TP Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ đưa hàng trăm người dân về quê
Ngày 26/10, tại Bến xe Miền Tây, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố, tổ chức đưa hàng trăm người dân gặp khó khăn về 6 tỉnh miền Tây và Tây Nguyên.
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (quê Tiền Giang) chia sẻ: “Mấy tháng qua, gia đình tôi không có việc làm, trong khi phải nuôi con nhỏ 7 tháng tuổi, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đăng ký về quê và dự tính qua Tết mới lên lại TP Hồ Chí Minh để kiếm việc làm”.
Người dân tập trung tại bến xe miền Tây để về quê.
Kiểm tra danh sách người dân đăng ký về quê.
Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc để về quê.
Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong sáng nay, có khoảng 200 người dân ở 6 tỉnh miền Tây gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau được đưa về quê. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh chuẩn bị các phần quà gồm sữa, bánh ngọt, xúc xích, nước… để tặng người dân. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ thêm cho mỗi người một túi lương khô ăn trên đường”.
Người dân trong diện được hỗ trợ đưa về quê là người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai…
Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (quê Tiền Giang) được hỗ trợ đưa về quê.
Cũng theo thượng tá Nguyễn Thanh Phong, trong chiều cùng ngày, tại bến xe miền Tây sẽ tổ chức đưa 85 người về Gia Lai. Tiếp đó, trong ngày 27/10, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với các Sở ngành tổ chức đưa 380 người về các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng, Kon Tum.
Lực lượng Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh hỗ trợ thêm cho mỗi người dân một túi lương khô để ăn trên đường về quê.
Xúc động hành trình người thiếu tá nhận đỡ đầu 3 con mồ côi mẹ do Covid-19
Khi cùng đồng đội trao tro cốt người mất do Covid-19 ở TP Thủ Đức, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên ngỡ ngàng thấy chỉ có cháu bé 4 tuổi ra nhận tro cốt của người mẹ, anh đã xin nhận làm cha đỡ đầu cho bé.
"Lặng lẽ nhìn vào trong nhà trọ, tôi thầm mong có một người lớn ra nhận tro cốt, nhưng sau một thời gian đợi chờ vẫn không có ai ngoài cháu bé chỉ khoảng 3-4 tuổi. Nước mắt tôi như chực chờ sẵn để tuôn trào. Càng nghĩ, lòng tôi càng đau nhói trước những mất mát đau thương do đại dịch gây ra", thiếu tá Nguyễn Trung Kiên nhớ lại.
Anh Kiên cho biết, bé tên Phạm Thị Ngọc Châu, 4 tuổi, sống tại khu xóm trọ ở phường Tâm Phú, TP Thủ Đức, TPHCM. Bé Châu cũng là F0, trước đó nhập viện điều trị cùng mẹ. Sau khi khỏi bệnh, Châu được về nhà cách ly, còn mẹ phải ở lại để tiếp tục điều trị, nhưng điều đáng buồn đã xảy ra khi chị đã không qua khỏi.
Hành trình người thiếu tá nhận 3 con nuôi mồ côi mẹ do Covid-19
Tìm hiểu gia cảnh, anh Kiên biết được cha bé Châu đã bỏ đi khi cháu vừa chào đời. Người mẹ một mình làm tất cả mọi việc có thể làm được như phụ hồ, nhặt ve chai, ai kêu gì làm đó,... để nuôi con.
Ở một mình trong nhà trọ, hàng ngày bé Châu được bà con xung quanh cưu mang cơm cháo qua ngày. Trước hoàn cảnh quá xót xa, anh Kiên xin ý kiến từ Ban chỉ huy, đưa bé Châu vào khu cách ly của phường và đưa tro cốt của người mẹ trở về đơn vị để thờ cúng. Sau nhiều ngày suy tư, thống nhất cùng với vợ, anh chị đưa ra quyết định, dù khó khăn cỡ nào đi nữa cũng phải nhận đỡ đầu cho bé Châu. Vì đó sẽ là niềm động viên an ủi lớn nhất dành cho bé sau khi mẹ qua đời.
Việc đầu tiên trong vai trò cha đỡ đầu của anh là hành trình tìm người thân cho con. Qua mọi kênh liên lạc, anh tìm được người cô ruột (áo đỏ) của Châu đang sống ở Vũng Tàu.
Chia sẻ về việc để bé Châu sống cùng người cô ở Vũng Tàu, anh Kiên lý giải: "Tình thân máu mủ vẫn là điều quý nhất, để cháu sống với người thân khi lớn lên cháu sẽ vẫn giữ được mối liên kết với dòng tộc, cội nguồn".
Qua trao đổi với người cô của bé Châu, anh Kiên biết được Châu vẫn còn có anh, chị đang sống với bà Ngoại ở quận 4. Trở về thành phố, thời gian này vẫn đang lúc cao điểm dịch bệnh nên việc tìm được nhà ngoại của Châu phải mất đến một tuần.
Anh trai của Châu tên Đình Huy, 10 tuổi, còn chị tên Bảo Ngọc 8 tuổi, sống cùng bà ngoại 87 tuổi trong căn nhà khoảng 20 m2 tại phường 8, quận 4, TPHCM. Bước vào căn nhỏ ảm đạm, bên ngoài và cả trong góc phòng là những chiếc thau nhựa cũ kỹ dùng để hứng nước mưa. Xung quanh căn phòng là những tấm ván ép cũ kỹ đã bong tróc. Vật dụng trong nhà hầu như không có gì giá trị.
Trước hoàn cảnh nghèo nàn của nhà ngoại bé Châu, anh Kiên thầm nghĩ, đã không giúp thì thôi, còn giúp thì phải giúp cho trót, anh quyết định nhận đỡ đầu cho cả Đình Huy và Bảo ngọc để tiện hỗ trợ cho các cháu, nhất là trong chuyện học tập.
Mới đây, anh Kiên có cho xem những tấm ảnh anh chụp Huy và Ngọc được lưu trong điện thoại, nhìn gương mặt rạng rỡ của các cháu khi nhận được những bộ đồ mới, tập vở mới và cả điện thoại mới để học online, tôi cảm nhận dường như những ám ảnh của quá khứ đã đi vào dĩ vãng.
Giờ đây vẫn căn nhà nhỏ ấy, nhưng không khí có phần ấm cúng, tươi vui hơn. Những tiếng trò chuyện ríu rít: "Ba Kiên ơi con không vào được wi-fi. Ba Kiên ơi ..., Ba Kiên ơi ..." nghe sao mà thân thương thế.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, trợ lý quân khí, Bí thư Đoàn cơ sở quân sự TP Thủ Đức, Bộ tư lệnh TPHCM có thành tích 3 năm liền là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong thời gian qua, anh cùng đồng đội, tham gia vào nhiều nhiệm vụ chống dịch như trực chốt, khử khuẩn khu cách ly, các hẻm nhà trọ có F0, đưa tro cốt người dân mất vì Covid-19 về với gia đình...
Hằng năm, anh luôn có nhiều sáng kiến cải tiến được Bộ Tư lệnh Thành phố và Quân khu công nhận.
Từ năm 2016 đến nay, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên có khoảng 20 sáng kiến, cải tiến dự hội thi cấp thành phố và quân khu. Một số sáng kiến nổi bật như: "Giá bắn đa năng và Ba lô thông tin" được công nhận cấp Bộ Tư lệnh Thành phố; Mô hình chống bão được đề nghị nhân rộng cấp Quân khu năm 2018; Sáng kiến "Đôi tay chiến sĩ Robot diệt Covid-19" năm 2020 đạt giải nhất cấp Thành phố và giải B cấp Quân khu 7.
Trong buổi lễ tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình trong phòng chống dịch Covid-19 của Lực lượng Vũ trang TPHCM, thiếu tướng Phan Văn Xựng cảm thán: "Những năm tháng rồi cũng qua đi, những cam go khốc liệt, những đau thương do đại dịch Covid-19 rồi cũng sẽ dịu dần. Nhưng tình người thì vẫn còn mãi, hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ và "Người chiến sĩ sao vuông" luôn tận tâm, tận tình, trách nhiệm, sát cánh cùng các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch sẽ còn in sâu đậm trong lòng nhân dân Thành phố".
Hà Nội: Hơn 3,1 triệu người bị ảnh hưởng COVID-19 được hỗ trợ Ngày 15/10, thông tin về thực hiện các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do COVID-19 của Chính phủ của TP Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, toàn thành phố đã phê duyệt, hỗ trợ 1.641 tỷ đồng cho 3.127.065 người, hộ dân gặp khó...