TPHCM: Cam kết vượt tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Trong chuyến thị sát một số hạng mục của dự án “giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành dự án vượt tiến độ 14 tháng.
Chiều 4/2, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã có chuyến thị sát một số hạng mục của dự án “giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)”. Dự án do Công ty cổ phần xây dựng Trung Nam đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được khởi công ngày 26/6/2016.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng (áo nâu) kiểm tra công trường thi công cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè)
Đại diện nhà đầu tư, ông Nguyễn Tâm Thịnh cho biết đã đồng loạt triển khai toàn bộ 6 cống kiểm soát triều, 2 cống nhỏ và 7,8 km đê kè thuộc huyện Nhà Bè. Đến nay, các hạng mục đã hoàn thành từ 26-30% tiến độ.
Ông Thịnh cho biết, nhà đầu tư sẽ chuyển giao lần lượt các hạng mục cho thành phố sau khi hoàn thành. Theo đó, 7,8km đê kè và cống Bến Nghé sẽ được bàn giao trước. Hạng mục cuối cùng chuyển giao cho thành phố là cống Mương Chuối, vào ngày 30/4/2018 – tức vượt tiến độ 14 tháng.
“Nhà đầu tư cam kết dự án đảm bảo chất lượng và đưa dự án về đích sớm 14 tháng so với hợp đồng đã ký với thành phố”, ông Thịnh nói.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa lưu ý, dự án hoàn thành vượt tiến độ là tốt nhưng vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng công trình.
“10 triệu dân TP sẽ có ý kiến đối với chất lượng công trình. Dự án này không chỉ giải quyết chống ngập mà còn có các tác động phát triển kinh tế xã hội thành phố. Nếu triều cường dâng mà ngập thì không ai tin mình?”, ông Khoa nhấn mạnh và cho biết UBND TPHCM sẽ đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, chỉ cần điện thoại thông báo chứ không cần họp hành.
Nhà đầu tư cam kết hạng mục cuối cùng – cống Mương Chuối – sẽ bàn giao vào đợt 30/4/2017.
Video đang HOT
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đánh giá cao nỗ lực của nhà đầu tư trong công tác thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo Bí thư Thăng, vấn đề khó nhất là giải phóng mặt bằng đã giải quyết xong, cái khó thứ hai là nguồn vốn thì Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành đã tiến hành giải ngân. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ thi công và vấn đề này không khó.
Ông Đinh La Thăng đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu kết nối dự án chống ngập do triều với các dự án chống ngập do Trung tâm chống ngập làm chủ đầu tư. Có thể ký hợp đồng với các nhà khoa học đánh giá lại 2 dự án, trên cơ sở đó tạo sự kết nối thì mới nâng cao hiệu quả chống ngập. Phải rà soát lại hệ thống thu gom nước đưa về các cống ngăn triều để có nước bơm ra khi ngập đồng thời do mưa và triều cường.
Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu phải nghiên cứu kết nối các dự án chống ngập để phát huy tối đa hiệu quả
Bí thư Thăng cũng đề nghị nhà đầu tư rà soát lại tiến độ, lập tiến độ chi tiết và lấy mốc 30/4/2018 là thời điểm hoàn thành dự án. Phải đảm bảo giao ban ít nhất 1 tháng 1 lần để kiểm tra tiến độ, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động.
Ông Thăng yêu cầu đảm bảo giám sát 24/24 các hạng mục của dự án chống ngập do triều trị giá 10.000 tỷ đồng, chống ngập cho 6,5 triệu dân thành phố, với lưu vực rộng 570km2. Đồng thời, tạo cơ chế giám sát của nhân dân trong vùng dự án, phải có số điện thoại, đường dây nóng để tiếp thu ý kiến của người dân.
Người đứng đầu Thành ủy cũng yêu cầu Sở GTVT TP đảm bảo công tác phối hợp điều tiết giao thông trên bộ và dưới sông ở khu vực thi công dự án. Ông cũng đề nghị UBND TPHCM xem xét, xúc tiến dự án xây mở đường kết nối với cầu bắt qua cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) để phát huy tối đa hiệu quả công trình.
Quốc Anh
Theo Dantri
Hơn 10 triệu dân sẽ giám sát dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng, chất lượng công trình chống ngập là yếu tố quan trọng không thể lơ là và hơn 10 triệu người dân TPHCM sẽ cùng giám sát.
Chiều 4/10, lãnh đạo UBND TPHCM và các sở, ngành đã đi kiểm tra thực tế tiến độ triển khai các hạng mục của dự án "giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)". Dự án do Công ty cổ phần xây dựng Trung Nam đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được khởi công ngày 26/6.
Lãnh đạo TPHCM thị sát công trường cống kiểm soát triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè)
Nhiều cống kiểm soát triều vướng công trình ngầm
Đại diện nhà đầu tư, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết hiện đã đồng loạt triển khai toàn bộ 6 cống kiểm soát triều, 2 cống nhỏ và 7,8 km đê kè thuộc huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, do vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật và vấn để giải phóng mặt bằng nên làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
"Trước đây nhà đầu tư cam kết hoàn thành dự án trong 24 tháng nhưng với điều kiện là phải đồng bộ trong vấn đề bàn giao mặt bằng", ông Tiến nói.
Ông Tiến đề nghị TP chỉ đạo các đơn vị khẩn trương di dời các công trình ngầm (hệ thống cáp điện, cấp thoát nước, cáp quang...) trong phạm vi 3 dự án cống kiểm soát triều Phú Định, Tân Thuận, Bến Nghé để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
6 cống kiểm soát triều được triển khai thi công đồng loạt
Nhà đầu tư cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP làm việc với Khu quản lý liên hợp xử lý chất thải TP để sớm giao phần diện tích đất mở đường (dài 2,1km, rộng 3m) vào thi công dự án cống kiểm soát triều Cây Khô (huyện Bình Chánh). Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND TP ban hành kế hoạch và cơ chế phối hợp về giải quyết nhanh vấn đề giải phóng mặt bằng cho dự án. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đề nghị quận 7, huyện Nhà Bè hỗ trợ vận động các doanh nghiệp có đất dọc các tuyến đê kè đồng ý giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công trước.
Trước kiến nghị của nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho biết tinh thần của TP là tạo điều kiện tốt nhất và tháo gỡ các khó khăn cho nhà đầu tư để thuận lợi triển khai dự án. Ông Khoa cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với nhà đầu tư để giải quyết các vấn đề vướng mắc, đặc biệt là mặt bằng thi công.
"Đối với các khu vực chưa đảm bảo đủ tính pháp lý buộc người dân phải di dời bàn giao mặt bằng thì phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động - đây là phương án tối ưu", ông Khoa nói.
Về vấn đề vướng mắc các bến đậu dọc tuyến đê kè, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết trong quá trình thi công dự án cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống tốt hơn, kinh doanh thuận lợi. Dọc tuyến đê kè cần suy nghĩ bố trí một số bến neo đậu để người dân đi lại, thậm chí là giao thương hàng hóa.
"Ngoài ra, đề nghị địa phương quản lý bờ kè mới cho tốt không để bị lấn chiếm. Trước mắt, một số vị trí bến đậu trong phạm vi thi công dự án thì chắc chắn không thể kinh doanh được nên phải giải thích cho người dân rõ. Và cũng nói rõ cho người dân đến tháng 12 này là hết thời hạn thì TP sẽ không cấp giấy phép lại, để người dân hiểu và chia sẻ", ông Hoan nói.
Chất lượng công trình chống ngập là hàng đầu
Tại buổi làm việc, ông Khoa cũng lưu ý chủ đầu tư phải ý thức được trách nhiệm và tầm vai trò của dự án chống ngập do triều đối với TP. "Bên cạnh đảm bảo tiến độ thì chất lượng công trình là yếu tố quan trọng không thể lơ là. Ngoài các cơ quan chức năng, đơn vị giám sát thì còn có hơn 10 triệu dân của TP sẽ cùng giám sát chất lượng công trình. Trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn lao động cũng như an toàn cho phương tiện qua lại", ông Khoa nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thị sát các hạng mục công trình thuộc dự án giảm ngập do triều trị giá gần 10.000 tỷ đồng của TP
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, yêu cầu chống ngập cho TP là hết sức cấp bách. TP ngập do mưa và cả triều cường nên giải quyết ngập phải hết sức đồng bộ.
Ông Phong đề nghị phải tạo cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành và nhà đầu tư để dự án triển khai thuận lợi.
"Thực tế cho thấy việc chống ngập hay phát triển hạ tầng nói chung không đồng bộ thì sẽ tác động rất lớn đến hiệu quả công việc. Tôi cũng đề nghị các địa phương cần làm tốt công tác vận động hộ dân trong vùng di dời để dự án triển khai sớm. Di dời không nhiều nhưng làm không tốt thì sẽ kéo chậm tiến độ triển khai dự án".
Quốc Anh
Theo Dantri
Nhiều nhà ở Sài Gòn lại ngập sâu vì cống ngăn triều tắc Cống ngăn triều tại quận Thủ Đức (TP HCM) không đóng được khiến nước tràn vô gây ngập hàng chục nhà dân, xưởng sản xuất... Đến trưa nay, nước còn ngập hơn 30 cm tại Thủ Đức. Ảnh: Sơn Hòa Cống ngăn triều thuộc bờ bao Tam Phú (quận Thủ Đức) bị vướng vật cản không thể đóng, tối 4/1. Lúc này triều...