TP. Hồ Chí Minh xây thêm 28 nhà vệ sinh hạng “sao”
Các nhà vệ sinh này sẽ được xây dựng tại quận 1, TP HCM với tính thẩm mỹ cao, phù hợp mỹ quan đô thị, văn minh, hiện đại.
Xuất phát từ nhược điểm của 28 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) hiện có trên địa bàn, UBND quận 1, TP HCM đã tổ chức cuộc thi thiết kế NVSCC để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan du lịch.
Trân trọng môi trường cộng đồng
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết 28 NVSCC trên địa bàn đã cũ kỹ, trang thiết bị xuống cấp và thiết kế cũng không còn phù hợp với cảnh quan đô thị.
“Vì vậy, tiêu chí cuộc thi là các thiết kế kiến trúc đạt tính thẩm mỹ cao, khả thi khi sử dụng thực tế, đưa ra thông điệp trân trọng môi trường chung sống của cộng đồng, những giá trị văn hóa – truyền thống và phù hợp mỹ quan đô thị văn minh hiện đại” – ông Hiếu nói.
Thiết kế đạt giải nhất bảng A chủ đề “Nhà vệ sinh trong công viên” của thí sinh Bùi Văn Thái. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp).
Thay vì chủ động lựa chọn một vài kiểu nào đó như nhiều nơi từng làm, UBND quận 1 đã tổ chức hẳn một cuộc thi. Theo ông Hiếu, quận muốn tuyên truyền đến người dân về một chủ trương gắn liền với họ cũng như tạo sự hưởng ứng trong cộng đồng và giới trẻ. Bên cạnh đó, việc tổ chức cuộc thi rộng rãi sẽ thu hút trí tuệ của nhiều người, từ đó cho ra một sản phẩm mang tính cộng đồng cao, ai cũng có thể sử dụng.
Tiện dụng và hiện đại
Tổ chức từ ngày 12-10 đến 30-12-2014, cuộc thi đã thu hút 139 tác phẩm tham gia. Qua tuyển chọn, có 15 tác phẩm xuất sắc vào vòng 2. Kết quả: thí sinh Bùi Văn Thái nhất bảng A với chủ đề “Nhà vệ sinh trong công viên”, nhóm thí sinh Trần Đăng Quang nhất bảng B với chủ đề “Nhà vệ sinh trên vỉa hè tại giao lộ các tuyến đường”, nhất bảng C với chủ đề “Nhà vệ sinh trên vỉa hè bên hông các tuyến đường” là nhóm thí sinh Võ Tấn Đạt.
Video đang HOT
Các thí sinh đều nhìn nhận cuộc thi được tổ chức nghiêm túc và chu đáo. Giám khảo là những người có uy tín trong ngành thiết kế như Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Khương Văn Mười, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP HCM Phạm Tứ…
Kiến trúc sư Võ Tấn Đạt cho biết khi anh đăng ký tham gia cuộc thi, nhiều bạn bè ái ngại vì cho rằng “thi gì không thi lại đi thi thiết kế nhà vệ sinh”. “Tôi thấy công trình nhỏ mà mình thiết kế không xong thì sao làm được công trình lớn. Hơn nữa, nhà vệ sinh cũng là một phần quan trọng của bộ mặt đô thị. Nếu chúng không tiện dụng, sạch sẽ thì nói gì đến chuyện vui chơi, giải trí và du lịch” – anh Đạt bày tỏ.
Theo kiến trúc sư này, ưu điểm lớn nhất trong thiết kế của nhóm anh là phù hợp cho mọi đối tượng sử dụng, kể cả người khuyết tật và có khay thay tã cho em bé dưới 2 tuổi. Khay này gắn âm tường, trong quá trình sử dụng sẽ bật ra và có móc treo tư trang, giỏ xách rất phù hợp cho phụ nữ có con nhỏ. “Mục tiêu của chúng tôi là làm ra một mẫu thiết kế mới thay thế những nhà vệ sinh composite đã không còn phù hợp về công năng và mỹ quan. Mẫu sẽ được sản xuất theo dạng module với đầy đủ chức năng để vận hành độc lập hoặc ghép nối khi muốn gia tăng nhu cầu phục vụ khách. Mỗi module có kích thước nhỏ gọn nhất nhưng người khuyết tật vẫn sử dụng được. Các thiết bị tự động hóa – tiết kiệm năng lượng và công nghệ xử lý nước thải tiên tiến” – anh Đạt tiết lộ.
Theo kiến trúc sư Bùi Văn Thái, khi nhận thấy đa số NVSCC không còn phù hợp, anh luôn thắc mắc: Tại sao chính quyền không tổ chức cuộc thi thiết kế NVSCC? Do đó, khi UBND quận 1 tổ chức cuộc thi thiết kế NVSCC, anh tham gia ngay. “Công trình càng nhỏ thì tinh túy thiết kế càng cao” – anh Thái nhận định. Ngoài yếu tố sử dụng cho mọi đối tượng, thiết kế NVSCC của kiến trúc sư Bùi Văn Thái giống như một chậu cây, hài hòa với không gian công viên.
UBND quận 1 đang chuẩn bị thi công các thiết kế đoạt giải. Để có kinh phí, quận đã thực hiện xã hội hóa và tìm kiếm nhà tài trợ. Chính từ yếu tố trên nên các thiết kế NVSCC đều bố trí một phần diện tích hợp lý, hài hòa để nhà tài trợ quảng cáo.
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi cho thí sinh, tất cả thiết kế đoạt giải đều được quận 1 đăng ký sở hữu trí tuệ. Sau này, các địa phương khác có nhu cầu sử dụng những thiết kế ấy thì phải trả tiền cho người đoạt giải.
Thu phí nhưng với mức thấp
Ông Lê Trương Hải Hiếu cho biết NVSCC vẫn cần người trông coi nên khi đưa vào sử dụng sẽ thu phí với mức thấp.
Mặt khác, 28 NVSCC mới sẽ có không gian cho dịch vụ bán quà lưu niệm, hoa, sách báo, thẻ điện thoại… để phục vụ người dân và du khách.
Theo Người Lao Động
TP.HCM: Thu phí đường bộ với xe mô tô từ 1.1.2015
100% đại biểu tham gia kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM đồng thuận việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn từ ngày 1.1.2015.
Đó là nội dung chính của kỳ họp thứ 17 (kỳ họp bất thường) của HĐND TP.HCM (khóa VIII) tổ chức ngày 30.12.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: "Việc thu phí sẽ giao cho UBND cấp phường, xã, thị trấn, giống như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Nếu giao cấp này thu sẽ không phát sinh tăng biên chế, đồng thời cũng phù hợp tình hình thực tiễn quản lý của địa phương hiện nay".
Phạt đến 50 triệu đồng với hành vi trốn phí
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, đối tượng thu phí là các phương tiện xe máy bao gồm xe máy 2 bánh, xe gắn máy (không kể xe máy điện) có đăng ký biển số xe tại TP.HCM hoặc xe đăng ký biển số xe tại địa phương khác nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại TP.HCM. Việc kê khai, nộp phí bắt đầu từ 1.1.2015 và không truy thu phí phải nộp trong 2 năm 2013, 2014 theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Cụ thể mức thu phí là 50.000 đồng/năm đối với loại xe có dung tích xylanh đến 100 cm3; 100.000 đồng/năm đối với loại xe trên 100 cm3 - 175 cm3; 150.000 đồng/năm đối với loại xe trên 175 cm3.
100% đại biểu tham gia kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM đồng thuận việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn từ ngày 1.1.2015.
Chủ sở hữu xe máy sẽ được phát phiếu thu phí theo mẫu, người dân đến UBND cấp phường, xã, thị trấn nộp hoặc UBND cử nhân viên đến nhà dân phát phiếu và thu tiền. Tỷ lệ số phí thu được trích lại cho phường, thị trấn là 10%, xã là 20% để trang trải chi phí tổ chức thu. Số còn lại chuyển về UBND quận, huyện chi cho công tác bảo trì đường bộ ở địa phương.
Việc chế tài đối với những người không nộp, trốn nộp sẽ bị xem xét xử phạt theo Điều 6, Thông tư 186 của Bộ Tài chính. Đơn vị có thẩm quyền xử phạt là UBND cấp xã, phường, thị trấn và cơ quan thuế địa phương. Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí. Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định; mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng.
Về chủ trương chế tài của thành phố, Đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng: "Các tỉnh, thành khác cũng chưa phạt thì sao thành phố đã phạt. Ngoài ra, thanh tra giao thông có được kiểm tra người dân nộp phí hay không cũng phải làm rõ. Tôi đề nghị thành phố giao thanh tra giao thông kiểm tra đột xuất đối với việc nộp phí xe máy".
Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Thắng tỏ ra lo lắng: "Thực tế những trường hợp không nộp phần nhiều rơi vào người có thu nhập thấp, nếu đưa ra mức chế tài phạt gấp 3 lần hoặc lên tới 50 triệu đồng thì cũng khó khăn cho người dân".
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Cường, đề nghị: "Chúng ta chỉ nên quy định mức phí 50 ngàn đồng đối với xe dưới 100cc và 100 ngàn đồng cho các xe máy còn lại".
Dù còn nhiều ý kiến phân vân về khoản phí này, tuy nhiên HĐND TP.HCM vẫn thông qua nghị quyết với 100% đại biểu tán thành. Theo đó, mức phí và các biện pháp chế tài được các đại biểu đồng ý thông qua các tờ trình của UBND TP.HCM.
Sẽ kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo nguồn thu
Vấn đề cơ quan nào được giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt nếu người dân không nộp phí sử dụng đường bộ cũng được thảo luận sôi nổi.
Đại biểu Ngô Minh Châu, ý kiến: "Thành phố phải quy định cụ thể thẩm quyền đối với đơn vị được giao vì hiện tại ai được kiểm tra chưa rõ. Nếu giao công an kiểm tra thì người dân đã phải trình giấy đăng ký xe, bảo hiểm xe, bằng lái, nếu giao kiểm tra cái này nữa là thêm việc mà pháp luật cũng không quy định. Ngoài ra cũng cần quy định thời gian kiểm tra để tránh gây trở ngại cho người dân. Cần có đợt kiểm tra đồng loạt, kiểm tra xong có xử phạt liền không cũng phải làm rõ".
Về ý kiến này của các đại biểu, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đồng tình: "Nếu viện dẫn theo quy định của pháp luật, chủ xe chỉ bị buộc xuất trình giấy tờ về biên lai thu phí xe, nhưng không buộc dân phải mang theo. Vì vậy nếu giao thanh tra kiểm tra, xử lý mà pháp luật không quy định mang theo thì làm sao xử lý? Pháp luật cũng không giao CSGT thì xử lý thế nào? Giao thanh tra giao thông và CSGT kiểm tra trên đường là không khả thi".
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND thành phố thì cho rằng: "Nếu giao phường, xã thì quận, huyện phải quan tâm thường xuyên chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ để quản lý cho tốt nguồn thu này. Phí thu từ người dân, tiền phí phần lớn sẽ đầu tư xây dựng, cải tạo, tu bổ hệ thống đường xá tại địa phương là phục vụ lại cho người dân. Khi hội đồng quyết định rồi thì phải tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân để chính sách thu phí đạt được hiệu quả cao nhất".
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Trương Hải Hiếu, đề nghị: "Dữ liệu xe máy do cảnh sát giao thông quận, huyện quản lý. Nếu giao phường, xã thu thì công an quận, huyện phải chia sẻ dữ liệu về cho phường, xã để thu đúng, thu đủ. Chúng ta nên xây dựng biên lai thu phí giống như cái tem, để khi đóng phí người dân cất giữ tiện dụng. Nên chăng chúng ta quản lý thu phí xe máy đối với việc quản lý xe chính chủ, nếu anh sang tên xe, chủ cũ chưa đóng thì chủ mới phải đóng".
Theo Thu Hồng- Phan Anh (Người lao động)
Thanh niên ngồi chết trong nhà vệ sinh công cộng Thấy thanh niên vào nhà vệ sinh cả giờ không ra ngoài, mọi người tới phá cửa kiểm tra thì phát hiện anh này đã tử vong. Lúc 13h30 ngày 1/12, người dân phát hiện thanh niên tử vong trong nhà vệ sinh công cộng cạnh bờ hồ Vĩnh Trung (đường Hàm Nghi, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Nạn nhân được xác định...