TPHCM: Áp lực quá tải bệnh nhân ngày càng trầm trọng
Bệnh nhân từ các tỉnh dồn về thành phố khám và điều trị bệnh ngày càng nhiều gây áp lực quá tải nặng nề lên các bệnh viện. Ngành y tế đang mở cửa cho sự hợp tác công – tư để giảm quá tải, phát triển y tế kỹ thuật cao.
Đó là nội dung chính được GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề cập trong buổi khánh thành bệnh viện Gia An 115 (ngày 22/12) theo mô hình phối hợp y tế công lập – tư nhân đầu tiên trên địa bàn được Bộ Y tế và UBND thành phố cho phép triển khai.
Thay vì phát triển kỹ thuật cao, nhiều bệnh viện tuyến cuối đang “giành việc” của tuyến dưới
Theo GS Tấn Bỉnh: “Quá tải bệnh viện lâu nay không chỉ gây ra các phiền hà cho người bệnh, thân nhân bệnh nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng điều trị. Những năm qua, Sở Y tế đã triển khai giảm tải bằng rất nhiều các giải pháp như nâng cao năng lực y tế cơ sở; đào tạo nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; bước đầu triển khai hợp tác công tư nhưng tình trạng quá tải vẫn chưa thể giải quyết”.
Trong những chiến lược giảm quá tải, sự phối hợp phát triển y tế công lập và tư nhân, ưu tiên phát triển hệ thống y tế tư nhân được xem là giải pháp quan trọng để giảm áp lực bệnh nhân đông tại các bệnh viện công, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối. Tuy nhiên, thời gian qua sự phát triển của ngành y tế tư nhân chưa đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội, trên tổng số 37.000 giường bệnh của toàn thành thì hệ thống y tế tư nhân mới chỉ chiếm khoảng 4.000 giường, chủ yếu là bệnh viện quy mô nhỏ, số bệnh viện tư có quy mô trên 300 giường mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế được xem là giải pháp giảm tải, phát triển chuyên môn, kỹ thuật
Video đang HOT
Theo phân tích của GS Nguyễn Tấn Bỉnh: “Y tế tư nhân có lợi thế với hệ thống cơ sở hạ tầng trang thiết bị hiện đại nhưng lại thiếu đội ngũ nhân sự trình độ chuyên môn sâu. Y tế công lập có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng chuyên môn tốt nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị lại không đủ đáp ứng để các bác sĩ phát huy hết tài năng trong việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Nếu kết hợp giữ công và tư thì sẽ có sự tương hỗ lẫn nhau nhưng thực tế quy mô của sự hợp tác còn hạn chế”.
Đến nay, việc hợp tác công – tư mới chỉ dừng lại ở cấp độ khoa giữa các bệnh viện chủ yếu thuộc chuyên khoa quá tải nghiêm trọng như ung bướu, nhi, chấn thương chỉnh hình. Quan hệ hợp tác công – tư giữa bệnh viện Nhân Dân 115 và Gia An 115 với quy mô 367 giường bệnh là mô hình ở cấp độ bệnh viện đầu tiên được triển khai với kỳ vọng sẽ mang đến những tiện lợi cho người bệnh trong khám, điều trị, phẫu thuật.
Nếu thành công Sở Y tế sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các bệnh viện khác để nâng dịch vụ y tế của Sài Gòn lên tầm khu vực nhưng mức giá dịch vụ thấp hơn so với các nước khác, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, hạn chế tình trạng người bệnh ra nước ngoài điều trị.
Các bệnh viện tư nhân sẽ tập trung vào phân khúc bệnh nhân có thu nhập trung bình trở lên
Liên quan đến phát triển hệ thống y tế hướng tới chăm sóc tốt sức khỏe cho người bệnh, ngày 20/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với Sở Y tế TPHCM và các bệnh viện trên địa bàn. Bộ trưởng bày tỏ sự không hài lòng khi các bệnh viện tuyến cuối thay vì chú trọng phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu để nâng chất lượng điều trị thì đang tập trung vào hoạt động khám chữa bệnh thông thường. Nếu bệnh viện lớn cứ mãi mê khám mỗi ngày từ 4.000 đến 8.000 người bệnh thì không còn thời gian tập trung phát triển kỹ thuật cao, y tế nước nhà sẽ giậm chân tại chỗ, sẽ tụt hậu trong sự phát triển chung của y tế toàn cầu.
Bộ trưởng yêu cầu ngoài những biện pháp giảm tải Sở Y tế thành phố và các bệnh viện cần đẩy mạnh hợp tác công tư, trong đó bệnh viện công lập có nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho người bệnh có mức thu nhập thấp, bệnh viện tư nhân chăm sóc cho người bệnh có mức thu nhập trung bình trở lên, đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho người bệnh.
Hợp tác công tư phải chú trọng đẩy mạnh phát triển kỹ thuật cao trên cơ sở nguồn lực chuyên môn sâu của y tế công lập và hệ thống trang thiết bị hiện đại của y tế tư nhân, mang đến dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn cho người dân.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Thêm một bệnh viện đa khoa chuyên sâu tại TP.HCM
Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM) là bệnh viện đầu tiên trong cả nước thực hiện theo mô hình hợp tác công tư (PPP); giúp giảm tải cho bệnh viện công tuyến cuối, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Bệnh viện Gia An 115 được đưa vào hoạt động - ẢNH: NGUYÊN MI
Ngày 22.12, Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đã trao Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh và cắt băng khánh thành Bệnh viện Gia An 115 (số 5, đường 17A, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM).
Bệnh viện Gia An 115 có tổng diện tích hơn 15.235 m2, gồm khối nhà cao 10 tầng và các khu điều trị được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế do Kume Asia (Nhật Bản) thiết kế và Global Health Services Network (Mỹ) tư vấn.
Đây là một bệnh viện đa khoa hợp tác công - tư, đặc biệt tập trung vào các chuyên khoa sâu: tim mạch, thần kinh - đột quỵ, nội tiết, chấn thương chỉnh hình, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
Bệnh viện có quy mô 367 giường bệnh, 60 phòng khám và được trang bị đầy đủ các phương tiện để phục vụ các chuyên khoa sâu.
Đặc biệt, bệnh viện có 10 phòng mổ và 11 giường hậu phẫu, 4 phòng hồi sức sau mổ tim hở, 1 phòng cách ly, 6 máy thở và 11 máy monitor đa chức năng nhằm đảm bảo an toàn chính xác cho việc theo dõi các bệnh nhân nặng.
Bệnh viện Gia An 115 nhận được sự hỗ trợ toàn diện về nhân lực và chuyên môn của Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), với các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành. Đặc biệt là sự chia sẻ lượng bệnh quá tải thông qua "Đề án hợp tác công tư" được UBND TP ủng hộ và phê duyệt chủ trương. Giá dịch vụ của Bệnh viện Gia An 115 tương đương giá dịch vụ của Bệnh viện Nhân dân 115.
Theo giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đây là chương trình hợp tác lớn nhất đầu tiên giữa bệnh viện công - tư tại TP.HCM và của cả nước.
Theo đó, Bệnh viện Gia An 115 sẽ giảm tải cho Bệnh viện Nhân dân 115 - là bệnh viện đa khoa tuyến cuối lớn của TP (chỉ sau Bệnh viện Chợ Rẫy - là bệnh viện hạng đặc biệt), thường xuyên quá tải.
Ông Bỉnh cho biết: Hiện TP.HCM có hơn 37.000 giường bệnh nhưng chỉ có khoảng 4.000 giường bệnh ở các bệnh viện tư nhân.
Các bệnh viện công có thế mạnh nguồn nhân lực dồi dào, trình độ chuyên môn cao nhưng cơ sở vật chất chưa được đầu tư đầy đủ, kịp thời; đặc biệt luôn trong tình trạng "gánh nặng" quá tải bệnh nhân.
Trong khi đó, khu vực bệnh viện tư có thế mạnh được đầu tư cơ sở vật chất tốt nhưng thiếu nguồn nhân lực và đặc biệt là chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, nguồn nhân lực cao chuyên môn sâu ít.
Vì vậy, "chủ trương hợp tác bệnh viện công - tư là một trong những hợp tác ngành y tế đang phát triển để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ nhu cầu cho người dân. Y tế công - tư hỗ trợ nhau phát triển, san sẻ lượng bệnh nhân; giúp người dân hưởng dịch vụ y tế tốt nhất, được BHYT chi trả", ông Bỉnh đánh giá.
Theo thanhnien
Ngỡ ngàng lạc vào bệnh viện công hiện đại như khách sạn ở Việt Nam Phòng bệnh nhưng có tiêu chuẩn khách sạn với gần như 100% có cửa sổ ngắm phong cảnh sông Hồng, thành phố Hà Nội. Người bệnh được chăm sóc toàn diện với mọi dịch vụ, từ gội đầu đến giặt là... Đặc biệt, hệ thống máy móc, trang thiết bị trong tòa nhà Cụm công trình trung tâm - BV Trung ương Quân...