TP Hồ Chí Minh: Làm rõ những vấn đề liên quan đến vaccine Vero Cell
Ngày 9/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã có tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc làm rõ một số vấn đề liên quan đến vaccine Vero Cell theo đề nghị của Bộ Y tế.
Mẫu vaccine Vero Cell ngừa COVID-19 do Công ty dược Sinovac của Trung Quốc phát triển và sản xuất. Ảnh: TTXVN phát
Liên quan đến việc giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dược Sài Gòn đàm phán mua vaccine, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ Công văn số 3988/VPCP-KGVX ngày 15/6/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề nghị của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc mua và nhập khẩu vaccine. Từ đó, UBND thành phố đã có Công văn số 2261/UBND-VX ngày 6/7/2021 về việc giao Công ty Dược Sài Gòn ( Công ty Sapharco) thực hiện đàm phán, thương thảo, ký kết các hợp đồng mua vaccine phòng COVID-19. Đây là doanh nghiệp kinh doanh dược duy nhất của thành phố có 100% vốn nhà nước, là một trong 36 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vaccine theo công bố của Bộ Y tế.
Với sự tài trợ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Sapharco đã đàm phán thành công và ký hợp đồng mua vaccine Vero Cell với China National Biotec Group Company Limited, China Sinopharm International Corporation, Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. và Sinopharm International Hong Kong Limited.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hỗ trợ đàm phán giá và tài trợ toàn bộ kinh phí mua vaccine cùng các chi phí có liên quan và không có đề xuất gì kèm theo. Cụ thể, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ toàn bộ chi phí có liên quan đến việc mua vaccine như: thuế, phí bảo hiểm hàng hóa (do vaccine giao tại kho nơi bán ở Bắc Kinh, Trung Quốc), chi phí nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển 5 triệu liều Vero Cell đến kho của các điểm tiêm theo kế hoạch tiêm vaccine của Thành phố Hồ Chí Minh.
Video đang HOT
Các chi phí bảo quản, vận chuyển trước và khi giao vaccine cho bên mua, bên bán chịu trách nhiệm. Các chi phí từ lúc giao vaccine tại nơi bán, phí vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa, bảo quản vaccine do bên mua (Công ty Sapharco) chịu. Các chi phí thu hồi vaccine vì lý do thuộc trách nhiệm của bên bán (do vi phạm về chất lượng) do bên bán chịu. Công ty Sapharco có trách nhiệm cung cấp nội dung hợp đồng và chi tiết các chi phí thanh toán liên quan đến mua, vận chuyển, nhập khẩu vaccine cho UBND Thành phố, Bộ Y tế khi có yêu cầu.
Về phạm vi sử dụng 5 triệu liều vaccine Vero Cell, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao toàn bộ 5 triệu liều vaccine cho UBND thành phố để tổ chức tiêm chủng cho người dân trên địa bàn. Sở Y tế chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phân bổ vaccine cho các điểm tiêm và tổ chức tiêm chủng cho người dân trên địa bàn thành phố. Sở Y tế đảm bảo tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân bổ và sử dụng vaccine để tiêm miễn phí cho người dân được thực hiện theo đúng quy định và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Đáng chú ý, theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn cung vaccine còn khan hiếm thì Thành phố Hồ Chí Minh có thể xem xét hỗ trợ nguồn vaccine Vero Cell cho các địa phương khác có nhu cầu sau khi thỏa thuận với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trước đó ngày 6/8, Bộ Y tế đã có Công văn số 6380/BYT-PC gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến vaccine Vero Cell, trong đó có các nội dung liên quan đến chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, bảo quản; nguồn kinh phí mua vaccine cũng như phạm vi sử dụng vaccine tại Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh, thành phố khác…
TP Hồ Chí Minh: Đặt lịch cho người bị hoãn tiêm vaccine COVID-19
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành; bệnh viện công lập, ngoài công lập; phòng khám đa khoa, chuyên khoa; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và quận, huyện, yêu cầu các điểm tiêm chủng giải thích, lên lịch hẹn và chuyển tuyến cho những người buộc phải trì hoãn tiêm vaccine phòng COVID-19.
Các y bác sỹ Quận 3 tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho người trên 65 tuổi trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại điểm tiêm trường tiểu học Trần Quốc Thảo. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN
Theo Sở Y tế, trong quá trình tổ chức tiêm chủng, cơ quan này ghi nhận nhiều trường hợp bị trì hoãn tiêm chủng hoặc cần chuyển vào bệnh viện nhưng không được hướng dẫn, theo dõi và hẹn lịch tiêm tiếp theo.
Nhằm hỗ trợ người dân được tiêm vaccine đầy đủ, đảm bảo những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng được theo dõi và sắp xếp tiêm chủng khi có đủ điều kiện, Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở tiêm chủng chỉ đạo các đội tiêm, nhân viên y tế phụ trách khám sàng lọc xác định đúng nhóm trì hoãn tiêm chủng, giải thích rõ cho người đi tiêm về nguyên nhân trì hoãn tiêm.
Theo đó, đối với những lý do trì hoãn ngắn ngày (đang dùng thuốc, đang mắc bệnh cấp tính...), đội tiêm có trách nhiệm hướng dẫn người dân thời điểm có thể trở lại điểm tiêm để đánh giá, nếu tình trạng sức khỏe ổn định hoặc không còn lý do trì hoãn thì thực hiện tiêm vaccine.
Đối với những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm thì đã có quy định là họ có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiệm tại bệnh viện, cơ sở điều trị. Các đơn vị cần tăng cường đánh giá kỹ tình trạng sức khỏe của người đến tiêm, xử trí chuyên môn để tạo điều kiện cho người dân được tiêm ngay tại chỗ.
Đối với người có bất thường về mạch, huyết áp thì tùy theo năng lực và phạm vị chuyên môn của bác sĩ khám sàng lọc, điều kiện thực tế của điểm tiêm mà có thể được xử trí theo phác đồ điều trị, nếu ổn định được các chỉ số trong giới hạn cho phép thì họ được tiêm vaccine.
Đối với những trường hợp tiêm tại điểm tiêm ngoài bệnh viện, nếu đội tiêm đánh giá bắt buộc phải chuyển tuyến tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện thì người cần tiêm được chuyển đến bệnh viện phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại của người dân, trong đó, đội tiêm cần giải thích rõ cho người dân lý do chuyển tuyến tiêm chủng và thông tin về bệnh viện sẽ được chuyển.
Đồng thời, lực lượng chức năng cần cung cấp cho người dân một bản Phiếu sàng lọc trước tiêm vaccine phòng COVID-19, lưu ý ghi rõ tên bệnh viện chuyển đến và lý do chuyển tiêm chủng để làm căn cứ cho người dân đến tiệm tại bệnh viện.
Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tích cực tiếp nhận người được chuyển tuyến và thực hiện tiêm vaccine. Nếu ghi nhận việc chuyển tuyến không hợp lý thì bệnh viện vẫn cần tiêm vaccine cho người dân, đồng thời chủ động phản hồi với trung tâm y tế, nơi đề nghị chuyển tuyến để rút kinh nghiệm với đội tiêm.
Theo số liệu của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt tiêm chủng thứ 5, từ ngày 22/7 đến nay, thành phố đã tiêm được 2.295.773 người. Sáng 9/8, Bộ Y tế đã bổ sung cho Thành phố Hồ Chí Minh 600.000 liều vaccine Astra Zeneca để tiếp tục triển khai việc tiêm chủng.
Phó chủ tịch TP HCM: 'Vaccine Vero Cell đang được Bộ Y tế thẩm định' Theo ông Dương Anh Đức, một triệu liều Vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm mà TP HCM vừa nhận đang trong quá trình thẩm định, nếu đạt chất lượng sẽ tổ chức tiêm như các đợt trước. Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống...