TP Hồ Chí Minh nỗ lực đưa tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân khó khăn
Trong những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các cán bộ cơ sở, chính quyền địa phương của thành phố không quản ngại khó khăn, ngày đêm nỗ lực đến từng nhà người nghèo, lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 để bàn giao tiền hỗ trợ.
Người dân vui mừng khi nhận được thực phẩm hỗ trợ. Ảnh minh họa: Hồng Giang/TTXVN.
Đây là những đối tượng khó khăn, được Thành phố hỗ trợ theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ấm lòng giữa mùa dịch
Dịch COVID-19 kéo dài khiến cuộc sống mưu sinh của người nghèo, người lao động tự do, nhất là người ngoài tỉnh càng thêm khó khăn vất vả. Vì thế, khi nhận khoản tiền hỗ trợ theo quy định của thành phố, không ít người mừng rơi nước mắt.
Ông Nguyễn Văn Út đã gần 70 tuổi, chạy xe ôm sống tại huyện Bình Chánh cho biết: Dịch bệnh phức tạp, thêm phần lớn tuổi nên hơn tháng nay, ông không đi làm được, khiến cả gia đình càng thêm khó khăn, túng thiếu. “Gia đình vừa nhận được 1,5 triệu đồng hỗ trợ từ địa phương. Số tiền này có ý nghĩa rất lớn, như chiếc phao giúp gia đình tôi vượt qua lúc khó khăn này”, ông Bảy rơm rớm nước mắt chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, bà Lê Thị Gòn đã hơn 60 tuổi, bán vé số dạo ở Quận 3, không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc khi nhận được số tiền hỗ trợ, bằng cả tháng đội nắng, dầm mưa đi bán vé số. Bà Gòn cho biết, bán vé số dạo kiếm tiền chỉ đủ chi tiêu mỗi ngày, không dư giả để dành. Dịch bệnh xuất hiện, đến đầu tháng 7, bà phải nghỉ ở nhà, không đi làm được.
“Những ngày qua, tiền ăn, tiền trọ… khiến tôi cùng nhiều người bán vé số ở đây vất vả, lao đao. Nay có tiền hỗ trợ từ chính quyền cộng thêm nhiều người cho gạo, mắm… chúng tôi mừng lắm, ít nhất cũng không lo thiếu ăn, có thể trọ ở đây đết hết tháng 8 này”, bà Gòn chia sẻ.
Video đang HOT
Cũng trong diện được hỗ trợ đợt này, song nhiều người có nghĩa cử đáng quý hơn khi quyết định nhường lại phần của mình cho những trường hợp khó khăn khác, tiêu biểu như ông Huỳnh Tuấn, ngụ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh hay ông Trương Lâm, mua bán ve chai tại phường 12, Quận 8. Ông Lâm và ông Tuấn đều dành dụm được tiền phòng thân nên vẫn còn đủ chi trả việc ăn. Do đó, 2 ông quyết định nhường phần hỗ trợ cho người khác khó khăn hơn mình, hy vọng mọi người cùng vượt qua đại dịch.
Trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc di chuyển đi lại của người dân phải hạn chế tối đa. Do đó, ở nhiều nơi, những người phụ trách chi trả tiền hỗ trợ đã chủ động mang đến cho người nghèo, lao động tự do… Điển hình như bà Chu Thị Cận, Trưởng Ban điều hành Khu phố 2, phường Thảo Điền (thành phố Thủ Đức) đã thu xếp thời gian đến từng phòng trọ, tìm gặp những lao động tự do, người bán vé số, bán hàng rong để bàn giao tiền hỗ trợ; động viên người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Để hoàn thành chi hỗ trợ cho hơn 2.000 người lao động đủ điều kiện với tổng số tiền gần 3,5 tỷ đồng từ gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2, bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp đã yêu cầu các phường tập trung đẩy nhanh tiến độ chi trả. “Làm sao để tiền hỗ trợ đến với người dân càng sớm càng tốt. Để chậm ngày nào tức là có lỗi với người dân ngày đó”, bà Đào Thị My Thư chia sẻ.
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ chính sách, các địa phương cũng vận động nhiều doanh ngiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ người nghèo, người yếu thế thông qua các cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng, bữa cơm hàng ngày… cùng các thực phẩm khác, giúp giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt trong thời gian giãn cách xã hội.
Đồng hành cùng chương trình này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chi 3,9 tỷ đồng để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người yếu thế, hộ khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội, mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng.
Đến với người khó khăn bất kể ngày đêm
Đại diện Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 23/7, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã hoàn thành cơ bản việc chi hỗ trợ trợ cho người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hơn 404 tỷ đồng tiền hỗ trợ được trao tận tay hơn 269.631 người lao động tự do theo 6 nhóm Nghị quyết của HĐND Thành phố đã đề ra.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, đây được xem là quyết tâm thắng lợi đầu tiên của các cấp, ngành thành phố trong cuộc chiến chống đại dịch lần này; đưa chính sách kịp thời đến với người nghèo, người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để gói hỗ trợ đến đúng lúc, kịp thời, ông Lê Minh Tấn cho biết: Cán bộ nhiều quận, huyện, phường, xã đã đội nắng, dầm mưa, làm công việc chi hỗ trợ cho người dân đến tận 21- 22 giờ hàng ngày và cả những ngày cuối tuần. Nhiều cán bộ cơ sở, địa phương tìm đủ mọi cách để liên lạc các hộ, đối tượng thuộc diện được hỗ trợ trong khu vực phong tỏa để chi tiền hỗ trợ nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có cái chi tiêu, sinh sống trong những ngày giãn cách.
Đồng cảm với các hộ nghèo, người lao động tự do, bà Vũ Thị Mỹ Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Quận 3 cho biết, nhiều địa phương đã chủ động ứng trước khi kinh phí chưa kịp rót về; tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất có thể. Song, cũng có nhiều địa phương hiện là tâm điểm của dịch bệnh hay có quá nhiều điểm, khu vực bị phong tỏa hoặc đối tượng hỗ trợ đang thực hiện cách ly tập trung, đang trong quá trình điều trị nên cán bộ cơ sở phải chờ đến khi đối tượng hoàn thành sẽ chi trả ngay lập tức.
“Họ không chỉ linh hoạt, năng động, cố gắng làm thật nhanh, thật chính xác, đúng đối tượng mà còn phải luôn đảm bảo an toàn phòng dịch cho cả người nhận và người thực hiện nhiệm vụ chi trả hỗ trợ”, bà Ngọc chia sẻ.
Trong hoàn cảnh gặp khó khăn không ít khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ông Lê Hùng Huệ, Phó Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Thủ Đức cho biết: “Tuy khó khăn nhiều, nhưng chúng tôi đã nỗ lực triển khai kịp thời gói hỗ trợ và chi tiền đến tận tay từng người dân đủ điều kiện. Riêng những trường hợp phát sinh hoặc gặp khó khăn vì dịch COVID-19 chưa được nhận hỗ trợ trong đợt này cũng đã được lập danh sách, đề xuất được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất”.
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố, tính đến ngày 23/7, ngoài việc hoàn thành 100% chi hỗ trợ cho người lao động tự do (lao động không có giao kết hợp đồng lao động), các địa phương cũng đã chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 09 của HĐND Thành phố cho 26.332/46.060 thuộc nhóm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc) với số tiền hơn 52 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 57,17%) của 1.540/3.031 đơn vị (đạt 50,81%).
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục tập trung chi cho các đối tượng là công nhân bị ngừng việc, hoãn việc, mất việc làm ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố cùng các hộ kinh doanh, tiểu thương các chợ bị ảnh hưởng dịch COVID-19; đồng thời đề xuất bổ sung khoảng 20.000 trường hợp người lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh ngoài 6 nhóm công việc theo Nghị quyết 09 của HĐND Thành phố và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Thanh Hóa có 6.370 đơn vị, doanh nghiệp được giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do đại dịch COVID-19
Tính đến ngày 23-7, tỉnh Thanh Hóa đã có 7/27 huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch và tổ chức hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, có 7 huyện, thị xã, thành phố ban hành và tổ chức hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ gồm: TP Sầm Sơn, Nga Sơn, Quảng Xương, Đông Sơn, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Cẩm Thủy. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố còn lại đã hoàn thiện xong dự thảo kế hoạch và trình lãnh đạo UBND huyện xem xét, ký ban hành ban hành.
Đối với chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng khác, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tiến hành rà soát, xác định các lĩnh vực, ngành nghề bị tạm dừng hoạt động, các khu vực bị phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Về chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hiện nay Bảo hiểm xã hội tỉnh đã rà soát và gửi thông báo đến tất cả các đơn vị, doanh nghiệp do Bảo hiểm xã hội tỉnh quản lý thuộc diện được giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo kết quả rà soát có 6.370 đơn vị, doanh nghiệp với 264.336 lao động được giảm mức đóng với tổng số tiền tạm tính giảm mức đóng 12 tháng (tính từ ngày 1-7-2021 đến 30-6-2022) là 74.503.173.321 đồng.
Về chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, ngày 23-7, Sở VH,TT&DL đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp du lịch - lữ hành, các hiệp hội du lịch, Ban quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định thành lập Tổ thẩm định Hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Cùng với đó, đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất qua nắm bắt thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, hiện có 2 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc (gồm: Công ty may Xuân Lam, huyện Thọ Xuân và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân). Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thiết lập hồ sơ đề nghị vay vốn, nếu đủ điều kiện sẽ giải ngân vốn vay theo quy định.
Đối với chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế, Sở Y tế đang xây dựng văn bản gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách trẻ em, người đang điều trị COVID-19, cách ly tế và hướng dẫn thiết lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Đối với chính sách hỗ trợ kinh doanh, hiện nay Cục Thuế tỉnh đang chỉ đạo các chi cục thuế huyện, thị xã, thành phố, khu vực rà soát, lập danh sách các hộ kinh doanh gặp khó do đại dịch COVID-19 để tổng hợp, xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ.
Khánh Hòa hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. TP.Nha Trang vắng vẻ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ 0 giờ ngày 9.7...