TPHCM kiến nghị gom dịch vụ “nhạy cảm” vào 1 chỗ
Trên địa bàn TPHCM có khoảng 30.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội như vũ trường, karaoke, nhà hàng, khách sạn, xông hơi xoa bóp, hớt tóc thanh nữ… TPHCM kiến nghị “gom” các điểm kinh doanh “nhạy cảm” trên vào 1 chỗ cho dễ quản lý.
Công nghệ cao khiến mại dâm thêm phức tạp
Báo cáo Bộ Lao động – Thương bình & Xã hội, UBND TPHCM cho biết: “Tình hình mại dâm trên địa bàn thành phố năm 2012 có nhiều diễn biến khá phức tạp, hoạt động mại dâm biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi…”.
Hoạt động mua bán dâm hiện nay không chỉ đơn thuần là giao cấu tại các khách sạn, nhà nghỉ hoặc ăn chơi thác loạn ở vũ trường, quán bar như trước. Hiện phổ biến nhất lại là hành vi khiêu dâm, kích dục tại các cơ sở dịch vụ từ bình dân cho đến cao cấp, núp bóng tại các quán cà phê, hớt tóc gội đầu, xông hơi, xoa bóp, ấn huyệt, spa chăm sóc da…
Một “động” mại dâm trong quán cà phê từng bị cơ quan chức năng triệt phá (ảnh: Trung Kiên)
Theo báo cáo của UBND TP, sự phức tạp của tệ nạn mại dâm càng gia tăng khi thời gian gần đây lại tiếp tục xuất hiện một số đường dây mại dâm “gái gọi hạng sang” với những người xưng danh là diễn viên, người mẫu với giá bán dâm lên đến cả ngàn USD. Đặc biệt phức tạp là hiện tượng chào hàng, môi giới mại dâm trên internet, giao dịch qua điện thoại diễn ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Video đang HOT
Ngoài ra, theo UBND TPHCM, hoạt động mại dâm nam, mại dâm trong nhóm đồng tính nam, mại dâm có yếu tố người nước ngoài và xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm ngày càng gia tăng. Đồng thời, mại dâm ở nơi công cộng, hoạt động bằng xe máy trên đường đang làm xấu đi hình ảnh thành phố về đêm.
Theo UBND TP, từ khi quy định không áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại xã – phường – thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm được thông qua, tình hình người mại dâm hoạt động nơi công cộng và núp bóng trá hình tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội ngày càng có xu hướng gia tăng.
“Siết” văn hóa phẩm đồi trụy, “gom” cơ sở “nhạy cảm”
Trong năm 2012, TPHCM cũng thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, đấu tranh triệt phá các ổ nhóm mại dâm và đạt được nhiều thành quả như: đưa vào cơ sở chữa bệnh 65 người bán dâm (trước khi luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực); tổ chức hơn 12.000 cuộc thanh tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, dễ phát sinh tệ nạn; tổ chức hơn 3.000 lượt truy quét hoạt động mại dâm nơi công cộng; phá 133 vụ mua bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, bắt gần 600 đối tượng…
Theo UBND TP, kết quả đó chưa bền vững vì vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho hoạt động này phát triển. Đặc biệt, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 30.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội như vũ trường, karaoke, nhà hàng, khách sạn, xông hơi xoa bóp, hớt tóc thanh nữ, cà phê ca nhạc có tiếp viên nữ… Đó là chưa kể khoảng 5.000 cơ sở kinh doanh không có đăng ký. Đây là địa bàn thuận lợi cho hoạt động mua bán dâm phát sinh.
Do đó, UBND TP đã kiến nghị Trung ương tiến hành công tác quy hoạch vùng hoạt động kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” như trên tại khu vực nhất định để tăng cường quản lý một cách chặt chẽ đối với người mại dâm. Đồng thời kết hợp đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe phòng ngừa giảm tác hại… nhằm góp phần ngăn chặn tệ nạn mại dâm hoạt động tràn lan ngoài cộng đồng.
Đồng thời, UBND TP kiến nghị Trung ương ban hành quy định xử lý hành chính kiên quyết và chặt chẽ hơn đối với các đối tượng sản xuất, lưu hành, phổ biến các ấn phẩm, phim ảnh, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật có nội dung khiêu dâm, đồi trụy, độc hại, làm tha hóa thanh niên, cổ xúy lối sống ăn chơi trụy lạc, kích thích tệ nạn mại dâm…
Ngoài ra, thành phố đề nghị nghiên cứu ban hành quy chế về đạo đức, nhân cách trong công tác đào tạo văn nghệ sỹ, tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu và các biện pháp chế tài vi phạm hành chính kèm theo. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, không để xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở để tổ chức hoặc tham gia hoạt động mại dâm trá hình.
UBND TP cũng kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy định xử lý các hành vi chứa chấp, sử dụng phương thức khiêu dâm, kích dục tại cơ sở kinh doanh dịch vụ; quy định xử lý đối tượng mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm có yếu tố người nước ngoài và các biện pháp chế tài để thực thi pháp luật đảm bảo có hiệu lực.
Theo Dantri
Hơn 8.000 cơ sở kinh doanh có hoạt động mại dâm
Trong năm 2012, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện hơn 8.000 cơ sở kinh doanh có hoạt động mại dâm.
Đây là thông tin được Bộ Lao động- Thương binh - Xã hội công bố tại Hội nghị toàn quốc sơ kết chương trình "Hành động phòng chống mại dâm" năm 2012 vừa diễn ra tại Đà Nẵng.
Chương trình toàn quốc "Hành động phòng chống mại dâm 2011-2015" có 7 Bộ, ngành và các Tổ chức liên quan tham gia
Theo đó, Bộ Lao động- Thương binh- xã hội cho biết tính từ đầu năm tới nay, các lực lượng chức năng liên ngành đã thanh, kiểm tra hơn 26.000 cơ sở kinh doanh nghi dễ lợi dụng hoạt động mại dâm, phát hiện hơn 8.000 cơ sở vi phạm. Trong đó, có gần 2.500 cơ sở bị phạt tiển với tổng cộng hơn 6 tỷ đồng gần 4.000 cơ sở bị cảnh cáo và gần 100 cơ sở bị đình chỉ, thu hồi cấp phép kinh doanh.
Tăng cường hành động phòng chống mại dâm, riêng năm nay, lực lượng Công an đã bắt giữ hơn 1.000 vụ với hơn 4.500 đối tượng liên quan tới hành vi mua bán dâm. Trong đó, đã xử lý hình sự hơn 700 vụ với hơn 900 đối tượng. Trong hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh có điều kiện trên cả nước, lực lượng Công an cũng xác định có khoảng hơn 3.600 cơ sở với gần 8.000 nhân viên nữ nghi có hoạt động mại dâm.
Một đường dây gái gọi tại Đà Nẵng bị lực lượng chức năng bắt giữ hồi tháng 9/2012 (ảnh: Công Bính)
Lực lượng bộ đội biên phòng cũng bắt giữ và xử lý hơn 130 vụ hoạt động mại dâm và mua bán người để kinh doanh hoạt động mại dâm tại các tuyến bờ biển, biên giới. Nhiều vụ điển hình bị khởi tố hình sự đã được Tòa án Nhân dân các cấp tổ chức xét xử lưu động.
Triển khai chương trình toàn quốc "Hành động phòng chống mại dâm", hiện cả nước đã có 50/63 tỉnh thành xây dựng mô hình thí điểm về phòng chống mại dâm, và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng gần 4.000 xã, phường đăng ký mới không có tệ nạn mại dâm, tập trung thực hiện cam kết này bằng các chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm, việc triển khai chương trình còn nhiều khó khăn do: hoạt động mại dâm trong tình hình hiện nay không chỉ xảy ra ở thành thị hay các khu du lịch, mà còn lan rộng tới cả nông thôn, miền núi. Nhiều vụ phát hiện ở cả những nơi trước đây chưa từng thấy như Đắc Nông, Côn Đảo...
Trong khi đó, việc tuyên truyền giáo dục phòng chống mại dâm đến những địa bàn này còn hạn chế. Hoạt động mua bán dâm ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, như việc hình thành các tour du lịch có hoạt động mua bán dâm, lợi dụng công nghệ và mạng internet để mua bán dâm đơn lẻ không qua môi giới. Tình trạng xã hội còn kỳ thị với các đối tượng mua bán dâm tạo rào cản, khó cho các đôi tượng vi phạm hoàn lương, hòa nhập cộng đồng...
Theo Dantri
Chỉ nên xử lý người mua dâm? Quy hoạch thí điểm một "khu đèn đỏ" để quản lý nhưng không chính thức công nhận mại dâm như một nghề là đề xuất táo bạo trước đây nay được nhắc lại tại buổi hội thảo về phòng chống mại dâm do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức sáng 18/1. Ông Lê Văn Quý, phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ...