TP Hồ Chí Minh: Người mắc COVID-19 khỏi bệnh tham gia chống dịch sẽ được tuyển dụng, trả lương
Chiều tối 2/9, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Toàn cảnh họp báo ngày 2/9. Ảnh: Linh Nhi/ttbc-hcm.gov.vn
Tỉ lệ tử vong do COVID-19 đang giảm
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến 18 giờ ngày 1/9, thành phố có 227.129 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 226.681 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, tăng 10.815 người so với ngày 30/8 (216.314 trường hợp). Hiện, thành phố đang điều trị 41.040 bệnh nhân, trong đó có 2.890 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.749 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Mặt khác, trong ngày 1/9, Thành phố có 3.369 bệnh nhân xuất viện, tăng 617 người so với số bệnh nhân xuất viện vào ngày 30/8. Tổng số người xuất viện từ ngày 1/1/2021 đến nay là 116.337 người.
Một tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch của Thành phố, theo ông Phạm Đức Hải là số trường hợp tử vong theo ngày của Thành phố Hồ Chí Minh đang giảm dần trong 3 ngày qua, từ 335 người trong ngày 30/8 xuống còn 217 người trong ngày 1/9. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 từ ngày 1/1/2021 đến nay tại Thành phố Hồ Chí Minh là 9.724 người.
Về công tác tiêm vaccine, đến ngày 1/9, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được 6.225.960 mũi, trong đó tổng số mũi 1 là 5.894.452 và tổng số mũi 2 là 350.584. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 685.694 người.
Về công tác an sinh, trong ngày 2/9, Trung tâm an sinh tại các kho của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như rau củ, gạo… từ các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng các doanh nghiệp, trị giá hơn 5,3 tỉ đồng. Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, thuốc và rau củ các loại cũng được phân phối đến các quận 1, 3, 4, 6, 8, Tân Phú, Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ cùng 17 bếp ăn trên địa bàn Thành phố, trị giá 4,3 tỉ đồng. Lũy kế số liệu thực hiện công tác an sinh theo Nghị quyết 68, Quyết định 23, Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các công văn số 2209, 2512, 2627, 2799, tính đến ngày 2/9, Thành phố đã tiếp nhận và phân phối 3.083 tỷ đồng đến người dân. Bên cạnh đó, từ ngày 15/8 đến 2/9, hơn 1,37 triệu túi an sinh đã được chuyển đến các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Ông Phạm Đức Hải cho biết, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 09 về tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành. Theo đó, Thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện và vận hành hiệu quả mô hình trạm y tế lưu động; thực hiện tốt chương trình điều trị có kiểm soát người mắc COVID-19 tại nhà và triển khai các gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và thông điệp 5T bao gồm “Tuân thủ nghiêm 5K – Thực phẩm đủ tại nhà – Thầy thuốc đến tại gia – Test Covid tất cả – Tiêm chủng tại phường, xã” cùng các hình thức tuyên truyền, truyền thông hiệu quả để người dân quan tâm, ủng hộ và tự giác tham gia.
Lượng hàng hoá do shipper vận chuyển tăng mạnh
Shipper giao hàng cho người dân ở gần chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sau hơn 3 ngày được hoạt động trở lại trong điều kiện còn khá nhiều hạn chế, ràng buộc, số lượng shipper (người giao hàng) tham gia chỉ mới ở mức khoảng hơn 10.000 người nhưng đơn hàng vận chuyển thì tăng rất nhanh.
Cụ thể, ngày 30/8, shipper tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vận chuyển 138.000 đơn hàng, ngày 31/8 là 164.000 đơn hàng và ngày 1/9 là 196.000 đơn hàng. Theo đó, số lượng đơn hàng do lực lượng shipper vận chuyển ở thời điểm cao nhất trong 3 ngày qua (ngày 1/9) đã vượt qua tổng số đơn hàng do toàn bộ lực lượng đi chợ thay của cả thành phố thực hiện ở thời điểm cao nhất trong cùng mốc thời gian (ngày 30/8 với gần 177.000 đơn hàng).
Ông Nguyễn Nguyên Phương nhận định, nhu cầu tăng mạnh của người dân đối với hoạt động của shipper cho thấy việc cho phép lực lượng này hoạt động lại đã giúp giảm tải rất nhiều cho các địa phương trong việc đi chợ thay và giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của người dân. Trước đó, nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng và thực phẩm thiết yếu đến với người dân, Sở Công Thương Thành phố Chí Minh đã đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức hỗ trợ triển khai mô hình đi chợ hộ của các ứng dụng mua sắm và giao hàng như Shopee, Tiki, Be, Sendo và Grab.
Về công tác xét nghiệm COVID-19 cho các shipper được lưu thông trên đường, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong hai ngày 30/8 và 31/8, các trạm y tế lưu động trên địa bàn Thành phố đã thực hiện test nhanh mẫu gộp cho 542 shipper, trong đó phát hiện 7 trường hợp dương tính. Ngày 1/9, Thành phố tiếp tục xét nghiệm cho 2.898 shipper thì có 27 trường hợp dương tính. Hôm nay 2/9, xét nghiệm 3.291 shipper thì có 30 trường hợp dương tính. Qua 4 ngày thực hiện, công tác xét nghiệm đã được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả khi kịp thời phát hiện ra những trường hợp dương tính để kịp thời cách ly, điều trị, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Người mắc COVID-19 khỏi bệnh tham gia chống dịch là những lao động rất quý
Bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 1/9, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 116.337 trường hợp người mắc COVID-19 đã được chữa trị khỏi và xuất viện. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá đây là những lao động rất quý, vì sau khi điều trị khỏi COVID-19, những người này đã có nồng độ kháng thể trong cơ thể, có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2. Thành phố đang hướng tới việc tuyển dụng và trả lương đối tượng này để tham gia vào các công tác chăm sóc người mắc COVID-19 đang điều trị.
Theo bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, trước khi huy động, tuyển dụng, ngành Y tế Thành phố sẽ xét nghiệm kháng thể đối với từng nhóm người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh theo từng mốc cụ thể như: Ngay sau khi xuất viện, đã xuất viện 1 tuần, đã xuất viện 1 tháng để đánh giá nồng độ kháng thể của từng cá nhân và bố trí ở vị trí phù hợp.
“Những người có kháng thể tốt, ngành Y tế sẽ vận động tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Lực lượng này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngành Y tế Thành phố trong công tác hướng dẫn, vệ sinh khử khuẩn, hỗ trợ điều dưỡng và chăm sóc bệnh nhân trong các khu cách ly, điều trị COVID-19 để lực lượng y tế có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn thay vì phải kiêm nhiệm quá nhiều việc ngoài công tác chuyên môn như hiện nay. Thành phố trân trọng mời gọi người mắc COVID-19 khỏi bệnh đủ điều kiện cùng tham gia chống dịch”, bác sỹ Nguyễn Hoài Nam nói.
Video đang HOT
Trước đó, tại cuộc họp giữa Tổ Công tác của Chính phủ và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào cuối tháng 8/2021, các ý kiến đã thống nhất về sự cần thiết phải huy động thêm những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, đủ sức khoẻ hỗ trợ phòng, chống dịch ở những công việc phù hợp.
Chống dịch COVID-19 ở phía Nam: Nỗ lực cán đích đúng hẹn
Bước vào ngày đầu tiên của tháng 9, các tỉnh, thành phố phía Nam mang theo gánh nặng COVID-19 rất khác nhau nên giới hạn "cán đích" của mỗi địa phương cũng khác nhau.
Tuy nhiên, tất cả các địa phương đều có chung mục tiêu là vượt qua đại dịch càng sớm càng tốt với sự hy sinh, mất mát tối thiểu nhất.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân tại chốt kiểm soát ngã tư An Sương (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Vạch xuất phát
Ở đợt dịch COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam thì TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai láng giềng xuất pháp sớm nhất trong việc áp dụng giãn cách xã hội trên toàn địa bàn. Cả hai địa phương đều áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9/7/2021. Tiếp đó là tỉnh Bình Dương - quyết định được UBND tỉnh đưa ra ngày 17/7 và bắt đầu áp dụng vào ngày 19/7.
Cũng bắt đầu từ ngày 19/7 có thêm 16 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam được đưa vào danh sách các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021, theo đó, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo:
Đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với 19 địa phương (cùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, bổ sung Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang).
Từ đó đến nay bức tranh dịch tễ tại các địa phương nói trên đã mang màu sắc khác hẳn nhau. Chúng ta có thể hình dung phần nào về gánh nặng COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố ở Đông và Tây Nam Bộ chỉ riêng qua số liệu do Bộ Y tế công bố vào tối 1/9.
Từ 17 giờ ngày 31/8 đến 17 giờ ngày 1/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận có thêm 11.434 ca nhiễm mới; trong đó 5 ca nhập cảnh và 11.429 ca trong nước. Trong đó, tại TP Hồ Chí Minh (5.368 ca), Bình Dương (3.440 ca), Đồng Nai (759 ca), Long An (594 ca), Tiền Giang (194 ca), Kiên Giang (106 ca), Tây Ninh (85 ca), Đồng Tháp (75 ca), An Giang (70 ca), Cần Thơ (42 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (29 ca), Sóc Trăng (20 ca); Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu đều có ca mắc mới.
Một lần "lỡ hẹn"
Theo thông tin mới nhất mà phóng viên TTXVN vừa cập nhật, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai quyết định áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg tăng cường đến hết ngày 15/9.
Trong đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP Hồ Chí Minh có tổng cộng trên 226.000 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố. Số người mắc COVID-19 tại Bình Dương và Đồng Nai theo con số chính thức lần lượt là khoảng 118.000 ca và 24.000 ca.
Long An và Tiền Giang cũng là hai điểm nóng về dịch, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Ghi nhận trên 23.000 ca mắc COVID-19, tỉnh Long An tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 6/9 trên toàn địa bàn, tương tự như Hà Nội. Còn Tiền Giang hiện có 154 ổ dịch với hơn 10.000 trường hợp F0. Tỉnh đã quyết định gia hạn việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 15/9.
Tỉnh Đồng Tháp tính đến ngày 1/9 có hơn 7.000 ca F0. Tỉnh quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 5/9.
Xếp sau Đồng Tháp về tình hình dịch tễ là tỉnh Tây Ninh. Tính đến ngày 1/9 số người mắc COVID-19 ở tỉnh tiệm cận mốc 6.000 ca. Tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 14/9.
Thành phố Cần Thơ đã có quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến sau ngày 15/9. Tổng số người mắc COVID-19 từ ngày 8/7 đến nay của Cần Thơ là hơn 4.000 ca.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính từ ngày 28/6 đến nay có hơn 3.400 bệnh nhân COVID -19. Tỉnh quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 8/9.
Theo số liệu của Sở Y tế Vĩnh Long, tổng số F0 của tỉnh từ ngày 9/7 đến ngày 1/9 là hơn 2.000 ca. Tỉnh sẽ còn áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn đến ngày 4/9 theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó".
Tính đến ngày 1/9, theo số liệu của Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, địa phương này ghi nhận hơn 1.350 trường hợp F0 và ngày 10/9 là thời hạn kết thúc giãn cách xã hội trên toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Sóc Trăng ghi nhận hơn 900 ca mắc COVID-19. Tỉnh có chính sách phòng, chống dịch đặc thù, theo đó, Chỉ thị 16/CT-TTg hay Chỉ thị 15/CT-TTg không được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh mà tùy tình hình dịch ở đơn vị cấp huyện, xã mà chính quyền nơi đó được chủ động áp dụng biện pháp phong tỏa, giãn cách phù hợp.
Kiên Giang đã quyết định tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội ở địa phương theo chỉ thị 16/CT-TTg thêm 5 ngày, tới hết ngày 6/9. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 1/9 tỉnh ghi nhận hơn 1.000 ca mắc.
Còn theo báo cáo của Sở Y tế Bạc Liêu, tính từ ngày dịch xuất hiện đến nay tỉnh chỉ phát hiện 195 ca bệnh. Ngày 23/8 tỉnh từng quyết định chuyển sang áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg nhưng ngay sau đó đã quay lại thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg cho tất cả đơn vị cấp huyện, trừ thành phố Bạc Liêu, cho đến khi thông báo mới. Điểm nóng duy nhất ở tỉnh là thành phố Bạc Liêu và nơi đây đang bị phong tỏa nghiêm ngặt.
Cà Mau là nơi tình hình dịch COVID-19 đỡ phức tạp nhất ở khu vực Tây Nam Bộ. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (tháng 4/2021) đến ngày 1/9, tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn 140 ca mắc COVID-19. Chiều 23/8, sau 3 ngày nới lỏng giãn cách, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định, từ 0 giờ ngày 24/8 cho đến khi có thông báo mới, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Lực lượng y tế làm test nhanh xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN
Đông Nam Bộ là khu vực bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất cả nước. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể mang màu xám đó thì tỉnh Bình Phước là một điểm sáng nổi bật. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó tập trung chặn dịch lây nhiễm từ các địa phương khác vào tỉnh, tích cực mở rộng "vùng xanh", thu hẹp "vùng vàng", nâng cao chất lượng điều trị tại cơ sở... Trên địa bàn tỉnh chỉ ghi nhận 449 ca mắc COVID-19. Bình Phước cũng là địa phương sớm nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, loại trừ huyện biên giới Lộc Ninh.
Ngày 30/8, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh đã ký Thông báo số 428/TB-UBND về việc tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với một số biện pháp tăng cường trên địa bàn huyện.
Như vậy, mặc dù rất nỗ lực và nhận được sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, cũng như sự hỗ trợ từ các địa phương, nhưng đến nay không một tỉnh, thành phố nào ở khu vực Nam Bộ (trừ Thành phố Hồ Chí Minh có mốc thời gian riêng) có thể kiểm soát được dịch trước ngày 25/8 hay đúng mốc 1/9.
Trước đó, ngày 10/8, để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế-xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.
Nghị quyết Chính phủ đề ra các giải pháp cấp bách cần triển khai, trong đó yêu cầu các tỉnh, thành phố cần áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg và Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn.
Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, các địa phương cần chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó"; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác. Nghị quyết nêu rõ: Thành phố Hồ Chí Minh cần phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8.
Bình Dương, Đồng Nai với lời hẹn mới
Tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai có nhiều điểm tương đồng, có thể được ví như "cặp song sinh", là hai trong bốn góc nhọn của Tứ giác phát triển TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bà Rịa-Vũng Tàu - Đồng Nai.
Hai tỉnh Đông Nam Bộ này giáp nhau và cùng là cửa ngõ đi vào Thành phố Hồ Chí Minh, đều có những khu công nghiệp lớn. Tỉnh lỵ của Bình Dương là thành phố Thủ Dầu Một và tỉnh ly của Đồng Nai là thành phố Biên Hòa, đều cách TPHồ Chí Minh chỉ có 30km. Điều này lý giải một phần vì sao Bình Dương và Đồng Nai chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề của dịch COVID-19.
Trong chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ở tỉnh Bình Dương vào ngày 27/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cùng Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh và cơ quan chức năng. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến tới 91 xã, phường trên toàn tỉnh.
Thủ tướng quan tâm đặc biệt đến việc triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tăng cường tại 15 phường "vùng đỏ" theo phương châm lấy xã, phường, cơ sở là pháo đài phòng chống dịch. Thủ tướng nêu rõ, chậm nhất là ngày 15/9 Bình Dương sẽ kiểm soát được dịch COVID-19.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cam kết với Thủ tướng rằng tỉnh sẽ nỗ lực cao nhất để đưa địa phương trở lại trạng thái bình thường mới vào ngày 15/9 và trong quý IV sẽ ổn định và phát triển.
Cũng trong ngày 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã đến kiểm tra phòng, chống dịch tại tỉnh Đồng Nai. Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh: Đồng Nai phải đặt mục tiêu chậm nhất là ngày 15/9 phải kiểm soát được dịch trên toàn tỉnh; nhanh chóng đưa Đồng Nai trở lại cuộc sống bình thường mới.
Trọng tâm khác nhau ở "cặp song sinh"
Với quy mô dân số gần 2,5 triệu người (đứng thứ 6 toàn quốc, sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai) và có tổng số ca mắc COVID-19 suýt soát 115.000, Bình Dương có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất cả nước. Số ca mắc mới được công bố trong tối 30/8 thậm chí còn vượt TP Hồ Chí Minh với 6.050 trường hợp, đứng đầu bảng.
Để thực hiện lời hứa trước Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát dịch COVID-19 trước ngày 15/9, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã họp bàn và đưa ra những quyết sách quan trọng trong việc chỉ đạo phòng, chống dịch. Theo đó, 5 nhóm công việc được ưu tiên hàng đầu và mang tính cấp bách.
Bình Dương sẽ quyết liệt bảo vệ "vùng xanh", tấn công "vùng đỏ"; thực hiện hết sức nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tăng cường; chăm lo an sinh xã hội cho người dân là trọng yếu, thường xuyên; xét nghiệm là giải pháp then chốt; giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển biến nặng và số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu.
Hai "vùng đỏ đậm" là thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên được áp dụng cách thức "thắt mạnh, khóa chặt" đến hết ngày 15/9, tức là phong tỏa chặt cả bên trong lẫn bên ngoài theo tinh thần "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được giao nhiệm vụ điều phối, tổ chức lực lượng từ các "vùng xanh" đến chi viện cho "vùng đỏ".
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, được giao trọng trách chỉ đạo quyết liệt, triển khai thật nhanh các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời thu dung, điều trị cho người mắc COVID-19. Hội Chữ thập đỏ tỉnh được giao chi hỗ trợ 5 tỉ đồng từ nguồn kinh phí vận động để mua thuốc đặc trị, điều trị cho bệnh nhân COVID-19...
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, dựa trên kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng mà các địa phương sẽ phân ra các khu vực gồm: Khu vực có nguy cơ rất cao ("vùng đỏ"), khu vực có nguy cơ cao ("vùng vàng"), khu vực có nguy cơ thấp ("vùng xanh").
Ngày đầu tiên phải tập trung lấy mẫu test nhanh ở khu vực có nguy cơ cao để ước lượng tỷ lệ mắc trung bình trên toàn thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên để có phương hướng giải quyết ngay với 3 tình huống đặt ra.
Nếu tỷ lệ mắc trung bình ở ngưỡng 2% trở xuống thì giải pháp ưu tiên đưa tất cả các F0 đi cách ly tập trung. Nếu tỷ lệ mắc trung bình ở ngưỡng 2%-4% thì đưa các ca F0 ở "vùng xanh", "vùng vàng" đi cách ly tập trung để "tẩy dịch". Trong trường hợp tỷ lệ mắc trung bình ở ngưỡng trên 4%-8% hoặc cao hơn thì chỉ đưa các ca F0 ở "vùng xanh" đi cách ly tập trung. Còn "vùng vàng", "vùng đỏ" phải được phong tỏa chặt, tiến hành thiết chế cách ly tập trung tại nhà đối với toàn bộ người dân tại đây.
Là láng giềng của Bình Dương, tỉnh Đồng Nai có hơn 3 triệu dân (đứng thứ 5 toàn quốc) và có số ca mắc COVID-19 là sắp chạm mốc 24.000. Nguy cơ dịch tễ trong thời gian tới đới với tỉnh này cũng chỉ xếp sau Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Đặc điểm của tỉnh là có số công nhân ngoại tỉnh rất đông và quy tụ hết sức "đậm đặc".
Theo khuyến cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trọng tâm chống dịch của Đồng Nai hiện nay là khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân; cần chú trọng việc mở rộng xét nghiệm để "bóc" F0 ra khỏi cộng đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng hiện tại Đồng Nai chống dịch COVID-19 tương đối bài bản, "đúng và trúng" so với thực tiễn.
Đồng Nai đi đúng hướng vì đã và đang xét nghiệm diện rộng để phát hiện các ca F0 trong cộng đồng và tỉnh cần mở rộng hơn nữa để chặn nguồn lây, không để dịch kéo dài.
Ngành y tế tỉnh Đồng Nai được lưu ý cần tiêm cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên ở "vùng đỏ", còn ở "vùng xanh" thì nên ưu tiên cho những người trên 50 tuổi.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chiến lược chống dịch của Đồng Nai là "bóc bằng được F0 ra khỏi cộng đồng".
Điểm chung mà tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đều rất quan tâm là dù sử dụng chiến lược nào, thực hiện phương án gì thì địa phương đều phải huy động được sự vào cuộc rộng rãi của cả hệ thống chính trị và từ phía doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ khẳng định: "Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ".
Thời gian không còn nhiều, chỉ tròn 2 tuần để Bình Dương và Đồng Nai không thêm một lần nữa bỏ qua mốc thời gian phải kiềm chế được dịch mà Chính phủ đã vạch ra.
Kêu gọi thanh niên Thủ đô hỗ trợ chống dịch COVID-9 Thành đoàn Hà Nội kêu gọi các cấp bộ Đoàn - Hội, đoàn viên, hội viên, sinh viên và thanh niên Thủ đô tích cực đăng ký tham gia các đội hình tình nguyện để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các đoàn viên thanh niên Thủ đô chuẩn bị các suất cơm để chuyển tới tay những công nhân lao...