TP. Hồ Chí Minh: Những bất cập trong phát triển xe buýt
Hiện nay, cùng với xe buýt cũ kỹ, xuống cấp và phân bố chưa hợp lý là tình trạng hàng rong, xe ôm chiếm dụng nhà chờ, bến bãi khiến bộ mặt xe buýt thêm nhếch nhác, bát nháo.
XE BUÝT HAY XE ĐÒ?
Thành phố hiện có hơn 3.200 xe buýt với 146 tuyến, chủ yếu được đầu tư từ những năm 2003 – 2004. Bên cạnh một vài tuyến được nâng cấp, đổi mới thì đa số xe buýt ở TPHCM bị xuống cấp nghiêm trọng. Hàng trăm chiếc bệ rạc với đuôi xe bị móp, bể đèn, vỡ kiếng, ghế ngồi cũ mèm, có cái rách bươm, sàn xe không được lau chùi trở nên cáu bẩn, thành xe thì mục nát và dán đủ loại quảng cáo. Chẳng hạn xe buýt 53N-70… tuyến 33: Suối Tiên – An Sương, không biết đưa vào sử dụng từ lúc nào nhưng thiết bị trên xe đã hư hỏng nặng. Sàn xe dính đầy cát bụi, rác rưởi, ghế ngồi bị lung lay và bong tróc nham nhở, nhiều khớp nối bị bung mối hàn, mất ốc vít. Mỗi lần qua các khúc cua hay cung đường gồ ghề, chiếc xe phải oằn mình rồ ga phụt khói đen kịt, có lúc rung lên bần bật và phát ra tiếng rầm rầm, cọt kẹt nghe nhức óc. Nhân viên bán vé thì vô tư thò đầu ra ngoài khua tay xin đường, miệng liên tục mời mọc, không khác gì lơ xe “dù”.
Xe buýt là phương tiện quen thuộc của người dân thành phố
Theo quy định, “Xe buýt không được chở đồ vật tanh hôi, cồng kềnh”, tuy nhiên nhiều người vô tư mang các bịch đồ to tướng, thậm chí cả quang gánh lên xe nhưng không bị nhân viên bán vé hay tài xế nhắc nhở. Có đoạn tài xế cho xe chạy ì ạch, có đoạn vô tư giành đường, lấn tuyến, thắng gấp, ép người điều khiển xe máy phải đi trên lề, hoặc chỗ nào trống là tài xế “cao hứng” đạp ga khiến hành khách nhất là các bạn nữ sinh viên (SV) nôn thốc nôn tháo. “Hôm nào cũng bị “tra tấn” vài lần bằng những “pha” đi “bão” làm nhiều bữa tụi em đến trường là xây xẩm mặt mày không học được” – bạn Lê Như Quỳnh, SV năm 3, Trường Đại học Giao thông vận tải bức xúc.
Đến bến xe Làng đại học Thủ Đức thuộc phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, tình trạng xe buýt xuống cấp khiến nhiều SV gặp khó khăn. “Gặp xe cũ, nêm chật người, chạy ì ạch hay chết máy giữa đường, tụi em đến trường muộn cả tiếng đồng hồ là chuyện thường ngày. Lúc đói bụng, tụi em không dám đi xe buýt vì nó xốc không khác gì đi xe đò” – bạn Phan Hải Nam, SV Trường Đại học Bách khoa nói. Chúng tôi lên các tuyến xe khác như: Bến xe Miền Đông – Chợ Lớn, Bến Thành – Làng đại học Thủ Đức… tình hình cũng không mấy khả quan.
PHÂN BỐ NHÀ CHỜ CHƯA HỢP LÝ
Video đang HOT
Trong khi nhiều bến xe như ở Làng đại học Thủ Đức, Suối Tiên, Củ Chi, An Sương… thiếu xe đưa đón khách thì một số bến khác gần như xe chạy không. Đơn cử, so với một số bến khác thì bến xe buýt Linh Trung II có số lượng khách thưa thớt nên có hôm xe chạy hơn nửa lộ trình vẫn chưa đầy khách. Tương tự, bến xe buýt công viên phần mềm Quang Trung (quận 12), đây là khu vực ít dân cư, không gần các khu công nghiệp, ít giáp với các tuyến giao thông nên hai tuyến xe buýt ở đây là 55: Công viên phần mềm Quang Trung – Khu công nghệ cao (quận 9) và tuyến 48: Công viên phần mềm Quang Trung – Tân Bình (quận Tân Bình) cũng trong tình trạng thừa xe, thiếu khách. Nhiều lần chúng tôi đi hết lộ trình của những tuyến này nhưng hiếm khi thấy khách lên đủ số ghế. Số lượng xe thì nhiều trong khi khách thì ít nên đa phần anh em đều thất nghiệp. Được biết, toàn thành phố hiện có tới 41 tuyến hoạt động không hiệu quả, hàng năm thành phố phải bù lỗ cho những tuyến này hàng chục tỷ đồng.
Nhiều chiếc đang xuống cấp trầm trọng
Ngoài điều phối số lượng xe chưa khoa học thì việc bố trí nhà chờ ở các điểm đón, đỗ khách cũng chưa hợp lý giữa các tuyến, bến. TPHCM hiện có hơn 4.000 điểm dừng, trong đó trụ dừng và ô sơn chiếm hơn 90%, số còn lại là nhà chờ nên hầu hết khách không được che mưa, nắng khi đón xe buýt. Theo quy định, khoảng cách tối đa giữa hai điểm dừng đón, trả khách liền kề trong nội thành, nội thị là 0,7km, ngoại thành, ngoại thị là 3km. Nhưng với quãng đường khoảng 13km trên Quốc lộ 22 từ Bến xe Củ Chi về Bến xe An Sương, chúng tôi đếm có 34 điểm dừng nhưng chỉ có ba nhà chờ trong khi đó với đoạn đường gần 300m từ cổng Khu chế xuất Linh Trung I về Trạm Hai, trên Quốc lộ 1A lại bố trí tới… năm điểm dừng và bảy nhà chờ xe buýt?! Tình trạng thiếu nhà chờ cũng diễn ra trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội…
HÀNG RONG BỦA VÂY
Mặc dù nhiều nhà chờ, trung tâm điều hành xe buýt ở thành phố gắn bảng “nghiêm cấm hành vi xâm phạm, lấn chiếm khu vực nhà chờ xe buýt”, nhưng nhiều người vô tư chiếm dụng làm “của riêng” mình. Nhiều nhà chờ xe buýt bỗng dưng trở thành nhà chờ… xe ôm và điểm bán hàng lý tưởng của cánh hàng rong.
Dạo quanh thành phố, hầu như nhà chờ xe buýt nào cũng bị hàng rong, xe ôm chiếm dụng. Trong khi cả chục người phải đứng giữa trời nắng đón xe buýt vì không có chỗ ngồi thì nhiều nhà chờ ở ngã ba 621 (quận 9), trước chợ Đầu Mối (quận Thủ Đức), trên Quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội… bị hàng rong vô tư bày bán đồ ăn, thức uống, vé số, áo mưa, mũ bảo hiểm, thuốc lá… một cách công khai. “Đi chặng đường dài trên xe buýt cũng không mệt bằng đứng đón xe ở các nhà chờ. Ngoài việc bị một số xe ôm, người bán hàng rong chèo kéo, chúng tôi còn bị “tra tấn” bởi các lời lẽ tục tĩu, mất văn hóa và ngay ngáy nỗi lo móc túi. Có hôm chúng tôi còn gặp phải kim tiêm của bọn nghiện hút” – anh Nguyễn Xuân Hợp, quận Thủ Đức bức xúc.
Một số nhà chờ khác thì bị viết, vẽ bậy, bị đập phá, bảng hiệu tróc lở, sơ đồ hướng dẫn rách nát hay bị biến thành bãi rác bất đắc dĩ hoặc được những người kém ý thức tận dụng khoảng trống phía sau làm “nhà vệ sinh công cộng”, phóng uế bừa bãi. Thỉnh thoảng, một vài nhà chờ trở thành nơi ngả lưng lý tưởng cho vài “ma men” hoặc những kẻ bạ đâu ngủ đó. Hàng rong chiếm dụng, không chỉ gây khó khăn cho người đón xe mà cho cả tài xế. “Nhiều hôm chúng tôi phải đậu ngay phần đường dành cho xe lưu thông để đón, trả khách. Biết là nguy hiểm và vi phạm nhưng chỗ đậu đã bị hàng rong chiếm mất, chúng tôi không tài nào ghé được” – anh Lê Văn Thủy, một tài xế xe buýt bức xúc. Tình trạng trên cũng xảy ra ở Bến xe An Sương, Miền Đông, Miền Tây và nhiều nơi khác.
Thiết nghĩ TPHCM cần có nhiều giải pháp để phát triển xe buýt hiện đại, văn minh và lập lại trật tự ở nhiều nhà chờ, bến bãi.
Theo CATP
TP Cần Thơ vất vả dẹp chợ cóc, hàng rong
Cơ quan chức năng đã ra sức "dọn dẹp" nhưng tại nhiều hẻm, đường nội ô TP Cần Thơ, nạn bán hàng rong, chợ cóc lấn chiếm lòng đường, hè phố vẫn diễn ra ngang nhiên, giống như một "lẽ tất yếu" của thành phố.
Năm 2011, TP Cần Thơ thực hiện chủ đề "Trật tự, kỷ cương đô thị". Sau 1 năm thực hiện, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều nơi chưa làm tốt. Các cơ quan chức năng đã xử phạt gần 180.000 vụ với tổng số tiền trên 107 tỷ đồng.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ đề "trật tự, kỷ cương đô thị" trong năm 2012, lãnh đạo TP Cần Thơ đề nghị các ngành chức năng cần phải tăng cường tuần tra kiểm soát, thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật nhằm kiên quyết chấn chỉnh trật tự, kỷ cương đô thị trên địa bàn TP.
Kẻ bán, người mua chiếm hết con hẻm rộng gần 6m
Mặc dù trong quý 1 các cơ quan chức năng TP Cần Thơ đã tích cực ra sức lập lại "trật tự, kỷ cương đô thị", nhưng theo báo cáo của các ngành chức năng vẫn còn nhiều bất cập, "tắc nghẽn" chưa được thông suốt, đặc biệt là tình trạng buôn bán hàng rong, chợ cóc ngang nhiên mọc lên từ trong hẻm ra ngoài phố.
Cụ thể tại hẻm 110 đường 30/4 nhiều người dân bức xúc khi gần đầu hẻm có 2, 3 hộ dân "lập chợ" buôn bán lương thực thực phẩm. Người mua kẻ bán lấn chiếm hết con hẻm khiến người lưu thông gặp không ít khó khăn. Chợ cóc xôm tụ nhất là ở hẻm 12 đường 3/2. Từ đầu hẻm kéo dài hơn 500 m tấp nập kẻ bán người mua, vào giờ cao điểm gần như xe không thể qua lại.
Về vấn nạn buôn bán nhỏ lấn chiếm lòng lề đường, các cơ quan chức năng đau đầu nhất là trên đường Hai Bà Trưng, quốc lộ 91 B, đường 3/2, ... Nhiều lần công an phường kết hợp với cảnh sát trật tự quận ra sức "dọn dẹp" nhưng chỉ trả lại mặt đường thông thoáng được mấy ngày, sau đó lại đâu vào đấy. Người dân cứ ung dung lấn đường ngồi bán, thấy lực lượng chức năng thì bỏ chạy, leo lên lề,....
Một số hình ảnh về vấn nạn chợ cóc, hàng rong tại TP Cần Thơ:
Cảnh mua bán tấp nập trên đường Hai Bà Trưng, phường An Lạc
Hàng hóa tràn xuống cả lòng đường
Bãi xe chợ Hưng Lợi không đủ chứa nên phải tận dụng luôn phần hành lang đường để giữ xe
Sạp trái cây mọc lên ngay trước cổng cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ.
Theo Dân Trí
Có biển cấm cũng như không Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán đang diễn ra khá phổ biến tại TP.HCM, bất chấp việc cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo. Mặc dù có biển cấm cảnh báo và quy định mức phạt, nhưng những xe đẩy hàng rong vẫn xếp hàng dài trên đường Hoàng Minh Giám, P.3, Q.Gò Vấp Nhếch nhác hàng rong...