo sai phạm về đất đai 11%.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khái quát, công tác tiếp nhận đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân gửi về Bộ thời gian gần đây cho thấy, một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo tương đối cao. Cụ thể, TP Hà Nội (2.072 đơn), TPHCM (1.125 đơn), Đà Nẵng (132 đơn), Bình Định (630 đơn), Đồng Tháp (398 đơn), Khánh Hòa (368 đơn), Tp. Hải Phòng (357 đơn), Bắc Ninh (336 đơn), Bà Rịa - Vũng Tàu (328 đơn), TP Cần Thơ (296 đơn)...
Cuộc sống của người dân "hậu thu hồi đất" tiềm ẩn rủi ro
Tư lệnh ngành TN-MT nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai của một số tỉnh, thành phố có nhiều khiếu nại, tố cáo về đất đai còn một số hạn chế như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đất đai còn chậm hơn so với thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành.
Việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác nguồn lực đất đai thực hiện còn rất hạn chế, hầu hết là vẫn thực hiện giao, cho thuê trực tiếp cho các nhà đầu tư. Nguyên nhân là do nhiều địa phương đặt nặng thu hút đầu tư hơn là việc tăng thu ngân sách nhà nước thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn nhiều bất cập, khiếu kiện luôn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%), chưa đảm bảo sinh kế cho người bị thu hồi, phát sinh nhiều chi phí (như: chuyển đổi chỗ ở, việc làm, học hành, đi lại, thu nhập, y tế, tâm lý, hòa nhập cộng đồng nơi ở mới..).
Cuộc sống "hậu thu hồi đất, hậu tái định cư" của người dân tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi điều kiện đảm bảo về an sinh xã hội chưa cao; trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa kịp thời và chặt chẽ.
P.Thảo
Theo Dantri
Đà Nẵng xin trả tiền để lấy lại sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng xin chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà các đơn vị thực nộp vào ngân sách khi giao đất, có tính lãi suất, để lấy lại sân vận động Chi Lăng. Khu sân vận động Chi Lăng ở Đà Nẵng Ngày 10/8, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Sở Tư pháp TP, Sở Tài nguyên...