TP.HCM: Doanh nghiệp vận tải đề nghị giảm 30% phí qua các trạm BOT
Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho rằng, đang có tình trạng phí chồng phí khi họ vừa phải đóng phí bảo trì đường bộ vừa phải đóng phí BOT nên đề nghị giảm 2 loại phí này để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm với Sở GTVT, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, chiều 27.12, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã kiến nghị các cơ quan chức năng giảm phí bảo trì đường bộ, phí qua các trạm BOT trên địa bàn thành phố bởi doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Theo tính toán của doanh nghiệp, hiện mỗi đầu xe phải chịu chi phí cố định hàng tháng khoảng từ 20 – 25 triệu đồng (bao gồm phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm, dịch vụ định vị, phí bến bãi, phí BOT…). Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp phải bán bớt phương tiện, mất đi nhiều khách hàng.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp vận tải hàng hóa rơi vào tình trạng khó khăn đó là các trạm thu phí BOT và phí bảo trì đường bộ cao, chồng chéo lẫn nhau dẫn đến chi phí đầu vào tăng theo. Các doanh nghiệp cho rằng, khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu trạm thu phí dày đặc. Khoảng cách giữa các trạm không đúng theo thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính khiến doanh nghiệp đi đâu cũng phải đóng phí BOT. Theo tính toán, trên một số tuyến đường, chi phí để xe qua các trạm BOT cao hơn chi phí nhiên liệu cung cấp cho xe vận hành theo lộ trình. Do đó, doanh nghiệp đề nghị cần giảm phí bảo trì đường bộ, phí BOT xuống 30% so với mức phí hiện nay.
Đại diện doanh nghiệp cho biết đang có tình trạng phí chồng phí BOT, bảo trì đường bộ tại thành phố.
Ông Lâm Đại Vinh, chủ Doanh nghiệp vận tải Lâm Vinh cho rằng, tại TP.HCM và khu vực lân cận, đi đâu doanh nghiệp cũng phải đóng phí. Đây là điều bất hợp lý bởi các doanh nghiệp đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi vẫn phải đóng thêm phí BOT. “Thời gian qua nhiều trạm thu phí BOT ở trong nước đã giảm phí cho phương tiện nhưng tôi không hiểu sao tại 5 trạm BOT của thành phố vẫn chưa giảm?”, ông Vinh thắc mắc.
Điều đáng nói, mặc dù doanh nghiệp đóng phí đầy đủ nhưng lại không được hưởng lợi ích từ điều này, đường sá chưa thông thoáng khiến doanh nghiệp không hoạt động được.
Video đang HOT
Ông Vinh dẫn chứng, xe đi qua nút giao thông Mỹ Thủy (vào cảng Cát Lái, TP.HCM) có những hôm xe bị kẹt ùn tắc cả 4 tiếng đồng hồ. Xe chạy không được, không giao hàng kịp nên không lấy được tiền từ khách hàng.
Chủ một doanh nghiệp vận tải cho biết thêm, thành phố và các cơ quan chức năng chưa có chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp dù họ nhiều lần phản ánh. Đơn cử như phí bảo trì đường bộ, hiện vẫn quá cao, tới hơn 17 triệu đồng/năm đối với xe đầu kéo có tổng trọng lượng 40 tấn trở lên. Trên thực tế, các xe chỉ hoạt động trung bình 9 tháng/năm (còn lại ngưng hoạt động khoảng 90 ngày) nhưng doanh nghiệp vẫn phải đóng phí cho cả năm là điều bất hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM nhận định, ngành kinh doanh vận tải hàng hóa thành phố đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, bị tác động bởi nhiều mặt, từ năng lực vận tải cho đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cùng các quy định về thủ tục hành chính chưa phù hợp.
So với năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển và cảng sông năm 2017 thấp hơn nhiều so với sự gia tăng của số lượng phương tiện. Riêng TP.HCM, năm nay, xe container tăng 27,8%, xe tải từ 3,5 tấn trở nên tăng 76%, nhưng sản lượng hàng hóa đường bộ chỉ tăng 7,5%.
Theo ông Chánh, có tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu và năng lực vận tải, tạo “khủng hoảng thừa”. Thực trạng này để các doanh nghiệp vận tải phải cạnh tranh bằng nhiều hình thức như: giảm 50% mức giá so với trước hoặc thấp hơn giá thành để duy trì hoạt động và giữ chân khách hàng, chở hàng quá tải để duy trì hoạt động và cân đối kinh doanh…
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, thời gian qua sở nhận được nhiều ý kiến phản ánh từ doanh nghiệp về tình hình khó khăn trong hoạt động vận tải hàng hóa. Sở đã đi khảo sát thực tế và có các hướng điều chỉnh cho phù hợp. Riêng về giá vé, quy định thời hạn của vé, tình hình triển khai bán vé tại các trạm BOT, mức giá sử dụng đường bộ, sở đang xây dựng về mức giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh trên địa bàn thành phố. Chính phủ đã có chủ trương giảm phí BOT để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Sở GTVT sẽ tham mưu kiến nghị lên UBND thành phố để có phương án, lộ trình điều chỉnh trong thời gian tới.
Theo Danviet
Mục đích thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM là gì?
Tại buổi gặp mặt với báo chí sáng nay (17.10), Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM Bùi Xuân Cường đã có những chia sẻ về đề án thu phí ô tô vào khu vực trung tâm thành phố theo đề xuất của Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong.
Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm không phải là giải pháp mới mà nằm trong gói tổng thể của chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010-2015. Giải pháp được Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong nghiên cứu, đề xuất thực hiện và đã lấy phản biện, nhưng có nhiều điều cần phải bổ sung cho phù hợp.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường chia sẻ thông tin với báo chí.
Hiện nay, đề án thu phí ô tô vào khu vực trung tâm thành phố tiếp tục được đưa vào nghiên cứu, đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2015-2020. Cụ thể hơn, đây là giải pháp nằm trong gói tổng thể thuộc đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân. Sau khi nhận được đề xuất từ Công ty Tiên Phong, sở đã góp ý và gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM để phản biện.
"Chúng ta cần lắng nghe, cần cởi mở với đề xuất này. Đây không phải là giải pháp để tăng thu kinh tế mà là kiểm soát nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân. Quan điểm của sở là ủng hộ đề xuất này nhưng cũng phải cân nhắc. Các giải pháp cụ thể như thời điểm thu, giá thu, các cổng thu, đối tượng thu, chúng tôi sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp. Sau khi Mặt trận Tổ quốc phản biện, chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo thành phố", ông Cường cho hay.
Cũng liên quan đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm thành phố, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM cùng Hội Cầu đường cảng TP.HCM đang lên kế hoạch tổ chức một buổi hội nghị đánh giá về hiệu quả cũng như các giải pháp góp ý cho đề án này. Quan điểm của các đơn vị này là ủng hộ giải pháp mới nhưng phải cân nhắc, có lộ trình và giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại thành phố.
Trước đó, Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong vừa trình UBND TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố nhằm hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm, thúc đẩy người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. Theo đề án, công ty này đề xuất áp dụng thu phí từ 6h đến 19h với mức thu từ 40.000 đồng đối với ôtô cá nhân, 30.000 đồng đối với taxi và 50.000 đồng đối với xe tải và xe buýt thương mại.
Để thu phí, thành phố sẽ xây dựng 36 cổng thu phí đa làn, tự động không dừng và một trung tâm điều hành kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin và quản lý hoạt động thu phí. Hệ thống cổng thu phí sẽ được bố trí trên một vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm thành phố, gồm các tuyến đường Hoàng Sa đến đường Nguyễn Phúc Nguyên, Cách Mạng Tháng Tám, đường Ba Tháng Hai, đường Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất...
Tổng mức đầu tư của đề án này gần 1.800 tỷ đồng theo hình thức PPP (Nhà nước và tư nhân cùng làm), BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời hạn 15 năm. Dự kiến giai đoạn xây lắp là năm 2018-2019 và giai đoạn khai thác (bắt đầu thu phí) là năm 2019-2034.
Theo Danviet
Xe tải "náo loạn" đường cấm, sau khi trốn CSGT Ngay khi nghe "cò" báo tin lực lượng cảnh sát giao thông đã rút khỏi trạm chốt, hàng chục chiếc xe tải nặng được các tài xế điều khiển, phóng nhanh như chớp trên những cung đường cấm. Sự việc khiến giao thông hỗn loạn, người đi đường một phen "kinh hồn bạt vía"... Xe tải nặng náo loạn đường cấm sau khi...