TP.HCM dời cảng Trường Thọ vào năm 2022
Vị trí của cụm cảng Trường Thọ hiện nay là điểm nhấn của TP Thủ Đức trong tương lai nhưng phải đến năm 2022 cảng này mới có thể di dời.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu quận Thủ Đức phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để xúc tiến thủ tục đầu tư xây dựng khu đô thị Trường Thọ (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM). Bởi khu vực này sẽ trở thành trung tâm và là điểm nhấn của TP Thủ Đức trong tương lai.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, khi xây dựng trung tâm TP Thủ Đức tương lai thì cần phải sớm di dời cụm cảng Trường Thọ hiện hữu.
Giao thông ngày càng tắc tị
Phường Trường Thọ có lợi thế là vị trí cửa ngõ phía đông, phù hợp phát triển cả ba loại hình giao thông đường thủy, đường bộ và metro. Quy hoạch 1/2.000 của khu đô thị Trường Thọ cũng được xem xét điều chỉnh để sớm thực hiện hàng loạt dự án của TP Thủ Đức tương lai.
Tuy nhiên, khu vực cảng Trường Thọ hiện nay được ghi nhận là một trong những điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở phía đông TP. Hằng ngày, rất nhiều xe tải, xe container lưu thông ở khu vực này, các xe phải xếp hàng dài để chờ ra vào cảng.
Vào giờ cao điểm, dọc xa lộ Hà Nội, ngã tư Bình Thái, ngã tư MK, đường số 1 và số 2 luôn có rất nhiều xe tải, xe container lưu thông, gây kẹt cứng.
Theo Sở GTVT, hiện nay mỗi ngày/đêm có khoảng 2.000-2.500 lượt xe ra vào cảng Trường Thọ.
Video đang HOT
Nhiều năm nay, UBND phường Trường Thọ nhận định khu vực này có tình hình giao thông phức tạp nên phường luôn cử lực lượng chức năng phân luồng giao thông tại các điểm kẹt xe.
Khu vực cảng Trường Thọ thường xuyên kẹt xe do nhiều xe tải, xe container xếp hàng chờ ra vào cảng. Ảnh: ĐÀO TRANG
Cảng Trường Thọ đã quá tải
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết công suất hoạt động hiện nay của cảng Trường Thọ đã vượt quá quy hoạch.
Cụ thể, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trong khu Trường Thọ năm 2019 đạt 1,65 triệu teu (tương đương 22,78 triệu tấn). Sản lượng tăng trưởng bình quân từ năm 2015 đến 2019 là 11%. Với mức tăng trưởng bình quân này thì dự kiến đến năm 2025, sản lượng tại cảng lên đến 3,09 triệu teu.
Việc sản lượng tại cảng liên tục tăng là nguyên nhân khiến lượng xe ra vào cảng ngày càng lớn, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng cao.
Hiện nay cụm cảng Trường Thọ có năm cảng ICD hoạt động và khai thác gồm: ICD Tracomexco – Trường Thọ, ICD Transimex, ICD Sotrans, ICD Tây Nam – Tanamexco, ICD Phúc Long. Cụm cảng này có tổng diện tích 49,2 ha; hơn 1.100 m cầu cảng và một kho bãi rộng 6,6 ha.
Năm 2014, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu di dời cụm cảng Trường Thọ trong năm 2015-2016 để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, việc di dời đến nay chưa xong do chưa có cảng thay thế.
Theo ông An, bài toán để giải quyết tình trạng trên là sớm xây dựng cụm cảng trung chuyển – ICD mới tại phường Long Bình, quận 9 (cảng ICD Long Bình), sau đó sẽ di dời khu cảng Trường Thọ qua đây.
Việc di dời cảng Trường Thọ đã có chủ trương của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, thời gian di dời còn phụ thuộc vào tiến độ đầu tư khu vực cảng ICD Long Bình vì đây là vị trí hoạt động của các doanh nghiệp tại cảng Trường Thọ hiện hữu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông An, sớm nhất là năm 2022 mới có thể di dời được cảng Trường Thọ về ICD Long Bình.
Cũng theo ông An, Sở GTVT đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch tăng quy mô công suất cảng ICD Long Bình với quy mô 54,2 ha và công suất khai thác tới năm 2025 là 3,019 triệu teu, đến năm 2028 là 3,323 triệu teu.
Theo định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt thì cảng ICD Long Bình phải đáp ứng được công suất tại cảng Trường Thọ sau khi di dời và đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua cảng trong tương lai.
TP.HCM: 1.500 trường hợp vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định
Sở GTVT TP.HCM vừa cho biết sau ba tháng triển khai thí điểm xử phạt qua hình ảnh camera, hiện chương trình này đã được Sở GTVT chuyển qua Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM.
Trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng PC08, cho biết lực lượng CSGT tiếp nhận chương trình xử phạt qua hình ảnh từ camera trên 14 tuyến đường từ giữa tháng 6. Tới nay, lực lượng CSGT đã ghi nhận 552 trường hợp dừng, đỗ xe sai quy định và đã lập hồ sơ vi phạm.
Theo đó, đến cuối tháng 8, đã có 69 trường hợp nộp phạt với tổng số tiền phạt là 37 triệu đồng. Số vi phạm còn lại đang chờ giải quyết, nếu quá thời hạn mà người vi phạm không đến nộp phạt thì đơn vị sẽ gửi thông báo đến cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định. Khi xe được đưa đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm sẽ thông báo vi phạm cho chủ xe. Trường hợp chủ xe không nộp phạt thì cơ quan đăng kiểm chỉ cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe với thời hạn 15 ngày.
Trước đó, Thanh tra Sở GTVT đã phối hợp với Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị trích xuất hình ảnh các xe có dấu hiệu vi phạm, lập hồ sơ đối với 1.007 trường hợp. Thanh tra sở cũng đã lập 196biên bản vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 118 triệu đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn đối với 11 trường hợp. Đồng thời, thanh tra sở đã gửi Cục Đăng kiểm danh sách 147 trường hợp quá thời hạn giấy hẹn theo thông báo vi phạm mà chủ xe chưa đến giải quyết để cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định.
Như vậy, qua sáu tháng đã có hơn 1.500 trường hợp vi phạm dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định bị camera giám sát ghi nhận. Trong đó, có 265 trường hợp đã nộp phạt, chiếm gần 17%.
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết sau khi triển khai xử phạt qua hình ảnh từ camera cố định, đến nay hầu hết người vi phạm khi nhận được thông báo đều chấp hành đúng quy định. Sở dĩ người dân chấp hành tốt là do Sở GTVT đã tuyên truyền trước đó. Ngoài ra, khi người vi phạm đến giải quyết, thanh tra sở tiếp tục giải thích, hướng dẫn và trình chiếu các clip, hình ảnh cho người vi phạm xem, do vậy hầu hết những người này đều chấp hành việc xử phạt.
Theo ông Khánh, việc triển khai phạt nguội đã mang lại hiệu quả nhất định như đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cải thiện tình hình giao thông, kéo giảm ùn tắc. Bên cạnh đó, từ chương trình phạt nguội cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, từng bước hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, góp phần từng bước làm thay đổi thói quen, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Ngoài ra, ông Khánh cho rằng để phát huy hiệu quả của việc phạt nguội, cần nghiên cứu những giải pháp khoa học công nghệ hiện đại để tự động hóa tất cả công đoạn trong quy trình thực hiện. Bắt đầu từ khâu phát hiện, ghi nhận đến quy trình các bước xử lý vi phạm và chấp hành của người vi phạm như các nước đang áp dụng trên thế giới.
Thêm tám tuyến đường sẽ bị xử phạt nguội
Theo Sở GTVT, từ ngày 15-7, thêm tám tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn được gắn camera để tiến hành xử lý các trường hợp dừng, đỗ xe sai quy định. Cụ thể gồm các đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Hồng Hà (quận Tân Bình); Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh); Trương Định, Cống Quỳnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1).
ĐÀO TRANG
Quận Thủ Đức phấn đấu tạo sự đột phá trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ Phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ quận Thủ Đức, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, Quận ủy Thủ Đức phải lãnh đạo, chỉ đạo để tạo sự đột phá trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, phấn đấu tỷ trọng thương mại - dịch vụ của quận...