TP.Biên Hòa: Tái lập diện mạo, mỹ quan đô thị
UBND TP.Biên Hòa vừa làm việc với 30 phường, xã; các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt về giải pháp tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nhằm lập lại trật tự mỹ quan đô thị.
Tổ Kiểm tra liên ngành TP.Biên Hòa ra quân xử lý các trường hợp để rác thải, xả nước thải không đúng nơi quy định. Ảnh:B. Mai
Tính đến tháng 9-2020, TP.Biên Hòa là một trong 2 địa phương cấp huyện chưa hoàn thành chỉ tiêu thu gom 100% rác thải sinh hoạt để xử lý theo quy định của tỉnh.
* Chưa đảm bảo tỷ lệ thu gom
Theo Phòng TN-MT TP.Biên Hòa, trung bình mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 700 tấn rác thải sinh hoạt. Gần 100% lượng rác thải được thu gom đưa về 2 khu xử lý rác ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) và Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Có hơn 205/215 ngàn hộ dân đăng ký thu gom rác thải, đạt tỷ lệ 95%. Tuy nhiên, số liệu của Công ty CP Môi trường Sonadezi cho thấy, khối lượng rác phát sinh khoảng 800 tấn/ngày và chỉ khoảng 115 ngàn hộ có biên lai thu tiền rác, tỷ lệ hơn 53% số hộ.
Là một trong 4 phường tiên phong thí điểm thu gom và phân loại rác tại nguồn từ năm 2008, nhưng hiện tại, P.Trung Dũng còn nhiều điểm phát sinh rác thải làm mất mỹ quan cho phường và thành phố. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND P.Trung Dũng cho biết, trước đây trên đường Nguyễn Ái Quốc được bố trí các thùng rác lớn để người dân bỏ rác. Nhưng hiện tại các thùng rác đã bị hư hỏng, người dân, người vãng lai để rác ở gốc cây, nắp cống ngay trên trục đường trung tâm của thành phố.
Phường Bửu Hòa cũng là địa bàn có nhiều điểm phát sinh rác thải. Theo lãnh đạo phường, tại đường Nguyễn Thị Tồn, đặc biệt là khu vực cổng sau Công ty TNHH Pouchen Việt Nam thường xuyên có 2-3 điểm phát sinh rác thải. Nguyên nhân là do nhiều công nhân tiện đường đi làm vứt rác ra đường, tiểu thương buôn bán xong xả rác. Có khi 2-3 ngày mới có người thu gom, dẫn đến rác nhiều, bốc mùi hôi thối. Lãnh đạo P.Bửu Hòa kiến nghị thành phố gắn camera để giám sát các “điểm đen” về rác thải.
Video đang HOT
Mặc dù có tỷ lệ hộ gia đình đăng ký thu gom rác khá cao, nhưng P.Thanh Bình vẫn có điểm phát sinh rác thải. Ông Đỗ Minh Phước, Phó chủ tịch UBND P.Thanh Bình cho rằng, giờ thu gom rác không cố định; xe thu gom rác không đảm bảo, làm rơi vãi rác, rò rỉ nước ra đường; thiếu điểm tập kết các loại chất thải khổ lớn như: giường, tủ, nệm; cây xanh, xà bần là những tồn đọng trong việc thu gom, xử lý điểm phát sinh rác ở khu dân cư.
Lãnh đạo các địa phương cũng cho rằng, việc xử lý các hành vi không đăng ký thu gom rác, bỏ rác không đúng nơi quy định, bỏ trộm rác thải ra môi trường hiện nay gặp nhiều khó khăn, chưa đủ sức răn đe.
* Quyết liệt hơn với rác thải
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, các phường, xã đã nỗ lực để xử lý rác thải nhưng cách làm chưa hiệu quả, tỷ lệ thu gom rác chưa đạt, các điểm phát sinh rác thải còn nhiều gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo các xã, phường phải quyết liệt hơn nữa trong “cuộc chiến” rác thải.
Điểm phát sinh rác thải trên đường Nguyễn Ái Quốc, P.Trung Dũng
Theo đó, địa phương phải làm việc với các đơn vị thầu thu gom chuẩn hóa phương tiện, yêu cầu thông báo lịch trình thu gom cho người dân bỏ rác ra đường đúng ngày, đúng giờ. Tổ quản lý môi trường ở 30 phường, xã ra quân kiểm tra, xử phạt các trường hợp vứt rác, đổ trộm rác ra môi trường. Yêu cầu đơn vị xử lý rác cung cấp danh sách hộ đăng ký để các phường, xã có kế hoạch vận động hộ chưa đăng ký; làm việc lại với đơn vị thu gom chốt thời gian, tần suất thu gom rác. Đối với các loại rác khổ lớn, xe ba gác không chở, phải có đội ngũ, phương tiện thu gom riêng. “Công ty không khoán trắng thu gom cho cộng tác viên mà phải giám sát, theo dõi thường xuyên và có trách nhiệm với thành phố trong xử lý rác thải” – Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo TP.Biên Hòa, từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, thành phố duy trì 2 tổ công tác liên ngành do Đội Quản lý trật tự đô thị và Công an thành phố làm tổ trưởng ra quân kiểm tra lập biên bản xử phạt các hành vi lấn chiếm lòng lề đường; bỏ rác không đúng nơi, đúng chỗ, xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tổ quản lý môi trường tại 30 xã, phường tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt các hành vi làm mất mỹ quan đô thị. Các địa phương chỉ đạo cho các đoàn thể tăng cường dọn dẹp vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương và trồng cây xanh.
Bà Quách Ngọc Bửu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi cho biết, đơn vị đã phổ biến cho các cộng tác viên về chính sách vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh để chuẩn hóa phương tiện. Ngoài ra, công ty đang thí điểm thay đổi phương tiện thu gom rác từ hộ gia đình đến điểm tiếp rác. Đó là trang bị thùng rác có bánh xe để kéo từ hẻm ra ngoài đường mà không làm rơi vãi hoặc rỉ nước.
Trưởng phòng TN-MT TP.Biên Hòa Nguyễn Tấn Vinh cho rằng, để thu gom, xử lý các điểm phát sinh rác thải đạt hiệu quả các địa phương phải vận động 100% hộ đăng ký thu gom rác vì còn hộ không đăng ký sẽ còn phát sinh rác thải ra đường; bố trí các thùng rác chuyên dụng ở các công viên, trục đường chính nội ô; các phường, xã có trách nhiệm xử lý, theo dõi các điểm thường xuyên phát sinh rác thải.
Gỡ vướng cho khu xử lý chất thải ở xã Bàu Cạn
Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại tại xã Bàu Cạn, H.Long Thành (Khu xử lý (KXL) chất thải ở xã Bàu Cạn) do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long làm chủ đầu tư đã ngưng tiếp nhận và xử lý rác sinh hoạt từ tháng 1-2020.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát Khu xử lý chất thải xã Bàu Cạn năm 2019. Ảnh: L.An
Nguyên nhân là do KXL này chưa đảm bảo điều kiện về môi trường và giảm tỷ lệ chôn lấp rác theo yêu cầu của tỉnh. Hiện tại KXL này đang tồn tại nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
* Còn nhiều vướng mắc
Dự án KXL chất thải ở xã Bàu Cạn là dự án thuộc danh mục ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ. Dự án được cấp phép đầu tư tháng 4-2012, quy mô diện tích hơn 94ha, vốn đầu tư gần 295 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Sau điều chỉnh, dự án còn quy mô hơn 31ha, vốn đầu tư hơn 393 tỷ đồng và công suất xử lý 700 tấn chất thải/ngày.
Theo cam kết của chủ đầu tư, toàn bộ chất thải (sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại) đưa về KXL sẽ chuyển hóa thành nhiệt, điện, nguyên liệu, phân bón nhờ công nghệ xử lý hiện đại và tiên tiến. Tuy nhiên, thực tế, quá trình hoạt động DN này chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về môi trường và yêu cầu của tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, năm 2015, dự án hoàn thành giai đoạn 1 đúng tiến độ và được Tổng cục Môi trường cấp phép tiếp nhận rác sinh hoạt, rác công nghiệp thông thường, rác tồn lưu và rác nguy hại về xử lý. Quá trình hoạt động từ năm 2015 đến nay, KXL để xảy ra nhiều tồn tại. Chẳng hạn như DN xây dựng thêm một số hạng mục, công trình nằm ngoài quy hoạch chi tiết được duyệt; về môi trường, DN có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có thực hiện quan trắc nhưng còn để rác ở ngoài trời, không có che chắn, không phun hóa chất khử mùi gây mùi hôi và nước rỉ rác thải tràn ra ngoài phạm vi KXL. Ngoài ra, DN chưa có biện pháp phòng ngừa sự cố hóa chất; chưa thực hiện nghĩa vụ khắc khục môi trường, trồng rừng thay thế.
Bộ TN-MT đã ban hành quyết định về xử phạt vi phạm hành chính và kinh phí giám định mẫu chất thải tổng cộng gần 600 triệu đồng nhưng đến tháng 6-2020 DN chưa thực hiện nghĩa vụ.
Đại diện Sở TN-MT cho biết thêm, đến cuối năm 2019, KXL chất thải ở xã Bàu Cạn thực hiện thu gom, xử lý, tái chế trung bình 286 tấn chất thải công nghiệp thông thường/ngày; thu gom xử lý gần 5 tấn chất thải nguy hại/ngày; thu gom khoảng 200 tấn rác sinh hoạt/ngày (ở 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch). Rác thải công nghiệp và sinh hoạt cơ bản được phân loại xử lý, tuy nhiên, 100% rác thải sinh hoạt thu gom về chôn lấp, không đúng với cam kết của DN và không đảm bảo yêu cầu của tỉnh là giảm chôn lấp xuống dưới 15%. Trên cơ sở đó, tỉnh yêu cầu và DN đã ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt từ tháng 1-2020. Các loại chất thải khác DN vẫn tiếp nhận bình thường nhưng chủ yếu tiếp nhận rác ngoài tỉnh về xử lý. Điều này bất hợp lý vì KXL rác nằm trên địa bàn tỉnh lại không tiếp nhận và xử lý rác của tỉnh.
* Tìm phương án phù hợp
Trên thực tế, việc quy hoạch một KXL chất thải trên địa bàn mỗi huyện là cần thiết để xử lý triệt để nguồn chất thải tại chỗ, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường thứ phát trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, hiện tại KXL chất thải ở xã Bàu Cạn đã ngưng hoàn toàn tiếp nhận rác sinh hoạt ở 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch, gây khó khăn cho một số địa phương.
Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho rằng, việc ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt tại KXL ở xã Bàu Cạn khiến rác thải sinh hoạt của huyện phải chuyển đến Nhà máy xử lý rác thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Quãng đường vận chuyển xa hơn, chi phí xử lý rác cao hơn và địa phương khó kiểm tra, giám sát việc xử lý chất thải sau khi về nhà máy.
Liên quan đến vấn đề môi trường, ông Trương Công Niễm, Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn (H.Long Thành) cho rằng, người dân ở ý kiến là trên địa bàn xã có 2 khu xử lý rác quy mô, hằng ngày có hàng trăm tấn rác thải các loại được vận chuyển về đây xử lý nhưng rác sinh hoạt của bà con lại phải đưa đi xử lý ở nơi khác; KXL rác thải ở xã Bàu Cạn từ khi ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt đã bớt mùi hôi, nhưng vẫn còn rác thải rơi vãi ra đường trong quá trình vận chuyển.
"Xã Bàu Cạn hiện tại có gần 20 ngàn dân, nhưng trong 5-10 năm tới, có thể tăng lên 50 ngàn dân. Nhiều khu đô thị, khu thương mại, khu dân cư trung và cao cấp hình thành ven sân bay Long Thành mà để 2 bãi rác như vậy có hợp lý? Đó là chưa kể nguy cơ ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận chuyển rác" - ông Niễm đặt vấn đề.
Tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, phải rà soát, đánh giá lại tổng thể quy hoạch, tiến độ xây dựng; công nghệ xử lý; nhu cầu sử dụng đất; việc tuân thủ các điều kiện về môi trường của KXL. Cần thiết phải kiến nghị điều chỉnh quy hoạch KXL cho phù hợp với thực tế phát triển vùng phụ cận sân bay và mục tiêu giảm chôn lấp rác thải tại các KXL chất thải tập trung của tỉnh. "Các sở, ban, ngành, địa phương phải làm việc nghiêm túc, đề xuất phương án phù hợp để vừa tạo điều kiện cho DN hoạt động vừa đảm bảo phát triển hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường" - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Vì sao Đại lộ Chu Văn An ngập trong rác thải? Dù mới được thông xe chưa lâu, tuy nhiên, Đại lộ Chu Văn An đã biến thành nơi tập kết rác thải gây mất vệ sinh môi trường (VSMT), mỹ quan đô thị. Điều đáng nói, dù tình trạng trên đã tồn tại nhiều tháng nay, các cơ quan chức năng đã nhiều lần có ý kiến với chủ đầu tư dự án,...