TP Hồ Chí Minh kiến nghị đón khách quốc tế có ‘hộ chiếu vaccine’, không cần cách ly
UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất thí điểm đón khách quốc tế ngay trong tháng 12/2021 và không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “ hộ chiếu vaccine”.
Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch tại ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm đón khách quốc tế.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, lý do để TP Hồ Chí Minh kiến nghị được sớm đón khách quốc tế là căn cứ vào việc TP Hồ Chí Minh đã hội đủ một số điều kiện cần thiết khác để đón khách du lịch quốc tế, như: tỉ lệ người dân được tiêm vaccine hiện đạt mức cao; hệ thống y tế sẵn sàng về nhân lực, vật lực, trang thiết bị vật tư và đã có kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh trong phòng chống dịch…
Ngoài ra, qua nghiên cứu một số thị trường trọng điểm, TP Hồ Chí Minh nhận thấy khách quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu đến TP Hồ Chí Minh theo các mục đích du lịch, thương mại, công vụ, hồi hương, thăm người thân… khá cao. Chỉ tính các trường hợp có nhu cầu được nhập cảnh của các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, nhà quản lý, lao động tay nghề cao trong 8 tháng năm 2021, đã có hơn 11.215 người từ 111 quốc gia là người nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, số người nhập cảnh qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là 10.614 người, chiếm 94,6%.
Tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao cũng đang tạm thời công nhận “hộ chiếu vaccine” của hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang trao đổi với gần 80 đối tác khác để công nhận lẫn nhau đối với “hộ chiếu vaccine”. Hiện tại, 5 địa phương là Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương thí điểm đón khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine”.
Thực tế, một số nước có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Singapore… cũng đang tích cực áp dụng “hộ chiếu vaccine” để từng bước mở lại hoạt động du lịch quốc tế và bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực.
Từ đó, TP Hồ Chí Minh kiến nghị thí điểm tổ chức đón khách du lịch quốc tế từ tháng 12 và mở rộng phạm vi đón khách trong năm sau; không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”. Quá trình thí điểm chia làm 3 giai đoạn; trong đó, giai đoạn đầu từ tháng 12/2021 sẽ cho phép doanh nghiệp lữ hành quốc tế đủ điều kiện theo quy định được phép hoạt động đón khách quốc tế theo chương trình du lịch trọn gói, thông qua chuyến bay thuê bao và chuyến bay quốc tế thường lệ…
Video đang HOT
Điều kiện khách du lịch quốc tế phải đáp ứng là có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận (không áp dụng đối với trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ). Thời gian tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 (đối với loại vaccine 1 mũi) có hiệu lực đủ 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh; hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hay các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 6 tháng.
Du khách có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm).
Du khách phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 50.000 USD hoặc tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Để góp phần triển khai thí điểm đón khách thuận lợi, UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ phục hồi các chính sách miễn, giảm thị thực nhập cảnh đối với thị trường khách quốc tế đến Việt Nam như giai đoạn trước khi xuất hiện dịch COVID-19.
Bàn cách mở lại đường bay quốc tế an toàn
Cơ sở để mở lại đường bay quốc tế; các nước mở lại đường bay quốc tế như thế nào; chính sách hỗ trợ mở lại đường bay quốc tế an toàn; bay quốc tế thường lệ đến những quốc gia, vùng lãnh thổ nào trước tiên...
là hàng loạt câu hỏi được lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp hàng không họp bàn ngày 10/11 để tháo gỡ, sớm mở cửa lại bầu trời quốc tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế, du lịch trong nước.
Đề xuất bay lại quốc tế đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất mở lại đường bay quốc tế thường lệ từ quý I/2022 với cả hành khách có hoặc không có "hộ chiếu vaccine" theo 3 giai đoạn, đến 13 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, từ cuối tháng 3/2020 đến nay, do tác động của dịch COVID-19, các chuyến bay quốc tế đến và đi Việt Nam đều được cấp phép theo hình thức: Chiều từ Việt Nam đi được phép chở khách và hàng hóa, chiều vào Việt Nam chỉ được chở hàng và việc chở khách phải được cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận. Từ tháng 4/2020 - 9/2021, đã có 274.000 người nhập cảnh qua đường hàng không, tuân thủ chặt chẽ các quy định nhập cảnh, phòng chống dịch.
Nối lại đường bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không.
Đối với chuyến bay quốc tế thường lệ có vận chuyển hành khách đến (được sự cho phép nhập cảnh của các cơ quan có thẩm quyền) và đi từ Việt Nam hiện chỉ có 19 hãng hàng không nước ngoài và 1 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang khai thác. Các đường bay giữa Việt Nam và 13 quốc gia, vùng lãnh thổ trung bình có hơn 130 chuyến bay/tuần mỗi chiều. Giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021, có xấp xỉ 7.500 chuyến bay quốc tế chở khách 2 chiều, với 350.000 lượt hành khách, hệ số ghế trung bình là 13,27%.
Trước nhu cầu trên, trong giai đoạn bình thường mới, Bộ GTVT đề xuất bay lại thường lệ quốc tế theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 triển khai từ quý I/2022, tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế). Đối tượng là công dân Việt Nam và người nước ngoài. Thị trường khai thác là 15 quốc gia, vùng lãnh thổ (Trung Quốc, Hồng Công, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Úc). Tần suất khai thác 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên, bao gồm các điều kiện phòng dịch đi kèm.
Giai đoạn 2 triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang hộ chiếu vaccine từ quý II/2022. Thị trường triển khai thực hiện theo nhu cầu của các hãng hàng không, tần suất 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không. Hành khách mang hộ chiếu vaccine và thực hiện tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 - 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hành khách chưa có hộ chiếu vắc xin cách ly tập trung 14 ngày.
Giai đoạn 3 khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu tuỳ thuộc vào diễn biến dịch và tỷ lệ tiêm vắc xin của Việt Nam và thế giới. Thị trường và tần suất khai thác sẽ do các hãng hàng không tự quyết định, triển khai từ quý III/2022.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ quyết định thời điểm cụ thể triển khai các giai đoạn thực hiện nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách trên cơ sở báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chuyến bay hành khách tự trả chi phí cách ly (combo) trong tình hình mới, các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại 7 một số địa phương (Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam) và kết quả thực hiện của từng giai đoạn.
Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn?
Tại tọa đàm "Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn?" ngày 10/11 do báo Giao thông tổ chức, các chuyên gia hàng không đã thảo luận, tháo gỡ các giải pháp mở cửa bầu trời quốc tế an toàn, bền vững, tránh mở rồi lại đóng lại và cách ứng phó, thích ứng kiểm soát dịch.
Công tác phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu khi nối lại bay quốc tế.
Theo Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, kế hoạch đề xuất của Bộ GTVT mở lại các đường bay quốc tế xuất phát từ thực tiễn, từ kinh nghiệm các nước và từ chính nhu cầu cuộc sống để tái lập các chuyến bay vì nhiều mục đích khác nhau như: Đầu tư, thương mại, du lịch, nghiên cứu thị trường, ngoại giao...
Từ đầu tháng 2/2020 cho đến nay, đã gần 2 năm Việt Nam dừng các đường bay quốc tế, tương tự nhiều quốc gia. Hiện nay, các nước trên thế giới đã mở cửa hàng không, Việt Nam không phải ngoại lệ. Ngành Hàng không có thể tiếp tục các chuyến bay cứu hộ công dân, sử dụng rộng rãi hình thức khách tự trả chi phí cách ly nhập cảnh do Bộ Ngoại giao điều tiết, phù hợp với năng lực phòng chống dịch và khả năng tiếp nhận cách ly của các địa phương, từng bước tạo niềm tin cho khách quốc tế. Mở cửa bay quốc tế, ngành Hàng không sẽ có đánh giá ban đầu về quy trình thực hiện chuyến bay chở khách quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài chia sẻ, Cảng luôn trong tâm thế sẵn sàng để được mở cửa trở lại bất cứ lúc nào thông qua các chương trình triển khai tới toàn bộ các đơn vị phục vụ mặt đất, hàng không/phi hàng không... để đảm bảo hạ tầng xanh, phương tiện xanh, con người xanh... Những nỗ lực này không chỉ trong nước, mà cả các tổ chức quốc tế đã công nhận. Nhờ đó, toàn bộ hành khách, nhân viên tại cảng an tâm, chủ động đón khách.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Vietnam Airlines đánh giá, việc mở lại bay quốc tế hiện tại là cần thiết sau thời gian dài đóng cửa. Để đảm bảo mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng dịch, lộ trình mở cửa mà Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT là phù hợp, hàng không cần lựa chọn thị trường khách từ các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) nêu quan điểm, để mở cửa bay quốc tế, mở cửa lại du lịch an toàn, ngành Du lịch đã sẵn sàng đón khách, từng bước khôi phục thị trường. Vấn đề phòng chống dịch hiện nay là ưu tiên hàng đầu khi mở cửa, với phương châm chống dịch thay đổi từ Zero Covid sang sống chung, cộng với độ phủ tiêm vaccine nhanh, việc mở cửa là hợp lý. Ngành Du lịch xác định mở lại hoạt động du lịch quốc tế, giải quyết mọi tình huống phát sinh trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương, để có kinh nghiệm trong giai đoạn tiếp theo.
"Tạo điều kiện tối đa cho du khách có hộ chiếu vaccine. Trong tương lai, hộ chiếu vaccine sẽ được áp dụng rộng rãi và đây là một phần mềm mà các nước tự xây dựng. Nhiều tổ chức quốc tế khác đang muốn tạo lập một phần mềm thống nhất để áp dụng chung trên phạm vi rộng và được các quốc gia công nhận, có sự tin tưởng được Chính phủ các nước xác nhận tham gia vào chương trình đó. Việt Nam cũng đang tích cực tham gia để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong, ngoài nước", ông Võ Huy Cường cho hay.
"Đề xuất nối lại bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không; thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh", kế hoạch của Bộ GTVT nêu rõ.
Đề xuất Thủ tướng cho mở cửa đường bay quốc tế không cần hộ chiếu vaccine Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất mở lại đường bay quốc tế thường lệ ngay từ quý I/2022 đối với cả hành khách có hoặc không có hộ chiếu vaccine. Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 8/11, Bộ GTVT cho biết, từ cuối tháng 3/2020 đến nay, do tác động của...