TP Hồ Chí Minh: Những quận, huyện nào đang có số ca sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng?
Ngày 21/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng so với trung bình 4 tuần trước đó.
Số ca bệnh gia tăng ở hầu hết các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay đã có 6 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Về bệnh tay chân miệng, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay ghi nhận 2.370 ca; trong đó, 96% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5. Trong tuần từ ngày 6/5 đến 12/5, TP Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 628 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
96% trẻ mắc tay chân miệng ở độ tuổi từ 1-5 tuổi.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Min cho biết thêm, số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Đáng lưu ý, các quận: 8, Bình Tân, thành phố Thủ Đức, Bình Chánh và Tân Phú có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước.
Video đang HOT
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ; tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày ở cả người chăm sóc trẻ và trẻ; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi sử dụng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám bệnh.
Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết đang có diễn biến tăng mạnh và ở mức rất đáng báo động với số ca tử vong tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và số ca nặng tăng gấp 5 lần. Tính đến nay, Thành phố ghi nhận 8.248 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 33,3% so với cùng kỳ.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần thứ 19, Thành phố ghi nhận thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết tại Quận 11 và huyện Hóc Môn; nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 6 trường hợp. Bên cạnh đó, trong tuần này, Thành phố ghi nhận 1.160 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 590 ca (tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Số ca bệnh sốt xuất huyết có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Các quận, huyện có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước là: Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 12, Tân Phú và thành phố Thủ Đức.
Theo các chuyên gia dịch tễ, cứ 4 – 5 năm thì bệnh sốt xuất huyết Dengue lại gây ra trận dịch lớn. Năm 2019, trận đại dịch sốt xuất huyết Dengue với số mắc hơn 300.000 ca (riêng TP Hồ Chí Minh khoảng 65.000 ca) gây nhiều khó khăn cho ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch. Nếu theo đúng chu kỳ, có thể năm 2022 này sẽ bắt đầu một trận dịch sốt xuất huyết Dengue mới.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, sốt xuất huyết không lây truyền trực tiếp từ người qua người mà thông qua muỗi vằn, bệnh này không có thuốc đặc trị hay thuốc phòng ngừa. Để bảo vệ bản thân cùng gia đình khi đang vào mùa mưa, ngành y tế lưu ý người dân không nên để nước ứ đọng tạo điều kiện cho lăng quăng sinh sôi phát triển. Khi phát hiện người lớn hay trẻ nhỏ sốt, mệt mỏi, đau cơ không rõ nguyên nhân, trên da có các nốt xuất huyết thì nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện, cơ sở y tế khám điều trị.
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Bình Dương có xu hướng tăng
Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, gia tăng số ca và có thể đạt đến đỉnh vào những tháng hè nắng nóng.
Tích lũy từ đầu năm đến tháng 5 toàn tỉnh ghi nhận 2.237 ca, 5 ca tử vong, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Năm ca tử vong cụ thể là thị xã Tân Uyên 2 ca, thành phố Thuận An 1 ca, thành phố Dĩ An 2 ca. Đây cũng là những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao trong tỉnh. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh sốt xuất huyết là ý thức của người dân chưa cao, chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch và diệt lăng quăng, bọ gậy, nguồn truyền bệnh quan trọng ngay tại hộ gia đình. Một bộ phận người dân do tâm lý chủ quan tự điều trị tại nhà dẫn đến biến chứng nhanh và tử vong.
Thời gian qua, ngành y tế các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng COVID-19 nên chưa chú trọng nhiều đến công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Công tác xác minh tại các địa phương chỉ đạt 64,1%, tỷ lệ xử lý ổ dịch cả 2 hình thức diệt lăng quăng và phun hóa chất đạt 38%; các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập báo cáo chưa đầy đủ và chưa đúng thời gian quy định, số ca báo cáo đúng thời gian đạt 40,1%. Qua hệ thống giám sát y tế, thời gian gần đây số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng cao, có nguy cơ bùng phát dịch theo chu kỳ.
Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bước vào những tháng cao điểm dịch bệnh mùa hè, cộng với diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn sẽ làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Ngành Y tế tỉnh dự báo thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.
Vì thế, để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; báo cáo về diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương; tham mưu cho UBND huyện, thị, thành phố huy động mọi nguồn lực trên địa bàn để đáp ứng công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài. Song song đó, các bệnh viện tuyến tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết cho việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Nguy cơ tiềm ẩn sốt xuất huyết ở công trình xây dựng ở TP.HCM Tại các công trình xây dựng ở TP.HCM nơi tồn tại những vật dụng có thể đọng nước là môi trường ưu thích của muỗi gây sốt xuất huyết phát triển. Ngành chức năng của TP.HCM có những cảnh báo cấp thiết nhưng để xử lý không phải là việc dễ dàng. "Đau đầu" với ổ lăng quăng ở công trình xây dựng...