TP Kon Tum ngập chìm trong nước
Chiều 25/5, một cơn mưa lớn kéo dài hơn một giờ đồng hồ khiến hầu hết các tuyến phố chính của thành phố Kon Tum đều ngập chìm trong biển nước.
Đường Trần Hưng Đạo nước ngập sâu trên 1m.
Tuyến phố Trần Hưng Đạo đoạn cạnh ngã tư Trần Hưng Đạo – Phan Đình Phùng (thuộc tổ 5 và tổ 8, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum) ngập sâu hơn 1m nước trên cả một đoạn phố dài. Người dân sống hai bên đường phải đem ván, tôn ra ngăn nước tràn vào và ra sức múc nước ngập trong nhà đổ ra ngoài… Nhiều chiếc xe máy bị nước gần như nhấn chìm, chỉ còn thấy nhô lên 2 kính chiếu hậu.
Người dân thành phố bức xúc nói: “Chuyện cứ mưa là ngập nước đã kéo dài hàng chục năm nay, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền thành phố vẫn chưa có biện pháp khắc phục”.
Theo Dân Trí
Video đang HOT
Công trình thoát nước TP HCM chưa sử dụng đã lạc hậu
Nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thủy lợi cho rằng hệ thống thoát nước của thành phố được đầu tư xây dựng hàng ngàn tỷ đồng tuy chưa được đưa vào sử dụng đồng bộ nhưng đã có nguy cơ bị lạc hậu.
Thời gian gần đây, khi những cơn mưa to cộng với triều cường lịch sử, tình trạng ngập lụt tại TP HCM đang diễn biến phức tạp, tăng cả về mực nước và thời gian ngập. Những nguyên nhân được lý giải là do san lấp kênh rạch tràn lan, thi công cẩu thả, tăng dân số... và quan trọng là hệ thống thoát nước đô thị yếu kém, chắp vá quá tải do được xây dựng cách đây hơn 40 năm.
Nắm bắt được vấn đề, năm 2001, thành phố đã vay vốn Ngân hàng Thế giới nhằm cải tạo, làm mới hệ thống thoát nước, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng. Từ đó, hàng loạt dự án thoát nước lớn với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng ra đời như: Vệ sinh môi trường nước TP lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Cải thiện môi trường nước kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ; Nâng cấp đô thị... Qua kiểm tra, Trung tâm điều hành chống ngập thành phố kết luận các dự án đang thực hiện theo kiểu "rùa bò", chưa đem lại hiệu quả dù đã hoàn thành 80% trong khi vốn đầu tư liên tục đội lên.
Dự án "rùa" vẫn tiếp tục hành dân. Ảnh: An Hội
Dù các dự án này chưa hoàn tất, nhưng các chuyên gia lo ngại nó đã lạc hậu, không đáp ứng được hiệu quả. Mỗi khi có mưa lớn, triều cường hoặc kết hợp cả hai là hệ thống thoát nước tại thành phố gần như bị "vô hiệu hóa", ngập lụt diễn ra ở nhiều tuyến đường, gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
PGS - TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn Đô thị học (Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn) nhận định: "Dự án xây dựng cách đây đã 10 năm rồi, khi đó khí hậu không khắc nghiệt như bây giờ. Ví dụ như triều cường lên đỉnh cao lơn, lượng mưa lớn hơn rất nhiều.... Ngoài ra khi đó thành phố dân còn ít, hiện nay dân số toàn thành phố đã tăng lên gần gấp đôi, điều đó đồng nghĩa với việc nước thải sinh hoạt sẽ tăng mà cống nước vẫn không thay đổi".
Cụ thể, Dự án cải thiện môi trường nước do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khảo sát thiết kế, kỳ vọng sẽ chữa trị căn bệnh ngập nước cho thành phố. Nhưng cách tính mực nước ngập của JICA chưa hợp lý. Thiết kế dựa trên đỉnh triều cường cao nhất tại sông Sài Gòn là 1,29 m, có khả năng chịu được lượng mưa tối đa khoảng 90 mm (trong trường hợp hai năm mới xảy ra một lần)... Ở khu vực Tàu Hũ - Kênh Đôi, mực nước ngập khi có triều cường lên đến trên 1,5 m nhưng theo quy hoạch của JICA chỉ có 1,32 m... Đối với việc dự báo biến đổi khí hậu, nước biển dâng hầu như không được đề cập trong dự án.
Hay như Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải rộng trên diện tích 33 km2 sẽ được lắp đặt hệ thống gồm 72 km cống hộp, cống tròn các loại để bổ sung, thay thế cho hệ thống cống hiện hữu và gần 9 km cống bao. Trong đó, tiết diện cống hộp lớn nhất có khả năng "chịu tải" được lượng mưa tối đa khoảng 90 mm với tần suất 50% (tức 2 năm mới xảy ra với lượng mưa như vậy một lần)...
Nhưng liên tiếp từ đầu tháng 10 đã có hàng loạt những cơn mưa lớn có lượng cao nhất tới 124 mm kết hợp với triều cường đã khiến Sài Gòn mênh mông nước, gây ngập tới gần 75 điểm... Trong khi đó, tình hình triều cường đang ngày càng diễn biến phức tạp. Trước năm 1999, đỉnh triều cao nhất trên sông Sài Gòn là 1,36m, năm 2007 là 1,49m, đến 2008 mức đỉnh triều lên tới 1,54m và đến năm nay nước đỉnh đã lên tới 1,56 đạt kỷ lục nhất 51 năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, nước triều cường vẫn tiếp tục tăng những năm tới.
Người dân TP HCM biết bao giờ mới hết khỏ vì ngập. Ảnh: An Hội
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng chống ngập - Trung tâm điều hành chống ngập nước TP HCM cũng xác nhận, hiện nay hệ thống thoát nước của thành phố rơi vào tình trạng lạc hậu nên thường xuyên bị quá tải, nhất là vào thời điểm triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ngập nặng.
Cũng theo ông Long, dự án xây dựng cống thoát nước từ năm 2001. Những chiếc cống được lắp đặt vào thời điểm đó chỉ phù hợp với triều cường đỉnh khoảng 1,32m. Còn hiện nay đỉnh triều cường lên tới gần 1,6m và kết hợp mưa lớn nên cống thoát nước không thể vận hành kịp.
Ông Nguyễn Phước Thảo, giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cũng từng nhìn nhận, các dự án lớn đang triển khai được thiết kế trong điều kiện diễn biến khí hậu chưa phức tạp. Thiết kế cống chính có khả năng thoát nước đối với những cơn mưa có lượng khoảng 85 mm với tần suất tràn cống hai hoặc ba năm xuất hiện một lần. Nhưng hiện nay những cơn mưa trên 100 mm xảy ra thường xuyên hơn thì đương nhiên năng lực cống không thể đáp ứng nổi. Vì vậy để giải quyết triệt để ngập trong điều kiện của biến đổi khí hậu chúng ta phải nhượng bộ, tức xây dựng hồ điều tiết để làm giảm gia tăng của hệ số chảy tràn khi có mưa lớn.
"Thành phố không thể liên tục đào cống lên rồi đặt xuống, chỉ có gần 3 năm lô cốt mà người dân đã khổ rồi. Biết là đã lạc hậu rồi nhưng vẫn phải làm cho xong, cho đồng bộ vì dự án cũng đã phê duyệt rồi? Mà khi làm xong cũng không thể giải quyết được thoát nước, người dân phẫn phải chấp nhận cảnh ngập lụt", tiến sĩ Hòa nói.
An Hội
Theo VnExpress