TP.HCM: Hạ tầng yếu kém “bóp chết” du lịch đường thủy
Có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy nhưng những năm qua loại hình du lịch này của TP.HCM vẫn ì ạch, các doanh nghiệp còn phải than trời vì cơ sở hạ tầng yếu kém.
Tại buổi tọa đàm “Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP.HCM” do Sở GTVT, Sở Du lịch TP.HCM và báo Sài gòn Giải phóng tổ chức chiều nay (28.11), nhiều doanh nghiệp đã nêu các bất cập khiến loại hình du lịch này chưa phát triển được, nhất là từ khi Bến thủy trung tâm (bến Bạch Đằng) bị ngưng hoạt động vào năm 2015.
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Triều cho biết, công ty bà có 15 ca nô cao tốc phục vụ du lịch đường thủy. Nhưng hoạt động của các ca nô này gặp nhiều khó khăn do hạ tầng phục vụ yếu kém. Bà dẫn chứng các bến bãi ở khu vực trung tâm rất thiếu khi doanh nghiệp của bà chỉ có 3 bến đón khách là Tân Cảng, Cầu Mống và Vườn Kiểng. Trong đó, bến Cầu Mống không có nhà chờ mái che, không có toilet, trong khi phí cao ngất ngưởng. Bà Hạnh cho rằng nếu thành phố đang khuyến khích phát triển du lịch đường thủy thì cần giải quyết vấn đề về hạ tầng để du loại hình du lịch này phát triển.
Ca nô phục vụ khách du lịch trên sông Sài Gòn.
Tương tự ông Nguyễn Hải Linh, chủ tàu du lịch Elisa nêu, khi bến Bạch Đằng đóng cửa các tàu du lịch không có chỗ đón khách. Hoạt động này được dời sang cảng Sài Gòn nhưng các doanh nghiệp chỉ thuê được khoảng 300m. Mới đây đơn vị quản lý cảng này đã có thông báo sẽ lấy lại không cho doanh nghiệp thuê nữa. “Doanh nghiệp làm du lịch đường sông không có ai bảo vệ, nhiều lúc chỉ hô hào cho vui chứ công tác định hướng không có. Tôi nghĩ thành phố cần có những việc hỗ trợ cụ thể, còn doanh nghiệp cũng cần tự chủ động để có hướng đi phù hợp”, ông Linh nêu.
Đáng chú ý, ông An Sơn Lâm, Công ty thuyền buồm Đông Dương thông tin, trước đây công ty ông có 7 tàu phục vụ du lịch đường thủy nhưng đã phải bán đi 3 chiếc. Cách đây 2 năm bến Bạch Đằng bị khai tử, các doanh nghiệp chạy qua cảng Sài Gòn thuê. Dịch vụ tại cảng này tốt nhưng mức phí cũng rất cao, chẳng hạn 1kWh điện giá tới 5.700 đồng, 1m3 nước giá 44.000 đồng. Cách đây một năm ông mạnh dạn đầu tư đóng 1 tàu mới hiện đại nhưng lại không thể chạy được do không có bến bãi.
“Lãnh đạo thành phố khuyến khích phát triển du lịch đường sông, tôi tin tưởng và yên tâm về đóng tàu mới nhưng xong không hoạt động được. Cảng Sài Gòn đã đưa ra giấy gần như khai tử cảng này. Tôi đề nghị thành phố cần phải giữ lấy cảng Sài Gòn, không nên chuyển đổi công năng bởi cảng này gắn với lịch sử, phục vụ du lịch tốt”, ông Lâm nói.
Một góc bến Vườn Kiểng, hiện chủ yếu phục vụ tuyến buýt đường sông .
Video đang HOT
Nhiều ý kiến cũng đề nghị mở lại bến Bạch Đằng, đồng thời xây dựng hệ thống bến bãi phục vụ du lịch đường thủy. Thành phố không cần bỏ tiền ra đầu tư mà có thể thông qua mời gọi tư nhân đầu tư, tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng đề nghị thành phố cần tạo ra các sản phẩm du lịch đường thủy đa dạng, thay vì chỉ đi dạo và phục vụ ăn uống như hiện nay. “Để du lịch đường sông phát triển được cần thay đổi thói quen, cần phải có các bến đỗ, điểm đến, cần có các khu lưu trú và các dịch vụ trên bờ…”, một đại biểu nêu.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay, thành phố đang phát triển và có thay đổi một số không gian. Trước mắt có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch đường thủy nhưng về tổng thể không có mâu thuẫn. Đại diện Sở Du lịch cho biết sẽ tham mưu thành phố xác định các địa điểm đầu tư mới hoặc điều chỉnh vị trí các cầu tàu, bến bãi để doanh nghiệp thuận lợi trong khai thác; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xây dựng về hạ tầng, bến bãi…
Riêng bến Bạch Đằng, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, bến đang tạm ngưng hoạt động để phục vụ chỉnh trang. Theo kế hoạch, phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2017 – 2020 thành phố sẽ tập trung đầu tư một số tuyến đường thủy với điểm xuất phát là bến Bạch Đằng, bến Cầu Móng và bến cảng Sài Gòn – Khánh Hội đi các khu vực Q.5, 6, 7, 8, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Dương, Vũng Tàu. Do đó bến này sẽ sớm được sắp xếp và đưa vào sử dụng lại.
Theo Danviet
Người Sài Gòn thất vọng vì chưa được đi buýt đường sông
Hôm nay (25/11), tuyến buýt đường sông đầu tiên của TPHCM (Bạch Đằng - Linh Đông) chính thức vận hành. Nhiều gia đình mặc trời nắng nóng vẫn lặn lội đường xa, đưa con cháu đến bến tàu Bạch Đằng (quận 1) chờ được đi thử buýt sông song họ đành thất vọng quay về khi nhân viên thông báo: "Hôm nay chỉ làm lễ khai trương".
Sáng 25/11, tuyến buýt đường sông đầu tiên của TPHCM (Bạch Đằng - Linh Đông) chính thức vận hành.
Đây cũng là tuyến buýt đường sông đầu tiên trên cả nước. Cũng chính vì lý do đó, nhiều người dân thành phố rất háo hức, mong đợi được đi thử loại hình giao thông công cộng này.
Trong ngày khai trương, rất nhiều người dân trên địa bàn thành phố và du khách đến bến Bạch Đằng (quận 1) để chờ đợi được trải nghiệm buýt sông.
Một cháu nhỏ vừa tranh thủ ngồi gặm bắp vừa xem bản đồ tuyến buýt sông đầu tiên của TPHCM.
Song trái với sự mong đợi, nhiều người bày tỏ sự thất vọng và bức xúc khi được thông báo rằng buýt sông hôm nay chưa phục vụ nhân dân. Tuyến buýt này bắt đầu hoạt động từ ngày mai 26/11, 10 ngày đầu sẽ miễn phí tiền vé.
Nhiều người cho biết họ xem trên báo, tivi biết thông tin ngày 25/11 khai trương, vận hành tuyến buýt sông nên sắp xếp đưa gia đình, con em lên quận 1 để được đi tàu. Do đó, họ không hài lòng khi được nhân viên giải thích chỉ tổ chức khai trương và hẹn ngày hôm sau lên đi buýt sông.
Hành khách đến bến Bạch Đằng, chờ đợi lần đầu được đi buýt sông
Theo ghi nhận của PV Dân trí, nhiều gia đình rất bức xúc vì dắt theo con trẻ đến bến tàu từ rất sớm. Họ cho biết đã phải dậy sớm và bắt 2-3 chuyến xe buýt để lên quận 1.
"Phải thông báo rõ là ngày 25 khai trương nhưng 26 tàu mới chạy để người dân được biết. Người ta dẫn mấy đứa con nít xuống làm đủ thứ rồi cuối cùng chẳng được đi. Vấn đề không phải là không thu phí mà người dân háo hức muốn đi nhưng không được", một hành khách bức xúc.
Hai bà cháu từ quận 10, đi xe buýt xuống bến tàu rất sớm nhưng đành thất vọng ra về
Trong khi đó, một hành khách đến từ quận 10 cho biết đứa cháu rất háo hức, dậy từ rất sớm để lên quận 1 đi buýt sông nhưng cuối cùng lại không được đi.
"Cháu tôi nôn nao từ hôm qua tới giờ không ngủ. Bữa nay nghỉ học mà năm giờ rưỡi dậy rồi. Nó hối bà ngoại lẹ lên đi chứ trễ giờ rồi. Hai bà cháu đi xe buýt lên đây thì không được đi tàu" - vị hành khách bày tỏ sự thất vọng.
Nhiều người cũng hẹn bạn bè đến bến tàu Bạch Đằng đi buýt sông nhưng cuối cùng vỡ kế hoạch.
Trước bức xúc của hành khách, một nhân viên của công ty đã xin lỗi và hẹn mọi người hôm sau lên để đi tàu miễn phí.
Nhân viên giải thích với hành khách rằng: "Hôm nay chỉ khai trương buýt sông!"
Trước đó, đại diện chủ đầu tư tuyến buýt sông Bạch Đằng - Linh Đông thông tin ngày 25/11 sẽ chính thức vận hành tuyến buýt sông này và miễn phí trong 10 ngày đầu tiên.
Tuyến buýt sông Bạch Đằng - Linh Đông dài gần 11km. Hiện có 5 bến tàu trên tuyến đón, trả hành khách là Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông.
Tuyến buýt sông này hoạt động từ 6h30 sáng đến 7h30 tối. Giá vé là 15.000 đồng/lượt, không kể lộ trình. Lộ trình mỗi tuyến khoảng hơn 30 phút.
Loại hình giao thông cộng bằng đường thủy (hay còn gọi là buýt sông) đã hình thành và phát triển khá lâu ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì đây là mô hình rất mới.
Quốc Anh - Phạm Nguyễn
Theo Dantri
Ảnh: Ngỡ ngàng trước sự hiện đại của bến "xe buýt" chạy trên mặt nước Nhiều người đến tham quan bến "xe buýt" chạy trên mặt nước đầu tiên ở Sài Gòn ngỡ ngàng khi khu vực này được thiết kế rộng rãi, đẹp mắt và hiện đại như ở nước ngoài. Ngày 21.11, ông Trần Kim Toản, giám đốc Công ty TNHH Trường Nhật, chủ đầu tư dự án 2 tuyến buýt đường sông TP.HCM cho biết,...