TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vắc xin
Hôm nay (29-7) là tròn 1 tuần TP.HCM triển khai tiêm vắc xin đợt 5. Với việc xác định phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, TP đã kiến nghị Bộ Y tế phân bổ thêm lượng vắc xin, đơn giản hóa quy trình và đội hình để tiêm được cho nhiều người.
Người trên 65 tuổi ở TP.HCM được tiêm vắc xin đợt 5 – Ảnh: XUÂN MAI
Thông tin trên được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết vào sáng 29-7. Theo đó, từ ngày 22 đến 27-7, chiến dịch tiêm chủng đợt 5 vắc xin phòng COVID-19 tại TP.HCM đã tiêm được cho khoảng 300.000 người, trong đó có 30.000 người trên 65 tuổi, 21.000 người thuộc nhóm ưu tiên, khoảng 243.000 thuộc các đối tượng khác trong cộng đồng. Riêng trong ngày 27-7 đã có khoảng 70.000 người dân được tiêm.
Trước đó, trong cuộc họp báo chiều 26-7, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết thành phố chính thức bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin đợt 5 từ 14h ngày 22-7.
Cho đến trưa 25-7, toàn thành phố tiêm được hơn 170.000 liều trong 930.000 liều được phân bổ. Đến ngày 27-7, số liều tiêm đã tăng lên khoảng 300.000 liều. Như vậy chỉ trong 2 ngày, TP.HCM tăng tốc tiêm được 130.000 liều.
Số vắc xin còn lại là khoảng 600.000 liều, tiêm trong vòng 1-2 tuần, tính trung bình mỗi ngày thành phố phải tiêm hơn 42.800 đến 85.700 liều (dự kiến của thành phố mỗi ngày đạt công suất 100.000 người).
Với việc xác định phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, thành phố đã kiến nghị Bộ Y tế phân bổ tăng thêm lượng vắc xin, đơn giản hóa quy trình và đội hình để tiêm được nhiều người.
Video đang HOT
Thời gian tới, thành phố dự kiến sẽ tổ chức tiêm vắc xin từ 18h đến 6h trên địa bàn phường, quận với số lượng người cụ thể, có quy định, nhận diện để người dân có thể ra đường đi tiêm sau 18h.
Theo cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, hiện tổng số dân TP.HCM là 8,99 triệu dân, trong đó có 6,99 triệu người>= 18 tuổi. Tổng số tiêm mũi 1 là 977.418 liều, tổng số tiêm mũi 2 là 62.234 liều.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết thêm, tính từ 19h ngày 28-7 đến 6h ngày 29-7, thành phố ghi nhận thêm 1.715 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố.
Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4) đến nay, thành phố đã có hơn 78.900 trường hợp mắc COVID-19.
Hiện nay thành phố có khoảng 70-80% trường hợp F0 không triệu chứng hoặc tự khỏi sau một thời gian, cùng với số lượng F0 lớn đang gây quá tải cho hoạt động cách ly tập trung.
Do đó thành phố đã tổ chức cách ly F1, F0 tại nhà gắn với giám sát y tế chặt chẽ. Đồng thời thành lập nhóm bác sĩ tư vấn, kết hợp đông – tây y trong điều trị bệnh nhân triệu chứng nhẹ và phân công đơn vị rà soát.
Nhóm bác sĩ này cũng chịu trách nhiệm sản xuất, điều phối thuốc y học cổ truyền điều trị cho người nhiễm COVID-19 nhẹ, các F0 không triệu chứng để nâng cao sức khỏe cho người bệnh.
TP.HCM được phân bổ nhiều nhất trong số vắc xin đã về Việt Nam
Cho tới nay, trong số vắc xin đã về Việt Nam và sắp về trong thời gian trước mắt, TP.HCM là địa phương được phân bổ nhiều nhất.
Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là dành tất cả những gì tốt nhất để giúp TP.HCM chiến thắng dịch bệnh.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, TP.HCM là địa phương đã tiêm nhiều nhất cho người dân, cả về số lượng mũi tiêm cũng như tỉ lệ người được tiêm so với tổng số dân, cao hơn nhiều so với Hà Nội. (Xem thêm số liệu cụ thể tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal).
Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, với TP.HCM ngày 20-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết dự kiến từ nay đến tháng 9-2021, lượng vắc xin phân bổ cho TP.HCM tối thiểu 5 triệu liều, như vậy đạt khoảng 50% đối tượng tiêm vắc xin của TP.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo các hợp đồng đã ký, về cơ bản chúng ta có đủ lượng vắc xin để tiêm đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 8-2021, lượng vắc xin về chưa nhiều.
Chính phủ đã có kế hoạch phân bổ vắc xin cho các tỉnh, thành phố nhưng trước tình hình dịch bệnh ở TP.HCM diễn biến rất phức tạp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế ưu tiên tối đa cho TP.HCM. Tới đây, khi vắc xin phòng chống COVID-19 tiếp tục về Việt Nam, Chính phủ sẽ dành ưu tiên lớn nhất cho TP với tinh thần "Cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước".
Còn tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng vừa cho biết Hà Nội đang lên phương án tiêm vắc xin cho 5,1 triệu dân. Đây là số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (ở lứa tuổi từ 18 đến 65) của Hà Nội, căn cứ theo nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ.
Phương án này nằm trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, dự kiến hoàn thành trong nửa đầu năm 2022, không phải trong thời gian trước mắt. Xin được nhấn mạnh: 5,1 triệu liều là kế hoạch trong tương lai.
Mới đây nhất, Bộ Y tế đã phân bổ hơn 2 triệu liều vắc xin Moderna cho 53 tỉnh, thành phố, lực lượng quân đội, công an và 20 bệnh viện, viện, trường đại học.
Theo đó, 10 tỉnh, thành phố phía Nam được phân bổ 505.680 liều, trong đó TP.HCM được phân bổ nhiều nhất với 235.200 liều. Tiếp đến là Đồng Nai và Bình Dương, mỗi tỉnh 65.520 liều. Tại miền Bắc, Hà Nội được phân bổ nhiều nhất với 120.960 liều.
Về kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 5 tại TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết đợt này TP được phân bổ hơn 930.000 liều. Hiện có khoảng 1,3 triệu người đăng ký tiêm.
Đến nay, phần mềm quản lý tiêm chủng đã được hoàn thiện, bảo đảm người đến tiêm theo khung giờ, đúng đối tượng, bảo đảm công tác an toàn phòng, chống dịch. TP.HCM dự kiến sẽ triển khai tiêm tại 20 bệnh viện, 624 điểm tiêm trong thời gian 2 tuần, nhưng không nhất thiết chia đều trong từng ngày.
Trên cơ sở đó, chiều 21-7, TP.HCM đã tổ chức tiêm chủng tại các điểm đã được tập huấn kỹ lưỡng trước khi triển khai đồng loạt tiêm 930.000 liều vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 22-7.
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt này của TP.HCM dự kiến diễn ra trong 2 đến 3 tuần và có thể kéo dài tùy tình hình thực tế để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch và không ảnh hưởng việc tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch của TP.
Ngày 20-7, Bộ Y tế cũng đã gửi văn bản hỏa tốc đến UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch bệnh COVID-19.
Văn bản của Bộ Y tế cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã ưu tiên cấp vắc xin cho các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh, tăng tốc độ tiêm chủng phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bộ Y tế khẳng định, toàn bộ số vắc xin tiếp nhận đã được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất lịch sử kéo dài đến tháng 4/2022 Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 lớn nhất Việt Nam dự kiến kéo dài đến hết tháng 4/2022 để bao phủ 70% dân số, theo kế hoạch triển khai vừa được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phê duyệt. Theo đó, kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 diễn ra trong năm 2021-2022. Tuy nhiên, tùy theo tình hình dịch...