TP Hồ Chí Minh khởi động sớm thị trường hàng Tết
Bước sang tháng 11, thị trường hàng Tết tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu khởi động với nhiều hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm.
Các tình nguyện viên tham gia lựa chọn sản phẩm Xanh tại siêu thị Co.opmart Thắng Lợi, quận Tân Phú. Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN
Cùng với đó, doanh nghiệp ở một số ngành hàng cũng công bố kế hoạch chuẩn bị hàng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến người tiêu dùng, cùng với chương trình ưu đãi cho khách hàng.
Cụ thể, Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) công bố đã chuẩn bị đầy đủ nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với tổng ngân sách hơn 710 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong đó, Vissan xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30% so với cùng kỳ; 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Vissan cho biết, để đảm bảo ổn định cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ tháng 6/2022, công ty đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu sản xuất, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau Tết. Cùng với sự chuẩn bị nguồn hàng Tết, Công ty Vissan luôn cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết; cũng như thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 5% đến 10% tại các điểm bán sản phẩm của công ty.
Còn bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân chia sẻ, doanh nghiệp sẽ tăng 20% sản lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đồng thời, là doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường, nên phải chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá bán ổn định trên thị trường thành phố.
Ở góc độ nhà bán lẻ, đại diện trung tâm MM Mega Market tại TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn hàng chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 dự kiến tăng 20-30% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và tăng từ 40-50% so với ngày bình thường. Đặc biệt, những mặt hàng dự báo có sức mua tăng mạnh trong Tết sẽ được tăng nguồn cung như mặt hàng tươi sống, bánh kẹo; sản phẩm tốt cho sức khỏe…
Video đang HOT
Ghi nhận thực tế trên thị trường TP Hồ Chí Minh, tại nhiều hệ thống bán lẻ như Satra, Saigon Co.op. AEON… cả doanh nghiệp và nhà bán lẻ đều khởi động kế hoạch đưa hàng Tết lên kệ và tiếp thị đến người tiêu dùng. Trong đó, các đơn vị này cũng tái cơ cấu lại nhóm ngành hàng, ưu tiên giới thiệu sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Lý giải nguyên nhân khởi động thị trường hàng Tết sớm, một số đơn vị sản xuất, kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cận Tết Dương lịch 2023 dẫn đến thời gian mua sắm Tết của người dân bị rút ngắn lại nên dự báo có nhiều người dân có nhu cầu mua sắm Tết sớm hơn. Bên cạnh đó, hiện tại thị trường giá cả một số mặt hàng biến động, trong đó có giá nguyên liệu đầu vào nên việc chuẩn bị và triển khai kế hoạch hàng Tết sớm sẽ giúp đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động nguồn cung và đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, giúp khách hàng chọn mua sản phẩm trong điều kiện tiện lợi và nhanh chóng, đơn vị sản xuất, kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh mở song song kênh bán hàng trực tiếp (offline) và trực tuyến (online). Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ cũng tăng cường hợp tác và mở rộng hoạt kinh doanh trên đa dạng nền tảng thương mại điện tử liên kết như SendoFarm, Foody, Grab, Loship, TikiNgon, Pinnow…
Mặt khác, lần lượt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bán lẻ… trên địa bàn TP Hồ chí Minh đã gửi danh mục hàng hóa bình ổn thị trường về Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh với cam kết tăng cung, giữ ổn định giá, nhất là đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hiện tại, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố khá sôi động, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa, đa dạng chủng loại để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt cao điểm cuối năm
Về phía ngành Công Thương, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, sở sẽ phối hợp cùng hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện phong phú hoạt động kích cầu mua sắm cuối năm, gồm: Chương trình Khuyến mại tập trung – Mùa mua sắm trên địa bàn thành phố năm 2022 (đợt 2) với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa Xuân”; Hội Nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2022; Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng năm 2022…
Riêng đối với công tác khảo sát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã và đang phối hợp với chính quyền thành phố Thủ Đức, quận, huyện trên địa bàn và nhiều địa phương khác đảm bảo giải pháp bình ổn thị trường. Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022 – Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố sẽ bám sát chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19″.
Thống kê cho thấy sẽ có hơn 40.000 tấn hàng hóa được cộng đồng doanh nghiệp lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Cùng với đó, doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cung ứng từ 25%-43% nhu cầu thị trường, với dự báo sức mua trên thị trường Tết năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm của người đân tăng cao, từ đầu quý IV/2022 cho đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng nguồn cung hàng hóa cung ứng ra thị trường. Điển hình, mặt hàng đường đạt 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481 tấn, trứng gia cầm 54,4 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn và gia vị 1.600 tấn…
Báo cáo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh vừa công bố cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2022 trên địa bàn thành phố đạt 94.933 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 78,7% so với cùng kỳ. Tính 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ, tăng cao ở tất cả các ngành.
Trong tháng 10/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì mức tăng nhẹ ( 1,4) thể hiện nhu cầu hàng hóa và giá cả không có nhiều biến động. Tuy nhiên, doanh thu các dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch lữ hành tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 9/2022 đến nay, do kỳ nghỉ hè đã hết và thời tiết đã chuyển sang mùa mưa bão.
TP Hồ Chí Minh phát huy hiệu quả của chương trình bình ổn giá
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng vọt, chương trình bình ổn thị trường của Thành phố vẫn đang phát huy hiệu quả.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị ngày 21/10.
Ngày 21/10, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo "Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" nhằm tổng kết, đánh giá những thành công, hạn chế cũng như bài học kinh nghiệm trong 20 năm qua.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, chương trình bình ổn giá trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được triển khai lần đầu năm 2002, nhằm ổn định giá cả các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Sau 20 năm thực hiện, chương trình đã có sự chuyển biến căn bản từ nhận thức "bình ổn giá" sang nhận thức "bình ổn thị trường", điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn khó khăn nhất, cụ thể là đại dịch COVID-19 đã cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố nói chung, doanh nghiệp bình ổn thị trường nói riêng đã chủ động, sáng tạo, kịp thời ứng phó tình hình mới, phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, khẳng định được vai trò dẫn dắt thị trường, góp phần cùng Thành phố giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, duy trì các chuỗi cung ứng trong giai đoạn này.
"Đại dịch cũng giúp chúng ta nhận ra nhiều thách thức, tồn tại, hạn chế, yếu kém cần khắc phục, điển hình là chuỗi cung ứng hàng hóa nói chung, chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu nói riêng, vẫn còn rời rạc, dễ bị đứt gãy. Đại dịch cũng chỉ ra cơ hội lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh, thích nghi, đó là sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử. Đặc biệt trong mùa dịch, chương bình ổn giá đã ngăn được tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá để trục lợi, hạn chế tình trạng nâng giá tùy tiện...", bà Phan Thị Thắng cho biết thêm.
Cũng theo bà Phan Thị Thắng, sau 20 năm triển khai, chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu, phát triển đồng bộ hệ thống phân phối, kiểm soát hiệu quả thị trường, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá như dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014, biến động giá trong giai đoạn dịch COVID-19 năm 2020-2021... Qua đó, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của Thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.
Hiện nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường đang tăng vọt, chương trình bình ổn thị trường của thành phố vẫn đang phát huy hiệu quả. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bảo đảm cung ứng hàng hóa mà không bị áp lực về giá. Một số mặt hàng lương thực thực phẩm và hàng thiết yếu thuộc chương trình bình ổn đang duy trì mức giá ổn định, thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Đây là một chương trình chứng minh cho tinh thần đổi mới, sáng tạo và truyền thống nghĩa tình của TP.
Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giá giúp người tiêu dùng có nhiều lợi ích khi mua sắm.
Theo thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, Thành phố đã có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, gồm 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm. Tổng doanh thu chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2012-2022 ước đạt hơn 189.000 tỷ đồng; trong đó mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến là các nhóm hàng quan trọng, chiếm 18% đến 33% tổng doanh thu của chương trình.
Tổng sản lượng hàng bình ổn thị trường ngày càng lớn, chiếm lĩnh thị phần cao, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Cụ thể, năm 2022, lượng hàng trứng gia cầm bình ổn thị trường chiếm 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, đường chiếm 21,3%, thịt gia súc chiếm 18,6%...
Bình Thuận: Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho cây thanh long Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu nông sản, tỉnh Bình Thuận đang đẩy mạnh triển khai cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp, qua đó, tạo điều kiện cho nhiều loại nông sản mở rộng thị trường xuất khẩu. Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận phát...