TP.HCM: Hơn 3.000 ca sốt xuất huyết, 2 ca tử vong trong một tuần
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần 30 năm 2022 mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm.
Hơn 35.000 ca sốt xuất huyết, tăng 4 lần so với cùng kỳ 2021
Theo thống kê của HCDC, tính đến tuần 30, thành phố ghi nhận tổng cộng 35.125 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca bệnh nặng là 568 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc tính đến tuần 30 là 1,6%, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tính riêng trong tuần 30 (từ ngày 22.7.2022 đến 28.7.2022), thành phố ghi nhận 3.025 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 5,1% so với trung bình 4 tuần trước, số ca khám ngoại trú tăng 4,8% nhưng số ca nhập viện điều trị nội trú giảm 14%.
Trong tuần ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại quận 7 và huyện Củ Chi. Trước đó, tuần 29 thành phố ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết tại Quận 8, nâng tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay là 16 trường hợp.
Trong tuần 30, toàn thành phố ghi nhận 199 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 101 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức; giảm 10 ổ dịch mới so với tuần 29.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh NHẬT THỊNH
Video đang HOT
Khuyến cáo phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Theo HCDC, muỗi sống tại các khu vực gần với nơi loài người sinh sống và muỗi Dengue đẻ trứng tại những nơi có nước đọng như các lu, vại, thùng, chai lọ, xô, chậu, rác thải, lốp xe… Trứng muỗi sẽ nở khi gặp nước và có thể chịu được điều kiện rất khô, sống trong nhiều tháng. Việc phòng bệnh quan trọng là không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng.
HCDC khuyến cáo 7 nguyên tắc để triệt nơi sinh sản của muỗi lây truyền:
- Ngăn cản muỗi tiếp xúc nguồn nước: Dùng giải pháp che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được.
- Sử dụng thiên địch của ấu trùng muỗi: Thả các loài động vật ăn lăng quăng như: cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước (mesocyclops)… vào các dụng cụ chứa nước.
- Sử dụng hóa chất để diệt ấu trùng muỗi: Cho vào các dụng cụ chứa nước, những khu vực đọng nước các chất như muối ăn, vôi bột, bột giặt, dầu ăn… hoặc các hóa chất chuyên dụng như: Temephos 1%, Pyriproxyfen 0,5%, Polydimethylsiloxane (PDMS) 78% để tiêu diệt lăng quăng.
- Không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước: Lật úp vật chứa, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn để tránh nước mưa.
Lật úp các vật chứa nước không dùng tới để tránh muỗi trú ngụ và sinh sản. Ảnh TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN CẦN GIỜ
- Loại bỏ vật chứa: Loại bỏ phế liệu, thu gom rác thải không để các vật đọng nước phát sinh lăng quăng.
- Thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước: Thay nước và chà rửa kỹ vật chứa nước, thực hiện định kỳ mỗi 5 – 7 ngày 1 lần.
- Thay đổi hình thức trữ nước: Thay đổi tập quán trữ nước, không sử dụng các vật chứa nước có nguy cơ đọng nước làm phát sinh lăng quăng mà thay bằng sử dụng trực tiếp từ vòi nước.
TP.HCM lên 3 kịch bản ứng phó tình huống từ 2.000 đến 6.000 bệnh nhân sốt xuất huyết
Sở Y tế TP.HCM cho biết TP dự tính chia thành 3 tình huống để ứng phó với dịch sốt xuất huyết, đảm bảo sẵn sàng kích hoạt hệ thống điều trị, đáp ứng tình huống từ 2.000 đến 6.000 bệnh nhân.
Người bệnh sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
Ngày 14-7, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn TP.
Theo đó, nhằm chủ động nguồn lực đảm bảo sẵn sàng kích hoạt hệ thống điều trị, đáp ứng tình huống từ 2.000 đến 6.000 ca mắc sốt xuất huyết, TP dự tính chia thành 3 tình huống để ứng phó với dịch sốt xuất huyết:
Tình huống 1 (dưới 300 ca nhập viện mới mỗi ngày, dưới 2.000 ca đang điều trị nội trú và dưới 200 ca nặng tại các bệnh viện): Tổng quy mô giường bệnh điều trị sốt xuất huyết là 2.405 giường, số giường hồi sức tích cực là 260 giường. Bao gồm 14 bệnh viện: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Quân y 175...
Trong tình huống này, ưu tiên điều trị các trường hợp nặng tại các bệnh viện bộ ngành, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trưng Vương và các bệnh viện đa khoa của TP. Đối với trẻ em là bệnh viện chuyên khoa nhi.
TP sẽ cần 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết, 160 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 320 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.
Tình huống 2 (từ 300 - 600 ca nhập viện mới mỗi ngày, 2.000 - 4.000 ca đang điều trị nội trú và 200 - 400 ca nặng tại các bệnh viện): Tổng số giường điều trị sốt xuất huyết là 4.000 giường và 410 giường hồi sức tích cực tại 14 bệnh viện.
Trong tình huống 2, mở rộng quy mô giường bệnh điều trị sốt xuất huyết và giường bệnh hồi sức tích cực tại các bệnh viện công lập. Tình huống này cần 550 bác sĩ và 1.100 điều dưỡng chăm sóc, 320 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 640 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.
Tình huống 3 (từ 600 - 900 ca nhập viện mới mỗi ngày, 4.000 - 6.000 ca đang điều trị nội trú và 400 - 600 ca nặng tại các bệnh viện): Tổng số giường ở tình huống này là 6.000 giường và 605 giường hồi sức tích cực. Tình huống này cần 800 bác sĩ và 1.600 điều dưỡng chăm sóc người bệnh, 480 bác sĩ chuyên khoa và 960 điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng.
Sở Y tế cho biết theo báo cáo của một số bệnh viện tuyến cuối, ước tính trung bình 1 ca sốt xuất huyết nặng sẽ sử dụng 6 lít dịch truyền và 2 đơn vị máu, chế phẩm máu. Do đó dựa vào tình huống cụ thể cần phải dự trù dịch truyền, máu và các chế phẩm máu đảm bảo sử dụng trong 1 tháng.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh sốt xuất huyết theo phân tuyến; rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể với từng ca bệnh sốt xuất huyết.
Đặc biệt, các bệnh viện phải tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời ca bệnh có diễn tiến bệnh nặng lên. Củng cố đường dây điện thoại nóng tại các bệnh viện tuyến cuối, đảm bảo đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, dịch truyền máu...
Ca sốt xuất huyết tăng báo động ở Nhà Bè và Cần Giờ TP.HCM ghi nhận hơn 21.000 ca sốt xuất huyết. Trong đó, huyện Cần Giờ và Nhà Bè có số ca bệnh tăng báo động. Chiều 4/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay số ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tăng cao. Tính đến nay, HCDC thống kê có 21.750 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, với...