TPHCM: Ca tử vong đầu tiên do bệnh tay chân miệng
Sau 36 tiếng nhập viện vì sốt cao, nôn ói kèm theo nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bé gái 2 tuổi đã tử vong do mắc tay chân miệng độ IV. Đây là trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng đầu tiên trên địa bàn thành phố trong năm 2012.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, trên địa bàn quận 3 vừa xảy ra một trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng, bệnh nhân là bé Nguyễn Quỳnh Như (2 tuổi, ngụ tổ 26, phường 9) học tại lớp mầm non 2A, trường mầm non 9 trên địa bàn phường.
Bệnh TCM diễn biến phức tạp phụ huynh cần nâng cao “cảnh giác”
Thông tin ban đầu cho biết, ngày 25/3 bé xuất hiện các triệu chứng sốt cao, nôn ói, nổi bóng nước ở lòng bàn tay nên được gia đình đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 2 kiểm tra. Tại đây, cháu được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh TCM và cho toa thuốc về nhà điều trị. Tối cùng ngày, bệnh của bé có biểu hiện nặng hơn nên gia đình đưa cháu trở lại bệnh viện Nhi Đồng 2, sau khi thăm khám bác sĩ quyết định cho bé nhập viện.
Tuy nhiên, sau 2 ngày được điều trị tại bệnh viện, bệnh nhi đã tử vong vì tổn thương đa cơ quan do mắc TCM độ IV. Ngay sau khi có báo cáo về trường hợp này, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã tiến hành điều tra dịch tễ tại nơi bé sinh sống và theo học. Trong gia đình chỉ có mình bé Như là trẻ dưới 5 tuổi, khu vực xung quanh nhà chưa phát hiện trường hợp mắc tay chân miệng trong vòng 2 tuần qua.
Tuy nhiên, theo điều tra tình hình dịch tễ tại trường Mầm non 9 có 4 lớp học gồm 117 trẻ, tính đến ngày 27/3 trường có thêm 2 ca TCM trong đó có 1 ca cùng lớp với bé Như. Ngay sau đó, nhà trường đã quyết định cho lớp mầm non 2A nghỉ học 2 tuần, đồng thời tiến hành khử trùng bằng dung dịch Chloramin B tại tất cả các lớp học.
Video đang HOT
Tính từ đầu năm 2012, trên địa bàn TPHCM có gần 1.500 ca mắc bệnh TCM phải nhập viện điều trị, số ca bệnh tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2011 và đang có những diễn biến khó lường. Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần, tăng cường thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ và người nuôi dạy trẻ, ngâm rửa đồ chơi, vật dụng của trẻ bằng xà phòng mỗi ngày và bằng dung dịch Cloramin B…
Vân Sơn
Theo Dân trí
Quảng Ngãi: "Nóng" dịch bệnh tay chân miệng
Trong những ngày qua, dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ em bùng phát mạnh, bệnh viện trở nên quá tải. Đến nay, Quảng Ngãi xuất hiện trên 450 ca mắc bệnh tay chân miệng và nóng dần mỗi ngày.
Số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh khiến bệnh viện quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm hành lang
Tăng hơn 100 ca chỉ trong 10 ngày
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 19/3, Quảng Ngãi đã ghi nhận trên 450 trường hợp mắc bệnh, tăng hơn 100 ca so với thời điểm cách đó 10 ngày và may mắn là chưa có trường hợp tử vong. Đối tượng mắc bệnh hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi (gần 80%), tỷ lệ mắc bệnh tại trường học chiếm 24,5%.
Bệnh xuất hiện ở 50% xã, phường, thị trấn, 12/12 huyện, thành phố. Trong đó, các địa phương có số ca bệnh TCM nhiều nhất gồm xã Nghĩa Trung (14-15 ca), Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ, Nghĩa An, Nghĩa Điền.
Bên cạnh đó, tình hình bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, với 22 trường hợp. Như vậy, huyện Tư Nghĩa xuất hiện hai loại dịch bệnh đồng loạt cùng một lúc, gây hoang man tại các trường học và phụ huynh học sinh.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan, Đội Y tế dự phòng đã kết hợp với các xã về từng điểm trường, hướng dẫn cho giáo viên cách phòng chống bệnh, đồng thời cấp phát thuốc Cloramin B để giáo viên lau sàn nhà trong các lớp, phòng học và tổ chức phun thuốc khử khuẩn tại các điểm trường.
2-3 trẻ/giường bệnh
Cùng với sự gia tăng số trẻ mắc bệnh tay chân miệng là tình trạng quá tải tại khoa Nhi Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi.
Theo quy định, mỗi phòng bệnh có 3-4 giường bệnh nhưng luôn có khoảng từ 6-12 bệnh nhi đang nằm điều trị. Thậm chí, nhiều bệnh nhân không có chỗ đành phải nằm giường xếp, võng và trải chiếu dưới đất để nằm.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng Khoa Nhi, cho biết: "Hiện bệnh viện đang mở rộng khu vực cách ly, tập trung điều trị dành riêng cho các ca bệnh tay chân miệng, đáp ứng dần nhu cầu bệnh nhi được nằm điều trị trên giường bệnh. Trung bình mỗi ngày có hơn 10 ca tay chân miệng nhập viện".
Nguyên nhân khiến bệnh viện quá tải là do các bậc phụ huynh quá lo lắng, đưa con đến Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi khám, điều trị mà không thông qua tuyến huyện. Ngoài ra, nhiều trẻ em có các triệu chứng như viêm da, sốt phát ban, viêm miệng, nổi ngứa,... phụ huynh nghi bị bệnh tay chân miệng và ồ ạt đưa đến tuyến trên, khiến bệnh viện quá tải là điều khó tránh khỏi.
Chị Trần Thị Thu (ngụ huyện Tư Nghĩa) giải bày: "Thấy con có triệu chứng như bệnh tay chân miệng, tôi vội đưa con đến đây khám và điều trị, chứ ở tuyến huyện tôi không yên tâm. Đến đây, thấy số trẻ nhập viện quá nhiều, tôi và cháu đành kiếm một góc ngoài hành lang nghỉ tạm".
Chỉ đạo phòng và chống triệt để bệnh tay chân miệng bùng phát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích yêu cầu: "Các ngành và địa phương cần tập trung phòng, chống dịch bệnh, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Đặc biệt, các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Địa phương về phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân, quyết tâm không để xảy ra trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng cũng như các bệnh khác gây ra". Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch đề nghị Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi sắp xếp các phòng, khu vực cách ly và giường bệnh, đáp ứng đảm bảo số trẻ em có đầy đủ giường bệnh, tránh tình trạng mất vệ sinh ngoài hành lang.
Hồng Long
Theo Dân trí
Gia tăng bệnh nhi nhập viện vì thời tiết và dịch bệnh Những ngày gần đây thời tiết tại tỉnh Bình Định thay đổi bất thường khiến số lượng bệnh nhi đến bệnh viên, trung tâm y tế trên địa bàn tăng hơn so với ngày bình thường. Biểu hiện thường gặp của bệnh TCM là sốt cao rồi nổi bóng nước ở tay, chân, miệng... Có mặt tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa...