TPHCM: 3 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tăng nhanh
Các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gồm tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết trong 3 tuần qua đang gia tăng nhanh, tập trung ở nhóm trẻ nhỏ tuổi. Dự báo, thời gian tới dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, cộng đồng cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa.
Sởi và tay chân miệng hoành hành, sốt xuất huyết ở mức cao
Thời tiết đi sâu vào mùa mưa, trẻ bước vào năm học mới, diễn biến dịch bệnh theo tính chu kỳ… đang là những yếu tố kết hợp tạo thành mối nguy hiểm cho người dân trên cả nước nói chung đặc biệt là tại TPHCM.
Bệnh truyền nhiễm đang tấn công nhóm trẻ nhỏ tuổi
Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng ngày 2/10 cho thấy, sau khi dịch bệnh có mức tăng “ nóng” trong những tuần trước thì tuần qua nhiều loại bệnh tiếp tục “leo thang”. Theo đó, thống giám sát các loại bệnh truyền nhiễm của thành phố ghi nhận 587 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 16% so với trung bình của 4 tuần trước nhưng bệnh vẫn ở mức cao.
Hiểm họa rất lớn đang rình rập cộng đồng, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ nhỏ là bệnh sởi và bệnh tay chân miệng. Tuần qua, tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng “nóng” của bệnh tay chân miệng với 347 ca mắc bệnh (tăng 49%) so với trung bình của 4 tuần trước. Bệnh sởi cũng tăng vọt từ 17 ca lên 32 ca, số ca bệnh tích lũy từ đầu năm đến nay là 111 trường hợp.
Nhiều trẻ bệnh nặng phải hỗ trợ thở máy
Video đang HOT
Nếu thời điểm đầu năm, số ca bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở các quận huyện thì đến đầu tháng 10/2018, bệnh sởi đã bao phủ toàn bộ 24 quận huyện của thành phố. Các quận huyện đang bị sởi tấn công dữ dội là Thủ Đức, quận 12, Tân Phú, Bình Tân. Dự báo, mức độ lây lan của sởi trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục tăng rất mạnh theo tính chu kỳ của bệnh trong thời gian tới.
Chủ động bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhóm trẻ nhỏ tuổi
Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định, trong 3 tuần qua trên địa bàn thành phố các bệnh truyền nhiễm đặc biệt là tay chân miệng và sởi đang tập trung vào nhóm trẻ nhỏ tuổi. Để bảo vệ con trẻ trước sự tấn công của các loại bệnh nguy hiểm trên, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo các bậc phụ huynh, người trông giữ trẻ, các nhóm trẻ gia đình, trường mầm non cần thực hiện nhiều biện pháp phối hợp.
Phụ huynh phải cảnh giác trước những dấu hiệu bệnh của trẻ để kịp thời đưa bé đến bác sĩ khi cần
Với bệnh tay chân miệng: thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người giữ trẻ bằng nước và xà phòng; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy, bỏ khăn giấy vào thùng rác, rửa tay ngay sau khi thực hiện các thao tác trên; vệ sinh đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng nước và xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn (chloramin B, nước javel) ngâm rửa đồ chơi của trẻ hàng tuần.
Nếu trẻ có triệu chứng sốt cao, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, miệng phải đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, không cho trẻ đến trường, nơi đông người cho tới khi hoàn toàn hết bệnh. Trẻ mắc tay chân miệng nếu có dấu hiệu giật mình, đi đứng loạng choạng, li bì, mê sảng… là những biểu hiện nặng, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.
Cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ
Với bệnh sởi: Ngoài những biện pháp rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, che miệng mũi khi hắt hơi… nếu thấy trẻ có triệu chứng sốt, ho, mắt đỏ, phát ban phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám. Bệnh sởi đã có vắc xin chủng ngừa, phụ huynh cần chủ động đưa con em đi tiêm từ khi 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi nhưng chưa được tiêm sởi, tiêm chưa đầy đủ hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa cần liên hệ với phường xã nơi cư ngụ để được tư vấn.
Với bệnh sốt xuất huyết: cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường quanh khu vực sinh sống, trút bỏ nước, đậy kín hoặc lật úp các vật chứa để triệt tiêu môi trường sinh sản của muỗi gây bệnh. Mỗi gia đình cần sử dụng bình xịt côn trùng, kem chống muỗi, ngủ mùng thường xuyên để không bị muỗi chích.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Cần làm gì để tránh nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1?
Sự xuất hiện của ổ dịch cúm A/H1N1 trong Bệnh viện Từ Dũ và thông tin về trường hợp nhiễm bệnh tử vong đang gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng. Cúm A/H1N1 lây nhiễm ra sao? Người dân cần làm gì để tránh nguy cơ mắc bệnh?
Chỉ trong thời gian rất ngắn, tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM liên tục tiếp nhận những ca bệnh cúm A/H1N1. Sau ổ dịch khiến 28 người mắc tại Bệnh viện Từ Dũ, mới đây Trung tâm Y tế Dự phòng xác nhận đã có 1 trường hợp tử vong và 1 trường hợp đang điều trị trong tình trạng nặng.
Cúm A/H1N1 đã được xem như dạng cúm mùa, tuy nhiên sự chủ quan, lơ là với những biểu hiện bất thường của sức khỏe từ phía người dân đã tạo điều kiện cho bệnh lây lan.
Thông tin chuyên môn từ BS Lê Hồng Nga, khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho hay: Bệnh cúm A/H1N1 (hay còn gọi cúm mùa) là bệnh truyền nhiễm do vi rút H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh.
Cúm A/H1N1 có tốc độ lây lan nhanh, cộng đồng cần nâng cao ý thức phòng bệnh
Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp khi bàn tay tiếp xúc với một số đồ vật, bề mặt bị dính chất dịch có chứa vi rút sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng...
Cúm A/H1N1 rất dễ lây lan ở những nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, nhà trọ,... Người bệnh mắc cúm thường có dấu hiệu: Sốt cao trên 380C; ho; đau họng; mệt mỏi; sổ mũi; đau nhức đầu; đau cơ,... Những ca bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày, không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, những ca bệnh diễn tiến nặng như sốt cao, tức ngực, khó thở, tím tái, lừ đừ... có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Cúm A/H1N1 có thể tấn công mọi đối tượng ở những nhóm tuổi khác nhau. Tuy nhiên, lứa tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi. Những đối tượng khác như: Phụ nữ mang thai; người mắc các bệnh mạn tính bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, béo phì, ung thư, HIV/AIDS hay các hội chứng suy giảm miễn dịch khác... thuộc nhóm nguy cơ cao.
Để tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo người mắc bệnh cúm cần nghỉ ở nhà, không đi học, đi làm trong vòng 7 ngày sau khởi phát vì đây là khoảng thời gian vi rút Cúm đào thải ra môi trường. Không nên đi đến những nơi tập trung đông người, trừ trường hợp bất khả kháng thì phải mang khẩu trang che kín miệng và mũi, cần thay khẩu trang ngay khi bị ướt. Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.
Người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể; sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, không tự ý sử dụng thuốc kháng vi rút; theo dõi sát các biểu hiện của bệnh và đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nặng.
Để tránh nguy cơ mắc bệnh cúm mọi người cần chủ động các phương án dự phòng: Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; giữ nhà cửa sạch sẽ thông thoáng; tăng cường sức khỏe bằng vận động và nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung rau củ và vitamin C trong chế độ ăn uống; tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Hòa Bình Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình cho biết, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 60 ca nhiễm sốt xuất huyết. 8/11 huyện và thành phố của tỉnh có người bị nhiễm sốt xuất huyết. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình, địa bàn có nhiều người bị nhiễm bệnh nhất là huyện...