TP.HCM bất ngờ lùi tăng trước bạ ôtô lên 15%
Chiều 29/12, UBND TP.Hồ Chí Minh đã ra quyết định lùi thời hạn có hiệu lực của quyết định tăng lệ phí trước bạ với ôtô dưới 10 chỗ ngồi tới ngày 1/1/2012.
Theo quyết định này, thời điểm áp dụng mức thu 15% là 1/1/2012 thay vì ngày 29/12/2011 như tại quyết định 83. Quyết định này được gửi theo đường email đến các chi cục thuế lúc 14g40.
Sở dĩ UBND TP phải gấp rút điều chỉnh quyết định 83 vì có sự không thống nhất về thời điểm nâng mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô đăng ký mới lần đầu.
Theo nghị quyết 24 của HĐND TP.HCM ban hành ngày 17/12, thời điểm áp dụng mức thu lệ phí trước bạ mới với ôtô là 1-1-2012 và giao UBND TP.HCM triển khai thực hiện. Ngày 19/12, UBND TP đã ban hành quyết định 83 nâng mức lệ phí trước bạ ôtô lên 15%, thời điểm áp dụng là “mười ngày sau ngày ký”, tức 29/12.
Do sự không trùng khớp này, sáng 29/12 các chi cục thuế đã đồng loạt ngưng giải quyết hồ sơ đóng lệ phí trước bạ. Một số chi cục thuế như Tân Bình, Gò Vấp chỉ nhận hồ sơ nhưng không cho đóng tiền.
Trước đó, khoảng 10g ngày 29/12, các chi cục thuế nhận được thông báo của phòng nghiệp vụ dự toán Cục Thuế TP.HCM yêu cầu áp dụng mức thu lệ phí trước bạ mới với ôtô là 15% từ ngày 29/12 theo quyết định của UBND TP.HCM.
Lãnh đạo các chi cục thuế đã xin ý kiến của Cục Thuế TP.HCM và được chỉ đạo với những hồ sơ nhận trước 10g ngày 29/12 sẽ áp dụng mức thu cũ là 10%, với hồ sơ nhận sau 10g thì áp dụng mức thu mới là 15%. Đến 12g, trên cơ sở xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM đã có chỉ đạo miệng đến các chi cục thuế yêu cầu giữ nguyên mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô đăng ký mới lần đầu là 10% đến hết ngày 31/12/2011.
Đến 14g40, các chi cục thuế nhận được quyết định mới. Đại diện Chi cục Thuế Bình Thạnh cho biết do được chỉ đạo kịp thời nên chưa áp dụng mức thu 15% với bất kỳ trường hợp nào trong ngày 29/12.
Theo vnmedia
Những sự kiện rúng động ngành ô tô, xe máy Việt Nam năm 2011
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ bước sang năm mới 2012, khép lại năm 2011 với hàng loạt sự kiện lớn trên thị trường và trong ngành ô tô, xe máy Việt Nam, từ đợt triệu hồi xe lớn chưa từng có, liên tiếp cháy xe, cho đến những thay đổi về chính sách...
Đợt triệu hồi xe kỷ lục của Toyota
Video đang HOT
Nếu như cuộc khủng hoảng triệu hồi xe của Toyota trên thế giới bắt đầu từ cuối năm 2009 và "bùng nổ" trong năm 2010, thì mãi đến đầu năm 2011 mới gây chấn động thị trường ô tô Việt Nam.
Những tiết lộ "động trời" của kỹ sư Lê Văn Tạch về lỗi các sản phẩm Innova của Toyota Việt Nam (TMV) đã buộc liên doanh này phải tổ chức buổi gặp mặt bất thường với báo chí vào ngày 1/4/2011, thừa nhận đã bán ra thị trường gần 9.000 xe bị lỗi. Không lâu sau đó, TMV thông báo triệu hồi hàng chục ngàn xe để sửa lỗi kỹ thuật, gồm các mẫu: Camry, Fortuner, và Innova.
Kỹ sư Tạch đã chỉ ra nhiều lỗi kỹ thuật trên xe của Toyota Việt Nam
Dù việc triệu hồi xe của TMV gây dư luận khá ầm ĩ, nhưng đến giữa tháng 11 (sau hơn 7 tháng triển khai), mới chỉ có tỷ lệ rất nhỏ các xe có nguy cơ lỗi được đem tới trung tâm dịch vụ của TMV để kiểm tra. Thực trạng này khiến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) yêu cầu TMV kéo dài chương trình kiểm tra miễn phí và sửa chữa hai dòng xe Innova, Fortuner do lỗi sản xuất.
Thông tư 20 siết nhập khẩu xe mới
Đầu tháng 5/2011, hàng nghìn đơn vị nhập khẩu ô tô tự do "choáng váng" khi Bộ Công thương bất ngờ ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT bổ sung các thủ tục nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Theo đó, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, đơn vị nhập khẩu ô tô còn phải xuất trình Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất cùng với Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.
Đại diện nhiều doanh nghiệp thương mại ô tô nhập khẩu tỏ thái độ bức xúc trước sự ra đời đột ngột của Thông tư 20/2011 TT-BCT (Ảnh: Việt Hưng)
Thông tư này một mặt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế nhập siêu mặt khác nhằm lành mạnh hóa thị trường, tăng chất lượng phục vụ cho người tiêu dùng và đời sống nhân dân, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn giao thông.
Những lợi ích đối với người tiêu dùng thì cần thêm thời gian để kiểm chứng còn với thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam thì Thông tư 20 rõ ràng là một tin vui, vì đã giúp giảm hẳn sự cạnh tranh từ các nhà nhập khẩu tự do trên thị trường xe mới.
Với thực tế là những thương hiệu ô tô phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng, như BMW, Hyundai, Kia, Toyota... đều đã có nhà phân phối chính hãng tại Việt Nam, Thông tư 20 chỉ để lại cho các đơn vị nhập khẩu độc lập hai lựa chọn: mua quota nhập khẩu của các nhà phân phối chính hãng và/hoặc nhập khẩu xe cũ. Nhưng...
... nhập khẩu xe cũ cũng khó
Gần hai tháng sau sự ra đời của Thông tư 20/2011/TT-BCT, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 36/2011/QĐ-TTg về mức thuế nhập khẩu xe ô tô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống đã qua sử dụng. Điểm mới của quyết định này là thay vì chỉ chịu thuế suất tuyệt đối theo dung tích xi-lanh như trước thì xe cũ dưới 9 chỗ có dung tích xi-lanh 1.5L trở lên nhập về Việt Nam từ ngày 15/8/2011 phải chịu thêm thuế nhập khẩu tương ứng với phần trăm xe mới cùng loại. Với cách tính này, ô tô cũ nhập khẩu sẽ có giá bán đến tay người tiêu dùng đắt hơn cả xe mới 100% cùng loại nhập khẩu.
Vậy là cả cánh cửa nhập khẩu xe mới 100% lẫn xe cũ đều đã khép lại với các nhà nhập khẩu tự do, chỉ để lại một khe hẹp là nhập khẩu xe đã qua sử dụng, có dung tích xi-lanh dưới 1.5L.
Tăng lệ phí trước bạ và phí đăng ký ô tô
Căn cứ theo Nghị định 45/2011/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội và TPHCM - cũng là hai thị trường ô tô lớn nhất cả nước - trong phiên họp đầu tháng 12/2011 đã quyết định từ ngày 1/1/2012 sẽ tăng mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ lên lần lượt là 20% và 15% so với mức 12% và 10% hiện tại. HĐND thành phố Đà Nẵng cũng quyết định tăng mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô từ 10% lên 15% từ ngày 1/1/2012.
Tại Hà Nội, ngoài việc tăng lệ phí trước bạ, HĐND thành phố còn quyết định tăng phí đăng ký kèm biển số đối với cả ô tô và xe máy từ ngày 1/1/2012. Theo đó, mức thu đối với ô tô dưới 10 chỗ không kinh doanh vận tải tăng gấp 10 lần, từ 2 triệu đồng lên 20 triệu đồng mức thu với xe máy giá trị từ 15 - 40 triệu đồng tăng từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng còn với xe máy giá trị trên 40 triệu đồng, mức thu phí đăng ký kèm biển số tăng từ 2 triệu đồng lên 4 triệu đồng.
Với các mức tăng lệ phí nói trên ở ba thành phố lớn, từ ngày 1/1/2012, tổng số tiền người tiêu dùng bỏ ra để sở hữu một chiếc ô tô mới "có thể lăn bánh" sẽ tăng từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, tuỳ loại.
Gian lận thuế - Có hay không?
Khá ầm ĩ trong năm 2011 là việc cơ quan hải quan ở Hải Dương và Bắc Giang, căn cứ theo quy định của Bộ Khoa học & Công nghệ (KHCN) về độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu, vào đầu tháng 7/2011 đã ra quyết định truy thu thuế đối với Ford Việt Nam, Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, GM Daewoo (nay là GM Việt Nam) và Hino Motors Việt Nam, với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Giữa lúc còn đang diễn ra những tranh luận gay gắt xoay quanh quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu tại Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN, thì Honda Việt Nam (HVN) tuyên bố sẽ "xét lại việc sản xuất, kinh doanh trong tương lai" tại Việt Nam nếu bị truy thu thuế.
Ngày 3/10/2011, Bộ Tài chính ra Văn bản số 13113/BTC-CST hướng dẫn cụ thể việc phân loại và tính thuế nhập khẩu ưu đãi đối với bộ linh kiện ô tô rời đồng bộ và không đồng bộ nhập khẩu và sản xuất ô tô, đồng nghĩa với việc giải nguy cho các doanh nghiệp ô tô khỏi án truy thu thuế hàng nghìn tỷ đồng.
Một vụ truy thu thuế khác cũng khá ồn ào một lần nữa được coi là có quyết định cuối cùng trong năm 2011 - điều tra gian lận thương mại đối với xe Kia Morning và Daewoo Matiz. Việc điều tra các xe này đăng ký dưới hình thức xe tải Van để được hưởng thuế nhập khẩu, thuế TTĐB và thuế GTGT thấp hơn mở ra từ năm 2009 và những tưởng đã khép lại vào tháng 7/2010, sau khi Bộ Tài chính ra thông báo quyết định truy thu thuế hơn 34 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu. Nhưng sau đó, sự việc vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Đến tháng 8/2011, Bộ Công an ra văn bản 1849/BCA-C61 xử lý vụ việc theo hướng: các xe Kia Morning và Daewoo Matiz loại 2 chỗ ngồi, trọng tải 300kg, nhập khẩu về Việt Nam trước ngày 8/11/2010, đã được cấp biển đăng ký lưu hành nhưng cơ quan chức năng phát hiện là xe tải Van tự chuyển đổi thành xe chở người có thể sẽ bị tịch thu.
Cũng liên quan đến độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu là trường hợp Hyundai Thành Công được Bộ KHCN cho phép nhập 5.000 bộ linh kiện để chạy thử dây chuyền máy móc, thiết bị và đào tạo cán bộ, công nhân vận hành sản xuất, với mức độ rời rạc thấp hơn quy định tại Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN. Nhiều ý kiến cho rằng số lượng 5.000 bộ linh kiện nhập khẩu ưu đãi cho một dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam là quá lớn và có thể tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp ô tô khác. Tháng 12/2011, Bộ KHCN đã có văn bản cho biết thời gian lắp đặt, chạy thử dây chuyền của Hyundai Thành Công đã hoàn thành nên không còn được ưu đãi thêm linh kiện nhập khẩu phải đảm bảo mức độ rời rạc theo quy định. Trên thực tế, Hyundai Thành Công mới nhập khẩu hơn 100 bộ linh kiện trong tổng số 5.000 bộ theo tinh thần công văn cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Liên tiếp các vụ cháy xe máy, ô tô
Chiếc Yamaha Luvias cháy chỉ còn trơ khung vào trưa 25/12/2011 tại TPHCM. (Ảnh: Trung Kiên)
Trong tháng 12, hàng loạt vụ cháy xe xuất hiện với tần suất dày đặc trên mặt báo. Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC TP, từ ngày 1/12/2010 đến 18/12/2011 toàn TP Hà Nội đã xảy ra 42 vụ cháy ô tô, xe máy gây thiệt hại về người và nhiều tài sản. Cháy, nổ xe không phải là hiện tượng mới, nhưng gần đây liên tiếp xảy ra với các xe đời mới và chưa tìm được nguyên nhân cụ thể đã gây lo lắng cho cả người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất.
Bộ Công an cho biết, số ô tô, xe máy cháy, nổ trên cả nước trong năm qua có đủ loại, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với những vụ đã xác định được nguyên nhân gây cháy, nổ chủ yếu là do sự cố về chập điện hoặc đang để trong khu vực bị cháy nên bén lửa một số vụ ô tô, xe máy bị cháy, nổ là do tai nạn giao thông.
Ngoài ra, theo ý kiến một số chuyên gia, nguyên nhân cháy cũng có thể do việc lưu hành xe quá cũ, quá tải, sử dụng nhiên liệu không đúng chủng loại nhiều chủ phương tiện lắp thêm nhiều phụ kiện không đúng tiêu chuẩn, qua thời gian sử dụng bị hỏng, gây chập điện cũng dễ gây ra cháy nổ...Nguyên nhân chính của từng vụ việc vẫn phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng.
Nhật Minh
Theo dân trí
Trước 15/10, lệ phí trước bạ ô tô bán tải vẫn là 2% Cục thuế TPHCM đã ban hành văn bản hướng dẫn mức thu lệ phí trước bạ với dòng xe bán tải trong thời gian từ ngày 1/9 đến 14/10. Theo đó các hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ ô tô bán tải đã nộp tại cơ quan thuế đến hết ngày 14/10 được áp dụng mức lệ phí trước bạ là...