TPHCM: “Cấm xe máy cũ là cấm người nghèo mưu sinh”
“Không ai muốn lóc cóc đi trên đường với một chiếc xe cũ, nhưng người dân nghèo không có tiền để mua xe mới. Cấm xe cũ là thiếu nhân văn, là cấm người nghèo đi xe máy, cấm người nghèo mưu sinh” – PGS TS. Nguyễn Quang Toản bày tỏ.
UBND TPHCM vừa giao các đơn vị chức năng soạn dự thảo quy chế lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy nhằm giảm TNGT và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi chủ trương này mới đang “lên khuôn” thì đã có nhiều ý kiến “chấm điểm” đúng sai.
Theo Công an TPHCM – đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo nói trên để kiến nghị Chính phủ xem xét – đối tượng phương tiện nằm trong quy chế bao gồm xe gắn máy, xe mô tô hai- ba bánh và cả xe điện. Đơn vị chức năng này cũng cho rằng, việc tràn lan xe “quá đát” đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) và tiểm ẩn nguy cơ TNGT nhưng không thể tịch thu, vì thế khi quy chế được đưa ra áp dụng sẽ là giải pháp hữu hiệu.
“Cấm xe máy cũ là cấm người nghèo mưu sinh”
Luận bàn về chủ trương của TPHCM với dự thảo quy chế tối thiểu lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy, PGS TS. Nguyễn Quang Toản – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết xe cá nhân không quy định theo thời gian sử dụng từ năm nào đến năm nào hay trong khoảng bao lâu, việc cấm cũng không thể nói chung chung theo niên hạn lưu hành mà chỉ có thể cấm theo tiêu chuẩn kỹ thuật về khí thải, tiếng nổ, môi trường…
Ông Toản dẫn chứng các nước trên thế giới họ cho sử dụng và lưu hành đối với những xe được sản xuất cách nay tới 30-40 năm vì xe vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Thực tế có những chiếc xe người ta mua đã 20 năm, nhưng mỗi ngày họ chỉ dùng vài tiếng, mỗi tháng chỉ đi vài ngày nên độ hao mòn ít và xe của họ vẫn rất tốt.
Nhiều người dân nghèo vẫn phải sử dụng xe máy cũ để mưu sinh (ảnh minh họa)
Nói về nhận định xe cũ, xe quá niên hạn lưu hành là “tội đồ” gây TNGT và tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên đường phố, ông Toản đã bác bỏ điều này và cho rằng cần có thống kê cụ thể. Xe cũ hay xe mới đều phải đối xử công bằng như nhau, nói xe nào gây ra TNGT nhiều hay ít cũng phải có thống kê cụ thể. TNGT không do tuổi xe, bởi thực tế xe cũ thường chỉ có thể chạy với tốc độ vừa phải thì ít có khả năng gây tai nạn, trong khi nhiều vụ đã xảy ra cho thấy do phóng nhanh vượt ẩu mà đạt đến tốc độ gây tai nạn thì chỉ có xe mới làm được.
Video đang HOT
Lý giải việc hiện nay vẫn còn nhiều xe cũ lưu hành, ông Toản nhìn nhận ở góc độ dân sinh và năng lực tài chính của mỗi chủ phương tiện. Theo ông Toản, nếu cấm xe cũ để cho toàn xã hội được đi xe mới thì rất nên, nhưng đó là điều không bao giờ có thể làm được.
Ông Toản chia sẻ: “Không ai muốn lóc cóc đi trên đường với một chiếc xe cũ mà tất cả đều thích sử dụng xe mới, nhưng người dân nghèo không có tiền để mua xe mới nên họ buộc phải mưu sinh bằng những chiếc xe cũ. Vì vậy, cấm xe cũ là thiếu nhân văn, cấm xe cũ có nghĩa là cấm người nghèo đi xe máy, cấm người nghèo mưu sinh”.
Phân tích về tương lai sử dụng phương tiện giao thông tại TP.HCM, Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung, ông Toản cho rằng trong bối cảnh giao thông công cộng ở nước ta chưa phát triển, khi xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân thì không thể cấm xe máy mà ngược lại nên khuyến khích sử dụng xe máy để giải quyết vấn đề ùn tắc trong đô thị (bởi tác nhân gây ùn tắc chủ yếu là do xe ô tô chứ không phải xe máy). Còn khi nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 3.000 USD trở lên, dân chúng đã có nhiều tiền, giao thông công cộng phát triển thì chắc rằng ngoài đường sẽ không còn bóng dáng xe máy nữa.
Sẽ đăng kiểm đối với xe máy
Liên quan đến chủ trương xây dựng quy chế tối thiểu lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy, ông Trịnh Ngọc Giao – Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết mới chỉ nghe nói chứ chưa thấy TP.HCM có ý kiến hỏi Cục về việc này, tuy nhiên ông Giao cho rằng đây là vấn đề liên quan đến nhiều người nên cần phải bàn kỹ.
Sẽ đăng kiểm an toàn kỹ thuật đối với xe máy (ảnh minh họa)
Theo ông Giao, nếu TP.HCM ra văn bản quy định nhằm đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường là đặt ra vấn đúng, nhưng khi giải quyết xử lý như thế nào, quy định tuổi xe bao nhiêu là vấn đề khó.
Đối với nhiều nước trên thế giới việc đăng kiểm phương tiện được thực hiện đối với cả ô tô và xe máy, nhưng ở Việt Nam hiện chỉ đăng kiểm đối với ô tô nhằm kiểm tra an toàn kỹ thuật, còn xe máy thì không áp dụng quy định này. Đã có ý kiến cho rằng việc không đăng kiểm đối với xe máy có nghĩa đã công nhận nó là “phần tử” không nguy hiểm. Tuy nhiên, với chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân và mới nhất là có thể TP.HCM sẽ áp dụng quy chế tối thiểu lưu hành, niên hạn lưu hành đối với xe máy thì việc thực hiện đăng kiểm với loại phương tiện này có phải là một giải pháp tốt?
Ông Giao cho hay: “Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về kiểm tra khí thải đối với xe máy để bảo vệ môi trường, nhưng lộ trình triển khai cụ thể thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ trình trong năm nay – 2012, trước tiên là kiểm tra khí thải đối với xe máy ở các thành phố lớn và sau đó là các địa phương trên cả nước. Mới đây, sau khi có cháy nổ xe thì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng Đề án kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với cả xe máy”.
Cũng theo ông Giao, trước khi làm về niên hạn thì nên kiểm tra về tiêu chuẩn kỹ thuật để phương tiện dù cũ nhưng đảm bảo an toàn thì vẫn cho lưu hành, phương tiện nào chưa đảm bảo thì yêu cầu sửa chữa, còn nếu không sửa chữa được nữa thì mới quy định loại bỏ.
Theo Dân Trí
Xe máy cũ khắp nơi
Một trong những lý do để UBND TP.HCM xây dựng dự thảo quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành môtô hai, ba bánh, xe gắn máy là hiện nay có quá nhiều xe cũ, xe "mù" gây nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông.
Một chiếc xe trơ khung vẫn được sử dụng chở bình gas - Ảnh: Sơn Bình
Tại các tuyến đường TP.HCM, không ít xe máy lưu thông trên đường đều là xe cũ, trong đó xe "mù" xuất hiện rất nhiều, có xe chỉ còn trơ khung sườn nhưng chở hàng cồng kềnh và phóng nhanh giữa dòng xe xuôi ngược với tiếng động cơ nổ "lẹt bẹt", khói đen nhả mù mịt. Một đội trưởng CSGT quận trung tâm TP cho biết mỗi khi xử lý các vụ tai nạn do xe máy gây ra thì đến 50-60% là xe cũ, xe quá đát, xe được cải tạo lại.
Đầy đường, đầy tiệm
"Cứ chạy đi, không sao đâu" Tại một số cửa hàng, xe cũ được rao bán với giá dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/chiếc. Chiều 7-8, cửa hàng tân trang xe của ông Thắng trên đường Tân Hóa (Q.6) thỉnh thoảng lại có người ra vào hỏi mua hoặc gia cố khung sườn cho xe cũ. Ông Thắng lần lượt giới thiệu các loại xe cũ mà ông đang bán. Ông này nhắc đi nhắc lại chiếc MD90 giá chỉ 4,5 triệu đồng nhưng chạy rất khỏe, loại xe này đang hút hàng. Ông Thắng thành thật cho biết chiếc xe có số khung và số máy trùng khớp với giấy tờ của... một chiếc xe khác. Khi chúng tôi hỏi chạy xe này công an có phạt không, ông Thắng ậm ừ: "Cứ chạy đi, không sao đâu" (?).
Ngồi ở giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) hơn một giờ, cứ vài phút lại thấy xuất hiện một xe cũ hoặc xe được cải tạo đủ dạng, đủ kiểu. Bám theo một người đàn ông chạy xe máy hiệu DH chỉ còn phần khung sườn, chở nhiều bao nước đá tấp vào giao hàng cho một quán ăn trên đường Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi được biết do cuộc sống ở quê khó khăn nên ông vào TP làm thuê và mua xe cũ giá 1,5 triệu đồng của một người bạn để đi giao hàng kiếm sống gần ba năm qua. Một người khác chạy xe Dream II cũ trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) nói: "Tui không biết xe mình ra đời khi nào, sang tay qua năm, sáu đời chủ. Bây giờ cà vẹt đang giữ là đời chủ thứ ba. Đi xe cũ chở hàng tiện lợi, nếu hư chỉ mất chút đỉnh tiền là chạy ngon ngay".
Theo chị Nguyễn Thị Hòa (công nhân, ngụ đường Lê Văn Khương, P.Thới An, Q.12) cả nhà chị sáu người đều sử dụng toàn xe cũ mua lại. Xe nào cũng sử dụng ít nhất 15-20 năm. Chiếc Dream lùn chị đang chạy có tuổi thọ hơn 20 năm. "Thỉnh thoảng có hư hỏng nhưng ra tiệm sửa lại là được. Tui mới mua lại cho con tui chiếc xe Wave đã qua sử dụng giá chỉ 6 triệu đồng. Mình là giới lao động nghèo, đi xe cũ phù hợp túi tiền", chị Hòa tâm sự.
Xe máy "cà tàng" được bày bán nhan nhản tại các cửa hàng kinh doanh xe máy trên đường Lũy Bán Bích, Âu Cơ... Tại cửa hàng Minh Trang (đường Lũy Bán Bích) trưng bày đủ các loại xe từ đời mới như Future, Wave đến các loại xe (Cub) đời 86, 89... Người trông coi cửa hàng tên Vững giới thiệu chiếc DH đời 88 không còn thắng trước, bọc sên xe, đèn hậu mất, nồi máy rỉ nhớt. "Coi vậy chứ máy còn mạnh lắm, dùng chở hàng số 1. Cà vẹt đăng ký năm 1989, giá 4,2 triệu không bớt". Ông Vững còn cho biết xe này vừa được mua lại của một người cũng chuyên đi giao hàng. "Bằng chứng là yên xe sau vẫn còn hàn thêm khung sắt bự và rộng hơn bình thường để chở hàng" - chỉ tay về chiếc xe, ông Vững nói. Chạy xe thử một vòng, chúng tôi thấy dù tiếng máy xe còn nổ giòn, không có khói trắng nhưng xe có hiện tượng rung lắc. Chúng tôi thắc mắc sao không gắn thêm các thiết bị xe bị thiếu, ông Vững trấn an: "Chạy xe này không cảnh sát giao thông nào bắt, giữ xe chỉ thêm mệt".
Tại chợ Tân Thành (Q.5), khi nghe chúng tôi hỏi cần mua xe cũ để chở hàng, một người đàn ông tên Thái cho hay hiện đang có vài người quen muốn bán xe Cub cánh én. Ông Thái nói: "Muốn mua thì tui giới thiệu cho, có mấy thằng không chở hàng thuê đang nhờ tui bán giúp. Loại xe này coi bộ không mất giá, anh mua rồi năm sau bán lại cũng giá đó thôi". Nói xong ông này điện thoại cho một người mang xe tới. Người này rú ga trả số và khoe: "Xe tui vừa làm máy lại, khung sườn hàn kiên cố, chở 200kg khỏe re".
Bối rối với xe cũ
Theo một giảng viên khoa giao thông Trường đại học Bách khoa TP.HCM, một người bình thường cũng thấy xe cũ, quá đát là không đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật. Thông thường, khi xe máy lưu thông sau một thời gian thì các chi tiết bên trong máy bị mòn. Dù những thiết bị này vẫn có thể thay thế được nhưng thực tế cho thấy ít có xe cũ nào đảm bảo chất lượng kỹ thuật.
Theo một CSGT Q.Gò Vấp, trong quá trình xử lý thực tế hằng ngày, có rất nhiều xe lưu thông trên đường là xe cũ, thậm chí xe quá cũ, quá đát, cải tạo tùy tiện... chiếm số lượng không nhỏ. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với xe máy đều do các xe này gây ra. Tuy nhiên việc xử lý, quản lý các loại xe cũ là rất khó. Dù phát hiện xe cũ và không đảm bảo an toàn nhưng do chủ xe giấy tờ đầy đủ nên CSGT không thể tịch thu được, chỉ đến khi tai nạn xảy ra thì... giải quyết. Nhiều chủ xe cũ sẵn sàng bỏ xe vi phạm khiến CSGT rất khó truy tìm.
Trung tá Phạm Văn Tuyến, phó đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, cho biết quy trình xử lý cơ bản những loại xe máy cũ là sau khi kiểm tra nếu xác định xe không đảm bảo thông số kỹ thuật (số khung, số máy, giấy tờ xe...) sẽ có quyết định tịch thu bàn giao lại cho phòng tài chính của UBND quận huyện đấu thầu sung vào công quỹ. Những ai trúng thầu phải đảm bảo cắt rã bán phế liệu hoặc tháo bán phụ tùng, không tái sử dụng xe. Do một số nơi quản lý lỏng lẻo, người trúng thầu bán xe trở lại thị trường, rốt cuộc đâu lại vào đấy.
Theo một cán bộ Phòng PC67, trong quá trình xây dựng quy chế quản lý niên hạn xe máy sắp tới, do xe cũ chiếm số lớn và đa số người sử dụng là người nghèo nên phải rất cân nhắc. Hiện có ý kiến không nên căn cứ vào số năm mà căn cứ vào chỉ số kilômet để xây dựng quy chế về việc cho lưu hành xe máy, nhưng cần nhấn mạnh là số kilômet thể hiện trên xe rất dễ thay đổi, không thể tin cậy được. Ngoài ra, đối với một số xe cổ, có giá trị về kỷ niệm, về văn hóa và có thông số kỹ thuật đảm bảo an toàn thì chưa biết phải xử lý ra sao... "Với thực trạng xe máy cũ hiện diện khắp nơi trên TP như hiện nay, chúng tôi đang tính toán có một quy chế sao cho hợp tình, hợp lý" - vị này nói.
Theo Tuổi trẻ
Sẽ cấm xe máy cũ? UBND TP.HCM vừa giao Công an TP chủ trì phối hợp với một số ban ngành xây dựng dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe môtô hai, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe điện). Sau đó trình UBND TP để kiến nghị Chính phủ xem xét. Những chiếc xe cũ như thế...