TP.HCM: Giá vé xe dịp lễ 30/4 – 1/5 tăng không quá 40%
Dịp lễ 30/4, 1/5, người lao động được nghỉ liên tục 4 ngày (30/4 – 3/5/2022). Hai bến xe lớn nhất TP.HCM đã có kế hoạch cụ thể để phục vụ hành khách, trong đó các đơn vị điều chỉnh giá vé tăng không quá 40%.
Dịp lễ 30/4 – 1/5 người lao động được nghỉ bù vào ngày cuối tuần, do đó được nghỉ tối đa 4 ngày liên tục từ ngày 30/4 đến hết ngày 3/4. Nhiều bến xe bắt đầu phục vụ hành khách dịp lễ dự kiến từ chiều tối 29/4.
Hành khách tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh). Ảnh: Dân Việt
Theo dự báo của nhiều đơn vị kinh doanh vận tải tại bến xe Miền Đông, nhu cầu hành khách đi lại dịp lễ 30/4 – 1/5 năm nay sẽ bằng khoảng 70% năm 2021 với khoảng gần 60.000 lượt khách.
Video đang HOT
Trong dịp lễ 30/4 – 1/5, bến xe Miền Đông khuyến khích các đơn vị vận tải không tăng giá cước. Trường hợp đơn vị vận tải có kê khai điều chỉnh tăng giá cước để đảm bảo đủ chi phí khi quay đầu (không có khách chiều về) giải tỏa hành khách, thì điều chỉnh tối đa trong 2 ngày 29/4 và 30/4.
Khu vực từ Quảng Ngãi trở vào đến Bình Thuận, các tuyến thuộc khu vực Tây nguyên, Lâm Đồng và khu vực miền Tây điều chỉnh tăng không quá 40% so với ngày thường. Còn các tuyến thuộc khu vực Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước điều chỉnh tăng không quá 20% so với ngày thường.
Trong khi đó, tại Bến xe Miền Tây cũng cho biết, dịp lễ 30/4 – 1/5, dự báo lượng hành khách đi các tỉnh Miền Tây dịp lễ 30/4, 1/5 tập trung cao điểm vào ngày 29/4, lượng hành khách xuất bến có thể đạt từ 35.000 đến 40.000 khách/ngày. Dự báo lượng hành khách đạt trên 70% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tổng lượt xe khoảng 5.700, lượt khách 131.760. So với năm 2021, lượt xe đạt 80,06%, lượt khách đạt 76,09%. Các đơn vị kê khai tăng giá vé không quá 40% so với mức giá vé ngày thường, thời gian tăng giá trong 2 ngày.
Kỳ nghỉ lễ năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 ở nhiều địa phương cơ bản được khống chế, cộng thêm việc nới lỏng chính sách phòng, chống dịch đã tạo điều kiện để lĩnh vực vận tải hành khách khôi phục trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới, trong nước ở mức cao, buộc các đơn vị vận tải phải điều chỉnh tăng giá cước để duy trì hoạt động, cũng như đảm bảo các cam kết về chất lượng dịch vụ.
Nhiều xe tắt thiết bị giám sát, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo 'nóng'
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương tăng cường thực hiện các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Yêu cầu này nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều xe ô tô tắt thiết bị giám sát, che camera để né vi phạm.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký nêu rõ hiện nay, nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải đường bộ của người dân đang ngày càng tăng cao, đặc biệt là khi các trường tổ chức học tập trực tiếp ở tất cả các cấp học, các hoạt động kinh doanh, du lịch trở lại bình thường sau thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
Mặt khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan triển khai các loại hình kinh doanh vận tải (xe buýt, taxi, xe du lịch, xe hợp đồng, tuyến cố định) để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ thừa nhận qua phản ảnh đã có hiện tượng đối phó với các quy định về kinh doanh vận tải nhằm tránh né việc phát hiện vi phạm (tắt thiết bị giám sát hành trình, che màn hình thiết bị camera lắp trên xe ô tô...).
Để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các xe ô tô kinh doanh vận tải, bảo đảm kết nối, sử dụng chung cho các cơ quan chức năng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn các sở giao thông vận tải thực hiện quản lý, xử lý thông qua dữ liệu từ các thiết bị này; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Các Sở Giao thông Vận tải rà soát, kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải chưa thực hiện lắp đặt camera cho phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định của Chính phủ; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các vi phạm như tắt thiết bị giám sát hành trình, che màn hình camera lắp trên xe ôtô kinh doanh...
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải để phát hiện các vi phạm (nếu có) và xử lý kịp thời theo đúng quy định.
Ở các 'vùng đỏ' có dịch COVID-19, xe khách vẫn được phép hoạt động Các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe khách, trạm dừng nghỉ trên đường bộ; cảng biển; cảng, bến thủy nội địa; đầu mối xếp dỡ hàng hoá khác trên địa bàn có dịch COVID-19 ở cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4 (vùng đỏ) được phép hoạt động nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng,...